Mar 5, 2023

NGHĨA TRANG CHIẾN TRANH KANCHANABURI - Anh Quân




Dear Bà Hương

Có những người quân nhân Hà Lan xây cất chiếc cầu trên sông Kwai nên gởi cho bà đọc chơi nha, nếu bà đi thăm sợ bà không thích vì xứ nhiệt đới nên phải có rắn sinh sống rồi.

Nghĩa trang chiến tranh Kanchanaburi

Nghĩa trang Thế chiến II nơi chôn cất 7.000 tù binh đồng minh bị  Nhật Bản giam giữ.

Khi nói tới đệ nhị thế chiến thường nghĩ về Châu âu, thường không nghĩ đến những gì xảy ra tại Đông nam á khi bị phát xít Nhật xâm lược. Tuy nhiên nói về lịch sử thì có rất nhiều chuyện xảy ra phía Châu á khi Nhật chiếm đóng ở Đại Hàn, Trung Hoa và các quốc gia ở Đông Nam Á. 

Khi đến thăm nghĩa trang Kanchanaburi – Thái Lan thì sẽ học được một phần lịch sử chiến tranh thứ II.

Cá nhân tui mỗi lần đi thăm những nghĩa trang của những người quân nhân hy sinh cho sự hoà bình của nhân loại thì tui luôn có cảm giác bồi hồi và xúc động.

Nhiều điều bất ngờ cho tui , có lẽ bị ảnh hưởng từ cuốn phim “Cầu sông Kwai” thì tui cứ nghĩ người quân nhân Anh thiệt mạng tại đây nhưng còn có người Hoa Kỳ , Úc và Hà Lan.  

Vài nét về Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi

Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi - được người dân địa phương gọi là nghĩa trang Don-Rak - nằm trên con đường chính (Đường Saeng Chuto) ở thị trấn Kanchanaburi.

Có gần 7.000 cựu tù nhân chiến tranh (POW), chủ yếu là người Anh, Úc và Hà Lan cũng như các quân nhân Khối thịnh vượng chung khác, những người đã hy sinh mạng sống của họ để xây dựng Đường sắt Tử thần trong Thế chiến thứ hai. Đây là tuyến đường sắt Miến Điện-Xiêm dài 258 dặm khét tiếng, mà người Nhật đã buộc các tù binh phải xây dựng trong chiến tranh.

Nó được duy trì bởi Ủy ban Graves Chiến tranh Khối thịnh vượng chung.

Lịch sử Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi

Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi, được người dân địa phương gọi là Nghĩa trang Chiến tranh Don-Rak, là nghĩa trang tù binh chiến tranh chính dành cho các nạn nhân bị Nhật Bản cầm tù trong khi xây dựng Đường sắt Miến Điện.

Tuyến đường sắt Miến Điện-Xiêm là một dự án của Nhật Bản do nhu cầu cải thiện thông tin liên lạc để hỗ trợ quân đội lớn của Nhật Bản ở Miến Điện và được xây dựng bởi các tù nhân chiến tranh của Khối thịnh vượng chung, Hà Lan và Mỹ. Trong quá trình xây dựng, khoảng 13.000 người trong số này đã chết và được chôn cất dọc theo tuyến đường sắt. Khoảng 80.000 đến 100.000 dân thường cũng đã chết trong quá trình thực hiện dự án, hầu hết là lao động cưỡng bức từ Malaya và Đông Ấn thuộc Hà Lan hoặc bị bắt đi nghĩa vụ ở Xiêm và Miến Điện.

Người Nhật đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường sắt trong 14 tháng và công việc bắt đầu vào tháng 6 năm 1942. Hai lực lượng lao động, một ở Xiêm và một ở Miến Điện, làm việc từ hai đầu đối diện của tuyến về phía trung tâm. Hai phần của tuyến cuối cùng đã gặp nhau gần Konkoita vào cuối tháng 10 năm 1943 và tuyến đã hoàn thành, dài 424 km, đi vào hoạt động vào tháng 12 năm 1943.

Những ngôi mộ của những người đã chết trong quá trình xây dựng và bảo trì tuyến đường sắt Miến Điện-Xiêm (ngoại trừ người Mỹ, những người đã được hồi hương) đã được chuyển từ các khu chôn cất trại và các địa điểm biệt lập dọc theo tuyến đường sắt vào ba nghĩa trang tại Chungkai và Kanchanaburi ở Thái Lan và Thanbyuzayat ở Myanma.

Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi được thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh Colin St Clair Oakes. Ông cũng là người xây cất Nghĩa trang chiến tranh Kranji – Singapore và nghĩa trang chiến tranh Sai Wan – Hong Kong, khi có dịp quay lại Hong Kong và Singapore thì tui sẽ thăm viếng hai nghĩa trang này. 

Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi vào ngày hôm nay

Hiện có 5.085 thương vong của Khối thịnh vượng chung trong Thế chiến thứ hai được chôn cất hoặc tưởng niệm tại nghĩa trang này. Ngoài ra còn có 1.896 ngôi mộ chiến tranh của Hà Lan và 1 ngôi mộ phi chiến tranh.

Trong tòa nhà lối vào nghĩa trang, người ta sẽ tìm thấy đài tưởng niệm Kanchanaburi, ghi tên của 11 người đàn ông của Quân đội Ấn Độ nguyên vẹn được chôn cất trong các nghĩa trang Hồi giáo ở Thái Lan, nơi không thể duy trì được mộ của họ.

Nghĩa trang Chiến tranh Kanchanaburi luôn mở cửa và du khách được yêu cầu lưu ý rằng có thể có rắn trong nghĩa trang.

Anh Quân



NHIỀU CHUYỆN TẠI HỒ BƠI - Doãn Kim Khánh

Hồ bơi tấp nập nhiều người nên tại đó thiên hạ có nhiều chuyện cũng là lẽ thường tình. 

Nhưng tôi thì khác. Mỗi sáng đến hồ bơi, điều quan tâm duy nhất của tôi là có làn trống cho tôi xuống nước không. Không nhất thiết phải “nhiều chuyện”. Thỉnh thoảng, vào những ngày cuối tuần, tôi đi bơi cùng với anh “Bồ Tèo”, chúng tôi cũng cắm cúi bơi, chỉ ra hiệu nhau khi một người ra khỏi hồ bơi trước. Hồ bơi là để bơi, không để các bồ tèo trò chuyện và tâm sự hay để những tay bơi gặp nhau mỗi ngảy kết thêm bè bạn. Tôi nghĩ vậy.

Vậy mà một ngày nọ, anh Bồ Tèo bảo tôi:

“Em làm sao mà thằng Danh than là em không thèm nói chuyện với nó!”

À cái anh chàng đó chính là một người nhiều chuyện trong hồ bơi mà tôi quen mặt vì cùng bơi mỗi ngày. Có khi tôi bơi đến đầu hồ, chưa kịp vòng lại bơi tiếp đã thấy anh ta đứng sẵn, dáng chồm sang làn tôi đang bơi với tư thế sẵn sàng “nhiều chuyện”. Những lúc ấy tôi phải miễn cưỡng tiếp chuyện, nghe anh khen người này bơi đẹp, chê người kia bơi ầm ĩ. Có hôm anh ta chỉ một phụ nữ đang bơi ở làn kế bên, nói với tôi:

“Chị coi kìa, bà này bơi thong thả, thoải mái, thấy mà mê!”

“Bà này” là một phụ nữ Mỹ nên anh không hăng say “nhiều chuyện” với bà. Anh lại chỉ sang một cô gái trẻ người Việt, nói:

“Con nhỏ này bơi cũng hay lắm nè.”

Rồi đợi cô bé bơi tới, anh bèn nói một tràng gì đó, lúc ấy tôi đã bơi tiếp nên không nghe rõ, nhưng cũng biết chắc là một tràng lời khen. Tôi cũng kịp nhận thấy cô bé không mấy hí hửng và nghe cô bẽn lẽn nói:

“Khen hoài à! Kỳ quá!”

Anh vẫn không buông tha. Đợi tôi bơi trở lại, anh bèn chồm sang làn của tôi để phân bua:

“Nè chị. Tui nói cô bé này bơi đẹp mà cổ không tin.”

Cô bé vẫn còn đứng đó; tôi đồng tình với lời khen (“Ừa, đẹp thiệt!”) nhưng không thể nói lên ý kiến tự đáy lòng mình (Lại nhiều chuyện khen chê nữa rồi!).

Rồi một ngày nọ, tại hồ bơi xuất hiện một đồng minh của anh “Nhiều Chuyện”. Để câu chuyện được mạch lạc, tôi phải đặt tên hai anh này là “Nhiều Chuyện 1,” và “Nhiều Chuyện 2”, trên giấy trắng mực đen thì viết tắt là NC1 và NC2.

NC1 và NC2 đều có đặc điểm bơi tán loạn, và khi đứng lại tán dóc thì bình phẩm tung tóe. Bữa nọ hai người đứng nhiều chuyện ở một đầu hồ bơi, đợi tôi bơi ra giữa hồ thì tôi linh cảm câu chuyện chuyển qua đề tài “tôi”. Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên, càng không nên bực bội vì đã nghe họ khen chê người khác thì ắt phải tới phiên tôi chứ. Vậy mà nghe loáng thoáng chữ “bả” họ dùng để ám chỉ mình, tôi bực hết sức! Thêm một vòng bơi nữa, rồi một vòng nữa, họ vẫn đứng ở tư thế nhiều chuyện. Tôi loáng thoáng đại khái nghe NC 1 nói “Sáng nào bả cũng ………….” và NC 2 đáp “Ừ, nhưng sáng nay ….”  NC2 nhận xét “Bả hay đi với người ………….” Và NC1 xác nhận “Phải rồi, nhưng chỉ cuối tuần ……” Tới đó tôi đùng đùng cắt ngang vòng bơi, đi thẳng ra khỏi hồ, dù chưa bơi đủ. 

Tôi không có cặp mắt nào sau ót mà vẫn biết “đôi bạn” NC1 và NC2 cũng rủ nhau ra khỏi hổ, và như thường lệ, sẽ vào hồ jacuzzi tiếp tục nhiều chuyện. Quả vậy, tôi vào buồng tắm, chưa kịp vặn vòi nước đã nghe NC2 nói “Sao hôm nay bả về sớm vậy?” và NC1 vừa cất tiếng trả lời thì tôi đã kịp thời vặn to vòi nước để tiếng nước chảy át tiếng hai người đàn ông nhiều chuyện về mình. Hết chịu nổi!

Những ngày kế tiếp, sinh hoạt bơi của tôi vẫn diễn ra bình thường. Có ngày tôi vừa xong một vòng bơi, chưa kịp bơi tiếp thì C1 đã chồm sang, nhận xét:

“Hôm nay đi trễ nha …. Sao dzậy?”

“Ngủ quên!”

“Chị sướng đó!”

“Ngủ quên mà kêu sướng?”

“Tui mất ngủ triền miên.” Thèm ngủ quên mà không được!”

À ra thế!

Một ngày khác, tôi bơi tới đầu làn, thấy NC1 đang đứng tần ngần bèn vội vã “U-turn” bơi tiếp, không cần đứng lại. Sang vòng kế tiếp, tôi sơ sẩy bị túm lại:

“Nè chị. Làm gì mà bơi dzữ dzậy?”

“Ờ thì bơi chứ dzữ gì!”

NC1 nói thêm vài câu bâng quơ, rồi kết lại:

“Tui có cái tật gặp người quen phải nói này nói kia mới được. Chị đừng giận tui nói nhiều nghe!”

Câu nói làm tôi suy gẫm. Nó vừa giải thích vừa biện minh tính nhiều chuyện của anh ta. Ít ra thì ngưởi này không có tính lầm lì hoặc lời nói nhát gừng (như tôi, thỉnh thoảng). Mà không hiểu cái mặt của tôi, cái cung cách bơi của tôi ra sao mà anh ta hiểu ... Rồi sẵn đà tâm sự, anh nói tiếp:

“Chị biết không, bà xã tui ở nhà coi vậy chứ …. chiều ý tui lắm.”

“Dễ thương ha. Nhưng anh nói 'coi vậy' là coi làm sao?”

“Thì bả tối ngày bắt bẻ tui. Ý nào tui đưa ra bả cũng bác!”

“Rồi chiều ý là chiều làm sao?”

“Cứ cãi nhau hoài, vậy mà đi đâu về bả hay mua cho tôi bánh trái mà tôi thích. Thỉnh thoảng còn mua thuốc lá nữa đó.”

“Sướng nha! Cả đời tui chưa thấy vợ nào mua thuốc lá cho chồng!

“Thì có vợ tui đó.” 

Anh ta khoe, hãnh diện ra mặt!

Còn NC2 thì sao? Một ngày nọ, tôi trông thấy NC2 ngồi trong hồ jacuzzi với một bé gái khoảng hơn 10 tuổi, nhìn là biết ngay cô bé chậm trí. Nó thường ngày đi với mẹ, nói năng bô lô ba la bằng một giọng ông ổng và đơn đớt. Hôm nay, với NC2 xuất hiện bên cạnh nó, tôi hiểu ra cái người nhiều chuyện có lần gọi tôi là “bả” chính là bố nó. Thường bé cùng mẹ vào jacuzzi trước, mẹ đỡ con từng bước xuống nước, cho nó ngồi duỗi chân rồi chọn cho mình một chỗ thấp hơn và bắt đầu massage chân cho con, Con nói huyên thuyên, mẹ ôn tồn trả lời, giọng kiên nhẫn, chịu đựng. Trong khi đó, ông bố thường đi thẳng xuống hồ bơi, đập nước ầm ĩ, tay chân cứng kèo. Một lát sau thì đến phiên mẹ xuống hồ bơi, bố ra jacuzzi với con. Tôi ngưng bơi, đứng ở đầu hồ, tò mò quan sát NC2 trong vai bố, làm tiếp công việc của mẹ. Cũng tác phong cứng đơ, bơi dưới nước ra sao anh ta massage cho con y hệt vậy. Tôi tự nhủ đứa bé vậy mà sướng, lớn tướng mà cứ bé hoài. Hôm ấy tôi lên phòng tắm, nhằm lúc người mẹ đang chuẩn bị tắm cho con. Bà bảo “Xích ra cho cô đi, con.” Tôi bắt gặp ánh mặt bà nhìn mình, bèn cười với bà. Tôi hy vọng bà hiểu thiện cảm của tôi.

À, tôi quên không kể là hôm qua tôi trông thấy NC1 ngồi với đứa bé trong jacuzzi để cả bố lẫn mẹ nó xuống bơi. Anh ta đang đon đả “nhiều chuyện” với nó.

Hôm ấy tôi về nhà với tâm trạng nhẹ nhõm. Từ hôm ấy, tôi không còn bực bội vì hai chữ “nhiều chuyện” nữa.

Doãn Kim Khánh 

Oct 26, 2022