Sep 29, 2022

CHÚ HỀ "CLOWN" VÀ NHÂN VẬT HÁT BỘI - Doãn Cẩm Liên


Đây là một nhận xét rất hay của anh Chí, một thành viên của gia đình Sư Phạm Sài Gòn chúng tôi, sau khi đi xem “O show – Circle Du Soleil” về. Anh ấy nhận thấy sự giống nhau về việc vẽ mặt của hai loại hình sân khấu: Tây phương “chú hề” và “nhân vật tuồng Hát Bội” của Việt Nam. Các chú Hề và các nhân vật Hát Bội đều vẽ mặt, tô phấn màu, nhuộm râu tóc để nói lên tính cách hay nhân cách mà họ đang diễn.

Dùng bút vẽ, bột màu vẽ lên khuôn mặt để diễn tả tính cách, cá tính của một nhân vật là một nghệ thuật tạo hình và tạo nhân cách của ngành hóa trang cả Đông lẫn Tây phương. Tìm kiếm sự khác biệt giữa Đông và Tây thì chắc chỉ là lời thoại có hay không mà thôi.

Nhận thấy rằng cả hai phía Tây và Đông đều rất thành công trong việc hóa trang nơi mặt, tóc tai, râu ria, khiến khán giả có thể nhận ra ngay tính cách nhân vật ở cái nhìn đầu tiên. Mỗi đường chì kẻ trên mặt là thể hiện một cá tính, mỗi màu sắc của từng vùng trên khuôn mặt đã làm cho người đội lốt thể hiện tính cách của nhân vật. Khán giả hiểu thấu những điểm nhấn này sẽ rất thích thú vì sự đa dạng của ngành hóa trang.

Ở các chú hề Tây phương họ thường không nói. Họ diễn giống như đang đóng phim hay kịch câm. Do vậy, họ đã tận dụng những cơ bắp nào có thể chuyển động trên khuôn mặt, cộng thêm nét vẽ và màu sắc để lột tả hết nhân tính của vai diễn. Rõ rệt nhất là vùng miệng, chân mày, mí mắt là những nơi có cơ thịt chuyển động. Những nơi này được vẽ và tô màu phủ rộng hơn để khi cơ bắp chuyển động thì nó chuyển động luôn cả một khối màu. Cái miệng của chú hề rất rộng, được tô màu đỏ, màu trắng hoặc màu gì khác để có thể diễn tả niềm vui khi hai cơ má kéo căng lên. Nỗi buồn thì hai cơ má để xụ xuống. Sự ngạc nhiên thì miệng mở, cằm trệ xuống. Đó là cái miệng to của chú ấy đang diễn.

Cặp chân mày có thể được vẽ xếch lên để diễn tả sự ngạc nhiên, giận dữ. Chân mày cong vòng xuống là thể hiện sự lo sợ, rón rén, hoặc nũng nịu của chú hề. Vẽ chân mày là điểm nhấn thứ yếu so với cái miệng, nhưng không thể thiếu.

Mắt, lẽ dĩ nhiên độ to phải cân xứng với miệng và chân mày. Nhưng kỹ thuật hóa trang thường chọn mắt để thể hiện tính cách của nhân vật. Nó có thể nói lên đây là một người hiền lành với hình dáng hạt hạnh nhân mở to. Người vui tính hay cười thì mắt thuôn dài có đuôi. Cái đuôi mắt này ai mà chẳng có khi cười! Người ác, hung dữ là cặp mắt xếch được phết màu đỏ vằn vện. Hoặc là ma quỷ thì hố mắt to và đen, đôi khi có màu đỏ của những đường gân máu. Đã nói là nghệ thuật thì muôn hình vạn trạng được sáng tạo bởi người họa sĩ vẽ mặt. Khán giả thì tha hồ mà tưởng tượng thêm.

Mũi, chú hề thường được bọc bằng núm tròn to màu đỏ. Chẳng hiểu vì sao mũi phải to và đỏ? Có phải chăng những điểm nhấn này đều mang ý nghĩa và phù trợ thêm lối diễn xuất tay chân của chú hề.

Tất cả những nét vẽ cùng màu sắc đều mang tính biểu tượng và có phần hơi quá đáng để khán giả thấy rõ ràng hơn tính cách của chú hề. Vai diễn của chú hề còn được sự phù trợ bởi trò đùa, trang phục, đạo cụ là thế.

Cũng vậy, ở Hát Bội phần hóa trang cũng có nhiều điểm tương đồng với chú hề Tây phương. Nghệ thuật này có phần thâm nhập sâu vào tích cách nhân vật. Trong Hát Bội thường có ba vai: tướng, kép, đào. Màu sắc được vẽ trên mặt là để nói lên tính cách những nhân vật đó. Mặt đỏ, đây là người thẳng thắn, trí dũng trung liệt và nghĩa khí. Mặt trắng là người diện mạo đẹp trai, thư sinh, nhu mì và trong sáng. Người mặt xanh da trời thì mang tính xảo quyệt và mưu mô, nhưng chưa phân biệt được tốt hay xấu. Mặt tô màu lục là người không chung thủy. Mặt vàng và bạc bảo rằng đây là nhà tu hành có tính thần tiên. Đóng vai nịnh thần hay gian thần thường tô mặt trắng mốc, xám, hồng lợt, vỏ cua. Vai trung thần thường để mặt thật, má hồng. Khuôn mặt vằn vện đen, trắng thì mang tính bộc trực và nóng nảy. Vằn vện đen mà còn xen kẽ đỏ thì nhân vật này có nhiều phần yêu ma quỷ quái tính.

Hình dạng lông mày cũng nói lên tâm tính, tuổi tác của nhân vật. Tả một người cao tuổi, có tính cách thần thánh hay tiên ông thì vẽ lông mày màu trắng. Đường kẻ lông mày mềm mại và đơn giản biểu hiện một nhân cách hiền lành. Một người kiêu ngạo và đắc ý về mình thì cặp lông được vẽ uốn lượn, bay múa. Người nóng tính được thể hiện ở cặp lông mày thẳng dốc hoặc có viền đỏ. Lông mày cau có nói lên rằng người này trầm tư, sầu muộn. Còn người gian xảo hay xu nịnh thì có cặp chân mày ngắn.

Trong Hát Bội, phần trang điểm bộ râu cho vai diễn nam, mang tính trung thần hay xu nịnh, góp phần quan trọng không kém phần vẽ màu. Vì cứ nhìn vào bộ râu mà khán giả có thể đoán được ai vào với ai: quan văn râu xanh hay đen dài. Quan văn trung thần râu bạc ngắn. Lão võ thì râu trắng hoặc bạc dài. Vai yêu ma quỷ cái với bộ râu bắp hung đỏ. Tướng quân ngoại bang thì đeo râu đỏ. Râu đen ngắn đội lốt kép núi. Bộ râu ba hoặc năm chòm, suông dài là vai người đôn hậu, trầm tĩnh, hoặc quý phái. Còn người nóng tính và dữ dằn thì phải đeo râu xoắn. Vai thường dân, nông dân, dân chài, hay tiêu phu thì râu ngắn ba chòm… Ôi thật là thiên hình vạn trạng khiến khán giả phải bối rối. Tuy nhiên, cứ xem Hát Bội bằng một cách thật chú tâm thì nhận ra được hết các vai diễn và tính cách của sự hóa trang.

Công phu và tâm sức người hoạt động trong nghệ thuật hóa trang thật là vô vàn vô kể cho nghệ thuật sân khấu. Những ghi nhận của người viết chỉ là hạt muối bỏ biển về hai bộ môn nghệ thuật chú Hề - Clown và Tuồng Hát Bội. Ghi ra đây cũng là một hình thức học hỏi và ghi nhớ những thành quả của nhân loại đã đạt được cho đến thế kỷ 21 này. Và cũng để ghi ơn những nghệ nhân cùng những họa sĩ hóa trang đã và đang mang lại thật nhiều màu sắc cho đời sống nhân loại. 

California, ngày 29 tháng 9 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Dữ liệu được lấy từ:

https://rucospa.vn/trang-diem-hat-boi/

https://www.google.com/search...


NHỮNG CÂU CHUYỆN HẬU TRƯỜNG CỦA PHIM "THE SOUND OF MUSIC" - Anh Quân


Thành phố Salzburg nổi tiếng là nơi sanh của thần đồng âm nhạc Mozart, nhưng càng nổi tiếng hơn khi chọn địa điểm quay phim “The Sound of Music”. 

Tổng dân số của Salzburg chỉ hơn 150 ngàn người , hàng năm có hơn 300 ngàn người đi tới đây với mục đích duy nhất là thăm viếng và nghe các câu chuyện sau hậu trường của cuốn phim hay nhất trong mọi thời đại. 

Kế hoạch sản xuất phim bắt đầu vào năm 1963 và bắt đầu bấm máy quay phim tại Salzburg vào mùa xuân 1964. 

Đạo diễn Robert Wise có dự tính là 6 tuần quay phim tại các địa điểm đã chọn lựa, phải trả một chi phí vô cùng tốn kém là vé máy bay và nơi cư ngụ cho một đoàn phim gồm có diễn viên, nhân viên tổng quát, nhân viên kỹ thuật, nhóm quay phim , nhân viên sân khấu , nhóm phân cảnh và còn phải gọi thêm nhân viên kỹ thuật người Đức từ thành phố Munich. Thời khoá biểu làm việc phải tính chính xác từng ngày. Dự trù là đúng 6 tuần nhưng rồi phải thua ông trời vì thành phố Salzburg là nổi tiếng là có mưa rào , cuối cùng phải mất hết 11 tuần quay phim. 

Bốn khách sạn được thuê tại Salzburg dành cho đoàn phim, riêng khách sạn “Bristol” là dành cho nam diễn chính Christopher Plummer và các bà “Ma sơ”. Vậy mà câu chuyện ngoài luồng là mỗi buổi tối ông Plummer uống rượu và đờn Piano thì có một cái gái trẻ luôn ngồi với ông , đó là nữ diễn viên Charmian Carr , ở vai cô trưởng nữ nhà họ Trapp, tên là “Liesl”. Khi đóng phim này, Chaimian tuổi đã 21 , không phải là cô gái dưới vị thành niên, bởi vậy có chuyện gì xảy ra giữa hai người thì chỉ trời biết. 

Một cảnh trong phim mọi người sẽ nhớ về Charmian là : Cô nhảy múa trong toà nhà kiếng hát bài “Sixteen Going On Seventeen”. Hôm đó cô mang đôi giày mới , nhảy lên ghế dài , sau đó nhảy xuống bị trợt chân và bong gân. Cô liền uống hai viên aspirins, rồi tiếp tục múa tiếp. Khi chấm dứt phần quay phim, tất cả đoàn phim đứng dậy hoan hô cô và đây là một kỷ niệm đáng nhớ nhất của Chairmian. 

Nam diễn viên Christopher Plummer không hề thích cuốn phim “The Sound of music” chút nào cả, ông còn nói xỏ tên cuốn phim là “The Sound of Mucus – Âm thanh của chất nhầy”. Ông Plummer đóng vai chính cuốn phim này vì ông thích hát mà thôi. Tuy nhiên có một vài bài hát, phải lồng âm vì chất giọng của ông không đủ mạnh khi hát chung với nữ diễn viên Julie Andrews.

Ông Plummer còn ra điều kiện cảnh chót trong phim là phải leo núi vượt biên giới, ông sẽ không cõng đứa bé nếu tròn trịa và mập ú. Nên vậy ông đạo diễn phải chọn cô bé tí hon Kym Karath ở vai con gái út nhà họ Trapp là Gretl. 

Tuy nhiên mọi người đều phải đồng ý Plummer thủ vai thuyền trưởng tàu ngầm Von Trapp một cách xuất sắc.

Nhân đây kể thêm là nước Áo không có biển thì sao ông Von Trapp gia nhập được nghành hải quân. Vào thế kỷ 19 là Áo – Hungary – Croatia là một quốc gia rộng lớn, mà phần đất Croatia giáp biển, sau chiến tranh thứ nhất thì Áo trở thành quốc gia riêng biệt , lý do vậy ông VonTrapp là người sĩ quan giải ngũ vào năm 1924, cũng vào năm đó vợ ông qua đời. Vào năm 1938 , Áo sát nhập với Đức , thì Hitler có kêu gọi ông gia nhập vào đoàn quân Đức quốc xã, thì ông Von Trapp trả lời “cả đời tôi chỉ phục vụ cho một vị Hoàng đế nước Áo mà thôi”. 

Nữ diễn viên Julie Andrews rất cô đơn trong thời gian đóng phim “ The Sound of Music” vì bà vừa sanh con được 18 tháng, bà phải đem con đi theo , vào mỗi tối bà phải ở lại trong khách sạn trông con, mà không có thời gian đi chơi. Phải nói bà Julie là người tốt, mặc dù đã có 3 người con bà vẫn nhận 2 trẻ mồ côi ở Việt Nam làm con nuôi vào năm 1974.

Cô bé Kym Karath lúc diễn vai Gretl được 5 tuổi mặc dù trước khi đóng phim “sound of music” , cô đã có diễn xuất cho 3 cuốn phim, mà cũng không dễ dàng cô đóng chung với 6 người trong vai con của Von Trapp. Vì quá bé để chơi chung với các bạn trẻ, nên thường hay bị một mình riêng rẻ. 

Chắc người xem điều nhớ cảnh chèo xuồng trên hồ nước trong phim của 7 đứa con ông Von Trapp , khi Von Trapp trở về thấy đám con mình ngồi trên xuồng như các con khỉ con , ghe lắc qua lắc lại , rồi cả đám té rầm xuống hồ. 

Cảnh té xuồng được bàn tính là khi cô bé Gretl té xuống hồ là Julie Andrews phải nhảy ra đỡ lấy bé vì không biết bơi. Rất may người bấm máy quay cảnh này lần đầu không một lỗi lầm. Sau đó đạo diễn Wise yêu cầu quay lần thứ hai thì Julie Andrews đứng sai phía nên không kịp đỡ bé Gretl, may một người nhảy xuống kịp cứu lấy em. Sau đó bé Gretl không chịu diễn xuất cảnh hồ nước. 

Vào mùa xuân nước hồ tại Áo còn rất lạnh, vì suýt chết đuối ,  nên kể từ khi đóng xong cảnh té xuống hồ là Kym Karath bị ám ảnh và sợ nước cho đến ngày hôm nay. 

Kym Karath nói hồi đóng phim chỉ có 5 tuổi , giờ 64 tuổi thì Kym không còn nhớ bao nhiêu khi đi đóng phim “The Sound of Music”. 

Một khó khăn nữa trừ trưởng nữ “Liesl” đã ở tuổi trưởng thành, còn các vai trong 7 người con như Friedrich (trưởng nam) , Brigitta (thứ nữ) và Kurt (thứ nam) ở tuổi đang lớn nên cứ quay phim kéo dài thì các cô cậu này sẽ có chiều cao hơn xưa. 

Còn cô bé áp út Marta thì ở tuổi mất răng, nên các răng sữa không còn làm phải để răng giả thì gặp khó khăn khi hát. 

Tất cả các diễn viên đóng vai con của ông Von Trapp đều làm việc vất vả và chăm chỉ nhưng cả đám rất là nghịch ngợm , ngoại trưởng nữ và út nữ thì 5 người còn lại tìm cách trêu chọc mọi người, chẳng hạn như thấy người đi bộ ngoài đường , các cô cậu này đứng trên phòng khách sạn ném đá vào các người đó. Thời đó , các khách sạn ở Áo có việc đánh giày cho khách hàng , thì trước khi đi ngủ , giày để ngoài cửa để đem đi đánh. Các em này lấy tất cả giày tầng thứ hai , đem lên tầng ba và tầng ba đem xuống tầng hai. Làm loạn lên cả khách sạn, suýt nữa ông quản lý khách sạn tính đuổi hết 7 cô cậu ra khỏi khách sạn, làm ông diễn viên Wise phải năn nỉ để được ở lại. 

Thời gian đóng phim ở Salzburg đối với 7 cô cậu này là chuyến phiêu lưu. Trong thời gian rảnh là có giáo viên tới dạy tiếng Đức. 

Những ngoại cảnh được tính quay vào lúc bắt đầu công việc nhưng các cơn mưa cứ làm gián đoạn. Làm cho phải làm một vài cảnh giả trong phim trường như “Sixteen going Seventeen” và “Something Good”. Ngoài ra cảnh trong nhà kính Gazebo không thể quay được vì ánh sáng chiếu vào ở nhiều góc cạnh khác nhau, nên không thể nào điều khiển ánh sáng. 

Tuy nhiên có một cảnh không tốn kém là quay mưa và sấm sét vì một thành phố nhiều mưa, chắc người xem qua phim nhớ cảnh sấm sét và mưa gió làm cho 7 cô cậu sợ quá phải chạy vào phòng ngủ của Maria. Đây là cảnh thật trong phim. 

Một cảnh phim vô cùng rắc rối và phức tạp là đoạn gần chót là cả gia đình trình diễn buổi thi văn nghệ của gia đình tại Salzburg, ông Von Trapp hát bài “Edelweiss” từ giả mọi người. Cảnh quay được chọn tại “Rock Riding School”, cả ngàn người được thuê làm khán giả, thời tiết ở Áo lúc đó vào tháng 4 mà vẫn còn lạnh chỉ trên Zero vài độ C , mà tất cả khán giả phải mặc y phục mùa hè. Nhưng cái khó khăn nhất là những cái vòm (arches) là không đủ ánh sáng, người xem chắc nhớ là lính canh gác đứng dưới vòm hết toàn khu vực. Vì vậy tất cả đèn chiếu và máy phát điện toàn châu âu được đặt mua để cung cấp ánh sáng trong việc quay phim.  

Mới vào phim “Sound of Music” , cảnh Maria đứng hát trên vùng đất bao la , đồi núi chập chùng , đây là cảnh quay xuất sắc nhất và nhờ đó cuốn phim càng trở nên nổi tiếng. Để quay được cảnh đó, đoàn phim phải đi tới vùng Bavaria , đây là bang lớn nhất của nước Đức , thành phố Munich trong bang này và được xem trái tim của trung Âu. Họ phải tìm một ngọn núi thích hợp, quay phim là từ chiếc trực thăng và khi bấm máy phải tính sao thời gian hoàn hảo giữa diễn viên và người quay phim. 

Một người phải núp trong bụi rậm với máy gọi cầm tay , khi nhìn thấy chiếc trực thăng ở đúng địa điểm quay là kêu ngay “Go , Julie”. 

Vì cánh quạt trực thăng quạt quá mạnh nên vô cùng khó khăn cho Julie Andrews đứng thẳng người, sau 10 lần quay thì Julie trở nên bực dọc như muốn bỏ cuộc. Cả đoàn quay phim làm việc vô cùng vất vả. Ngoài việc trời khi mưa khi gió và có những lúc lạnh lẻo , mọi người phải chịu đựng , chưa kể nhà vệ sinh cách đó trên cả miles. 

Vào ngày 3 tháng 7 năm 1964, cảnh chót của cuốn phim là cả gia đình Von Trapp vượt đồi núi qua Thuỵ Sĩ , cảnh này có tên là “The hills are Alive”, thì đạo diễn Wise và cả đoàn phim trở về Hollywood vào ngày 6 tháng 7 để quay tất cả những đoạn phim trong phim trường.

Theo thuật lại của gia đình Von Trapp thì họ không chọn hướng đi Thuỵ Sĩ vì không thuận đường, họ đi qua Italy vì gia đình có giấy thông vào Ý, sau đó cả gia đình đi London để đón tàu thuỷ qua Hoa Kỳ , khi họ đến nơi chỉ có $4 trong túi mà thôi. 

Phim “The Sound of Music” được chiếu xuất đầu tiên vào ngày 2 tháng 3 năm 1965, tại rạp Rivoli – New York. Sau vài tuần là đi khắp nước Mỹ và cháy vé trong vài tháng đầu. Nhiều khán giả lúc đó đã rơi nước mắt khi nghe Christopher Plummer đứng trên sân khấu hát bài “Edelweiss”, bài hát “16” đầy mộng mơ cho tuổi xì tin, những quốc gia nói tiếng Anh hay các trường học chuyên dạy tiếng Anh thì các em thiếu nhi đều lớn lên với tất cả các ca khúc trong phim và nhất là bài “Do Re Mi”. 

Kể từ năm 1965, thành phố Salzburg trở thành "City of the Sound of Music". 

- Anh Quân

Chú Thích về hình ảnh 

Hình 1: Khi chiếc xe buýt ngừng , Maria xuống xe , tay cầm túi xách và cây đờn guitar , vừa nhảy vừa hát. Đây là lối đi trước khi gõ cửa nhà ông Von Trapp

Hình 2: Nhìn vào cảnh này ai cũng biết - “Sixteen Going On Seventeen”.

Hình 3, 4, 5: Mirabell Palace and Gardens – là nơi Maria nhảy chung quanh bồn phun nước và hát bài “Do Re Mi”. 

Hình 6: Leopoldskron Palace - hồ nước 7 người con Von Trapp chèo xuồng và té xuống nước , phía sân sau là nơi Von Trapp và Maria dìi nhau với điệu Valse 

Hình 7 và 8: Mondsee Cathedral – Nơi Von Trapp và Maria kết hôn

Hình 9: The hills are Alive - Cảnh chót cả gia đình Von Trapp đi qua Thuỵ Sĩ . Họ gọi là Unterberge , nếu đi trèo lên là mất hai tiếng, tuy nhiên có thể đón xe buýt rồi ngồi dây cáp lên mất khoảng $30..

Còn thiếu một số nơi tổ chức đoàn không đưa đến hoặc xe chỉ đưa ngang qua không cho xuống chụp hình như : 

·      Cầu sắt Mozart khi Maria dắt cả nhóm qua cầu sắt đi tới công viên 

·      Nonberg Abbey chỗ cư ngụ của các Ma Sơ và hát bài giải quyết vấn đề của Maria 

·      Rock Riding School: nơi thi văn nghệ và Von Trapp hát bài “Edelweiss”. Giờ nơi đây vẫn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn nghệ và nhà hát ca kịch 

·      Villa Trap : Nhà của Von Trapp, sau khi hai vợ chồng đi tuần trăng mật về, ông Trapp thấy cờ Đức quốc xã và xé cờ. Giờ nơi đây thành khách sạn 

·      The Archbishop’s Residence : Ở ngay trung tâm thành phố , nơi Maria băng qua sân rộng để đi tới nhà Von Trapp và hát bài “I have confidence in me”. 






VIENNA CENTRAL CEMENTERY - NGHĨA TRANG TRUNG TÂM THÀNH PHỐ VIENNA

Nghĩa trang Trung tâm thành phố Vienna là một trong những nghĩa trang lớn trên thế giới về số lượng mai táng tại đây. Chẳng những vậy còn là nghĩa trang nổi tiếng nhờ là nơi chôn cất đa tôn giáo. Người đến thăm sẽ thấy phần dành cho Phật giáo, phần của đạo Hồi giáo, phần khác của Tin Lành , thêm phần của đạo Nga giáo Orthodox và cuối cùng là phần chôn cất của  Do Thái giáo. 

Nhưng phải nói sự viếng thăm đông đảo nhất là mộ của nhà soạn nhạc cổ điển tài ba trên thế giới là Ludwig van Beethoven, cùng với những nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như mộ của Franz Schubert, Johannes Brahms, dòng họ Strauss và vv… Ngoài các nhà soạn nhạc thì khá đông các nhân vật nguời Áo từ các lãnh vực như thể thao, điện ảnh, ca sĩ như ông Falco với bài hát “Rock Me Amadeus” vào năm 1985,  các nhà văn , nhà điêu khắc , nhà thơ …. Còn có thêm linh cữu của các nhân vật quyền lực và bậc vương quyền quí tộc tại Áo. Nhiều lăng mộ nhận ra là của các gia đình giàu có nhưng có một ngôi mộ vô cùng đơn sơ để đối nghịch các mộ chạm trổ lộng lẫy và bia khắc cầu kỳ là ngôi mộ của ông Karl Eugen Neumanna (1865 – 1915) là người tiên phong đưa Phật học vào Châu âu.

Nghĩa trang Vienna được xây cất vào năm 1863, có diện tích là 2.4 km vuông, hơn 330 ngàn hầm mộ và 3 triệu cái quan tài . 

Người Vienna hay nói đùa là Nghĩa trang trung tâm của Vienna “chỉ bằng một nửa thành phố Zurich, nhưng vui chơi thì hơn gấp đôi” (thật ra câu này là so sánh thành phố Vienna và Zurich, nhưng người Vienna thấy nghĩa trang nơi họ ở quá to lớn vì cũng là cái lớn đứng nhì tại Châu âu,  nên họ đem ra so sánh cho vui). Tuy nhiên dân số người mất chôn cất tại đây đông gần gấp đôi cư dân đang sống trong thành phố Vienna. 

Trung tâm của nghĩa trang là ngôi nhà thờ La Mã “St. Charles Borromeo Cemetery Church”. 

Thật mà nói nếu đi thăm viếng Vienna mà không đến  Nghĩa trang Trung tâm thành phố Vienna là một điều thiếu xót, ngoài việc “chiêm bái vĩ nhân” mà còn không gian màu xanh qua những hàng cây rợp mát , mọi người sẽ hưởng không khí trong lành , được thư giản giúp chúng ta giảm thiểu được những sự mỏi mệt về tinh thần. 

Những ai yêu âm nhac cổ điển khi đến nghĩa trang này sẽ cảm thấy nghe được các bản giao hưởng của các nhà soạn nhạc cổ điển lỗi lạc vì cảm giác bình an và không gian im ắng để nghĩ đến điệu nhạc du dương “Dòng sông xanh – the Blue Danube” của Strauss hay tiếng hát của Thái Thanh, quả thật tuyệt vời !!!

- Anh Quân
















Sep 27, 2022

SCHÖNBRUNN PALACE - CUNG ĐIỆN MÙA HÈ - Anh Quân


Cung điện Schonbrunn là công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư Johann Bernhard Fischer von Erlach nổi tiếng xây dựng lên. Có thể nói, cung điện này quan trọng nhất văn hóa của nước Áo. Cung điện Schonbrunn được xây dựng theo lối kiến trúc Baroque và đây chính là nơi nghỉ ngơi vào mùa hè của hoàng gia Áo. Thế nên cung điện này được gọi là cung điện mùa hè.

Cung điện Schonbrunn bao gồm 1.441 phòng với 1 vườn hoa có kiến trúc tuyệt đẹp. Mặc dù rộng lớn như thế, nhưng điều kỳ lạ là cung điện này lại không có một nhà bếp nào. Hầu hết công việc nấu nướng phục vụ hoàng gia đều được thực hiện tại 1 tòa nhà khác và thức ăn được đưa vào cung điện hàng ngày.

Chính sự nổi tiếng của cung điện đã tạo nên vẻ đẹp vô cùng tráng lệ cũng như lộng lẫy nơi đây. Bên cạnh đó, cung điện và vườn Schonbrunn còn được biết đến bởi 1 lý do khác đó chính là vào thế kỷ 19, cung điện chính là nơi ở của hoàng đế Franz Josefl I cùng với vợ của ông, nữ hoàng Elizabeth của xứ Bavaria. Đặc biệt, nữ hoàng Elizabeth được người dân thế giới biết đến tên gọi là hoàng hậu Sissi.

Những sự kiện đáng nhớ xảy ra trong cung điện Schonbrunn. 

Napoleon 

Nã Phá Luân sống tại đây từ 1806 đến 1809 và vua Francis Joseph I chào đời tại đây năm 1830 cũng như sống những năm cuối đời tại cung điện này. Cung điện được triều đại Habsburg dùng làm nơi nghỉ mát trong những tháng hè.

Đặc biệt cung điện Schonbrunn là nơi hoàng đế nước Pháp Nã Phá Luân (Napoléon) đã từng cư ngụ trong một thời gian. Tại sao hoàng đế nước Pháp là Nã Phá Luân lại sống trong hoàng cung nước Áo? Cách mạng Pháp năm 1789 làm chấn động cả Âu Châu, các thế lực phong kiến châu Âu liên kết để tấn công nước Pháp.

Năm 1796 các nước Anh, Nga, Áo liên kết với nhau tập trung tấn công nước Pháp. Chính phủ Pháp phái 4 đạo quân ra chận đánh và Nã Phá Luân được bổ nhiệm làm tư lệnh đạo quân thứ 4 đánh sang nước Ý để ngăn chận quân Áo. Năm 1800 Nã Phá Luân thân chinh cầm quân vượt dãy núi Alps sang Ý đánh đoàn quân Áo tan tác tại mặt trận Marengo.

Sau thất bại đó liên quân Anh, Áo, Nga phải ký hòa ước Amiens trả lại Pháp những thuộc địa của Pháp trước kia. Nã Phá Luân có công đánh thắng những kẻ thù của Pháp nên đầu năm 1804 ông tự thăng làm hoàng đế nước Pháp lấy hiệu là Napoléon Đệ Nhất.

Năm 1806 nước Anh không cam chịu thất bại đã thành lập một liên minh mới chống Pháp nhưng đã bị Nã Phá Luân đánh bại tại Austerlitz. Thừa thắng ông chiếm luôn kinh đô Vienna của Áo và Áo phải gả công chúa Marie Louise cho Nã Phá Luân làm vợ lẻ để cầu hòa.

Để trấn giữ mặt trận Đông Âu, Nã Phá Luân dùng cung điện Schonbrunn như hoàng cung thứ hai sau Paris…”

Mozart 

Vào năm 6 tuổi , thần đồng âm nhạc Mozart được phép vào điện Schobrunn để trình diễn trước gia đình Hoàng gia. Lúc ấy chẳng may Mozart té ngã thì Công Chúa Marie Antoinette đã đỡ lấy Mozart , cả hai người tuổi cở nhau , Mozart mới nói với Antionette là “bạn rất tốt , sau này lớn lên tôi sẽ xin cầu hôn với bạn”, sau đó Mozart còn hôn lấy Antionette. 

Sau này Marie Antoinette kết hôn với Vua Lousis XVI của Pháp và bà trở thành thàng một Vương hậu gây tranh cãi nhất, không chỉ đối lịch sử Pháp mà còn lịch sử Châu âu vào cuối thế kỷ 18. 

Thượng đỉnh Kennedy-Khrushchev

Cung điện Schobrunn là nơi Tổng Thống Kennedy và Tổng Bí Thư Krushchev có buổi hợp thượng đỉnh trong hai ngày 3 và 4/6/1961. Hơn 1,500 phóng viên quốc tế tập hợp về Vienna để đưa tin. 

Hai lãnh tụ cường quốc với giàn cố vấn họp trong bầu không khí giá lạnh. Khrushchev dùng những lời lẽ đao to búa lớn để hù dọa đối phương. Kennedy càng tỏ ra chừng mực và từ tốn chừng nào, Khrushchev lại càng lấn lướt chừng nấy. Thậm chí theo lời một người trong cuộc, Khrushchev “mắng” Kennedy như mắng trẻ con.

Kết thúc hai ngày họp, thượng đỉnh Vienna không đem lại một kết quả cụ thể nào. Trước khi ra về Khrushchev dọa Kennedy và phương Tây trước viễn cảnh nổ ra chiến tranh. Tổng thống Mỹ lễ phép đáp lời Chủ tịch Liên Xô : « Nếu như vậy thưa Ngài, thì chiến tranh sẽ xảy ra. Đó sẽ là một mùa đông buốt giá… »

Rời Vienna, Khrushchev biết rõ ông đã áp đảo được đối phương và buông lời nhận xét về Kennedy như sau : « Hắn quá trẻ, chưa đủ già dặn, rất thông minh, nhưng quá nhu nhược ».

JFK thì buột miệng than với các cộng tác viên là ông đã thực sự bị Khrushchev « xơi tái ». Nhưng qua cuộc chạm trán đó, Kennedy tin chắc tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô chỉ muốn « nắn gân » nước Mỹ : Matxcơva sẽ không khai chiến vì Berlin hay vì Đông Đức, bởi « có điên mới lao vào cuộc chiến » mà Khrushchev chắc chắn không phải là người điên.

Cấm chụp hình trong điện Schobrunn – nên đây là điều đáng tiếc không thể ghi lại những hình ảnh trong cung điện.


- Anh Quân 







Sep 25, 2022

STADTTEMPEL NGƯỜI DO THÁI TẠI VIENNA - Anh Quân

Stadttempel dịch qua tiếng Anh là “City Prayer House” (tạm dịch tiếng Việt là Nhà cầu nguyện tại đô thành) là một ngôi Nhà Thờ Do Thái (Synagogue) tại Innerer Stadt - quận 1 ở Vienna. 

Nhà thờ này được xây cất từ năm 1824 – 1826 trong một dãy phố sang trọng và khuất tầm nhìn ra đường phố, vì một sắc lệnh do Hoàng đế Joseph II ban hành rằng chỉ những nơi thờ tự của Công giáo La Mã mới được phép xây dựng. mặt tiền nhìn thẳng ra đường phố công cộng.

Nhờ sắc lệnh này đã cứu giáo đường khỏi bị phá hủy hoàn toàn trong thời kỳ Kristallnacht vào tháng 11 năm 1938, lúc đó Đức quốc xã muốn tiêu huỷ mọi thứ liên quan đến người Do Thái, nhưng vì ngôi nhà thờ này cất trong dãy phố nếu phá huỷ bằng lửa thì sẽ đốt hết các dãy phố và toàn cả khu vực. Trong thời gian chiến tranh thứ II, quân đội bán quân sự của Đức quốc xã với sự giúp đỡ chính quyền đã phá hủy tất cả 93 giáo đường Do Thái khác và nhà cầu nguyện của người Do Thái ở Vienna, sự khởi đầu của làn sóng diệt chủng người Do Thái có tên gọi là Kristallnatch (đêm kính vỡ). 

9-11-1938 là một đêm đau thương của người Do Thái. Vào đêm đó, hàng trăm ngôi giáo đường đạo Do Thái bị phóng hỏa, vô số ngôi nhà và cửa tiệm do người Do Thái làm chủ đã bị cướp phá, khoảng 1.000 người bị giết chết và hơn 30.000 người Do Thái đầu tiên đã bị lùa vào các trại tập trung.

Các vụ tấn công này đánh dấu sự bắt đầu của cuộc đàn áp bạo lực do nhà nước của những đầu óc bệnh hoạn thực hiện chống những người Do Thái mà chỉ kết thúc vào lúc Đế chế thứ ba (Third Reich) bị tiêu diệt sụp đổ hồi năm 1945. Có khoảng 6 triệu người Do Thái ở châu Âu đã bị phát xít Đức thảm sát, hầu hết trong các trại tập trung với những phòng hơi ngạt và những lò thiêu người kinh hoàng.

Vào ngày 29 tháng 8 năm 1981 đã xảy ra một cuộc tấn công khủng bố tại Stadttempel do hai kẻ khủng bố của Tổ chức Abu Nidal thực hiện. 

Vụ tấn công bằng súng và lựu đạn hàng loạt đã giết chết hai người và làm bị thương 18 người khác khi tham dự một buổi lễ phục vụ Bar mitzvah tại Stadttempel ở Vienna vào ngày 29 tháng 8 năm 1981. Hai kẻ khủng bố đã tiến vào Đền thờ Israelite 155 tuổi ở khu vực Seitenstettengasse, trung tâm Vienna, đóng giả là người Do Thái. Những kẻ khủng bố sau đó đã bắn nhau với hai cảnh sát trên người đã bị thương.

Hai kẻ tấn công một người Palestine, Marwan Hasan, 25 tuổi, sống ở Jordan và Hesham Mohammed Rajeh, 21 tuổi, sinh ra ở Iraq, đã bị kết tội khủng bố và cố ý giết người. Cả hai đều nhận án chung thân. 

Cho đến năm 2020 xảy ra thêm vụ tấn công gần Giáo đường Do Thái này, một loạt các vụ xả súng xảy ra vào ngày 2 tháng 11 năm 2020. Vài giờ trước khi thành phố Vienna phải phong toả do đại dịch COVID-19, một tay súng đơn độc bắt đầu xả súng ở trung tâm thành phố đông đúc. Bốn dân thường thiệt mạng trong vụ tấn công và 23 người khác bị thương, 7 người nguy kịch, trong đó có một cảnh sát. Kẻ tấn công đã bị cảnh sát tiêu diệt và sau đó được xác định là một cảm tình viên ISIL. Các quan chức nói rằng vụ tấn công là một vụ khủng bố Hồi giáo. 

Nên vậy tại Stadttempel giờ luôn có lính và cảnh sát canh gác để giữ an ninh trong khu vực.

Một điều đáng để ý là khi đến thăm một ngôi nhà Do Thái, đều trước tiên người đến viếng sẽ thấy một thanh dọc có hình tròn hay chữ nhật gắn bên phải cánh cửa. Tuỳ theo ý từng chủ nhà là sử dụng nguyên liệu khác nhau như gốm, đá, gỗ hay kim loại đồng và bạc để tạo ra thanh dọc và ở bên trong họ sẽ để mảnh da cuộn tròn , gọi là “Mezuzah”, có ghi lời cầu nguyện “Shema Yisrael” từ Kinh Torah. Mục đích gắn mezuzah là một hành động nhắc nhở liên tục về sự hiện diện của Chúa. 

Giờ nếu ai đi thăm viếng thành phố Krakow, tại Ba Lan sẽ thấy nhiều căn nhà còn dấu vết mezuzah ở trước cổng nhà vì thời gia chiến tranh thứ II là có khoảng 70 ngàn người Do Thái cư ngụ tại đây , sau đó họ bị rơi vào nạn diệt chủng của Đức quốc xã và các thanh mezuzah. 

Thanh dọc không quan trong nhưng miếng da cuộn tròn trong thanh là một tâm linh quan trọng của người Do Thái. 

- Anh Quân








MOZART Ở ÁO - Anh Quân



Âm nhạc không nằm ở các nốt nhạc mà nằm ở khoảng lặng giữa chúng.

(The music is not in the notes, but in the silence between)

Wolfgang Amadeus Mozart


Thiên tài Mozart chào đời tại thành phố Salzburg, từ năm 6 tuổi ông đã đi lưu diễn ở các quốc gia lân cận Áo như Đức, Pháp, Hà Lan, Ý và đến cả Anh quốc. 

Cho đến năm 22 tuổi ông Mozart đến sống tại Vienna vì những mối bất đồng liên tục với Tổng giám mục nên ông phải từ bỏ công việc tại Salzburg. 

Trong vòng 3 năm  tại Vienna (1784 – 1787), Mozart  đã  tạo ra một sự nghiệp âm nhạc nổi đình nổi đám, là một nhà soạn nhạc Opera, một nghệ sĩ piano chỉ trình diễn các tác phẩm riêng của mình, và một giáo sư âm nhạc . Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Mozart ra đời trong thời gian ông lưu trú tại đây và nổi tiếng nhất là bản Đám cưới của Figaro. Cũng vì Mozart xây dựng được một sự nghiệp quá thành công tại Vienna, nên mọi người đều phải nói nơi đây là quê hương thứ II của ông. 

Ông Mozart sống một vài địa chỉ khác nhau tại Vienna, nhưng tất cả những nơi ông cư trú không còn tồn tại , ngoại trừ căn chung cư tại phố cổ Vienna, rất gần nhà thờ St Stephen nay trở thành viện bảo tàng về “Mozart ở Vienna”. 

Hàng năm trên cả trăm ngàn du khách đến thăm viện Bảo tàng này vì nơi đây cho mọi người tìm hiểu về cuộc sống và công việc của thiên tài âm nhạc trong thời gian cư trú tại Vienna.


- Anh Quân













Sep 8, 2022

CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN VIENNA - Anh Quân

Bà Hương, 

Bà sắp đi Vienna – Áo quốc nên tui hỏi bà là có bao giờ bà có bao giờ nghe qua cuốn phim “The third man – Người thứ ba” chưa ? Nếu bà chưa nghe thì tui kể cho bà nghe. 

Trước hết tui tóm tắt về “Four power occupation of postwar Vienna” – tui chưa biết dịch ra tiếng Việt là gì nhưng tạm gọi là “Tứ quyền của đồng minh chiếm đóng Vienna thời hậu chiến”. Sau đệ nhị thế chiến, nước Áo bị 4 cường quốc có quân đội mạnh nhất trong chiến tranh chiếm đóng (tiếng Anh gọi là the four victorious powers) là Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh quốc và Pháp quốc từ năm 1945 cho đến 1955. Mỗi cường quốc chiếm một phương nên nước Áo bị chia thành bốn khu vực. 

Ngay cả thành phố Vienna cũng bị chia làm bốn, nhưng quận trung tâm là quận nhất (nơi bọn mình sẽ đi chơi nhiều nhất) thì bốn ông kẹ đồng kiểm soát lấy cái tên Hội đồng Kiểm soát Đồng minh.

Quận nhất chắc là đẹp nhất, tui gợi ý nên làm một cuộc hành trình đi bộ 4 tiếng đồng hồ (không phải đi bộ 4 tiếng mà bà phải sợ vì vừa đi vừa nghỉ ), khoảng cách chỉ 3.4 km (dưới 3 miles). 

1- Bắt đầu từ quán Cafe Central: Vào đây kêu một ly cà phê và gọi cái bánh Sô Cô La (Chocolate – Truffe Altenbergtorate). Đây là quán cà phê lịch sử, tiếp khách hàng vào năm 1876 có kiến trúc cột đá Marble, vòm cong trên trần…Rất nhiều nhà văn, nhà báo,  nhà thơ , nhà viết kịch nổi tiếng của Áo và ông triết gia Sigmud Freud hay ghé vào đây thưởng thức cà phê. Tuy nhiên cũng quán này lại nhiều nhà độc tài ghé vào như Hitler (Hitler sanh tại Áo), Trotsky (thủ lãnh đệ tứ CS), Tito (của Nam Tư), Stalin và ngài Lenin của Việt Nam. Giờ quán cà phê này được xem là nơi của giới nhà văn và du khách. 

Sau khi thăm quán cà phê, đi bộ tà tà về hướng đông nam sẽ đi qua cánh cổng Michaelertor là đi tới Hofburg. 

2- Hofburg là cung điện hoàng gia cũ ở trung tâm Viên, Áo. Được xây dựng vào thế kỷ 13 và được mở rộng trong nhiều thế kỷ kể từ đó. Cung điện đã là trụ sở quyền lực của các nhà cai trị triều đại Habsburg, và ngày nay nơi cư trú chính thức và nơi làm việc của Tổng thống Áo. Đó là dinh thự chính vào mùa đông, trong khi Cung điện Schönbrunn là nơi ở mùa hè.

3- Tiếp theo là tới Museums quartier, đây là một cái xóm rất lớn tại quận 7 – Vienna, đi bộ tại đây sẽ đi qua viện bảo tàng Leopold và Kinder, rồi sẽ nối vào con đường dài nhất của Vienna, cũng gọi là Shopping street: Mariahifer Strasse. 

4- Sau đó ghé vào công viên Burggarten nghỉ chân , đây là một trong những công viên đẹp nhất tại Vienna; tại đây tìm những bức tượng nổi tiếng chụp hình kỷ niệm với tượng Mozart và Đại đế Franz Josef. Trong đây có một vườn chuyên về Bươm Bướm, tên gọi là Schmetterlinghaus, tiếng Anh là Imperial Butterfly House, nhưng vào cửa 6.50 euro. 

5- Tiếp theo là đi đến Staatsoper là Vienna Operahouse, nếu ai yêu thích ballet hay nhạc opera thì phải vào xem một show, giá vé là từ 150 euro, tuy nhiên có thể vào chụp hình với giá vé 4 euro. 

6- Kế tiếp là ghé vào nhà thờ Thiên chúa giáo nổi tiếng nhất tại Áo là Stephansdom, tiếng Anh là St. Stephen’s. Vào đây xem và cầu nguyện không mất tiền nhưng leo lên đỉnh nhà thờ là 16 euro. 

7- Điểm cuối cùng là nhà thờ Thiên chúa giáo Peterskirche và đi kiếm gì ăn là hết ngày vì cứ mỗi điểm chụp hình và vào xem là hết một ngày đi chơi tại Vienna. 

Giờ quay lại chuyện xưa tích cũ. 

Không hiểu sao số bốn hay dính liền với nước Áo. Trong khi đó người Tàu rất sợ số bốn vì họ cho số bốn là Tứ mà Tứ gần với Tử (chết). Thì ngoài “Tứ quyền đồng minh ” mà còn có “Four Sectors – Bốn khu công nghiệp ” quan trọng nhất ở Áo là : Công nghiệp thực phẩm và thức uống - Cơ khí và cơ khí thép - Công nghiệp hóa chất và - Công nghiệp xe cộ. 

Lúc đó có câu nói “the four in the jeep – 4 người trên chiếc xe Jeep” vì bốn quốc gia luôn cho lính đi tuần an ninh tại quận nhất ở Vienna mà 4 người ngồi trên chiếc xe Jeep, Ông Mỹ thì lái xe, ngồi kế bên là ông Anh (vì hai ông nói cùng một thứ tiếng mà), ngồi sau lưng bác tài xế Hoa Kỳ là ông Pháp (Mỹ không tin mấy ông cộng sản) và kế ông Pháp là ông Liên Xô. 

Nước Áo thời gian đệ nhị thế chiến thường bị xem là một bộ phận của Đức vì chuyện Anschluss là Đức quốc xã sát nhập nước Áo vào Đức từ tháng 3 năm 1938, nên hai nước không còn cổng biên giới. Vào năm 1949 nước Đức chia đôi , bởi vậy đồng minh phương tây phải đóng tại Áo để xem ông đồng minh giả vờ Liên Xô có chiếm luôn nước Áo chăng? 

Cho đến năm 1955, tình trạng nước Áo trở thành một chủ đề gây tranh cãi khốc liệt trong cuộc chiến tranh lạnh. Cũng vì vậy mà ta có thể nhận ra miền nam Việt Nam là vùng đất và đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Sự nắm quyền của Khurschev của Liên Xô có phần dễ thở hơn Stalin, nên tất cả 4 đồng minh chấp nhận nước Áo trung lập vĩnh viễn. Áo quốc được trả độc lập vào tháng 5 năm 1955 và và những người lính chiếm đóng cuối cùng rời đi vào ngày 25 tháng 10 năm đó. Trong khi đó Việt Nam bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và kéo dài thêm 20 năm. 

Năm 1946 nước Áo rơi vào nạn đói, Ủy ban Phục hồi và Cứu trợ Liên Hiệp Quốc (UNRRA) đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho người Áo sau chiến tranh. Gần 65% khẩu phần lương thực của Áo do UNRRA cung cấp (tháng 3 năm 1946 đến tháng 6 năm 1947). Tình hình lương thực trở nên tồi tệ hơn do thời tiết bất lợi và vụ mùa khoai tây (potato) năm 1947 bị thất bại. Potato là cây lương thực quan trọng nhất ở Áo và là một phần quan trọng trong chế độ ăn của người Áo. Một diện tích đất nông nghiệp tương đối nhỏ thích hợp cho canh tác ngũ cốc. Thu hoạch chỉ là 30% của các cấp độ trước Chiến tranh.

Mất mùa đồng nghĩa với nạn thiếu lương thực thực sự những năm 1947-48. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức chính phủ không thể phân phối bất kỳ khẩu phần ăn nào (tháng 4 năm 1947). Thực phẩm đơn giản là hết (tháng 4 năm 1947). Chính phủ đã không thể tìm thấy thực phẩm cần thiết để phân phối các khẩu phần cần thiết. Thủ đô đã bị rung chuyển nặng nề bởi một cuộc bạo động lương thực của người cộng sản  (ngày 5 tháng 5). ( đây là một đề tài dài để viết)

Sir Alexander Korda, người Hungary nhưng sau qua Anh quốc sống, ông là nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng vào thập niên 30 của thế kỷ trước, tại Hollywood và Anh quốc. Ông liên lạc với nhà văn Graham Greene, người Anh cũng là tác giả quyển “Người Mỹ trầm lặng” tại Việt Nam, để nhờ viết một cuốn phim về thời kỳ hậu chiến tại Vienna, do 4 ông kẹ quốc tế giữ an ninh. 

Nhà văn Graham bay sang Vienna vào năm 1948 để tìm cảm hứng viết truyện phim. Lúc đó ông Graham chưa biết viết gì thì gặp được một sĩ quan tình báo của Anh, ông ta kể cho nghe quyền lực của thế giới ngầm của cảnh sát Áo là họ đều khiển hết hệ thống cung cấp nước tại Vienna, và giới kinh doanh chợ đen về thuốc trụ sinh Penicillin. Từ đó ông Graham gọp hai câu chuyện để có cuốn phim “The Third Man”. 

"Người đàn ông thứ ba" là bộ phim đen năm 1949 của Carol Reed làm đạo diễn, do Graham Greene viết kịch bản và có sự tham gia của Joseph Cotten, Alida Valli, Orson Welles và Trevor Howard. Lấy bối cảnh ở Vienna thời hậu chiến, bộ phim xoay quanh Holly Martins người Mỹ (Cotten), người đến thành phố để nhận công việc với người bạn của mình là Harry Lime (Welles) và chỉ biết rằng Lime đã chết. Xem cái chết của anh ấy là đáng ngờ, Martins quyết định ở lại Vienna và điều tra sự việc.

Thời đó kỹ thuật quay phim không như bây giờ nhưng thú vị là cách quay phim có tên gọi là “Dutch angle” (không có liên quan tới Hà Lan) để qua đó nếu bà Hương muốn nghe chụp hình và quay phim theo cách “Góc cạnh Hà Lan” thì tui kể cho nghe, giờ làm biếng viết kể chuyện chụp hình. 

Ông Greene viết tiểu thuyết cùng tên để chuẩn bị cho kịch bản phim. Anton Karas đã viết và biểu diễn bản nhạc chủ đề " The Third Man Theme " đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế vào năm 1950, mang lại cho nghệ sĩ biểu diễn vô danh trước đó nổi tiếng quốc tế. "Người đàn ông thứ ba" được coi là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại, được đánh giá cao về diễn xuất, điểm số âm nhạc và khí chất quay phim.

Năm 1999, Viện phim Anh bình chọn "Người đàn ông thứ ba" là bộ phim Anh hay nhất mọi thời đại. Năm 2011, một cuộc thăm dò ý kiến của 150 diễn viên, đạo diễn, nhà văn, nhà sản xuất và nhà phê bình cho tạp chí Time Out đã xếp hạng phim Anh hay nhất từ trước đến nay

Tui biết là phim nổi tiếng nhưng phim xưa, nhiều lần chiếu trên TV, tui coi được đoạn đầu, rồi lo chuyện khác là quên mất tiêu xem tiếp. Vì vậy tui cũng không biết kết cuộc cuốn phim thế nào. 

Khi tới sẽ có một viện bảo tàng gọi là “The Third Man tour”.

Tạm dừng tại đây.

Tui 

Quân 


BA BỨC TRANH CỎ VẼ - MỘT BÀI MAYA VIẾT

Cỏ mới sáng tác liền 1 lúc 3 bức tranh:

Đây là bức “bầy cá”



Đây là khu vườn đom đóm hút nhuỵ 🙄

Đây là bức “Ariel trên bờ nước”

Cỏ giải thích: "Trong bức này có lâu đài, vệt màu vàng là ngôi sao bay qua biến điều ước có đôi chân của Ariel”.

- Bố San đưa tin

- Mẹ Na đưa tin: Còn đây là bài viết của Maya trong trường



Sep 6, 2022

GIỖ MẸ THẢO LẦN THỨ 11 (11.08 âm lịch)




@ California, Hoa Kỳ

 ... Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.

Trích "Thầm Lặng", Doãn Kim Khánh


... Bố Sỹ mượn lời ông ngoại Tú Mỡ: 

Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,

Công việc đời còn dở chút thôi.

Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,

Về nơi cực lạc, lại tôi với bà 

Mẹ mong manh giọt nắng

Mẹ thầm lặng giọt sương

ừ thôi ...

Mẹ nhé cuối đường

xuôi tay vô ngã, vô thường Mẹ đi

...

Sinh thời ký

Tử thời quy

duỗi chân vô lượng thọ trì thảnh thơi

nhấp nhánh ...

Mẹ nhấp nhánh ơi

Mẹ ta nhấp nhánh cho trời đầy sao

vô ngần nhật nguyệt trên cao

vô ưu đón Mẹ ra vào hư không

trôi đi Mẹ nhé ... bềnh bồng

vô ngôn con trổ nụ hồng tự tâm

...

Mẹ thơm ngát hương trầm

Mẹ trong ngần ngọc lan

Mẹ thinh thoảng các vàng

Mẹ nồng nàn quỳnh hương

ừ thôi .. 

Mẹ nhé cuối đường

yêu thương đã trải đoạn trường đã qua. 


- Doãn Quốc Vinh


@ Maastricht, Hòa Lan

*** 





@ Houston
***




@ Sydney

***