Nov 30, 2022

BỐ SỸ 100 TUỔI


Theo yêu cầu của BTC (chú THBích) cho buổi chúc mừng Thượng Thọ Bách Tuế sắp đến của ông Sỹ, 6 Vinh được yêu cầu tóm tém lại một video clip (khoảng 15 phút) về cuộc đời, gia đình và sự nghiệp của bố DQS. Cả nhà xem chơi cho vui nhé...

6 Vinh
 



https://youtu.be/sDihoFWw5-Q

Nov 24, 2022

CẢI ĐẠO - Doãn Cẩm Liên

Cải đạo hay theo đạo mới để được vợ hay được chồng; cải đạo để cứu rỗi cơn đau đớn trên giường bệnh, phút lâm chung; cải đạo vì niềm tin và yêu một đấng tối cao tôn giáo khác với tôn giáo cũ... là đề tài mới xuất hiện trong đầu tôi. Nó rất nhạy cảm hay có thể nói rất rất rất… nhạy cảm mà người viết này lạm bàn tới. Vì rất e ngại những bất hòa có thể xảy ra nên người viết chỉ dám sờ đến một mảng chút xíu của đề tài thôi. Với mong muốn hòa khí luôn được giữ cho thật đẹp đẽ với những bạn của mình.

Phải khẳng định ngay từ đầu là bất cứ tôn giáo nào trên thế giới này đều hướng thiện và tốt đẹp. Đạo nào cũng dẫn dắt tín đồ của mình làm điều lành tránh dữ, giúp con người được an trong cuộc sống, được hạnh phúc với người người và với cộng đồng mình đang hòa mình sống chung. Xin thưa chúng mình luôn giữ cái tính chất này trong suốt bài đọc.

Cải đạo có nghĩa là mình đang theo đạo này nay lại bỏ nó đi để theo đạo khác. Nói cách khác, niềm tin thay đổi từ một vị tối cao của tôn giáo này chuyển sang một vị khác ở tôn giáo khác. Cải đạo là một hành động tốt cho một người khi họ đang tự hướng mình đi lên cao hơn trong phần tâm linh. Sự suy nghĩ và sự vận động của não bộ trong người cải đạo còn rất tốt.

Cải đạo khi còn trẻ, khi còn minh mẫn sáng suốt đó là một sự thăng hoa cao đẹp. Người cải đạo biết mình đang làm gì và muốn làm gì. Niềm tin mới sẽ giúp người này biến thành một người mới. Tốt hay xấu cũng do từ việc người này sử dụng niềm tin đúng hay sai mà thôi. Phần lớn là tốt hơn.

Đó là một bước ngoặc tốt!

Do vì người cải đạo có một não bộ tốt nên họ biết mình cần gì, muốn gì khi thay đổi niềm tin tôn giáo. Một anh chàng yêu một cô gái, vì chàng ta muốn có nàng làm vợ, chàng quyết định cải đạo để được vợ. Một quyết định đúng đắn. Và ngược lại, cô nàng muốn chồng mình và gia đình chồng chấp nhận mình, cả nhà được vui vẻ và mình được thương yêu trong gia đình mới này. Nàng cải đạo. Một hành động đúng và hữu ích.

Thế nhưng…

Một người trên giường bệnh, căn bệnh trầm kha, khoa học y khoa, bác sĩ và dược sĩ đã dốc tâm chữa trị mà không thành công. Người bệnh quay sang cầu cứu đức tin. Nếu đức tin vào đấng tối cao của tôn giáo mình đã và đang theo cũng không chữa trị được thì người này chuyển đổi vị tối thượng của niềm tin. Ở người bệnh, suy nghĩ của họ thường đôi khi không còn sáng nữa. Họ bị những cơn đau hoành hành, họ bị thuốc chữa bệnh làm lu mờ trí não, họ bị thuốc giảm đau làm tê liệt những tế bào suy nghĩ… Cho nên, họ thường được sự khuyến khích của những bạn bè thân quen xa gần cho việc cải đạo. Lúc này quyết định có nhiều phần do người khác làm dùm người bệnh. Cải đạo xảy ra khi người đang bịnh hoạn trên giường, đang trong giờ hấp hối là một việc làm ít sáng suốt nhất. 

Do vậy, niềm tin của người bệnh chưa chắc là của chính mình mà đó là niềm tin của người xung quanh. Những người xung quanh tin rằng nếu người bệnh yêu mến đấng tối cao của mình thì họ có thể hết đau hoặc được cứu rỗi nếu người bệnh chết đi.  

Niềm tin này được gọi là niềm tin đặt để. Mức độ hiệu quả có không? Dạ thưa có. Nhưng ít hay nhiều thì chưa ai chuẩn đoán đúng hết được. Vì hiệu lực có được sẽ dựa vào đức tin của chính đương sự. Niềm tin nó cần phải đi từ tự tâm của chính người bệnh. Hiệu lực sẽ hiển hiện cho chính đương sự thấy trước tiên. Kế đến người ngoài có thấy được hay không cũng còn tùy.  

Có một cụ bà thấy con gái mình chuyển đạo trên giường bệnh. Cụ đã từng thấy con gái mình dốc lòng tin và hành đạo khi khởi bịnh, cho đến khi số mệnh thắt chặt lại. Cô mệt mỏi và buông xuôi cho các bạn hành động. Các bạn của cô ta thương cô còn trẻ, đẹp, và nhiều tài năng mà số phận bệnh nghiệt ngã quá sớm. Nên đã quyết định và hành động dùm cô là chuyển đạo, chuyển niềm tin cho cô. Cô gật đầu hết. Và ra đi. 

Lễ cải đạo được tổ chức tưng bừng và lớn lao. Có nhiều vị chức sắc của tôn giáo làm lễ chứng giám, thế nhưng có chắc là đức tin của người bệnh đủ lớn không? Đức tin của người bệnh hay chỉ là đức tin của người xung quanh mà thôi?

Mẹ già nhìn cảnh này không ngăn cản nhưng bà nghĩ: “Mẹ không biết khi con chết thì linh hồn con có biết đi về đâu không? Thuở trước, cả một thời gian dài tin vào một vị nay đến phút lâm chung mới đổi một vị khác thì con có đủ thời gian xây dựng niềm tin mà theo vị mới này không?” “Mẹ chỉ e ngại lúc ấy con bơ vơ nhất mà không có nơi nương tựa mà thôi!”

Đó là điểm mấu chốt mà cụ bà đã gõ vào sự suy nghĩ của người viết. Người viết viết xuống để chúng ta cùng suy nghĩ. 

Xin thưa và  ghi nhớ rằng đạo nào cũng tốt cả.

California, ngày 23 tháng 11 – 2022

Doãn Cẩm Liên


Nov 21, 2022

DỌN DẸP TẠP NIỆM - Doãn Cẩm Liên

“Dọn dẹp tạp niệm”, đó là câu mà cụ Sỹ thường nói khi cầm kéo để cắt. Cắt gì? Khi thì cụ cắt cây cối ngoài vườn của con gái. Cho đến một lúc vườn cây cũng hết lá để cắt, hết cây vứt ngoài đường nhặt về cho bố có việc làm, đâu phải lúc nào cũng có hoài!? Thế là các con cụ nghĩ ra một cách hay nhất mà vẫn đáp ứng đủ ba yêu cầu: giúp cụ “dọn dẹp tạp niệm”, giúp báo đọc xong được cắt vụn trước khi ra thùng rác, giúp vườn cây của con không bị “bức tử”. 

Cụ thích ngồi cắt, cắt gì cũng được miễn là tay làm và tâm thì sạch tạp niệm.

Do vì nặng tai nên sự giao tiếp với các con trong nhà cũng ít ỏi hơn. Các bạn văn và học trò đến thăm Cụ thì đều có cùng một kịch bản:

- Sinh quán của bạn ở đâu?

- Đầu làng quê tôi có một dòng sông nhỏ gọi là Tô Giang. Thuở tập tọng viết văn tôi lấy bút hiệu là “Tô Giang Khách”. Thế mà con sông nay dần cạn trở thành ao rau muống. Thế mới thấy “Sông nay giờ đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”…

Những ai thường gặp Cụ chắc cũng phải thuộc làu với những mẩu chuyện đại khái là thế.

Trở lại chuyện cắt giấy để dọn dẹp tạp niệm của Cụ Sỹ, chắc do vì không còn nghe rõ tiếng nói của mọi người xung quanh nên Cụ Sỹ thường rút vào thế giới riêng của Cụ. Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo. Với những tờ báo khổ lớn thì cụ gấp đôi rồi cắt, gấp đôi nữa và cắt, gấp đến mấy lần nữa cho đến khi miếng giấy vừa tay cầm, sau đó xếp lớp chúng lên cạnh bàn bên cạnh. Và lấy từng lớp từ trên xuống dưới để cắt. Tay Cụ thiệt là khéo léo khi cầm giấy đưa vào lưỡi kéo, miếng giấy được xoay tròn để cắt, cho đến hết không thể cắt được nữa mới thôi.

Những thiền sư ngồi thiền với tâm an tịnh như thế nào thì tâm Cụ Sỹ chắc cũng chẳng khác.

Có lần con gái hỏi Cụ:

- Bố, giữa khuya bố còn ngồi thiền như thuở trong tù không?

- Không con. Lúc nào bố chẳng hành thiền. Đâu cần phải ngồi đâu!

- À, thì ra thế.

Thôi thì cụ già 100 tuổi mà vẫn đi đứng, nằm ngồi mà không cần người trợ giúp. “Job” cắt giấy con giao cho Cụ hoàn tất không một lỗi lầm. Hoàn thành nhanh gọn và lẹ, trước hạn định và ngoài sự mong muốn của lũ con. 

Cụ Sỹ thương con cháu quá, thưa rằng là vậy. Con cháu không trông mong gì hơn nơi Cụ. Chỉ mong Cụ cứ sống an nhiên tự tại như việc ngồi cắt giấy và đến ngày nào Cụ buông xuôi “job cắt giấy” để trở về với Ông Bà Tổ Tiên thì hay lúc đó.

Thật mong là thế!

California, ngày 20 tháng 11 – 2022

Doãn Tư Liên 

Ghi chú: Viết theo gợi ý của chị Trùng Dương: "Cần ghi lại hình ảnh và câu chuyện cắt giấy của Cụ Sỹ."