Dec 26, 2023

SINH NHẬT CA - út Hương

 


https://youtu.be/vvX7sJiFilQ?si=MwwSXxbzE1vwF8E2



BÌNH CA - Doãn Quốc Hưng

 

https://vietbao.com/p301417a317793/50-nam-hoa-uoc-paris-nghe-lai-binh-ca-pham-duy

Dec 8, 2023

NHỚ CHÚ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VÀ NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN - Doãn Quốc Sỹ



Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm, ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi, lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa…

(Nguyễn Đình Toàn -1984)

Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.

Lúc đó chú Toàn cũng không ngờ người bạn vong niên của mình sắp chia tay để đi xa, nhưng không phải là đi vượt biên. Vào đầu Tháng Năm 1984, Doãn Quốc Sỹ cùng một số văn nghệ sĩ Miền Nam khác bị bắt lần thứ hai, vì tội chuyển các tác phẩm của mình ra nước ngoài để phổ biến. Thời điểm đó cũng khép tạm khép lại những ngày tháng khốn khó nhưng cũng là đẹp nhất trong giai đoạn sau 1975 của gia đình tôi và một số gia đình thân hữu văn nghệ sĩ khác, trong đó có chú Nguyễn Đình Toàn.

“Những Ngày Xưa Truyện Đẹp”của chúng tôi, theo cách nói của nhà báo Trần Đại Lộc, kéo dài từ đầu năm 1980 cho đến Tháng Năm 1984. Nó bắt đầu từ lúc bố tôi được trả tự do từ trại tù Gia Trung Pleiku ngay trước tết nguyên đán, và kết thúc khi bố tôi đi tù lần thứ hai. Trong bốn năm ngắn ngủi này, căn nhà của bố tôi là nơi gặp gỡ của nhiều văn hữu Miền Nam: Nhã Ca, Hoàng Hải Thủy, Duy Trác, Dương Hùng Cường, Thái Thanh, Trần Quang Lộc… Chúng tôi gần gũi, thân thiết với gia đình chú Toàn cũng trong thời gian này. Trước 1975, bố tôi chắc chắn có biết nhưng không thân với chú Toàn. Sau biến cố Tháng Tư Đen, giới văn nghệ sĩ vì chung hoàn cảnh thất thế trước thời cuộc, cho nên gần gũi với nhau hơn. Bố tôi đi tù lần đầu tại trại Gia Trung, ăn cơm tù chung với Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng… Doãn Quốc Sỹ được thả lần đầu năm 1980, chú Duy Trác được tự do khoảng một năm sau đó. Những người mới trở về làm cái nhân để kết nối sự gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ khác, tạo nên một khoảng thời gian đặc biệt cho một số văn nghệ sĩ ở lại Việt Nam sau 1975, như lời bài hát Ở Lại Để Thấy mà chúng tôi vẫn thường ngân nga trong giai đoạn đó:

…Ở lại để thấy những nỗi vui không đến tình cờ
Ôi nỗi vui nào cũng âu lo…

Vui sướng - âu lo là hai phạm trù trái ngược. Nhưng có âu lo thì nỗi vui mới được hân hưởng thực sự. Trong những năm tháng đầu tiên sau 1975, nỗi lo lớn nhất là cơm áo gạo tiền. Khi những người văn nghệ sĩ bị tịch thu ngòi bút, việc bương chải kiếm sống khó khăn hơn nhiều so với tầng lớp khác trong xã hội. Khi các ông đi tù, thì thường các “bà Tú Xương” và các con phải tự tìm cách xoay xở, chỉ cho nhau kế sinh nhai trong thời buổi gạo châu củi quế. Trong khoảng thời gian đầu thập niên 1980s, cô Oanh vợ của chú Dương Hùng Cường đã khởi xướng cho một nghề thú vị, giúp cho nhiều gia đình văn nghệ sĩ có kế sinh nhai: nghề bán “căn tin” (canteen) trường học. Cô Oanh dạy ở trường Hồng Bàng, nhận ra rằng mỗi năm trường có đấu thầu để chọn người bán thức ăn uống cho học sinh ở căn tin trường. Thấy người bán thức ăn với giá khá mắc, cô nghĩ đến chuyện đấu thầu căn tin, bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn đủ tiền nuôi con và nuôi chồng đi tù. Cô làm năm đầu tiên thấy thành công, từ đó kêu gọi các gia đình văn nghệ sĩ khác làm điều tương tự ở những trường khác. Gia đình chú Duy Trác bán căn tin trường Mạch Kiếm Hùng Quận Năm; gia đình tôi bán tại trường Petrus Ký- Lê Hồng Phong, có gọi con của chú Toàn đến bán phụ. Thời đó, các gia đình liên lạc với nhau đều đặn, chỉ nhau những mối lấy thức ăn ngon và rẻ, truyền nhau kinh nghiệm bán hàng sao cho có lãi. Thân với nhau thêm là vì vậy. Cực, nhưng vui vì đỡ lo gánh nặng kiếm việc làm.

Bán được một thời gian thì chú Dương Hùng Cường mất trong tù. Cô Oanh mất sau đó không lâu vì tai nạn xe cộ. Họa vô đơn chí! Chúng tôi tìm mọi cách để vực dậy tinh thần các em con của cô chú, đùm bọc lẫn nhau. Cũng may mắn, con cái cô chú Cường vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, về sau này vươn lên thành công trong xã hội Việt Nam. Chúng tôi nói rằng chắc nhờ cô chú phù hộ.

Trở lại với chú Toàn, chú đến nhà tôi chơi nhiều nhất cũng trong khoảng thời gian 1980-1984, sau khi bố tôi và chú Duy Trác đi tù đợt một trở về. Đó là giai đoạn mà chú thỉnh thoảng đạp xe về Sài Gòn để thăm bố tôi, chú Trác; và chúng tôi thường xuyên hơn đạp xe lên lên Làng Báo Chí để chơi với con chú Toàn, con bác Thanh Thương Hoàng. Trong những buổi họp mặt, chú Toàn luôn là một con người trầm mặc. Tôi còn nhớ điều gây ấn tượng mạnh nhất của chú Toàn đó là phong thái nhã nhặn, lịch sự. Điều mà người ta hay nhắc đến với những người Hà Nội thuộc năm tháng cũ. Hình ảnh chú cầm ống pip, châm lửa, thở khói thuốc đều rất khoan thoai, nghệ sĩ. Phong cách đó của chú vẫn giữ nguyên trên bàn mạc chược. Khoảng năm 1977, gia đình giáo sư Nguyễn Tư Mô mang một cái bàn mạc chược đến nhà tôi. Sau đó vài năm, cái bàn mạt chược này trở thành nơi gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ trí thức Miền Nam: chú Trác, chú Toàn, nhà báo Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc. Có lần có cả bác Vũ Đức Duy nữa. Chú Toàn đánh mạt chược thường thua nhiều hơn thắng. Chúng tôi còn nói đùa rằng người hào hoa lịch thiệp như chú thì nhất định phải “đen bạc”, bởi vì “đỏ tình” là điều khó tránh khỏi.

Sự lịch thiệp còn thể hiện qua các sinh hoạt văn nghệ ngay trong thời buổi kinh tế khó khăn, và công an thường xuyên theo dõi giới văn nghệ sĩ. Hồi đó, chúng tôi thường có những buổi văn nghệ bỏ túi ở nhà tôi, nhà chú Duy Trác. Hát ở nhà chưa đủ thấy lãng mạn, có người nghĩ đến việc ngồi trên đò ra giữa sông Gài Gòn để hát. Những buổi hát trên đò như vậy thường xuất phát từ nhà họa sĩ Nghiêu Đề ở cư xá Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, bên kia bờ là Làng Báo Chí. Tay đàn chính là nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Gia đình chú Duy Trác, chú Toàn, vợ chồng bác sĩ Dũng-Lệ, hoạc sĩ Vũ Trong Khôi… là những người thường  có mặt. Trong những đêm trăng, ngồi trên một con đò nhỏ, hát cho nhau nghe bằng cây đàn thùng. Sự thanh tao thể hiện rõ qua cách chơi, trong thời buổi mà cả xã hội chỉ lo đến cơm áo gạo tiền…

Đối với tôi, một trong những dịp thể hiện rõ nét về phong cách của chú Toàn đó là khi chú cầm đàn tự đàn và hát những ca khúc của mình. Là thế hệ sinh sau, đẻ muộn, tôi không có dịp biết nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trước 1975, cái thời mà chú làm mê mẩn cả nước với chương trình Nhạc Chủ Đề. Nhưng tôi thực sự cảm nhận tính chất thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ của chú trong những buổi chiều cuối tuần, chỉ có hai chú cháu, chú cầm đàn hát những ca khúc mới của mình sau 1975. Chú bình luận về nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến… rồi giải thích về những ca khúc mình mới sáng tác. Có nhiều người nói rằng bác Phạm Duy hát một số ca khúc của mình là hay nhất. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đúng với chú Toàn. Bởi vì không có ai có thể hiểu hơn tác giả tại sao chọn ca từ này, giai điệu kia trong ca khúc. Trong một buổi chiều khi nói về những bạn bè đã và sắp vượt biên, chú cầm đàn và hát:

…Yêu em lửa đỏ thiêu ta
Yêu em địa ngục than tro
Yêu em khi đất nước không còn chi
Ai đi đi mất không người quay về
Không ai còn nhận ra ai
Sao em vào được tim tôi
Đêm qua ai trốn ra ngoài phương trời
Bao nhiêu thân xác chôn vui giữa khơi…

Rồi nhắc đến một Sài Gòn hoa lệ trước 1975, nhớ những người bạn văn nghệ sĩ nay ở khắp chốn phương trời, chú hát:

…Sài Gòn ơi, đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi

Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa, quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
Sài Gòn ơi, thôi hết rồi, những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu…

Chú đàn chầm chậm, thường là nhịp điệu theo cảm hứng. Giọng chú hát thật nhỏ, ngân nga trầm bổng giai điệu, như kể lể về những niềm nhớ không tên của mình, bằng cái giọng mê hoặc của chương trình Nhạc Chủ Đề thuở nào. Thật là một cảm xúc khó tả…

Sau đó một thời gian, không nhớ rõ vì sao mà chúng tôi có được cuốn cassette từ hải ngoại gởi về, Tắm Mát Ngọn Sông Đào qua giọng hát của Khánh Ly. Vào thời điểm đó, nghe Khánh Ly hát những ca khúc từ trong nước gởi thì chỉ có “đứt ruột!”, như cách nói của người bạn Đ.K trong nhóm. Lúc đó, không mấy ai biết tác giả của nhiều ca khúc trong cassette là của Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn. Khánh Ly hát hay thì không phải bàn thêm, nhưng tôi vẫn nhớ nhất những bài hát đó qua chính giọng hát của chú Toàn, độc nhất vô nhị…

Về sau này, khi ở Mỹ, khi chú cho xuất bản tác phẩm Thơ & Ca Từ vào năm 2022. Nhờ vậy tôi mới biết lời của nhiều bài nhạc là thơ của chú sáng tác. Đọc thơ, nghe nhạc, hát lời ca của Nguyễn Đình Toàn, thật khó mà đoán cái nào được sáng tác trước. Hình như đối với ca khúc Nguyễn Đình Toàn, lời hát đã là một bài thơ, và trong giai điệu đã có sẵn ca từ. Một sự thể hiện trọn vẹn tính cách thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ chỉ trong một con người…

Bây giờ chú Toàn đã đi xa. Đã có rất nhiều bài viết nói về người văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa này. Nhưng đối với gia đình tôi, chú Toàn vẫn gắn liền với những ngày tháng khốn khó nhưng đầy kỷ niệm sau 1975 ở Sài Gòn. Những “Ngày Xưa Truyện Đẹp”, những năm tháng không bao giờ quên…

Doãn Quốc Hưng

 

Nov 23, 2023

SAIGON BOOKSTREET - Anh Quân




Có lẽ hồi bé thích sách , nên về già luôn có cái duyên gần sách vở nhưng giờ không còn siêng năng đọc sách như thuở tuổi Xì Tin. Mà nghĩ lại cái thời đó đâu có cái gì giải trí, làm gì có trò chơi điện tử , làm gì có máy tính , chương trình TV thì nghèo nàn , coi chán chết , thì chỉ có trò chơi hè phố là đá banh , chơi bắn bi , đánh bông vụ , chơi đánh trõng , chơi bắn ống thụt, chơi u , nhảy cò cò , nhảy dây , nếu có cơ hội là đi bơi . Bởi vậy đọc sách là một thú vui rất quan trọng , nhất là ở cái thời cái gì cũng cấm. Nên có những quyển sách phải đọc lén lút như kiếm hiệp ( ăn khách nhất trong đám xì tin của chúng tui), tiểu thuyết Quỳnh Dao , nếu hay hơn là tìm được sách Nghiêm Lệ Quân, Bà Tùng Long , Duyên Anh , Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh, các sách củ Tự Lực Văn Đoàn … Còn các quyển “Cậu Chó” thì ở tuổi dưới 15 như tui là chưa đủ trình độ đụng tới. Tuy nhiên ở thời đó thì các bác có uy quyền lại cho đọc truyện Tàu , loại sách do nhà in Tín Đức Thư Xã xuất bản như Tây Du Ký , Thuỷ Hử , Thất Hiệp Ngũ Nghĩa , Phong Thần… Nhà tui ở phía cư xá ngân hàng , cứ một tuần là tui đạp xe lên chợ Xóm Chiếu , đường Đỗ Thành Nhân , giờ là Đoàn Văn Bơ , thì có một bác cho thuê loại truyện Tàu này. Tui cứ thuê và say mê đọc đến nổi năm lớp 7 suýt nữa ở lại lớp. 

Sau này qua Anh sinh sống tui lại có cơ hội đọc tiếp sách Việt Nam trước 1975 và các loại sách sáng tác ở hải ngoại, nhờ chính sách mua sách cho cư dân địa phương , cứ 4 người có quyền đi ra thư viện địa phương mua một quyển sách mà họ yêu thích. Nên vậy khu nào có nhiều dân Việt Nam thì thư viện sẽ mua sách Việt Nam cho đọc. Có điều giờ họ không mua nữa vì số lượng đọc giả Việt Nam không còn nữa , vì một số qua đời, một số cao niên không muốn đọc nữa vì sức khoẻ. Còn nhóm lớn lên ở đây không đọc sách Việt Nam. Riêng nhóm từ Việt Nam mới sang Anh thì xem ra họ không mê đọc sách, tui thấy họ thích xem tin tức trên mạng xã hội trên chiếc phone của họ hơn. 

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2015 Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố đã khởi công xây dựng con Đường Sách trên đường Nguyễn Văn Bình là tên Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận I TP. HCM. Đây là một con đường nhỏ nằm bên hông Bưu điện Thành phố, nối liền Nhà Thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng nhưng có ưu điểm là nằm ngay trong khu vực trung tâm Thành phố, đây không chỉ là một không gian sinh hoạt văn hoá mà còn là một tụ điểm du lịch, là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé qua. Có một điều tui không biết trước năm 1975 có tên con đường này chưa? 

Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. 

Đường Sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội học hỏi chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường Sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách, cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những người bạn trong và cả ngoài nước.

 Đi tới Đường Sách, sẽ thấy các bạn trẻ đứng ngồi tĩnh lặng say mê đọc sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào

Trước năm 1975 , Sách là món ăn tinh thần của người Sài Gòn , xin hãy đọc lại tư liệu trích trên mạng: 

“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”. Đoạn trích này từ báo Đời (tháng 5.1972) nói về khu vực bán sách báo cũ ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - nằm sau bờ tường của Bộ Công chánh. Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những điểm bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)...

Theo tư liệu, khoảng thời gian ký Hiệp định Genève, các khu bán sách cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ. Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão, trông sang bến xe buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con. Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) đến đường Pasteur. Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Song những gian hàng sách “chạy” chỉ tản mác khi có bóng dáng cảnh sát rồi lại trở về vỉa hè khi cảnh sát rút đi như chơi cút bắt. Rất kiên nhẫn đối phó với cảnh sát nên một thời gian sau, khu bán sách này được Tòa Đô chánh chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày. Khu sách Lê Lợi đã vô sổ bộ từ ngày ấy.” 

Ở phố sách này có “Quán Sách Mùa Thu” , có người kể lại tại đây sẽ tìm được những cuốn sách cũ, rất cũ xuất bản lần đầu tiên từ những thập niên 50s, 60s, 70s tại Sài Gòn. Người đó lại còn hỏi thêm người chủ quán có bán quyển  Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Được biết, các quán sách tuy không có sách nhưng vẫn có thể nhờ kiếm hay đặt mua.  Họ có thể liên lạc hải ngoại mua sách và trả bằng thể tín dụng. Có thể một ngày sẽ có quyển Mùa Hè Đỏ Lửa tại đây. 

Riêng tui thấy sách bây giờ ấn loát rất đẹp , cũng có một số sách tui thích nếu có sức thì tui sẽ mua. bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh của Tiến Sĩ Sử Học Hải Ngoại Nguyễn Duy Chính. 

Để có một dịp nào tui hỏi thử Bác Sử Gia Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng tại London là có tính đưa 5 quyển sách sử nghiên cứu của Bác là “Nhìn Lại Sử Việt” về bán ở các nhà sách ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình chưa? Theo tui đây là bộ sử hay có phần tương tự như bộ “Việt Nam Sử Lược” nhưng đầy đủ chi tiết từ ngày lập quốc cho đến 30 tháng 4 năm 1975.

Anh Quân 




Nov 22, 2023

ĐÔI BẠN LÊ XUÂN KHOA - DOÃN QUỐC SỸ - Doãn Cẩm Liên

 


Đôi bạn này biết nhau từ thuở nào? 

Cụ Sỹ khi ngồi trên xe, được con chở đến điểm hẹn, thắc mắc hỏi con gái:

- Bác Lê Xuân Khoa dạy với bố ở trường nào hở con?

- Câu hỏi này chút nữa mình sẽ hỏi bác ấy nha bố.

Cụ Sỹ phải hỏi thêm vài lần nữa những câu tương tự và nhận được câu trả lời tương tự như trên, cho đến khi tay bắt mặt mừng với cụ Khoa. Khi hai cụ đã ngồi yên ấm bên nhau, trên một ghế rộng ngoài hiên một tòa nhà lớn tại Quai Hill Community Center – Irvine. Cụ Khoa giải tỏa liền thắc mắc cho bạn và con cùng cháu nghe:

- Bác và bố cháu học với nhau cùng một lớp tại trường Văn Khoa Hà Nội. Lớp đó có bạn Lê Hữu Mục, Lê Thành Trị, Phạm Việt Tuyền, Lý Quốc Sỉnh… Thế nhưng khi ra trường chọn nhiệm sở đi dạy học thì bác chọn trường Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm ấy là 1953. Với ý muốn là vào Nam, dạy tại trường này bác có thể dễ dàng xin đi du học tại Pháp. Vì lúc ấy miền Nam còn là thuộc địa của Tây mà.

- Còn bố Sỹ cháu thì chọn dạy tại trường Chu Văn An. – Bác Khoa nói tiếp. 

Con gái cụ Sỹ thay mặt bố hỏi tiếp:

- Thế nhưng bác và bố cháu sát cánh làm việc với nhau ở đâu ạ?

- Sau khi bác đi du học ở Pháp về thì cùng dạy với bố cháu ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Và cả hai cùng là hội viên của Hội Văn Hóa Á Châu và Hội Văn Hóa Dân Tộc mà cụ Nguyễn Đăng Thục làm chủ tịch.

Cụ Sỹ nghe bạn nói, thế nhưng nhớ được bao nhiêu chuyện xưa thì nào ai biết được! Dường như Cụ không còn màng đến chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ngày mai nữa thì phải!

Chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này, cụ Sỹ rất hồn nhiên vì cụ nào nhớ gì để kể. Riêng cụ Khoa thì chuẩn bị kỹ càng lắm: một phong bì bên ngoài ghi chữ “DQS”. Cụ lôi ra một xấp hình:

- Này ông xem xem ai đây? – Cụ Khoa đưa cho cụ Sỹ xem ngay một hình.

- Ôi iii… mắt tôi kèm nhèm lắm, ông à. – Ông Sỹ liếc nhìn mà dường như không thấy!

- Này nhé: đây là ông và bà xã, tôi đây, còn đây là bà Ưởn và phu quân, đây là Như Phong - Lê Văn Tiến, còn những người kia tôi chẳng nhớ tên. Ở nhà ông đấy.

Câu chuyện kể từ đây là do bác Lê Xuân Khoa kể, ông Sỹ chỉ ậm ừ vì nào có nghe được mấy và thấy gì đâu.

- Lần ấy, tôi từ Mỹ về Hà Nội làm việc. Hình như năm 1982 thì phải, tôi hỏi tên công an xếp sòng ở Hà Nội làm sao thăm được các bạn tại Sài Gòn, có bạn đã ra tù và có bạn vẫn còn ở trong tù. Tên công an ngần ngừ bảo “Người đã ra khỏi tù thì ông thoải mái thăm, nhưng người còn trong tù thì không nên. Vì chúng tôi còn phải làm nhiều thủ tục lâu lắm, có khi đến cả tháng mới được.” Thế là lúc ấy tôi thăm được Như Phong - Lê Văn Tiến và ông vì cả hai đã ra khỏi tù rồi. Vậy mới có tấm hình này đây.

- Hôm ấy tôi đến nhà ông và ngỡ ngàng vì một bàn tiệc do bà Sỹ chuẩn bị với một số đông các bạn của cả tôi lẫn của ông. Tôi bảo với bà Sỹ:

- Trời ơi, sao chị làm tiệc linh đình thế này? 

- Tiền anh đưa dư lắm, tôi làm cho hết số tiền ấy. – bà Sỹ trả lời tôi thế.

Cụ Khoa quay sang hỏi bạn Sỹ:

- Đông thế này thì ông có sao không? Tôi đến rồi về lại Mỹ, còn ông ở lại thì làm sao đây? Và ông trả lời tôi như thế này mới hay: “Nếu có chuyện gì thì lại vô!”

- Còn đây tấm hình này đặc biệt lắm, ông nhìn ra ai không?

Cụ Khoa lại đánh đố cụ Sỹ nữa rồi! Cụ Sỹ lại đổ tại rằng “Tai tôi bây giờ nghễnh ngãng lắm, nghe cứ ù ù ông ạ!” Cụ Khoa lại thuyết minh tiếp về tấm hình:

- Đây là ông, đây là bà Sỹ bế thằng cháu nào đấy, và tôi. Cũng tại nhà của ông. Đằng sau có bức tranh của họa sĩ nào ấy tôi không nhớ.

- Và đây nữa, hôm ấy ông chở tôi bằng xe mobilette đến tòa soạn báo Bách Khoa, Lê Ngộ Châu chủ nhiệm báo Bách Khoa, Nguyễn Văn Trung, ông và tôi.

- Hình này thì thật quí hiếm, cũng vẫn là ông và tôi đi thăm cụ Nguyễn Đăng Thục. Cụ Thục còng lưng quá rồi nên tiếp khách phải nằm ngửa trên ghế, cạnh là cụ bà Thục.

- Đấy là những hình ảnh thật là quí giá tôi còn giữ được đến giờ đấy ông ạ.

Sự trân quí kỷ niệm xưa của bác Khoa lây lan đến thế hệ con cháu chúng tôi, hẳn nhiên là cellphone dơ lên chụp lưu lại ngay những tấm hình cách nay gần nửa thế kỷ. Con cháu chúng tôi thu giữ lại được phần nào kỷ niệm của hai bố Khoa và bố Sỹ.

Bác Khoa thỏa thuê vì những gì muốn nói với bạn đã nói. Bây giờ hai con bầy thức ăn ra để hai bố ăn. Cụ Sỹ có hộp thức ăn riêng do con gái mang theo. Cụ Khoa vẫn ăn uống bình thường và ăn rất ngon miệng. Hai con nhìn hai bố ăn mà mát lòng mát ruột. Bố Sỹ nay 100 tuổi sẽ thêm vài năm nữa vui cùng bạn và con cháu. Bác Khoa cũng vậy, với tinh thần phấn chấn vẫn còn muốn giúp đời và giúp người thì bác cùng theo chân bạn Sỹ nhé. Kết thúc buổi picnic ngoài trời là trò chơi “bạn đẩy xe cho bạn” đi chơi vòng quanh hành lang nhà cộng đồng. Cụ Sỹ ngồi cụ Khoa đẩy, dẫu rằng cụ Sỹ vẫn đi ngon lành chẳng cần walker gì cả. Trò chơi thật vui, cụ Khoa tán thưởng: “Đẩy ông Sỹ thế này bác thấy mình khỏe và càng chắc rằng sức khỏe mình tốt thật!”

Riêng tôi nhớ thuở xưa trước 1975, khi miền Nam Việt Nam còn trong thời an bình, nhà giáo và nhà văn là hai “nhà” thường khắn khít với nhau. Có khi lại còn “hóa thân” vào với nhau, làm nghề giáo mà lại còn đeo mang nghiệp văn, hay ngược lại!

Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ quen biết nhau trong nghề giáo, đến nay một cụ đạt được con số 100 tuổi và cụ kia cũng được 94 tuổi. Năm di cư vào Nam, cụ Khoa lấy vợ, bác gái là người Bạc Liêu, nên được cụ Sỹ gọi đùa là “Công Nương Bạ Liêu”. Bác Gái thuộc dòng dõi gia thế của tỉnh Bạc Liêu. Thời ấy bác được đi học rất cao so với nhiều phụ nữ khác. Thế thì “Rể Bạc Liêu” phải có gì đặc biệt mới vào được mắt xanh công nương Bạc Liêu chứ? Dạ thưa đó là nét thư sinh đẹp trai và tài giảng bài trên bục. Học sinh và sinh viên cứ thế mà say mê thầy. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã từng say nghe thầy Lê Xuân Khoa giảng về vua Quang Trung đại phá quân Thanh, tại trường Nguyễn Huệ của cụ Bùi Hữu Đột. Để rồi mãi đến sau này hai người gặp nhau tại Hoa Kỳ mới bộc bạch lòng thán phục lẫn nhau.

Phần cụ Sỹ lại có bà Sỹ là một trong ba “tiểu thơ” của nhà thơ Tú Mỡ. Bà không làm thơ như Bố mà bà có biệt tài viết thư và điều hành quân lính trong bếp. Khi viết thư bà có một lối viết chân, chữ dùng đơn giản, mạch văn trơn tru khiến người đọc thư mềm lòng với tâm tình của bà. Đám con cái phê bình “Mẹ viết thư hay hơn Bố đó nha”. Còn trong chốn nhà bếp thì bà nổi danh làm những thức ăn lạ và ngon để thiết đãi bạn chồng. Cụ Sỹ hãnh diện lắm về tài năng này của “Madame Sỹ”!

Trở lại chuyện cụ Khoa và cụ Sỹ mỗi người đều một vận mệnh và sự cống hiến khác nhau cho đất nước dân tộc Việt. Mà lịch sử Việt Nam có nhiều điểm mốc lắm, hình như nhiều đau thương hơn là huy hoàng hạnh phúc. Cụ Sỹ bên cạnh việc dạy học ở ba trường đại học tại Sài Gòn, Cụ còn viết sách. Do vì viết sách nên Cụ bị đi tù. Sách của Cụ viết cả một chiều dài lịch sử, người dân Việt kháng chiến chống Pháp, bị Việt Minh lừa dối, cuộc di cư năm 1954, miền Nam Việt Nam chống cộng sản, và đến khi bị cộng sản thôn tính, đi tù, toàn dân cùng bị tù, tù nhỏ trong nhà tù chung lớn hơn. Ông Sỹ đã thưởng thức 12 năm rưỡi lao tù cộng sản do vì ông dám kể thật những gì cộng sản làm và phá hoại đất nước. Người dân Việt phải chịu đựng bao nhiêu nhọc nhằn, không riêng gì người miền Nam thua trận mà cả ngay miền Bắc kẻ thắng trận đều khổ, Bắc Trung Nam cùng khổ! 

Cuộc đời cụ Khoa có phần êm ả và tươi vui hơn cụ Sỹ. Năm 1960, ông được học bổng chính phủ Pháp tại đại học Sorbonne, lấy bằng tiến sĩ Triết Học với đề tài “Le Boudhisme Dhyana au Vietnam”. Sau đó về lại Sài Gòn ông đảm trách môn Triết học Upanishad tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn, môn Văn Minh Việt Nam tại ĐH Đà Lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh. Thời gian cuối cùng ở Việt Nam ông giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn. Và sau đó ông kịp thời di tản sang Mỹ, 1975, để tiếp tục hoạt động về vấn đề tị nạn trong Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC), ông đã vận động cho người tị nạn Đông Dương với chính phủ và quốc hội Mỹ, chính phủ Hong Kong và Đông Nam Á, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.

Có lẽ ít nhiều, cụ Khoa có vận động cho sự tự do của cụ Sỹ trong thời kỳ đen tối nhất. Mối tình thâm này được thể hiện trong bữa tiệc năm 1982 được kể phần trên.

Nếu không kể thêm chuyện “Con Kỳ Lân Cuối Cùng” là thiếu sót một mắt xích trong chuỗi tình thân giữa hai cụ. Hai năm trước biến cố 1975, cụ Khoa trao cho cụ Sỹ quyển “The Last Unicorn”, bản nguyên tác tiếng Anh và Cụ Sỹ đã dùng văn tài của mình để chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có lẽ đây là lần cộng tác sau cùng giữa hai cụ với nhau trước khi lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Quả là đúng, cụ Khoa đã chọn đúng người trao một tác phẩm hay để có phiên bản Việt ngữ tuyệt vời. “Đây là một tinh thần thông cảm giữa một Mỹ và một Việt, mà cả hai đều có cùng một lối suy nghĩ thật siêu thoát.” Cụ Khoa đã viết phần giới thiệu như vậy đó cho quyển Con Kỳ Lân Cuối Cùng.

Đôi bạn Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ có mối tình thâm suốt hơn nửa thế kỷ, từ khi hai cụ còn là thanh niên tràn đầy lý tưởng, đến nay đã lên chức Cụ. Cụ Sỹ có 6 chắt, cụ Khoa cũng có 5 chắt đề huề và tràn đầy phước đức. Người đời còn gọi là “Tứ Đại đồng đường”. Do vì hai cụ được con cái chăm sóc đầy đủ để có vui tinh thần và khỏe thể chất. Điều thật hiếm có với hình ảnh hai Cụ ngồi sát cánh, tay nắm tay và cười vui cùng nhau.

Con và cháu của hai Cụ vui lây niềm vui lớn này và để rồi câu chuyện ngày hôm nay được ghi lại như vầy và vui vầy với Đôi Bạn Già Khoa – Sỹ!

California, ngày 21 tháng 11 – 2023

Doãn Cẩm Liên






***










Nov 8, 2023

DỄ ẸC! Doãn Quốc Hưng

 Lạy sám hối hả? Dễ ẹc! Bé hai tuổi rưỡi cũng làm được. Chỉ cần biết chú tâm quan sát ông già bên cạnh thôi...







Nov 6, 2023

ĐÔI BẠN - Doãn Cẩm Liên



Đó là đôi bạn Sỹ - Toàn, Doãn Quốc Sỹ - Nguyễn Đình Toàn. Hai ngôi sao của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Gọi là Đôi Bạn vong niên, vì “bạn Toàn” sinh năm 1936 mà ”bạn Sỹ” sinh 1923, chênh lệch nhau những 13 năm tuổi. Thế nhưng bạn văn thì làm gì có tuổi. Do vậy hai bạn xưng hô với nhau là “ông và tôi”, đôi khi bạn Toàn gọi bạn Sỹ là “ông thầy”. Vì ngoài nghiệp văn, ông Sỹ còn hành nghề giáo. 

Hai bạn biết nhau nhờ vào sự kiện lịch sử Cuộc Di Cư Bắc Nam, 1954. Khi đoàn người miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản vào miền Nam lánh nạn, Đôi Bạn Sỹ - Toàn hội ngộ nhau tại vùng đất tự do. Vì nơi đây là vùng đất tự do phơi phới về chính trị lẫn về tư tưởng, nên hai bạn đã cùng nhau phát triển tài năng viết lách, làm thơ một cách thỏa thích.

Không cần phải nghe kể, độc giả của Đôi Bạn Sỹ - Toàn đều có thể tưởng tượng ra cảnh hai ông gặp nhau bên bàn cà phê tiệm La Pagode đường Catinas hay tiệm Brodard đường Nguyễn Thiệp Sài Gòn. Nơi được lưu danh là có công kết nối các tay bút sừng sỏi trong nền văn học rực rỡ của miền Nam Việt Nam. Không ngoa, La Pagode và Brodard nổi danh vì đã từng in bóng các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Dương Nghiễm Mậu,  Cung Tích Biền, Nguyên Sa, Viên Linh, Duyên Anh, Võ Phiến, Chu Tử, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn … các văn nghệ sĩ khác đã làm nên một bầu trời đầy sao sáng lấp lánh muôn màu sắc.

Bạn Nguyễn Đình Toàn tung hoành trong nhiều lãnh vực như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, nhạc. Trong đó có tác phẩm Áo Mơ Phai đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa và năm 1973. Vào những năm trước 1975, ông còn phụ trách chương trình “Nhạc Chủ Đề Tình Ca Quê Hương” vào mỗi tối thứ Năm trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông đã khiến nhiều nữ nhi thời ấy đón chờ giờ phát thanh để mà mơ màng và thấm thía với lời thì thầm giới thiệu của ông. Ông đã dùng nghệ thuật viết văn viết thành lời giới thiệu các nhạc phẩm. Lời văn và giọng nói êm êm đã đưa thính giả vào một khung trời lãng mạn, làm nên một vầng sáng trong văn nghiệp của ông.

Bên cạnh văn tài thì nguồn thơ của “bạn Toàn” cũng làm thêm bề dày sự nghiệp văn chương. Ông sáng tác thơ nhẹ như thở. Cho dù trong lòng ông đau đáu nỗi đau quê hương, chiến tranh, nỗi buồn mất nước đến phải tha hương, nhưng dòng thơ của ông vẫn êm nhẹ. Phải và đúng thế vì những bài thơ đã được chính tác giả phổ thành nhạc phẩm và được gom lại thành quyển “Thơ & Ca Từ” xuất bản vào năm 2022. Năm đó ông sức khỏe của ông đã sút giảm nhiều. Như tiên lượng được sự ra đi không thể tránh khỏi trong những ngày tới, ông đã soạn lại và cho ra đời quyển sách này.

Về phần Bạn Doãn Quốc Sỹ, ông có nghề giáo lại còn thêm nghiệp văn cho nên trong số trên bốn mươi (40) tác phẩm được xuất bản gồm trường thiên tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện dịch, nghiên cứu dùng làm giáo án giảng dạy. Cũng như bao văn nghệ sĩ miền Bắc vào đến vùng đất tự do nhiều tình người miền Nam Việt Nam là như diều gặp gió. Ông sáng tác thật hăng say, tung hoành ngòi bút, chỉ trong vòng sáu năm đầu, độc giả đã chìm đắm trong bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh… 

Các độc giả hẳn phải kinh ngạc với sức làm việc không mệt mỏi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi biết bên cạnh nghiệp văn, ông còn nghề dạy học. Thầy Sỹ dạy đến ba trường đại học: Sư Phạm Sài Gòn, Văn Khoa và Vạn Hạnh. Trong nghề giáo ông được các sinh viên yêu quý vì phong cách nghệ sĩ của một nhà văn. Với mái tóc bồng bềnh đứng trên bục giảng, ánh mắt ông phóng ra xa, mơ màng mà giảng bài. Mơ màng nhưng vẫn đầy lôi cuốn khiến sinh viên dõi theo lời giảng của ông. Bài giảng là giảng cho sinh viên, thế nhưng sinh viên thấy dường như thầy mình cũng bị chìm hút vào nó. Thế mới hay, thế mới thật là thu hút!

Đôi Bạn Sỹ - Toàn có tình thân từ đâu đó trước 1975, để rồi tình bạn thêm sâu đậm sau ngày mất nước 30 – 4 – 1975. Người Sài Gòn tan tác, kẻ mất người còn, người vượt biên, người chết bờ bụi, nơi sông ngòi, ngoài biển khơi. Các văn nghệ sĩ Sài Gòn bị hai đợt ở tù lại càng thêm tan tác. Do vậy, tình thân và lòng tin của những nhà văn còn sống sót sau biến cố đau thương nay càng sát gần lại. Đôi Bạn Sỹ - Toàn vẫn thường xuyên gặp nhau ở dốc cầu bên kia Cầu Sài Gòn, làng Báo Chí. Bạn Sỹ chạy chiếc xe mobilette lên chơi với bạn Toàn. Nhờ vậy độc giả mới có giai thoại về bài thơ:

Câu thơ bạn Nguyễn Đình Toàn hỏi vào năm 1984:

Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi

Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng

Gặp nhau tay bắt mặt mừng

Vui thì vui vậy biết chừng nào xa.

Câu thơ bạn Doãn Quốc Sỹ trả lời vào năm 1980: 

Đỉnh trời vằng vặc gương nga

Long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình

Gương trong mình lại soi mình

Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du

Nẻo đời gió bụi kỳ khu

Biết ai còn mất tình thu võ vàng.

Đôi Bạn Sỹ - Toàn đã hòa nhịp thơ vào nhau, cho dù khi sáng tác chẳng ai biết người kia đã có lời thơ như thế nào. Cả hai cùng đắc chí vì “tâm và tình” của chúng mình đã hòa lẫn với nhau từ lâu rồi, nay mới chính thức nhập thành một, thành giai thoại thơ như vậy.

Thế rồi… ngày tháng năm trôi đi. Bạn Toàn được đoàn tụ với con trai tại tiểu bang California, thành phố Westminster. Vài năm sau bạn Sỹ cũng đi định cư tại Hoa Kỳ, với con trai ở tiểu bang Texas, thành phố Houston. Năm tháng lại tiếp tục trôi cho mãi đến năm 2011, khi bà Sỹ mất, ông Sỹ được năm đứa con khác đón qua California để phụng dưỡng. Đó mới là lúc Đôi Bạn xưa được gặp lại nhau sau bao năm xa cách.

Đôi Bạn vẫn thường xuyên gặp nhau đôi ba tháng một lần. Các con của hai bố Sỹ - Toàn rất vui và tạo điều kiện cho hai bố gặp nhau. Có lần cô con gái thứ ba đưa ông Sỹ đến đón ông bà Toàn đi uống cà phê. Và nhiều lần bạn Sỹ đã thân chinh đến chơi với bạn Toàn thay vì cùng nhau ra ngồi quán thì nay ngồi tán gẫu tại nhà. Do vì thời gian đó bà Toàn đã vào sâu căn bệnh “quên”, ông Toàn muốn toàn thời gian còn lại cho vợ. Và bà đã toại nguyện cho đến ngày ra đi, ông vẫn là người chăm lo cơm hai bữa cho bà.

Nếu nói về sức khỏe thể chất thì bạn Sỹ là số một. Cho dù chênh 13 tuổi nhưng bạn Sỹ khỏe mạnh nhiều lần hơn bạn Toàn. Nhưng nếu nói về sự tinh anh, sắc xảo trong câu chuyện thì bạn Toàn là trên hết. Ông có những nhận xét rất nhanh và diễn tả nó ra bằng một ngôn từ nhẹ nhưng sắc ngọt, rất ư là "Nguyễn Đình Toàn". Câu chuyện được kể lại bởi anh Đinh Quang Anh Thái, hôm ấy chở ông Toàn đến viếng lễ tang nhạc sĩ Nhật Ngân, xe phóng trên đường Beach, ngang qua nghĩa trang Peak Family để quẹo phải đường Bolsa, vào khu nhà tang lễ, ông Toàn buột miệng: “Nhìn khu mộ của bọn Mỹ kìa, người ta chết là buông hết, mộ bia cũng phẳng lì. Còn dân tộc tính của người Việt mình đặc biệt thật, chết rồi mà vẫn còn muốn trồi lên!”. “Mẹ nó, mình đến thăm thằng chết mà thấy toàn những thằng sắp chết!”

Những mẩu chuyện vui bên lề văn chương thì bạn Toàn có nhiều chuyện vui hơn bạn Sỹ. Bởi vì tính cách của bạn Toàn rất là Nguyễn Đình Toàn. Bạn Sỹ thì dường như êm đềm và ít mở lời sắc bén. Cười xòa hay cười vang to là để phụ họa hay để góp cho thêm mặn mà câu chuyện thế thôi. Có phải chăng tính chất một nhà giáo lấn át hơn tính chất một nhà văn, mà ông Sỹ có?

Đôi Bạn đến nay, một người đếm số tuổi lên hàng 100, người kia rượt theo đến số 87 tuổi, “chẳng ai còn nhận ra ai” vì tuổi già lú lẫn, vì sức khỏe sút giảm. Bạn Sỹ có đến thăm bạn Toàn thêm đôi lần nhưng nhận thấy hai bố đã đến lúc… người thì quên, người thì hết hơi để nói. Thế là con cái đã quyết định thôi chẳng cần mang hai bố gặp nhau nữa. Đã đến lúc Đôi Bạn tạm biệt nhau, mỗi người sẽ có một cách biến mất trên cõi đời. Nào ai biết được mình sẽ ra đi bằng cách nào và ra sao? Chỉ thấy là:

… Vui thì vui vậy biết chừng nào xa. – Nguyễn Đình Toàn

… Biết ai còn mất tình thu võ vàng. – Doãn Quốc Sỹ

California, ngày 6 tháng 11 – 2023

Doãn Cẩm Liên


Sep 4, 2023

WOLFGANG AMADEUS MOZART - Anh Quân

 Dear Chị Khánh 

Nhân đây em kể chuyện em nghe được về Mozart khi đến thăm ngôi nhà ông sanh ra tại ngay con phố đẹp nhất của thành phố Salzburg là Getreidegasse. 

Khi còn bé  Wolfgang Amadeus Mozart, cùng với em gái của mình, Maria Anna Mozart (Nannerl), đã biểu diễn trước Hoàng hậu Maria Theresa tại Cung điện Schönbrunn ở Vienna vào năm 1762. Vào thời điểm đó, Wolfgang thực sự còn rất nhỏ, chỉ mới sáu tuổi, và em gái của anh là mười một tuổi.

Có một câu chuyện được ghi chép cẩn thận về việc các anh em Mozart biểu diễn cho Hoàng hậu Maria Theresa. Sau buổi biểu diễn, cậu bé Wolfgang Mozart, bằng sự hứng thú và tình cảm của một đứa trẻ, đã tiến lại gần Hoàng hậu và nhảy lên đùi của bà để ôm và hôn bà, khiến Hoàng hậu và những người có mặt cười đùa vui.

Sự kiện này đã trở thành một phần của hồi ức sớm của Mozart và thường được trích dẫn như một ví dụ về tài năng đặc biệt và tính cách đáng yêu của cậu bé Mozart. Đó là một câu chuyện lịch sử thú vị thể hiện tính táo bạo và duyên dáng của Mozart khi cậu còn nhỏ trong lòng Hoàng gia.

Khi trưởng thành thì  cuộc sống tình cảm của Wolfgang Amadeus Mozart đã luôn là một đề tài đầy quan tâm và đầu cơ đoán đầu, nhưng quan trọng là phải lưu ý rằng nhiều thông tin về mối quan hệ tình cảm của ông đến từ các bức thư và bản báo cáo chỉ cung cấp một góc nhìn hạn chế về cuộc sống cá nhân của ông. Mối quan hệ tình cảm quan trọng và được ghi chép rõ ràng nhất của Mozart là với Constanze Weber, người ông đã kết hôn.

Constanze Weber: Mozart gặp Constanze Weber lần đầu vào năm 1777 tại Mannheim, Đức. Họ nhanh chóng bị cuốn hút vào nhau và tình cảm của họ ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù có sự phản đối từ gia đình của Constanze và khó khăn về tài chính, Mozart và Constanze kết hôn vào năm 1782. Họ có sáu người con, nhưng chỉ hai người sống qua thời kỳ trẻ con. Hôn nhân của họ gặp khó khăn, bao gồm vấn đề tài chính, nhưng họ vẫn trung thành với nhau. Những bức thư của Mozart gửi đến Constanze thể hiện tình yêu sâu đậm và lòng mong mỏi khi anh đi công tác hoặc làm việc trên các dự án sáng tác.

Aloysia Weber: Trước khi có mối quan hệ với Constanze, Mozart đã có sự yêu thích ngắn hạn đối với Aloysia Weber, chị gái của Constanze. Tuy nhiên, mối tình này không dẫn đến mối quan hệ lâu dài, vì Aloysia đã kết hôn với người khác.

Những Mối Quan Hệ Khác: Các mối quan hệ cá nhân của Mozart với phụ nữ, được ghi chép trong những bức thư của ông, thể hiện sự ấm áp và tình cảm nhưng không nhất thiết cho thấy sự tham gia tình cảm. Ông có những mối quan hệ bạn bè và liên quan đến công việc với các ca sĩ và nhạc sĩ nữ, nhưng đều tập trung chủ yếu vào công việc của ông.

Quan trọng là phải nhớ rằng cuộc đời của Mozart khá ngắn ngủi và ông qua đời vào năm 1791 khi chỉ mới 35 tuổi. Mặc dù cuộc sống tình cảm của ông là một khía cạnh thú vị trong hồ sơ tiểu sử của ông, di sản bền vững của ông chủ yếu dựa vào những đóng góp xuất sắc của ông cho âm nhạc cổ điển.

Riêng cá nhân của em thì cũng khó mà quên ông Mozart và ông Beethoven. Câu chuyện cũng hơn 30 năm về trước là em mới đi ra đời kiếm ăn. Lúc đó có nghĩ làm kinh doanh nên đi ra chợ trời tìm một gian hàng bán áo thun. Gặp được nguồn hàng chỉ chuyên in áo bán những người nổi tiếng trên thế giới như Abert Einstein , Oscar Wilde, Van Gogh, Picasso, Mozart , Beethoven…mà người in áo rất kỹ lưỡng không những in hình các nhân vật nổi tiếng mà còn in những điều những người nổi tiếng đã làm như áo Einstein là phía sau in cả một phương trình của thuyết tương đối, còn ông Oscar Wilde là phải có những câu như “

I have nothing to declare except my genius” hay “I can resist everything except temptation” , còn ông Beethoven là những nốt nhạc “Unfinished symphony”, về ông Mozart là “Symphony No.41”…Cũng nhờ đi bán mặt hàng này em được trau dồi kiến thức. 

Một điều phải nói là hình ảnh ông Beethoven mang đầy chất của người nghệ sĩ , mặt hàng này bán chạy vô cùng. Còn ông Mozart thì hoàn toàn ngược lại không ai để mắt tới. Treo trên tường cả năm trời không ai đụng đến. 

Tới một ngày người chuyên giao hàng cho em mới nói là không sản xuất áo thun nữa , giờ trong kho còn 5000 ngàn áo đủ loại , nếu em lấy thì giá $1 một cái và phải lấy hết. Cứ nghe thiên hạ hay nói “Có gan làm giàu” , em đồng ý lấy hết. Phải nói ban đầu 2000 áo rất dễ bán vì là hàng được ưa chuộng, tới 1000 cái kế tiếp cũng còn tạm tạm , cứ xem là O.K , nhưng 2000 cái cuối cùng là chua nhất , đẩy hàng vô cùng khó khăn , trong đó có 500 chiếc áo Mozart, đưa ra chợ ông Mozart xuống giá từ $1 đến 50 cent mà không ai đoái hoài đến. Còn trong khi đó ông Beethoven đã hết hàng từ lâu. 

Sau cùng còn hơn 1000 ngàn cái áo, bán chậm quá , em cũng hết kiên nhẫn , nên quyết định cho từ thiện luôn . Tất cả các áo sẽ đi qua Phi Châu, em thấy trong lòng cũng thoải mái nhưng tự nhiên ngồi cười “ha ha ha…” vì nghĩ một bộ lạc nào đó ở Phi Châu , sẽ có nhiều mặc áo thun có hình ông Mozart và không biết họ có biết ông thần đồng âm nhạc là ai không nhỉ ? 

Chuyện của em chỉ có vậy thôi . 

Gởi vài tấm ảnh nơi ông Mozart chào đời. 

Em Quân








Sep 3, 2023

10 BỨC TRANH CHĂN TRÂU - Doãn Quốc Hưng




https://youtu.be/1D8ILXJDSrM?si=FMkOO5e8FcEgku_m


Aug 28, 2023

ĐÊM XUÂN - Doãn Quốc Thái


 

PARTS UNKNOWN - Ti

 Giờ lunch hôm nay đã xem lại 1 episode Parts Unknown, đoạn Anthony Bourdain quay lại Việt Nam và đến Huế. Xem lại lần nữa để thấy Anthony có một tình yêu thật đặc biệt dành cho Việt Nam, đặc biệt hơn những nước khác mà ông đã từng đến.

Đến đoạn ông miêu tả về traffic ở Việt Nam vẫn thấy nổi da ga, hay đến nỗi đã phải pause và chép lại. Trên đời này có ông chef nào mà viết văn hay như Anthony nữa không?! 

Mượn vài tấm hình của San Vu để share lại đoạn note này. 

"One of the great joy in life is riding a scooter through Vietnam. 

To be part of this mysterious, thrilling, beautiful choreography. Thousands upon thousands of people, families, friends, lovers… Each an individual story glimpsed for a second or two in passing, sliding along side, pouring like a torrent through the city. A flowing gorgeous thing. 

As you ride you not only see but you overhear a hundred intimate moments in miniature. You smell wonderful unnamed things cooking usually from store fronts and food stalls. The sound of beeping, laughing, announcement from speakers, the put put and roar of a million tiny engines..."

Mãi yêu #anthonybourdain  ❤

Nguyễn Đình Liên Chi 







Aug 20, 2023

BỐ VỀ! MẸ VỀ! - Doãn Kim Khánh




Tất cả 8 đứa con của Bố (Ông Giáo) đều có lần được reo “Bố về”. Ngày ấy, Bố được thả từ trại Gia Trung và lò dò về đến bến xe miền Đông, rồi đi bộ về nhà, lò dò kiếm đầu hẻm có bảng “Cao Đài Giáo Lý”, rồi gõ cửa một nhà còn đèn sáng trong hẻm để hỏi thăm nhà “Bà Giáo” ở đâu. 

Làm sao tả được niềm vui bật đèn sáng trưng từ gác trên đến nhà dưới và cùng reo vang “Bố về”. Không phải chỉ 8 con, mà cả Mẹ cũng reo “Bố về!” vì Mẹ theo các con có thói quen gọi ông chồng là “Bố”.

Riêng tôi, tối qua tôi có dịp reo “Mẹ về!” Chỉ một mình tôi thôi. 

Tôi nằm mơ thấy mình ra phòng khách (không rõ phòng khách nhà Thành Thái hay nhà Lampson) thì thấy Mẹ đang nằm ờ sofa. Trong trí tôi nhớ rất rõ Mẹ đã qua đời, nên từ từ tiến tới ghế, nhìn mẹ. Tôi thấy Mẹ trẻ và đẹp hơn ngày Mẹ mất, cách đây 13 năm. Tôi tự nhủ mình phải sờ thử xem có chạm được Mẹ không, hay tay sẽ quờ vào quãng không. Và tôi đưa tay xuống ghế sofa. Tay tôi chạm được vào người Mẹ. 

Tôi mừng quá, hỏi “Mẹ mới về hả?” 

Mẹ không trả lời. Tôi hỏi thêm lần nữa: “Mẹ ơi, Mẹ mới về hả?”

Mẹ vẫn không trả lời. Tôi phân vân, chạy xuống nhà kiếm mấy đứa em. Trong giấc mơ tôi không rõ thấy đứa em nào, nhưng nhớ có nói “Mẹ về kìa!” Nhưng chẳng có tiếng ai trả lời.

Tôi quay lại phòng khách thì sofa trống trơn. Mẹ đã về và đã đi. 

Sáng hôm sau tôi kể chuyện Mẹ về cho đứa em gái nghe. Nó cũng sững sờ như tôi trong mơ. Tôi hoang mang nói “Chẳng lẽ Mẹ về đón Bố đi?” 

Hoang mang vì lâu lắm rồi không ai nằm mơ thấy Mẹ. Cả Bố lẫn các con đều yên tâm là Mẹ đã siêu thoát. Nay tự nhiên Mẹ lại về. 

Đứa em phân vân trước thuyết mình Mẹ về đón Bố của tôi: “Ờ … cũng có thể vậy!” Nó sát cánh với Bố, thấy rõ sức khỏe Bố đi xuống.

Chiều đến, tôi chạy sang nhà người Cô để kể lại giấc mơ. Cô là người được Mẹ thương như em ruột và là người duy nhất thường xuyên nằm mơ thấy Mẹ. Giờ Cô lãng đãng rồi nên nghe chuyện Mẹ Về không mấy hiểu. Riêng thằng em họ nghe thuyết “Bố về đón Mẹ” của tôi thì thoạt la làng “Chị K nói bậy!”, sau đó công nhận “Hai nhà mình có cha mẹ già, phải chuẩn bị tinh thần thôi.”

Sự đời hiển nhiên là có về thì sẽ có đi

Aug 18. 2023

 


Mẹ và út Hương 

***

Hi chị Khánh,
Em vừa đọc xong giấc mơ Bố Về! Mẹ Về của chị Khánh Cảm động ghê đi! 
Em viết lại giấc mơ Lạc Bác, Lạc Mẹ của em (đã kể trong sinh nhật thứ 60 ở nhà của Tú/Quế Anh). Đúng là 2 nhà mình vô cùng thương các bô lão❤

Ngọc Tồ

******************************************
July 10, 2023

Nằm mơ thấy mình đang đi bộ cùng với bác Sỹ trai. Không hiểu vì sao cháu Ngọc tồ lại đứng trên gác cao, nhìn xuống thì thấy bác đang đứng ngơ ngác sát cạnh thang máy. Lúc đó mình nghĩ thầm, thôi chết, thế này thì bác sẽ đi lạc cho mà xem. Quả y như vậy: sau khi mình hộc tốc chạy xuống chỗ thang máy bác đứng thì bác đã biến mất. Mình đi bộ về nhà trong lòng đầy ăn năn là đã để bác đi lạc. Về đến nhà thì thấy bác đang ngồi ăn trong nhà và lên tiếng: “Tại sao cháu để bác đi lạc!”

Sau đó đến đoạn trông Mẹ. Hai Mẹ con cùng lò dò đi bộ với nhau, Mẹ đẩy xe đi bộ (walker), gái Ngọc đi bên cạnh. Thế mà không hiểu vì sao mình lại để đánh mất Mẹ! Lại tiếp tục hối hận! Sau đó đi tìm Mẹ khắp nơi không thấy. Trong lòng nghĩ thầm: “phải sang căn B hỏi thăm thôi, biết đâu chừng Mẹ đang ở bên đó!”



Aug 15, 2023

TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG - Doãn Cẩm Liên

Con bé tên Cỏ thuộc làu bốn chữ “tứ đại đồng đường” từ năm nảo năm nào. Khi nó lên 4 tuổi thì phải. Nó nói chuyện với Cụ Sỹ qua máy tính, mào đầu câu chuyện lúc nào cũng nhanh nhảu “tứ đại đồng đường nha Cụ!”

Hôm nay thì khác, không còn ảo mộng nữa mà “tứ đại đồng đường” bằng xương bằng thịt! Cỏ và anh trai cùng bố mẹ của Cỏ qua California thăm Cụ. 

Cụ chỉ nhoẻn miệng cười xòa khi lũ cháu và chắt ùa vào ôm Cụ. Cụ 101 tuổi rồi nên vui buồn chẳng dính vào được Cụ.

- Tứ đại đồng đường đó nha Bố. – Con gái của Cụ, cũng là bà ngoại của lũ con cháu này, thuyết minh với bố.

- À à à…!

Cụ vẫn ngồi nguyên và nhìn lũ con cháu chắt chúng nó ồn ào chào nhau, xoắn xít với nhau. Đố ai biết Cụ đang nghĩ gì? Chẳng nghĩ gì cả! Vì Cụ có cái thế giới “untouchable” của riêng Cụ. Trước đây, Cụ cũng biết và hay khoe rằng mình đạt được “tứ đại đồng đường”. Thế nhưng chừng năm gần đây, Cụ đi dần vào thế giới riêng của mình nhiều hơn nên ít bàn đến chuyện “tứ đại đồng đường” nữa.

Đám con cái của Cụ, bé Cỏ và anh nó phải gọi là ông trẻ và bà trẻ, thì ai nấy đều vui lắm vì bố già chẳng biết lúc nào cụ 200 tuổi đây!? Sở dĩ đám con dùng chữ số 200 tuổi để diễn tả “ngày ra đi” của Cụ, bởi vì Cụ bây giờ đã 101 tuổi mà vẫn còn sống phây phây. Hình ảnh đám con, rồi cháu, rồi chắt vây quanh Cụ là một hiện tượng hiếm có mà vui và hạnh phúc.

Các ông bà thấy vui hơn nữa vì lâu rồi không có một đứa trẻ con nào để cưng cả. Sự già nua thường ngày như dừng lại để ông bà hòa vào chơi cùng cháu. Ngôn ngữ trẻ thơ được lôi ra sử dụng khi truyện trò với Cỏ, bằng không ông bà không tiếp xúc được với thế giới của Cỏ. Và nhớ là phải cùng tư duy trẻ con của Cỏ nữa nhé, mới hòng nhập được vai và vào đúng câu chuyện mà Cỏ đang đóng. Cỏ diễn một vai, vai kia là của ông hoặc bà.

Bà Hòa có lẽ là người nhập vai giỏi nhất vì cuộc chơi bán hàng giữa bà với Cỏ kéo dài lâu nhất. Cửa hàng thức ăn của Bà toàn là những bát chén nhỏ xíu, những con vật nhỏ xíu được bà cất kỹ trong hộp, đặt ở một góc khuất trong tủ nay được lôi ra. Hai bà cháu rí ráu, mua mua bán bán với nhau. Đứng ngoài nhìn vào thì thấy bà Hòa dường như chỉ còn 7 tuổi rưỡi thôi. Chắc nhờ vậy mới đóng kịch chung được với Cỏ!

Bố mẹ Cỏ đã lâu rồi chưa qua lại California thăm ông Ngoại. Lần trước, cách nay cũng chừng tám năm, khi anh của Cỏ lên 4 tuổi. Khi chào ông Ngoại, hai đứa cháu cũng nhận ra sự khác biệt về tinh thần và thể chất của Ông đối với lần trước. Chúng nó càng thấy giá trị của chuyến đi lịch sử này. Hai chắt được nắm tay Cụ, đoàn tụ 4 thế hệ, mấy ai và mấy khi làm được như chúng nó bây giờ.

Lần qua Mỹ đầu tiên của gia đình Cỏ làm gì có Cỏ, chỉ mới có anh Hai thôi. Lần này quân số lên 4 vì có thêm Cỏ. Cỏ bàn với bà Ngoại qua “messenger”:

- Con mà gặp ông Cụ là con dắt Cụ đi chơi nè.

- Nhưng làm sao Cỏ biết đường mà dắt đi? Cỏ mới đến Cali lần đầu mà. – Bà hỏi tới.

- Thì con đi với bà Ngoại hay đi với bà Út.

- OK, đi chơi xong thì mình sẽ làm gì nhỉ? – Đâu dễ gì bà buông tha nó ngay.

- Con nghĩ Cụ sẽ khát nước thì con rót nước cho Cụ uống. Cũng giống như mẹ nhắc con uống nước mỗi khi đi học về đó.

- Ồ đúng rồi, Cỏ nhắc bà mới nhớ là ông Cụ làm biếng uống nước lắm. Nhớ nhen, ngoắc ngoéo là Cỏ không quên chuyện này nha con.

Quả thật con bé chẳng quên một cái gì cả! Khi qua đến Cali nó làm đúng y chang những gì nó nói chuyện với bà ngoại. Nó làm thay và nói thay luôn cho anh Hai. Con trai thường lơ tơ mơ hơn con gái về vụ chi tiết nhỏ và phục vụ cho người khác. Các ông bà hiểu điều này nên càng thương thằng anh bị con em chiếm hết sân khấu diễn. Mà thằng anh cũng chẳng suy nghĩ gì về chuyện hơn thua này. Tốt!

Ba tuần lễ qua cái vèo, ngày lũ chúng nó đến rồi ngày chúng nó đi chớp mắt, nhanh như chiêm bao. Tiễn lũ con cháu lên xe ra phi trường, quay vào nhà Bà mơ nghĩ: Có khi nào có cảnh “ngũ đại đồng đường” không nhỉ? Nếu có thì Cụ Sỹ phải sống thêm mươi năm nữa. Chờ Cỏ hay chờ mấy anh chị em họ của Cỏ lập gia đình thì mới lập ra hiện tượng “ngũ đại đồng đường”.

- Ôi chà rõ là mơ. Bà ngoại mơ ngày rồi bà ơi!

Cỏ nó cười khì trêu bà đang mơ giấc mơ đẹp, nhưng khó thực hiện!

California, ngày 14 tháng 8 – 2023

Bà ngoại Tư Liên





MÌNH NÓI CHUYỆN MÌNH - Đoàn Khoa

 Chào DOÃN GIA

Bây giờ em mới "bình tâm" kể cho chị Thanh và mọi người những gì mà em đã ĐIÊN KHÙNG trong suốt thời gian "KỲ LẠ" vừa qua.

Đầu tiên:

EM TIN RẰNG TRÊN ĐỜI NÀY CÓ PHÉP LẠ.

Với một người viết kịch bản - tạm gọi là TÁC GIẢ - quá trình từ lúc hoàn thành kịch bản cho tới lúc công diễn đôi khi rất dài - có lúc vài chục năm (mà sớm nhất cũng phải vài năm).

Vậy mà kịch bả của em - từ lúc có ý tưởng cho tới công diễn chỉ vài tháng.

(lâu nhất không phải khâu tổ chức - mà là khâu CHỌN DIỄN VIÊN).

Nhiều người có "khả năng" đều TỪ CHỐI không đóng vai BÀ HỒI XUÂN bởi họ sợ nó ẢNH HƯỞNG đến ĐỜI TƯ của họ.

(một vai duy nhất khiến cả nhóm không thể khởi công trước đó 1 tháng!!!)

Sau khi "xong" phần nhân sự - khó khăn lớn của tụi em là ĐỊA DIỄM DIỄN.

Vài chỗ SANG TRỌNG và PRIVÉE nhưng khó tìm và thiếu thiết bị (giá thuê rất đắt...)

...

May mắn của em là có được một "nhà sản xuất" CỰC TỐT - CỰC GIỎI VÀ CHUYÊN NGHIỆP đã làm mọi thứ để em có thể làm tốt nhất công việc của em.

Đây cũng là câu "trả lời" cho Doãn Hương luôn:

Không thể GOM vài người YÊU NGHỀ và NHIỆT TÌNH là có thể làm nên 1 vở kịch hay 1 tác phẩm sân khấu vì:

-TIỀN ĐẦU TƯ (rất lớn)

-HẬU CẦN TỐT

-TỔ CHỨC (trong đó rất nhiều khâu)

-QUẢNG CÁO & THÔNG TIN...

(còn nhiều bộ phận cụ thể khác thuộc về chuyên môn - thí dụ như "nước nôi tập dợt", "liên hệ và tổ chức lịch tập., chỗ tập", "CƠM TRƯA", những chuẩn bị khác nhau cho mỗi buổi tập...)

Công ty của Hồng Ánh đã làm tất cả những chuyện này HẾT SỨC CHU ĐÁO với"tôn chỉ":

CHẤP NHẬN LỖ - CHƠI TỚI BẾN !

(EM CÁM ƠN TRỜI VỀ CHUYỆN NÀY)

(Các anh chị có thể đọc những thông tin và chuyện giữa em và cô Hồng Ánh qua các bài báo hoặc em sẽ gửi hoặc nhờ Út Hương chuyển qua để biết rõ hơn em đã may mắn như thế nào)...

...

Cuối cùng là KHÂU DUYỆT.

Trong những người này có người em quen, có người không... và nghe đâu có 1 CA "tư tưởng"...

Trước đây, có một số vở sau khi duyệt bị ách lại, phải điều chỉnh và tổ chức duyệt lại cho tới khi hội đồng OK thì mới có được "giấy phép" để bán vé.

Và một lần nữa em gặp may. Có người trong Hội Đồng đã khóc khi xem (mặc dù suất diễn đó mọi người RẤT CĂNG THẲNG - nên không hay bằng những đêm sau).

Họ đã KÝ NGAY giấy phép trước khi họ ra về - điều này chưa có TIỀN LỆ.

(Cũng thêm 1 điều kỳ lạ: vở diễn không phải sửa bất cứ chi tiết nào)

...

Bây giờ em gửi lại KỊCH BẢN FINAL cho quý vị đọc lại để có thể TƯỞNG TƯỢNG những gì đã diễn ra.

Kịch bản lúc trước chỉ là BẢN PHÁC THẢO BẰNG BÚT CHÌ.

Kịch bản cuối cùng - cũng với những chi tiết đó - nhưng đã được TÔ BÓNG và VẼ BẰNG MÀU DẦU nên nó sắc sảo và DỮ DỘI hơn rất nhiều.

Em cũng gửi vài hình ảnh của vở diễn này (tập dợt cũng như công diễn) cho mọi người hình dung...


Đoàn Khoa










May 24, 2023

NGƯỜI MẸ HIỀN - Doãn Cẩm Liên


Mãi cho đến ngày hôm qua, ngày 21 tháng 5 – 2023 ngày Quán Niệm tại Mile Square park, tôi vẫn chưa có ba chữ “Người Mẹ Hiền” trong đầu! Nó chỉ lóe sáng lên trong tôi khi mình đứng trước mặt và đảnh lễ sư cô Chân Không. Phải rồi, đây chính là Người Mẹ Hiền. 

Người Mẹ Hiền – sư cô Chân Không” hiền từ khuôn mặt, nụ cười, giọng nói, dáng vóc và để rồi thể hiện ra ngoài bằng những việc làm cho đại chúng. Suốt cuộc đời của sư cô Chân Không – Người Mẹ Hiền luôn đem về cho quê hương “muối trắng, tôm to cá lớn tươi ngon… thêm thơm mâm cơm mặn nồng” tôi so sánh những sự mặn nồng đó với chương trình Hiểu và Thương. Sư cô Chân Không khởi phát nó cách đây vài chục năm với hạnh nguyện giúp đỡ các vùng quê xa thiếu trường học. Nơi đó có các trẻ dưới 6 tuổi, chưa được vào học trường tiểu học chính qui. Các em phải ở nhà đỡ đần cha mẹ đôi chút. Em có thể trông em nhỏ hơn hoặc trông ông bà khi cha mẹ ra đồng làm việc. 

Chương trình Hiểu và Thương giúp các thầy cô giáo có lương, giúp các trẻ có bữa cơm trưa ăn tại trường, trong khi cha mẹ còn đang làm việc ngoài đồng hay ở công sở. Dần cho đến nay, chương trình Hiểu và Thương đã chuyển sang việc trao học bổng cho học sinh nghèo. Học bổng giúp được phần nào tiền mua sắm sách vở cho các em đầu niên học và các chi phí khác trong khi đi học. Chương trình vẫn còn tiếp tục tại tám điểm trường xa thành phố lớn khu vực miền Trung.

Thích-Nhất-Hạnh Foundation và tăng thân Xóm Dừa tiếp nhận chương trình Hiểu và Thương từ Sư Cô Chân Không. Thế hệ sau tiếp nối công việc của người đi trước như những giọt nước liền lạc với nhau trong một dòng sông chảy miên man ra biển mẹ về đến quê nhà. 

Tôi nhớ lại, sau biến cố 30 tháng 4 – 1975, đất nước và con người Việt Nam bước vào thời kỳ đen tối nhất. Quân nhân, cán chính, văn nghệ sĩ miền Nam Việt Nam bị lùa vào trại cải tạo. Tất cả những điều căn bản của một con người hoàn toàn bị tước sạch. “Dân chủ, tự do, ấm no, nhân bản…” cho con người chỉ còn trong mơ, là loại xa xí phẩm bậc nhất trong chế độ cộng sản. Thế nhưng, Mẹ Hiền – sư cô Chân Không dưới tên gọi “Cô Chín” và “Dì Năm – Sư Ông Nhất Hạnh” đã xuất hiện như giọt nước cam lồ trong bể khổ. Chương trình Hiểu và Thương có lẽ khởi sự từ lúc ấy. Các con trẻ của văn nghệ sĩ miền Nam còn mắc kẹt trong gông cùm, nhận đều đặn một số tiền để có thể tiếp tục đi học. Gia đình chúng tôi là một trong những gia đình được hưởng chương trình này.

Lần ngược thêm về những năm trước nữa, qua những sách do sư cô Chân Không viết, chúng tôi là những thế hệ rất xa mới biết thêm được rằng: Lúc ấy sư cô Chân Không có tên gọi là Cao Ngọc Phượng, vẫn còn khoác áo người đời, lòng từ bi thương người lầm than khổ sở tràn trề, đã có chương trình “Nắm gạo cho người nghèo”. Đến năm 1952 được làm học trò sư Ông Thích Nhất Hạnh trong một khóa học Văn Chương và là một sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Đến năm 1968 “cô Phượng” du học tại Pháp cho bằng tiến sĩ Sinh Hóa đã hợp cùng với Sư Ông trong chuyến Vận Động Hòa Bình cho Việt Nam. Từ đó Sư Cô đã phụ giúp Sư Ông điều hành quỹ Phục Vụ Xã Hội của nhóm Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Đây là một quãng đời đầy kịch tính mà sư cô Chân Không đã trải qua. Chúng ta thế hệ sinh sau đẻ muộn có thể biết rất ít thời gian này.

Đến ngày nay, ngót năm mươi năm trôi qua, lại được ngồi dưới chân Mẹ Hiền – sư cô Chân Không là một điều kỳ diệu. Lại còn thêm phần kỳ diệu hơn khi được nghe Sư Cô hát, tiếng hát êm và nhẹ. Lời hát được phổ từ Kinh Kim Cương:

“Châu báu chất đầy thế giới, tôi đem tặng bạn sáng nay, một vốc kim cương sáng chói, long lanh suốt cả đêm ngày…”

Sư cô Chân Không nay đã chín mươi, tuổi đời tuy có lớn đó nhưng “người” nào muốn nghỉ ngơi! Tiền tài không có, nhưng ta còn có giọng hát thì ta hát tặng cho mọi người! Đó, sư cô Chân Không là vậy đó. 

Sau giờ ngoài “park”, chúng tôi - tăng thân Xóm Dừa được đón Sư Cô cùng với các ni sư khác về Mindfulness Practice Center (MPC) để có một buổi thiền trà thật êm ả và vui. Đây cũng là lúc tăng thân Xóm Dừa có chút thời gian thân mật nhất để chia xẻ và tâm tình với các ni sư. Anh Tommy chủ nhân cơ sở MPC đã cúng dường tịnh tài cho chương trình Hiểu và Thương. Đến phần Xóm Dừa chúng tôi, cũng có màn chia xẻ tâm tình, những chuyện cũ, những kỉ niệm xa xưa với sư cô Chân Không. Chúng tôi không quên cúng dường một ít tịnh tài nuôi dưỡng chương trình Hiểu và Thương mà sư cô Chân Không đã gầy dựng. 

Thời gian ngắn nhưng tình cảm thì dài. Những người con của Phật đều nhận thấy vậy. Chúng tôi trân quý lắm lắm giây phút đang có này. Khi được ngồi với nhau trong không gian đầm ấm, trải đầy tình thương, không bỏ sót một phút giây nào chúng tôi tận hưởng tất cả. Hưởng cả năng lượng lành mà Mẹ Hiền – sư cô Chân Không đang truyền trao cho.

Chúng tôi hiểu rằng được làm một con người là điều may mắn, được là một Phật tử là niềm hạnh phúc, hạnh phúc lớn hơn nữa khi được học đạo qua pháp môn Làng Mai của sư Ông Thích Nhất Hạnh. Và hạnh phúc ngày hôm nay, ngay giờ phút này là được ngồi nghe Mẹ Hiền – sư cô Chân Không nói và hát những lời kinh Yêu – Thương.

Hạnh phúc biết là bao!

California, ngày 24 tháng 5 – 2023

Chân Nhã Uyển

Doãn Cẩm Liên





May 14, 2023

HAPPY MOTHER'S DAY TO ALL THE MOMS - Nguyễn Đình Thảo Chi


Happy Mother’s Day to all the moms!!! 

Mamas, we often talk about the privileges and how life changing and lucky we are to be our kids moms. Though those things are 100% true, I hope you don’t lose your sense of self in the process of being the best mom. Motherhood can also be challenging, heartbreaking, lonely, flat out hard at times, and we often don’t allow ourselves to talk about that. Mother’s Day is only once a year, but truly, every day is your Mother’s Day. I hope you all find time to nourish the person inside you on a daily basis: do the things that make you happy, take care of your mental health, give yourself alone time, build your village, protect your support system… Whatever it may be, don’t forget to take care of the “YOU”. Because without that, the “MOM” can never be 100%. 🥰🥰🥰




by Zayn


by Maya