Feb 20, 2024

BỐ SỸ 102 TUỔI - Doãn Cẩm Liên




Số tuổi 102 của bố, tôi thích chẻ ra làm 2 phần. Số “100” tôi nói với giọng nhỏ và nhẹ, còn số “2” tôi đọc to với giọng rõ và kéo dài một chút để nhấn mạnh hơn. Vì sao? Vì 2 tuổi này là tuổi Trời Phật cho ông và cho con cháu chắt của ông. Ông đã có thêm 2 năm bên cạnh con cháu chắt, để chúng có cơ hội chơi và chăm sóc ông.

Hai (2) năm mà ông nội, ông ngoại, cụ Sỹ có được như ngày hôm nay là do chính ông làm nên. Vì Ông sống không hận thù, không mong cầu ước muốn, không dính mắc thương yêu hay ghét bỏ ai cả. Nếu có chuyện phân biệt “người này bố không cần gặp hoặc người kia bố nên gặp” thì chỉ có lũ con cháu mà thôi. Do vì tâm của chúng chưa đủ lặng nên mới suy nghĩ và quyết định dùm cho Ông mà thôi. Hừm, Ông mà biết được như thế thì chẳng thích đâu nhé!

Cụ Sỹ ngày càng trở thành trẻ thơ, nay Cụ đã trở thành trẻ 2 tuổi rồi. Cụ rất thích đi chơi, đi bộ quanh khu xóm, hay là cứ cho Cụ ngồi trên xe chạy vòng vòng thành phố là đủ thích. Xe chạy ngang qua cầu Free way 22 là nghe tiếng Cụ hỏi:

- Freeway này là Freeway gì vậy con?

Hoặc trước mặt là Freeway 405 thì:

- Ồ, Freeway này đi thẳng xuống San Diego, đến nhà chị Hương của Hòa đấy!

- Chị Cả em Út cách nhau 20 tuổi. Người làng Bưởi cách làng Cót mình 2 cây số.

Đấy là một trong những câu chuyện còn đọng lại trong trí của ông. Những điều mà hiểu sâu đằng sau câu nói là tình thương và sự dí dỏm nhẹ nhàng của Ông.

Hoặc chăng là cái nhớ những câu thơ hoặc những câu ca dao được đối đáp giữa thằng con trai và bố khi ngồi trên xe:

Đêm qua tát nước đầu đình, - con trai

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen. – bố Sỹ

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho, - bố Sỹ

Giúp em một thúng xôi vò,

Đôi chăn em đắp đôi trằm em đeo, - bố Sỹ

Giúp em quan tám tiền cheo,

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

- Tán khéo đến thế là cùng chứ còn gì nữa! – bố Sỹ chua thêm sau khi đọc dứt bài thơ.

Tú rửng mỡ lái xe bình bịch, – con trai

Máy nổ vang xình xịch chạy như bay. – bố Sỹ

Bóp còi toe như quát tháo dương vậy, 

Bên đường cái, khách vội vã giãn ngay tăm tắp. 

Tú nhớ thuở còn đi xe đạp,

Một thứ xe chậm chạp hiền lành…

- Xe bình bịch là xe mô tô có tiếng kêu bình bịch. Đấy, con người ta ở đời là vậy đấy! – lần nào đọc xong bố Sỹ cũng nhắc lại không sót một chữ.

Hoặc cùng đọc thơ bạn Mai Thảo, bài thơ được khắc trên bia mộ nhà văn Mai Thảo:

Thế giới có triệu điều không hiểu, - con trai

Càng hiểu không ra lúc cuối đời. – bố Sỹ

Chẳng sao khi đã nằm trong đất, 

Nhìn ở sao trời sẽ hiểu thôi.

Tâm của Cụ Sỹ, nay là 2 tuổi, chỉ còn những mẩu chuyện thơ như thế thôi nên Cụ cứ phây phây sống một cách hiền lành. Không phiền hà gì con cháu, những đứa hằng ngày chăm lo cho cụ. Ba bữa ăn sáng, trưa, chiều chúng đưa gì là cụ ăn ngay. Nếu có một chút gì không thích thì cụ chỉ bảo là “Hôm nay bố no!”. Không sao, rắc thêm một tí đường lên và cho ông nếm thấy vị ngọt, thế là xong. Hết trơn ngay bát cháo hay món gì mà ông không mấy ưa.  Chả là ông thích ăn ngọt mà!

Ngày Tết, lũ con cháu cười khoái chí nhìn khi ông ăn bánh chưng với đường. Đường cát rắc lên mặt bánh chưng là ông sơi tì tì đến hết. Con cháu nể phục ông vì “ông già” mình ăn ngọt, uống ngọt mà chẳng hề bị cao đường, cao máu hay cao mỡ gì cả. Các con của Ông không đứa nào theo đuôi bố được vì đứa nào cũng bị ba cao một thấp trong khi tuổi đời còn thua bố xa.

Chăm bố bây giờ chỉ còn phải lo sao cho bố không bị té ngã. Vì người già mà ngã gãy xương là phiền lắm. Xương gãy đau lại còn không thể mổ xẻ gì cả, nằm một chỗ là xuống cả tinh thần lẫn thể chất. Do vậy, lũ con cháu bố Sỹ quay trở lại chăm bố như chăm con khi chúng còn nhỏ 2 tuổi. Cũng y như vậy, cũng phải giữ chúng sao cho không bị ngã khi đi khi chạy, cũng phải lo thức ăn cho chúng được đủ chất, cho tinh thần chúng được vui tươi và giữ cho trí não được sáng suốt. Bố Sỹ nay chẳng khác gì các chắt của Cụ được bố mẹ chúng chăm sóc.

Con gái Út của bố Sỹ mỗi lần mang ông vô buồng tắm tắm thì vẫn nhớ lại chuyện xưa: “Ngày xưa Bố đi dạy về là tắm cho Út. Nay Út tắm cho “em bé” Bố nha.” 

Ông Sỹ “ngoan lắm” trừ những khi “không ngoan” như từ chối không đi tắm, nhưng khi vào buồng tắm rồi thì ngoan ngoãn tắm và vọc nước cho đến khi bị con triệu hồi đi ra kẻo lạnh. Như khi Ông không chịu ăn thì được thêm đường vào bát thế là ăn hết sạch sành sanh. Ông Sỹ chỉ một tí nhõng nhẽo thôi lại ngoan nõn, khiến con cái phải tự thấy mình có phước quá, chăm bố già mà nhẹ tênh như không.

Thế đấy, Cụ Sỹ 102 tuổi mà vẫn lừng lững đi đứng nằm ngồi, trí nhớ có mai một đi thì có hề gì “Phải quên thì con cháu mới khá được chứ!” – Ông biện hộ cho sự quên của mình như thế. 

Thế đấy!

Chúng con, các cháu và chắt mong được chơi với Ông Sỹ thêm mươi năm nữa. Cứ mỗi năm thêm, chúng con chỉ đếm phần số lẻ được cộng thêm thôi. Năm nay Ông 2 tuổi, sang năm Ông 3 tuổi, và cứ thế mà đếm tiếp. Mong rằng đếm được đến số 10 nhe Bố nhé! 

California, ngày 20 tháng 2 – 2024

Con gái thứ tư, Doãn Tư Liên












Feb 11, 2024

XUÂN GIÁP THÌN - Vũ Thị Thái Hòa


Xuân Giáp Thìn đang đến bên thềm....

Trời Cali trải qua bao ngày mưa lũ, nước trên trời đổ xuống không nguôi ... càng làm những ngày đón Tết vừa ngập úng nước nhưng cũng vẫn mong đợi nắng Xuân về sẽ mang thêm hơi ấm hồi sinh vạn vật.

Xin mời cả nhà xem hình và thơ - như một lời chúc chân thành cho ngày Xuân mới.

Vũ Thị Thái Hòa 

Ngày giông bão thềm mây mù u ám 

Gió ngàn dâu ngập bạc cả khung trời  

Nhịp mưa rơi điệu luân vũ chiều lơi 

Thềm đất lặng nhìn sắc đời chuyển mới

Không gian xanh xao động bước thời gian 

Ngày ngóng đợi Đêm tàn nhanh nắng sớm


Ngẩng nhìn lên...

Vầng trăng trôi trên cao

Nửa treo đầu sớm nửa pha ráng chiều

Đưa tay với ánh trăng ngà 

Lần theo con tạo xoay vần đến đâu


Ta ngắm theo...

Trăng lồng bóng lá tay lồng nguyệt 

Để vuột thời gian ngắm cánh diều 

Mải theo mơ ước quên hiện tại 

Lỡ mất bao lần phút bình yên....


Như quanh đây...

Bao lâu nữa Xuân sẽ về lối nhỏ

Mai trên đồi đang đón gió mùa sang

Trời mây giăng không che được nắng vàng 

Khơi rộn rã mầm xanh nhành lộc biếc 


Xuân đang khẽ bước bên thềm...

Sắc hoa trên cánh áo

Tô thêm màu thời gian 

In nền khung cửa nhỏ

Đón Xuân nào thanh tân


Thương chúc tất cả Ông Bà Anh Chị Em Con Cháu một mùa Xuân yêu thương đầm ấm


Xuân Giáp Thìn 2024 

Vũ Thị Thái Hòa 







Feb 9, 2024

DOÃN GIA CÚNG 30 TẾT - CÚNG GIAO THỪA






@ Hiển Ngọc


@ Thanh Giao 





@ Vinh Yên 


@ Hưng Hòa




@ Thái Hằng



@ Bố Khánh Liên Hiếu

Feb 4, 2024

VUI XUÂN - HỒI XUÂN

 

Vui xuân 💚💙💛💜@ Boston 






Hồi Xuân @ Sydney 😍




Feb 3, 2024

TÂM XUÂN THƯỜNG TRỤ - Doãn Quốc Vinh

 



https://youtu.be/JN8KsYeHI0I?si=IKRtIGSGPo_WiiGu

1.

có mùa xuân tuổi thơ 
áo mới lòng ngóng chờ 
đón Giao Thừa vào ngõ 
hồn nhiên cười vu vơ 
... 
rồi qua mau 
qua mau 
có mùa xuân mười sáu 
vàng óng bụi hoa ngâu 
cành mai vàng thuở nhỏ 
nở nụ hoa tình đầu 
... 
rồi xuân qua, hạ tới 
rồi thu tàn, đông tận 
có mùa xuân thanh tân 
tình đôi mới ân cần 
tiếng con cười như vỡ 
rượu xuân nồng lâng lâng 
có mùa xuân rất gần 
dặm đường chẳng phân vân 
trên đồi cao ta hát 
tóc xanh mầu thiện ân 
... 

2.

rồi trôi qua
trôi qua
có mùa xuân rất xa
 xẩy chân chốn ta bà
 rơi xuống đời sâu thẳm
 ta chẳng còn là ta 
có mùa xuân thật xa
 xa lắm chốn quê nhà 
ta ơi chiều viễn xứ 
vỡ òa tháng ngày qua 
... 
rồi phân vân... 
chốn tình trần... 
có mùa xuân bâng khuâng 
con tạo cứ xoay vần
 cuối mái đầu sương điểm
 vàng ơi nắng ngoài sân 
... 
ta vô thường...  
ta chồn chân mỏi gánh 
xuân như thường...  
xuân trẩy hội đi về 
ta u mê, ta cứ bộn bề 
xuân cứ thế như chưa bao giờ cũ 
... 
về thôi gã du thủ 
khép kín đời lãng du  
nào còn gì mê mải 
nào có gì thiên thu 
tiếc chi cành hoa cũ 
thoáng nở tàn vi vu 
 tâm xuân là thường trụ
 trăm năm là phù du  

Doãn Quốc Vinh 

Feb 2, 2024

DOÃN GIA CÚNG ÔNG TÁO 2024

 


@ Ngọc Hiển



@ Hòa Hưng 


@ Hằng Thái


@ Bố Sỹ, Khánh, Hiếu Liên



@ Út Alouis 







HƯƠNG NHÂN LOẠI, CÒ ĐÙM VÀ DOÃN QUỐC SỸ - Doãn Cẩm Liên


Hai truyện ngắn “Hương Nhân Loại” và “Cò Đùm” được hai người con và hai người cháu của cụ Doãn Quốc Sỹ chọn để dịch sang Anh ngữ với thiện ý là cho lũ con – cháu – chắt của Cụ Doãn. Vì phần lớn chúng được sinh và lớn lên ở hải ngoại, chúng cần có văn bản tiếng Anh thì mới có thể hiểu được chút nào về nhân sinh quan của Cụ mình. Cụ là tác phẩm và ngược lại. Đọc tác phẩm của Cụ để thấy được Cụ, vì Cụ đã đặt hết tâm và ý thức của mình vào chữ nghĩa cả rồi.

Các con – cháu – chắt thấy được gì? 

Thưa rằng thấy từ Cụ tính nhân bản, tình yêu quê hương đất nước, yêu dòng sông, lũy tre đầu làng, yêu miếu chùa, yêu con đê và yêu cả con người nữa. 

“…Ðêm thơm không phải từ hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà…” –
Dạ Lai Hương – Phạm Duy

Đúng vậy, lũ con cháu của cụ Sỹ cùng đồng lòng với cụ Phạm Duy là “hương thơm” không chỉ từ nơi cái bông hoa phát tiết ra mà nó còn phải từ trong lòng mình, người ngắm hoa. Thơm từ trong tâm tư của mình thơm ra thì hương thơm đó mới thật là thơm!

Cũng vậy, trong Hương Nhân Loại, cụ Sỹ đã cho độc giả thấy “hương” của nhân loại không chỉ nơi nhân vật “chị”, mà hương thơm này hẳn phải là từ nơi tâm của Cụ nữa.

“Mẹ chị thương chị lắm đã đành, nhưng hình ảnh ăn sâu vào tâm khảm chị nhất là hình ảnh bà nội. Tóc cụ bạc phơ, mắt đã kém, nhưng da thì hồng hào. Cụ chỉ mong chóng đến ngày Chủ nhật hay ngày lễ để các con cháu về trại. Về tới ngõ chị chạy một mạch tới cụ, tựa hồ chạy theo sức hút của nụ cười, nụ cười biết bao là thương mến, hiền từ nở trên môi cụ.”

Tình yêu thương nếu không thật có từ Cụ Sỹ thì làm sao nhân vật của Cụ đạt được như thế này…

“Trở lại chuyện của chị, mỗi khi về Thái Hà Ấp nói chuyện với bà nội xong, chị thường lui tới quanh đấy thăm các ông chú, bà bác, các anh em, chị em. Tất cả mọi người niềm nở quý mến chị, chị như ngã từ bàn tay thương yêu này sang bàn tay thương yêu khác. Có lẽ vì vậy chị càng ngày càng đẹp, càng hiền.”

Cụ Sỹ của con – cháu – chắt hẳn phải có một tâm “hồn nhiên” như thế nào thì mới có một nhân vật “chú Huyện” như thế này:

“Đó là ông chú, gia đình vẫn gọi là chú Huyện, ông đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định năm Duy Tân thứ ba (1909). Được bổ Tri huyện Đông Yên (Hưng Yên), rồi Kim Sơn (Ninh Bình), nhưng ông ít để tâm vào công việc hành chính, cả cuộc đời ông ngợp trong một đam mê duy nhất: địa lý. Bước vào cảnh trí nào ông cũng cố soi mói tìm kiếm đâu là con Mộc, đâu là con Hỏa... Đâu là huyệt chính, đâu là huyệt phụ...”

“…Trong thời gian trị nhậm ở Kim Sơn, đã biết bao lần ông đi tới cầu Hàm Rồng, ra đứng giữa cầu nhìn xuống dòng sông Mã thăm thẳm bên dưới với chủ tâm thiết tha là vạn hạnh, gặp khi dòng nước bên dưới xoáy cuộn thành một vũng trũng lớn - đó là lúc thần long há miệng - ông sẽ lao đầu xuống tự táng sống trong miệng rồng cho con cháu đời đời vinh hiển.”

Và rồi nếu chính Cụ Sỹ không rạng ngời với tâm lành thiện thì làm sao có được những tư tưởng đẹp như thế này cho nhân vật “chị” trở thành bất tận trong không gian và vô tận với thời gian!

“Trong giây phút thần kỳ đó, chị bỗng thấy mình đẹp tuyệt vời vì tâm hồn đã qui tụ được vào điểm khởi đầu của vũ trụ y như chú Huyện đã gặp được lúc thần long há miệng để lao mình xuống dòng sông Mã. Phải tâm hồn chị đã quy tụ được vào điểm khởi đầu của vũ trụ, rồi tự điểm nguyên thủy đó hương nhân loại lâng lâng tỏa ra bốn phương tám hướng vô cùng với không gian, vô tận với thời gian.”

Còn với truyện Cò Đùm, Cụ Sỹ vẫn truyền tải tính lành thiện của một dân quê chất phác có tên gọi là Cò Đùm. Trải dài từ dòng chữ đầu của câu chuyện cho đến dòng cuối cùng, chữ “Cò Đùm” đã được Cụ thay thế cho bản tính “chân chất, hiền lành, không xảo trá điêu ngoa” mà chỉ người dân quê, ít học thức, sống xa thế giới văn minh mới còn giữ được.

Cò Đùm là một nhân vật có đầy đủ tính thông minh, hiểu biết, và trực giác mẫn nhuệ nhưng lại không biết mình có được những đức tính đó. Cụ Sỹ cho thế mới thật là thông, hiểu biết và mẫn nhuệ một cách chân thật. 

“- Đất nước mình phải được khai thông nhiều nữa, giữ cho những Cò Đùm vẫn là Cò Đùm mà lên hàng trí thức mới được. Trí thức như tôi, trí thức như anh, trí thức như muôn vàn và hầu hết trí thức của chúng ta hiện giờ chỉ là một bầy trí thức vong bản không hơn không kém. Hai chữ “vong bản” đây xin hiểu là mất gốc thuần phác nông dân của người nhà quê, người nhà quê miền núi, hay người nhà quê miền biển, hay người nhà quê miền đồng bằng, người nhà quê với thiên nhiên là một.”

“Cò Đùm bình tĩnh bên tôi trơ như đá, vững như đồng, hồn nhiên như cây cỏ, bao dung mà không biết rằng Cò Đùm bao dung, nắng mưa che chở mà không biết rằng mình đương nắng mưa che chở. Tôi mãi mãi quí và mang ơn Cò Đùm là ở điểm đó. Mãi mãi cho đến bây giờ Cò Đùm một tấm gương cho tôi soi vào mà tìm ra “nhan sắc” của chính mình.”

Quyển sách này được thực hiện do nhận chân ra được tấm lòng và sự mong muốn của Cụ Doãn Quốc Sỹ. Cụ Sỹ muốn nhân rộng ra càng nhiều càng tốt những “Cò Đùm” trong gia đình, xã hội, quốc gia để hòng “Hương Nhân Loại” luôn trổi dậy lên trên những cái xấu xa khác mà con người thường mắc phải.

Chúng con – cháu – chắt của Cụ Sỹ xin vâng ạ!

California, ngày 2 tháng 2 – 2024

Con gái thứ tư Doãn Tư Liên