Apr 2, 2008

Tây Du Ký 2 - Doãn Quốc Hưng


Sáng chủ nhật mùng 05 tháng 04, Philippe chở con về Paris để lấy xe lửa từ ga “Lyon đèn vàng” đi Salon Sur Saone, nơi ABB Pháp đặt trụ sở. Công ty này đã mời tổng cộng bảy người từ bảy công ty ABB tại các nước: Brazil, Tàu, Pakistan, Cezch, Slovalia, Ba Lan và Việt Nam tới dự khoá huấn luyện về sản phẩm. Cũng rất thú vị khi được tiếp xúc cùng lúc với nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Có một sự xung đột vui về văn hoá trong nhóm. Số là anh chàng Pakistan trẻ tuổi, đã từng đi du học ở Mỹ 4 năm, nên có cá tính cũng rất Mỹ: nhanh nhẹn, nhiệt tình, sôi nổi. Chỉ có điều tai hại là trong một số buổi ăn tối, anh chàng đã thành thật ca ngợi cuộc sống ở Mỹ hết lời trước mặt các vị Pháp chủ nhà và các thành viên Châu Âu khác! Tất nhiên là anh ta đã nhận được sự phản bác ra trò, nhất là từ vị khách Slovakia. Ông ta độ khoảng ngũ tuần, có một phong cách rất Châu Âu: thưởng thức rượu vang như một hình thức của văn hoá, ăn uống cầu kỳ, thuộc văn học, lịch sử … Một trong những mẩu đối thoại giữa hai vị này như sau:
- Slovakia: Vì sao anh nghĩ rằng sống ở Mỹ thú vị hơn?
- Pakistan: Dân Mỹ rất “nice”!
- Nhưng tôi cũng nhận thấy dân Pakistan, Brazil, Việt Nam… như quý vị ở đây cũng “nice” chứ đâu phải chỉ có dân Mỹ!
- Người Mỹ rất hăng hái trong khi làm việc. Họ chỉ dành khoảng ½ giờ cho buổi ăn trưa, sau đó quay trở lại với công việc. Ở đây, người ta dành quá nhiều thời giờ cho việc giải trí, ăn uống.
- Nhưng tôi đây khi cần thiết cũng thường xuyên làm việc đến 2 giờ khuya là chuyện thường. Ngược lại, tôi lại không thể sống theo cách sống vô vị của người Mỹ. Tôi đã từng sang thăm người em ruột sống ở Newyork. Tôi đã thấy người Mỹ đi như chạy, trên tay là lon Coca Cola và fast food. Tôi nghĩ rằng chẳng có gì có thể lôi kéo tôi trở lại Mỹ một lần nữa.

Sáng hôm sau, con đã phải khuyên anh chàng Pakistan đừng có tranh luận về đề tài này nữa, mặc dù có thể con cũng đồng cảm với anh ta. Ở Việt Nam, tụi con vẫn thường so sánh Sài Gòn như nước Mỹ, còn Hà Nội như nước Pháp vậy. Tùy vào tính người, quan điểm sống, người này người nọ có thể thích Sài Gòn hay Hà Nội hơn. Con thì có thể thưởng thức nhiều thứ ở Hà Nội nhưng sống và làm việc thì Sài Gòn vẫn hợp hơn. Sự thật là rất ít người bỏ Sài Gòn ra Hà Nội để lập nghiệp. Ngược lại thì rất nhiều. Và rất ít trong số những người Hà Nội vào trong Nam sinh sống dám nhận rằng mình có thể enjoy cuộc sống trong Nam (Mai Tồ là một trong những số người “can đảm” đó!) Cái đó mình vẫn hay nói đùa là “cái tính sĩ diện hão” của dân Bắc, phải không Bố Mẹ?


Tối thứ sáu ngày 10 tháng 04, ngay sau khi kết thúc khóa học, con rời Chalon Sur Saone để đến Lyon. Tại đây, con đi đến làng Hồng (gần Bordeaux) bằng một chuyến xe lửa suốt đêm chạy từ Đông sang Tây của Pháp. Cùng đi với con là chú Chơn Thuyên và chú Đông, hai người Việt rất dễ thương sống ở Lyon. Riêng chú Chơn Thuyên là người của dòng tu Tiếp Hiện, là bác sỹ châm cứu, thường lên làng để châm cứu cho Thầy. Chú rất ái một Bố; khi gặp con là chú gởi tặng ngay cuốn “Đi” mà chú mua được tại Pháp.

Con ở làng được hai ngày: thứ bảy và chủ nhật. Con được gặp thầy Nhất Hạnh, cô Chín sau 20 năm chỉ biết qua thư từ và sách vở. Con vẫn không quên được những năm tháng Bố ở tù đợt một, bên cạnh việc Mẹ xoay sở đủ mọi cách, sự giúp đỡ của cô Chín đã giúp gia đình nhà mình vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt nhất này. Khi con ngồi nói chuyện với thầy Nhất Hạnh, con có kể lại cho thầy nghe rằng từ những năm 1982, một trong những buổi họp mặt “đại học bỏ túi” của nhà mình, Bố đã thuyết trình, tóm tắt cho con cháu về tinh thần chính của cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức”. Về sau này, nó đã trở thành “con đường” tụi con đi để luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống. Thực ra, tinh thần ấy tụi con đã nhận ra từ nếp sống của Bố Mẹ, của anh Hai Lộc; từ những buổi thuyết pháp của thầy Thanh Từ; từ biết bao kinh sách Phật Giáo khác. Cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” chỉ là một phương cách để đem chúng vào áp dụng trong từng giây phút của cuộc sống thường nhật mà thôi. Thầy và cô Chín đều rất quý trọng Bố Mẹ, cứ thắc mắc mãi khóa tu học năm ngoái tổ chức ở Mỹ, cô Chín có mời mà sao bố mẹ không tham dự được. Năm nay sẽ lại có một khoá tu mùa hè ở Mỹ, cô dự định sẽ mời Bố Mẹ lần nữa, Bố Mẹ sắp xếp đi nhé.


Hai ngày sống ở làng thật bổ ích cho con. Nó đang và sẽ còn ảnh hưởng rất lâu đến đời sống hàng ngày của con sau này. Những gì diễn ra ở đây đối với con không hoàn toàn mới lạ. Một ngày chánh niệm gồm những công việc: ngồi thiền vào buổi sáng sớm, buổi thuyết pháp của Thầy, buổi ăn trưa trong chánh niệm; tất cả mọi động tác đều được ý thức một cách trọn vẹn… Cô Chín có hỏi con rằng nghe Thầy nói chuyện có thấy gì khác không. Con trả lời rằng không, vì tinh thần đó con đã tập sống cả gần 20 năm nay rồi. Nhưng trong một môi trường như vậy: khung cảnh thanh bình, những người chung quanh đều là bạn hữu, người tham dự không còn bị chi phối bởi cuộc mưu sinh hàng ngày, thì tự nhiên con người dễ cảm thấy an nhiên tự tại hơn, dễ tìm lại được chính mình hơn. Để rồi sau đó khi quay lại bôn ba giữa chợ đời, với muôn ngàn âu lo của cuộc sống, mình dễ có được một giây phút tỉnh táo, ý thức rằng mình đang bị chúng cuốn đi, nếu không cẩn thận thì mình có thể quên đi mục đích của cuộc sống suy cho cùng chỉ là niềm vui và hạnh phúc. Con đã sống hai ngày trọn vẹn với một ý thức như vậy.

Ở làng còn có một người nữa, mà chỉ qua phong thái, mình cũng cảm nhận được sự an lạc trong tâm hồn. Đó là thầy Giác Thanh, mà vào năm 1992, khi thầy về Việt Nam, thầy có ghé thăm Bố Mẹ và gọi Bố bằng “Giáo Sư”. Thầy vừa trải qua một cơn bịnh thập tử nhất sinh, tiểu đường di chứng lên đến phổi, tưởng đã không qua khỏi. Ấy vậy mà với một thể trạng như vậy, khi ngồi uống trà, chuyện trò, con vẫn thấy thân tâm của thầy hoàn toàn thư thái. Giống như sự sống chết đã chẳng còn làm xao động được thầy nữa rồi; cũng giống như ấn tượng của con về thầy Thanh Từ vậy. Đạo Phật rất cần có những người như vậy, như một minh chứng của một hướng đi, một cách sống tạo ra niềm vui và niềm an lạc.

(Còn tiếp)

1 comment:

Hot... said...

Thiet la tao co tum tim cuoi khi doc den doan doi thoai do vi cu~ng co nguoi sung bai nuoc My nhu tao. Chi co dieu ong P nay khen la nuoc My nice ma khong co bang chung hung hon de^? chung minh nice lam sao. Ong chi co bang chung ve suc nang dong va nhiet huyet of nuoc My. Cai nay phai cong nhan la du'ng vi nuoc My tre? hon. Hay ong P nay cung co the tu*. ha`o ve suc doan ket of nuoc My, dien hinh ngay sau vu. 911 "United, we stand!". Ve suc doan ket nay thi da^n nhap cu My nu*?a mu`a nhu* tao ma` cu~ng phuc sat da^'t. No' lam minh ca?m thay minh la` 1 pha^`n of no', khong pha?i du*'ng ben le^` nhu* nhap cu* song o nhung nuoc khac.

Nhung ong S cung du'ng la nhieu nuoc khac cu~ng nice lam ma.



Nhu*ng tao rat thich thu loi so sanh of Hung lay SG & HN de so sanh ve My vs. Chau Au.

Anyway, P da mac sai lam nghiem trong khi du.ng den van de sensitive nay.



Phan sau of bai #2 ve 2 ngay o lang Hong rat la hay (hay hon phan doi thoai tren nhieu)

Da~ doc luon bai #3 roi.

Post tiep Hongkong du, Thuysi du...di. Tao me^ du lich nen thich nghe nhan xet va` cam nghi of nguoi khac ve de tai nay lam.

Thank you for...posting!

Linh