Apr 24, 2008

1. ANH MINH ZIPPOST: NHÀ PHÁT HÀNH BÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT CALI


Hồi tôi mới qua Mỹ và bắt đầu tìm cách làm ăn sinh sống,chuyện gì cũng mới lạ, nên tôi cần có một người đóng vai trò “quân sư quạt mo”. Theo sự giới thiệu của bạn bè, tôi tìm cách lân la làm quen với anh “Minh Zippost”, chủ nhân tiệm Zippost tọa lạc ngay giữa khu Bolsa người Việt, vì anh quen biết nhiều. Sau một thời gian tiếp xúc với con người xuề xòa, vui tính này, tôi mới phát hiện ra sự nghiệp “đáng kể” nhất về anh lại liên quan đến báo chí hơn là bưu điện. Anh Minh là người đã có công đầu tiên trong việc đặt những tờ báo tiếng Việt tại Cali trang trọng vaò những sạp báo, thay vì cho không và nằm lăn lóc tại các góc chợ. Có thể nói, anh Minh là nhà phát hành báo chuyên nghiệp đầu tiên của người Việt tị nạn. Tôi đã gặp anh ở Zippost, để nghe anh kể câu chuyện “… Khởi nghiệp nào cũng gian lao lắm lắm…”

Anh Minh đi qua Mỹ và đến Cali vào cuối năm 1989. Anh Minh kể lại: “ đối với một người không bằng cấp, tiền bạc như tôi thời đó, việc kíêm tiền nhanh nhất, dễ nhất là đi bỏ báo Mỹ!”. Nhà anh hồi đó ở Fullerton. Anh nhận việc bỏ báo ở Huntington Beach. Mỗi ngày anh rời nhà từ 4 giờ sáng trên một chiếc xe cũ mèm, đi 20 miles để đến khu vực làm việc, bỏ báo cho khoảng 300 địa chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

Giao báo Mỹ xong, anh đi tìm… báo Việt để đọc! Vào thời điểm đó, báo tiếng Việt còn cho không, đặt ở trước cửa các chợ. Anh phải mầy mò ra các chợ khu Bolsa để tìm tờ Người Việt, tờ nhật báo Việt Nam duy nhất thời đó. Khi còn, khi hết. Những người ở xa muốn đọc báo tiếng Việt thiệt là khổ sở! Báo Việt Nam lúc đó cũng đã có dịch vụ giao báo tận nhà qua bưu điện. Một tuần giao hai lần, có nghĩa là tin tức bị lạc hậu đi vài ngày. Chán cảnh “đọc báo cũ”, anh nảy ra ý nghĩ kết hợp công việc giao báo Mỹ với giao báo Việt. Vào tháng 4 năm 90, anh lên tòa soạn tờ Người Việt xin mua lại 100 tờ nhật báo mỗi ngày, để thử nghiệm việc giao báo cho người Việt trong khu vực Little Sài Gòn, sau khi anh đã giao báo Mỹ xong. Tòa sọan quyết định tặng không cho anh 100 tờ, và hỗ trợ bằng cách đăng dịch vụ của anh lên trang quảng cáo. Ai có nhu cầu, xin gọi phone cho anh Minh, sẽ được phục vụ! Anh đã khởi đầu nghề giao báo Việt như vậy đó.

Giao báo Việt khó khăn hơn giao báo Mỹ ở chỗ địa bàn rộng hơn nhiều. 100 địa chỉ phải đi cả buổi mới giao hết. Được cái là công việc phát triển nhanh chóng không ngờ. Chỉ sau một tháng, một mình anh đi bỏ báo không xuể, phải tuyển thêm hai “cộng tác viên”. Sau một năm, số địa chỉ đặt giao báo đã lên tới 500. Con số này là 1,000 vào cuối năm 92. Đội ngũ giao báo của anh Minh lúc này đã là 20 người. Anh Minh tự tin là mình đã đi đúng hướng.

Cũng trong thời điểm đó, một số nhu cầu mới phát sinh đối với ngành báo tiếng Việt. Nhiều tờ báo mới ra đời. Người đọc có thêm tờ nhật báo mới: Việt Báo. Những tờ tuần báo, nguyệt san, bán nguyệt san vẫn chưa có trung tâm phát hành. Người đọc vẫn phải tự tìm báo ở các chợ, cửa tiệm. Anh Minh quyết định phát triển công việc phát hành của mình thêm một bước nữa bằng cách sang lại tiệm Zippost, lúc đó thuần túy dịch vụ mailbox & gởi bưu phẩm. Anh đến từng tòa sọan các tờ báo, đề nghị được bày bán các tờ báo của họ trên các kệ báo của Zippost, mô hình của các sạp báo ở Sài Gòn xưa. Zippost đã trở thành trung tâm phát hành báo chí đầu tiên của người Việt tị nạn. Anh Minh kể lại: “ tôi vẫn có nhớ cảm giác mãn nguyện của mình khi lần đầu nhìn những tờ báo, tạp chí tiếng Việt được đặt trang trọng trên các kệ báo của Zippost. Hồi đó, tôi gặp một trở ngại là nhiều người Việt của mình chưa có thói quen “mua báo”, nay phải trả tiền khi lấy báo tại Zippost. Tôi đã phải giải thích với bà con rằng tiền bán báo để bù cho những chi phí như thuê chỗ, thuê người sắp xếp báo chí lên kệ, để phục vụ cho người đọc thỏai mái hơn. Cũng mất cả năm mới hình thành lại được thói quen mua báo này”.
(còn tiếp...)

2 comments:

Hot... said...

Ông Minh này hay quá chứ mày Hưng. Sao tao cứ thấy ai nghĩ ra và làm được bít nịt là tao phục sát đất hà ...
chi Hai

Hot... said...

Bài Zippost của anh Hưng viết, Quân đọc đi đọc lại không thấy chán vì thấy anh Minh là người dám làm những gì mình nghĩ . Anh hơn thiên hạ là chỗ đó vì trong thế giới mình thì người nói không làm thì nhiều lắm (trong đó có Quân), còn những người như anh Minh thì rất ít.

Bài viết của anh Hưng làm Quân nhớ lại vào mùa hè 1987, lần đầu tiên qua Mỹ, ở nhà anh bạn tại khu Garden Grove, anh bạn mới qua Mỹ 1 năm , vừa học vừa làm giúp gia đình tại Việt Nam, thì đối với người mới sang chỉ có nghề bỏ báo là thích hợp nhất .

Như anh Hưng có nhắc làm nghề này phải dậy sớm, đúng là vậy cứ khoảng hơn 3 giờ sáng là anh bạn Quân phải thức rồi. Bởi vậy anh bạn Quân thiếu ngủ triền miên. Đi bỏ báo về tới nhà ngủ thêm 2 tiếng rồi chạy lên trường. Vào học vài tiếng được nghĩ vài tiếng là vào thư viện làm thêm một giấc. Chiều tối về tới nhà là học bài làm bài nên không ngủ sớm được. Nên vậy việc thức giấc vào 3 giờ sáng thật là khó khăn.

Anh ta có để đồng hồ báo thức nhưng có khi thiếu ngủ, đồng hồ đánh chuông anh ta mắt nhắm ngồi dậy tắt đồng hồ rồi không biết gì hết nằm lại ngủ tiếp. Thường như vậy là nhà báo phải phone lại nhà đánh thức.

Có lần anh ta dậy muộn, nên phải gọi Quân dậy đi phụ bỏ báo. Ngày hôm đó là Chủ Nhật nên tờ báo dầy lắm vì báo Mỹ nhiều quảng cáo lắm. Tới đóng báo cột dây mà cũng mỏi cả tay. Anh ta nói hôm nào trời mưa thì còn cực hơn vì phải đóng vào bao nylon chống ướt nữa. Đóng xong hai thằng khệ nệ đẩy ra chiếc xe cà là tàng mà anh ta lái đi hành nghề.

Bỏ báo cũng phải cần có tay nghề, bên Mỹ có những nhà có sân rộng nên họ có cổng cao, nếu lái xe dừng từng nhà đi xuống xe thảy báo thì rất là chậm. Nên vậy phải tập ngồi trong xe, rồi xe dừng trước cổng, cửa sổ xe quay xuống và vút tờ báo thật mạnh qua mui xe của mình và bay qua khỏi cánh cổng luôn là báo nằm trong sân. Nếu yếu tay thi báo qua không nổi cổng là mất công đi xuống nhặt báo vứt vào. Nhưng khi giao báo ở khu chung cư thì cực lắm vì đâu xài được phương pháp trên. Đành phải dung sức khoẻ là khiêng từng chồng báo leo lên thang gác mà bỏ từng nhà.

Có điều là phải biết tính toán là đi nhanh gọn qua được nhiều nhà để bỏ báo, đó là áp dụng môn Vận Trù Học (Operational Research) để làm việc mà người Tàu vào thời nhà Minh đã đưa bài toán học nổi tiếng là Postman theory (bài toán người đưa thư), đến nay vẫn chưa có phương pháp nào được xem là hoàn chỉnh vì có những nhà ở thuộc loại chung cư hay cao ốc thì làm sao đi cho thuận tiện được, chẳng lẽ làm chim bồ câu đưa thư. Quân nhớ cảnh hai thằng khệ nệ ôm từng chồng báo lên chung cư, vừa đi vừa thở, thấy cảnh đi kiếm tiền mà chua quá đi.

Anh ta còn nói đi bỏ báo tiền công là do người mua báo trả, nếu mình bỏ nhiều nhà thì khấm khá hơn nhưng có lúc tụi nó quịt không chịu gởi tiền về nhà nên phải mất công đi đòi lắm. Nên vậy cuối tháng anh ta nhận được nhiều thơ trả tiền. Bóc thư lấy chi phiếu trả nợ , rồi xé lấy con tem nữa, Quân hỏi anh lấy tem làm gì? Anh bạn trả lời tụi bưu điện Mỹ đóng dấu trên tem, sao mà mực của dấu dõm lắm chỉ cần ngâm con tem vào cồn thì dấu mực bay mất tiêu là mình có thể dung tem dán gởi thư về Việt Nam, đỡ được khoảng chi phí này.

Lúc đi bỏ báo với anh bạn thì Quân cũng có hỏi tại sao không bỏ báo Việt nam thì được trả lời là tại Mỹ báo VN biếu không ai mà thuê đi bỏ. Rồi Quân quên đi câu hỏi đó không ngờ hơn 20 năm sau được thấy một người Việt thành công với việc Zippost.

Lần đi Mỹ đó Quân ở khu Garden Grove gần 2 tháng nhưng sống không khác gì một xã hội Việt Nam được kéo dài qua tận Hoa Kỳ vì ngoài những công việc đó, Quân còn phải đi xin việc thế cho những anh chàng mới từ Việt nam qua vì không biết tiếng Anh nên Quân phải ngồi để ông chủ mắt xanh mũi lõ interview công việc và phe ta cứ cho mặt thằng Việt nào cũng giống nhau nên có đi phỏng vấn ông chủ cũng chẳng nhận ra được. Một câu chuyện khôi hài, để một dịp nào đó Quân sẽ thuật lại nha.