Nov 23, 2023

SAIGON BOOKSTREET - Anh Quân




Có lẽ hồi bé thích sách , nên về già luôn có cái duyên gần sách vở nhưng giờ không còn siêng năng đọc sách như thuở tuổi Xì Tin. Mà nghĩ lại cái thời đó đâu có cái gì giải trí, làm gì có trò chơi điện tử , làm gì có máy tính , chương trình TV thì nghèo nàn , coi chán chết , thì chỉ có trò chơi hè phố là đá banh , chơi bắn bi , đánh bông vụ , chơi đánh trõng , chơi bắn ống thụt, chơi u , nhảy cò cò , nhảy dây , nếu có cơ hội là đi bơi . Bởi vậy đọc sách là một thú vui rất quan trọng , nhất là ở cái thời cái gì cũng cấm. Nên có những quyển sách phải đọc lén lút như kiếm hiệp ( ăn khách nhất trong đám xì tin của chúng tui), tiểu thuyết Quỳnh Dao , nếu hay hơn là tìm được sách Nghiêm Lệ Quân, Bà Tùng Long , Duyên Anh , Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh, các sách củ Tự Lực Văn Đoàn … Còn các quyển “Cậu Chó” thì ở tuổi dưới 15 như tui là chưa đủ trình độ đụng tới. Tuy nhiên ở thời đó thì các bác có uy quyền lại cho đọc truyện Tàu , loại sách do nhà in Tín Đức Thư Xã xuất bản như Tây Du Ký , Thuỷ Hử , Thất Hiệp Ngũ Nghĩa , Phong Thần… Nhà tui ở phía cư xá ngân hàng , cứ một tuần là tui đạp xe lên chợ Xóm Chiếu , đường Đỗ Thành Nhân , giờ là Đoàn Văn Bơ , thì có một bác cho thuê loại truyện Tàu này. Tui cứ thuê và say mê đọc đến nổi năm lớp 7 suýt nữa ở lại lớp. 

Sau này qua Anh sinh sống tui lại có cơ hội đọc tiếp sách Việt Nam trước 1975 và các loại sách sáng tác ở hải ngoại, nhờ chính sách mua sách cho cư dân địa phương , cứ 4 người có quyền đi ra thư viện địa phương mua một quyển sách mà họ yêu thích. Nên vậy khu nào có nhiều dân Việt Nam thì thư viện sẽ mua sách Việt Nam cho đọc. Có điều giờ họ không mua nữa vì số lượng đọc giả Việt Nam không còn nữa , vì một số qua đời, một số cao niên không muốn đọc nữa vì sức khoẻ. Còn nhóm lớn lên ở đây không đọc sách Việt Nam. Riêng nhóm từ Việt Nam mới sang Anh thì xem ra họ không mê đọc sách, tui thấy họ thích xem tin tức trên mạng xã hội trên chiếc phone của họ hơn. 

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2015 Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố đã khởi công xây dựng con Đường Sách trên đường Nguyễn Văn Bình là tên Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận I TP. HCM. Đây là một con đường nhỏ nằm bên hông Bưu điện Thành phố, nối liền Nhà Thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng nhưng có ưu điểm là nằm ngay trong khu vực trung tâm Thành phố, đây không chỉ là một không gian sinh hoạt văn hoá mà còn là một tụ điểm du lịch, là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé qua. Có một điều tui không biết trước năm 1975 có tên con đường này chưa? 

Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách chính thức được khai trương. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. 

Đường Sách đã trở thành một không gian khá lý tưởng để các nhà xuất bản, nhà kinh doanh sách có cơ hội học hỏi chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp, và cả tiếp cận với giới bạn đọc. Đường Sách trở thành một không gian biểu tượng của văn hoá đọc, nơi gặp gỡ của những người yêu sách, cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những người bạn trong và cả ngoài nước.

 Đi tới Đường Sách, sẽ thấy các bạn trẻ đứng ngồi tĩnh lặng say mê đọc sách, gợi lại hình ảnh thật đẹp của Sài Gòn trước 1975 với đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí thuở nào

Trước năm 1975 , Sách là món ăn tinh thần của người Sài Gòn , xin hãy đọc lại tư liệu trích trên mạng: 

“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”. Đoạn trích này từ báo Đời (tháng 5.1972) nói về khu vực bán sách báo cũ ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - nằm sau bờ tường của Bộ Công chánh. Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những điểm bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám), bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)...

Theo tư liệu, khoảng thời gian ký Hiệp định Genève, các khu bán sách cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ. Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão, trông sang bến xe buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con. Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) đến đường Pasteur. Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên cảnh sát đến giải tán triệt để. Song những gian hàng sách “chạy” chỉ tản mác khi có bóng dáng cảnh sát rồi lại trở về vỉa hè khi cảnh sát rút đi như chơi cút bắt. Rất kiên nhẫn đối phó với cảnh sát nên một thời gian sau, khu bán sách này được Tòa Đô chánh chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hằng năm vài ngàn đồng và vài chục đồng thuế chỗ ngồi mỗi ngày. Khu sách Lê Lợi đã vô sổ bộ từ ngày ấy.” 

Ở phố sách này có “Quán Sách Mùa Thu” , có người kể lại tại đây sẽ tìm được những cuốn sách cũ, rất cũ xuất bản lần đầu tiên từ những thập niên 50s, 60s, 70s tại Sài Gòn. Người đó lại còn hỏi thêm người chủ quán có bán quyển  Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam. Được biết, các quán sách tuy không có sách nhưng vẫn có thể nhờ kiếm hay đặt mua.  Họ có thể liên lạc hải ngoại mua sách và trả bằng thể tín dụng. Có thể một ngày sẽ có quyển Mùa Hè Đỏ Lửa tại đây. 

Riêng tui thấy sách bây giờ ấn loát rất đẹp , cũng có một số sách tui thích nếu có sức thì tui sẽ mua. bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh của Tiến Sĩ Sử Học Hải Ngoại Nguyễn Duy Chính. 

Để có một dịp nào tui hỏi thử Bác Sử Gia Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng tại London là có tính đưa 5 quyển sách sử nghiên cứu của Bác là “Nhìn Lại Sử Việt” về bán ở các nhà sách ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình chưa? Theo tui đây là bộ sử hay có phần tương tự như bộ “Việt Nam Sử Lược” nhưng đầy đủ chi tiết từ ngày lập quốc cho đến 30 tháng 4 năm 1975.

Anh Quân 




Nov 22, 2023

ĐÔI BẠN LÊ XUÂN KHOA - DOÃN QUỐC SỸ - Doãn Cẩm Liên

 


Đôi bạn này biết nhau từ thuở nào? 

Cụ Sỹ khi ngồi trên xe, được con chở đến điểm hẹn, thắc mắc hỏi con gái:

- Bác Lê Xuân Khoa dạy với bố ở trường nào hở con?

- Câu hỏi này chút nữa mình sẽ hỏi bác ấy nha bố.

Cụ Sỹ phải hỏi thêm vài lần nữa những câu tương tự và nhận được câu trả lời tương tự như trên, cho đến khi tay bắt mặt mừng với cụ Khoa. Khi hai cụ đã ngồi yên ấm bên nhau, trên một ghế rộng ngoài hiên một tòa nhà lớn tại Quai Hill Community Center – Irvine. Cụ Khoa giải tỏa liền thắc mắc cho bạn và con cùng cháu nghe:

- Bác và bố cháu học với nhau cùng một lớp tại trường Văn Khoa Hà Nội. Lớp đó có bạn Lê Hữu Mục, Lê Thành Trị, Phạm Việt Tuyền, Lý Quốc Sỉnh… Thế nhưng khi ra trường chọn nhiệm sở đi dạy học thì bác chọn trường Pétrus Ký tại Sài Gòn. Năm ấy là 1953. Với ý muốn là vào Nam, dạy tại trường này bác có thể dễ dàng xin đi du học tại Pháp. Vì lúc ấy miền Nam còn là thuộc địa của Tây mà.

- Còn bố Sỹ cháu thì chọn dạy tại trường Chu Văn An. – Bác Khoa nói tiếp. 

Con gái cụ Sỹ thay mặt bố hỏi tiếp:

- Thế nhưng bác và bố cháu sát cánh làm việc với nhau ở đâu ạ?

- Sau khi bác đi du học ở Pháp về thì cùng dạy với bố cháu ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Và cả hai cùng là hội viên của Hội Văn Hóa Á Châu và Hội Văn Hóa Dân Tộc mà cụ Nguyễn Đăng Thục làm chủ tịch.

Cụ Sỹ nghe bạn nói, thế nhưng nhớ được bao nhiêu chuyện xưa thì nào ai biết được! Dường như Cụ không còn màng đến chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ngày mai nữa thì phải!

Chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này, cụ Sỹ rất hồn nhiên vì cụ nào nhớ gì để kể. Riêng cụ Khoa thì chuẩn bị kỹ càng lắm: một phong bì bên ngoài ghi chữ “DQS”. Cụ lôi ra một xấp hình:

- Này ông xem xem ai đây? – Cụ Khoa đưa cho cụ Sỹ xem ngay một hình.

- Ôi iii… mắt tôi kèm nhèm lắm, ông à. – Ông Sỹ liếc nhìn mà dường như không thấy!

- Này nhé: đây là ông và bà xã, tôi đây, còn đây là bà Ưởn và phu quân, đây là Như Phong - Lê Văn Tiến, còn những người kia tôi chẳng nhớ tên. Ở nhà ông đấy.

Câu chuyện kể từ đây là do bác Lê Xuân Khoa kể, ông Sỹ chỉ ậm ừ vì nào có nghe được mấy và thấy gì đâu.

- Lần ấy, tôi từ Mỹ về Hà Nội làm việc. Hình như năm 1982 thì phải, tôi hỏi tên công an xếp sòng ở Hà Nội làm sao thăm được các bạn tại Sài Gòn, có bạn đã ra tù và có bạn vẫn còn ở trong tù. Tên công an ngần ngừ bảo “Người đã ra khỏi tù thì ông thoải mái thăm, nhưng người còn trong tù thì không nên. Vì chúng tôi còn phải làm nhiều thủ tục lâu lắm, có khi đến cả tháng mới được.” Thế là lúc ấy tôi thăm được Như Phong - Lê Văn Tiến và ông vì cả hai đã ra khỏi tù rồi. Vậy mới có tấm hình này đây.

- Hôm ấy tôi đến nhà ông và ngỡ ngàng vì một bàn tiệc do bà Sỹ chuẩn bị với một số đông các bạn của cả tôi lẫn của ông. Tôi bảo với bà Sỹ:

- Trời ơi, sao chị làm tiệc linh đình thế này? 

- Tiền anh đưa dư lắm, tôi làm cho hết số tiền ấy. – bà Sỹ trả lời tôi thế.

Cụ Khoa quay sang hỏi bạn Sỹ:

- Đông thế này thì ông có sao không? Tôi đến rồi về lại Mỹ, còn ông ở lại thì làm sao đây? Và ông trả lời tôi như thế này mới hay: “Nếu có chuyện gì thì lại vô!”

- Còn đây tấm hình này đặc biệt lắm, ông nhìn ra ai không?

Cụ Khoa lại đánh đố cụ Sỹ nữa rồi! Cụ Sỹ lại đổ tại rằng “Tai tôi bây giờ nghễnh ngãng lắm, nghe cứ ù ù ông ạ!” Cụ Khoa lại thuyết minh tiếp về tấm hình:

- Đây là ông, đây là bà Sỹ bế thằng cháu nào đấy, và tôi. Cũng tại nhà của ông. Đằng sau có bức tranh của họa sĩ nào ấy tôi không nhớ.

- Và đây nữa, hôm ấy ông chở tôi bằng xe mobilette đến tòa soạn báo Bách Khoa, Lê Ngộ Châu chủ nhiệm báo Bách Khoa, Nguyễn Văn Trung, ông và tôi.

- Hình này thì thật quí hiếm, cũng vẫn là ông và tôi đi thăm cụ Nguyễn Đăng Thục. Cụ Thục còng lưng quá rồi nên tiếp khách phải nằm ngửa trên ghế, cạnh là cụ bà Thục.

- Đấy là những hình ảnh thật là quí giá tôi còn giữ được đến giờ đấy ông ạ.

Sự trân quí kỷ niệm xưa của bác Khoa lây lan đến thế hệ con cháu chúng tôi, hẳn nhiên là cellphone dơ lên chụp lưu lại ngay những tấm hình cách nay gần nửa thế kỷ. Con cháu chúng tôi thu giữ lại được phần nào kỷ niệm của hai bố Khoa và bố Sỹ.

Bác Khoa thỏa thuê vì những gì muốn nói với bạn đã nói. Bây giờ hai con bầy thức ăn ra để hai bố ăn. Cụ Sỹ có hộp thức ăn riêng do con gái mang theo. Cụ Khoa vẫn ăn uống bình thường và ăn rất ngon miệng. Hai con nhìn hai bố ăn mà mát lòng mát ruột. Bố Sỹ nay 100 tuổi sẽ thêm vài năm nữa vui cùng bạn và con cháu. Bác Khoa cũng vậy, với tinh thần phấn chấn vẫn còn muốn giúp đời và giúp người thì bác cùng theo chân bạn Sỹ nhé. Kết thúc buổi picnic ngoài trời là trò chơi “bạn đẩy xe cho bạn” đi chơi vòng quanh hành lang nhà cộng đồng. Cụ Sỹ ngồi cụ Khoa đẩy, dẫu rằng cụ Sỹ vẫn đi ngon lành chẳng cần walker gì cả. Trò chơi thật vui, cụ Khoa tán thưởng: “Đẩy ông Sỹ thế này bác thấy mình khỏe và càng chắc rằng sức khỏe mình tốt thật!”

Riêng tôi nhớ thuở xưa trước 1975, khi miền Nam Việt Nam còn trong thời an bình, nhà giáo và nhà văn là hai “nhà” thường khắn khít với nhau. Có khi lại còn “hóa thân” vào với nhau, làm nghề giáo mà lại còn đeo mang nghiệp văn, hay ngược lại!

Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ quen biết nhau trong nghề giáo, đến nay một cụ đạt được con số 100 tuổi và cụ kia cũng được 94 tuổi. Năm di cư vào Nam, cụ Khoa lấy vợ, bác gái là người Bạc Liêu, nên được cụ Sỹ gọi đùa là “Công Nương Bạ Liêu”. Bác Gái thuộc dòng dõi gia thế của tỉnh Bạc Liêu. Thời ấy bác được đi học rất cao so với nhiều phụ nữ khác. Thế thì “Rể Bạc Liêu” phải có gì đặc biệt mới vào được mắt xanh công nương Bạc Liêu chứ? Dạ thưa đó là nét thư sinh đẹp trai và tài giảng bài trên bục. Học sinh và sinh viên cứ thế mà say mê thầy. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã từng say nghe thầy Lê Xuân Khoa giảng về vua Quang Trung đại phá quân Thanh, tại trường Nguyễn Huệ của cụ Bùi Hữu Đột. Để rồi mãi đến sau này hai người gặp nhau tại Hoa Kỳ mới bộc bạch lòng thán phục lẫn nhau.

Phần cụ Sỹ lại có bà Sỹ là một trong ba “tiểu thơ” của nhà thơ Tú Mỡ. Bà không làm thơ như Bố mà bà có biệt tài viết thư và điều hành quân lính trong bếp. Khi viết thư bà có một lối viết chân, chữ dùng đơn giản, mạch văn trơn tru khiến người đọc thư mềm lòng với tâm tình của bà. Đám con cái phê bình “Mẹ viết thư hay hơn Bố đó nha”. Còn trong chốn nhà bếp thì bà nổi danh làm những thức ăn lạ và ngon để thiết đãi bạn chồng. Cụ Sỹ hãnh diện lắm về tài năng này của “Madame Sỹ”!

Trở lại chuyện cụ Khoa và cụ Sỹ mỗi người đều một vận mệnh và sự cống hiến khác nhau cho đất nước dân tộc Việt. Mà lịch sử Việt Nam có nhiều điểm mốc lắm, hình như nhiều đau thương hơn là huy hoàng hạnh phúc. Cụ Sỹ bên cạnh việc dạy học ở ba trường đại học tại Sài Gòn, Cụ còn viết sách. Do vì viết sách nên Cụ bị đi tù. Sách của Cụ viết cả một chiều dài lịch sử, người dân Việt kháng chiến chống Pháp, bị Việt Minh lừa dối, cuộc di cư năm 1954, miền Nam Việt Nam chống cộng sản, và đến khi bị cộng sản thôn tính, đi tù, toàn dân cùng bị tù, tù nhỏ trong nhà tù chung lớn hơn. Ông Sỹ đã thưởng thức 12 năm rưỡi lao tù cộng sản do vì ông dám kể thật những gì cộng sản làm và phá hoại đất nước. Người dân Việt phải chịu đựng bao nhiêu nhọc nhằn, không riêng gì người miền Nam thua trận mà cả ngay miền Bắc kẻ thắng trận đều khổ, Bắc Trung Nam cùng khổ! 

Cuộc đời cụ Khoa có phần êm ả và tươi vui hơn cụ Sỹ. Năm 1960, ông được học bổng chính phủ Pháp tại đại học Sorbonne, lấy bằng tiến sĩ Triết Học với đề tài “Le Boudhisme Dhyana au Vietnam”. Sau đó về lại Sài Gòn ông đảm trách môn Triết học Upanishad tại ĐH Văn Khoa Sài Gòn, môn Văn Minh Việt Nam tại ĐH Đà Lạt, Minh Đức và Vạn Hạnh. Thời gian cuối cùng ở Việt Nam ông giữ chức vụ Phó Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn. Và sau đó ông kịp thời di tản sang Mỹ, 1975, để tiếp tục hoạt động về vấn đề tị nạn trong Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC), ông đã vận động cho người tị nạn Đông Dương với chính phủ và quốc hội Mỹ, chính phủ Hong Kong và Đông Nam Á, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.

Có lẽ ít nhiều, cụ Khoa có vận động cho sự tự do của cụ Sỹ trong thời kỳ đen tối nhất. Mối tình thâm này được thể hiện trong bữa tiệc năm 1982 được kể phần trên.

Nếu không kể thêm chuyện “Con Kỳ Lân Cuối Cùng” là thiếu sót một mắt xích trong chuỗi tình thân giữa hai cụ. Hai năm trước biến cố 1975, cụ Khoa trao cho cụ Sỹ quyển “The Last Unicorn”, bản nguyên tác tiếng Anh và Cụ Sỹ đã dùng văn tài của mình để chuyển ngữ sang tiếng Việt. Có lẽ đây là lần cộng tác sau cùng giữa hai cụ với nhau trước khi lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Quả là đúng, cụ Khoa đã chọn đúng người trao một tác phẩm hay để có phiên bản Việt ngữ tuyệt vời. “Đây là một tinh thần thông cảm giữa một Mỹ và một Việt, mà cả hai đều có cùng một lối suy nghĩ thật siêu thoát.” Cụ Khoa đã viết phần giới thiệu như vậy đó cho quyển Con Kỳ Lân Cuối Cùng.

Đôi bạn Lê Xuân Khoa và Doãn Quốc Sỹ có mối tình thâm suốt hơn nửa thế kỷ, từ khi hai cụ còn là thanh niên tràn đầy lý tưởng, đến nay đã lên chức Cụ. Cụ Sỹ có 6 chắt, cụ Khoa cũng có 5 chắt đề huề và tràn đầy phước đức. Người đời còn gọi là “Tứ Đại đồng đường”. Do vì hai cụ được con cái chăm sóc đầy đủ để có vui tinh thần và khỏe thể chất. Điều thật hiếm có với hình ảnh hai Cụ ngồi sát cánh, tay nắm tay và cười vui cùng nhau.

Con và cháu của hai Cụ vui lây niềm vui lớn này và để rồi câu chuyện ngày hôm nay được ghi lại như vầy và vui vầy với Đôi Bạn Già Khoa – Sỹ!

California, ngày 21 tháng 11 – 2023

Doãn Cẩm Liên






***










Nov 8, 2023

DỄ ẸC! Doãn Quốc Hưng

 Lạy sám hối hả? Dễ ẹc! Bé hai tuổi rưỡi cũng làm được. Chỉ cần biết chú tâm quan sát ông già bên cạnh thôi...







Nov 6, 2023

ĐÔI BẠN - Doãn Cẩm Liên



Đó là đôi bạn Sỹ - Toàn, Doãn Quốc Sỹ - Nguyễn Đình Toàn. Hai ngôi sao của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Gọi là Đôi Bạn vong niên, vì “bạn Toàn” sinh năm 1936 mà ”bạn Sỹ” sinh 1923, chênh lệch nhau những 13 năm tuổi. Thế nhưng bạn văn thì làm gì có tuổi. Do vậy hai bạn xưng hô với nhau là “ông và tôi”, đôi khi bạn Toàn gọi bạn Sỹ là “ông thầy”. Vì ngoài nghiệp văn, ông Sỹ còn hành nghề giáo. 

Hai bạn biết nhau nhờ vào sự kiện lịch sử Cuộc Di Cư Bắc Nam, 1954. Khi đoàn người miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản vào miền Nam lánh nạn, Đôi Bạn Sỹ - Toàn hội ngộ nhau tại vùng đất tự do. Vì nơi đây là vùng đất tự do phơi phới về chính trị lẫn về tư tưởng, nên hai bạn đã cùng nhau phát triển tài năng viết lách, làm thơ một cách thỏa thích.

Không cần phải nghe kể, độc giả của Đôi Bạn Sỹ - Toàn đều có thể tưởng tượng ra cảnh hai ông gặp nhau bên bàn cà phê tiệm La Pagode đường Catinas hay tiệm Brodard đường Nguyễn Thiệp Sài Gòn. Nơi được lưu danh là có công kết nối các tay bút sừng sỏi trong nền văn học rực rỡ của miền Nam Việt Nam. Không ngoa, La Pagode và Brodard nổi danh vì đã từng in bóng các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Dương Nghiễm Mậu,  Cung Tích Biền, Nguyên Sa, Viên Linh, Duyên Anh, Võ Phiến, Chu Tử, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn … các văn nghệ sĩ khác đã làm nên một bầu trời đầy sao sáng lấp lánh muôn màu sắc.

Bạn Nguyễn Đình Toàn tung hoành trong nhiều lãnh vực như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, nhạc. Trong đó có tác phẩm Áo Mơ Phai đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa và năm 1973. Vào những năm trước 1975, ông còn phụ trách chương trình “Nhạc Chủ Đề Tình Ca Quê Hương” vào mỗi tối thứ Năm trên làn sóng Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông đã khiến nhiều nữ nhi thời ấy đón chờ giờ phát thanh để mà mơ màng và thấm thía với lời thì thầm giới thiệu của ông. Ông đã dùng nghệ thuật viết văn viết thành lời giới thiệu các nhạc phẩm. Lời văn và giọng nói êm êm đã đưa thính giả vào một khung trời lãng mạn, làm nên một vầng sáng trong văn nghiệp của ông.

Bên cạnh văn tài thì nguồn thơ của “bạn Toàn” cũng làm thêm bề dày sự nghiệp văn chương. Ông sáng tác thơ nhẹ như thở. Cho dù trong lòng ông đau đáu nỗi đau quê hương, chiến tranh, nỗi buồn mất nước đến phải tha hương, nhưng dòng thơ của ông vẫn êm nhẹ. Phải và đúng thế vì những bài thơ đã được chính tác giả phổ thành nhạc phẩm và được gom lại thành quyển “Thơ & Ca Từ” xuất bản vào năm 2022. Năm đó ông sức khỏe của ông đã sút giảm nhiều. Như tiên lượng được sự ra đi không thể tránh khỏi trong những ngày tới, ông đã soạn lại và cho ra đời quyển sách này.

Về phần Bạn Doãn Quốc Sỹ, ông có nghề giáo lại còn thêm nghiệp văn cho nên trong số trên bốn mươi (40) tác phẩm được xuất bản gồm trường thiên tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện dịch, nghiên cứu dùng làm giáo án giảng dạy. Cũng như bao văn nghệ sĩ miền Bắc vào đến vùng đất tự do nhiều tình người miền Nam Việt Nam là như diều gặp gió. Ông sáng tác thật hăng say, tung hoành ngòi bút, chỉ trong vòng sáu năm đầu, độc giả đã chìm đắm trong bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh… 

Các độc giả hẳn phải kinh ngạc với sức làm việc không mệt mỏi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi biết bên cạnh nghiệp văn, ông còn nghề dạy học. Thầy Sỹ dạy đến ba trường đại học: Sư Phạm Sài Gòn, Văn Khoa và Vạn Hạnh. Trong nghề giáo ông được các sinh viên yêu quý vì phong cách nghệ sĩ của một nhà văn. Với mái tóc bồng bềnh đứng trên bục giảng, ánh mắt ông phóng ra xa, mơ màng mà giảng bài. Mơ màng nhưng vẫn đầy lôi cuốn khiến sinh viên dõi theo lời giảng của ông. Bài giảng là giảng cho sinh viên, thế nhưng sinh viên thấy dường như thầy mình cũng bị chìm hút vào nó. Thế mới hay, thế mới thật là thu hút!

Đôi Bạn Sỹ - Toàn có tình thân từ đâu đó trước 1975, để rồi tình bạn thêm sâu đậm sau ngày mất nước 30 – 4 – 1975. Người Sài Gòn tan tác, kẻ mất người còn, người vượt biên, người chết bờ bụi, nơi sông ngòi, ngoài biển khơi. Các văn nghệ sĩ Sài Gòn bị hai đợt ở tù lại càng thêm tan tác. Do vậy, tình thân và lòng tin của những nhà văn còn sống sót sau biến cố đau thương nay càng sát gần lại. Đôi Bạn Sỹ - Toàn vẫn thường xuyên gặp nhau ở dốc cầu bên kia Cầu Sài Gòn, làng Báo Chí. Bạn Sỹ chạy chiếc xe mobilette lên chơi với bạn Toàn. Nhờ vậy độc giả mới có giai thoại về bài thơ:

Câu thơ bạn Nguyễn Đình Toàn hỏi vào năm 1984:

Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi

Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng

Gặp nhau tay bắt mặt mừng

Vui thì vui vậy biết chừng nào xa.

Câu thơ bạn Doãn Quốc Sỹ trả lời vào năm 1980: 

Đỉnh trời vằng vặc gương nga

Long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình

Gương trong mình lại soi mình

Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du

Nẻo đời gió bụi kỳ khu

Biết ai còn mất tình thu võ vàng.

Đôi Bạn Sỹ - Toàn đã hòa nhịp thơ vào nhau, cho dù khi sáng tác chẳng ai biết người kia đã có lời thơ như thế nào. Cả hai cùng đắc chí vì “tâm và tình” của chúng mình đã hòa lẫn với nhau từ lâu rồi, nay mới chính thức nhập thành một, thành giai thoại thơ như vậy.

Thế rồi… ngày tháng năm trôi đi. Bạn Toàn được đoàn tụ với con trai tại tiểu bang California, thành phố Westminster. Vài năm sau bạn Sỹ cũng đi định cư tại Hoa Kỳ, với con trai ở tiểu bang Texas, thành phố Houston. Năm tháng lại tiếp tục trôi cho mãi đến năm 2011, khi bà Sỹ mất, ông Sỹ được năm đứa con khác đón qua California để phụng dưỡng. Đó mới là lúc Đôi Bạn xưa được gặp lại nhau sau bao năm xa cách.

Đôi Bạn vẫn thường xuyên gặp nhau đôi ba tháng một lần. Các con của hai bố Sỹ - Toàn rất vui và tạo điều kiện cho hai bố gặp nhau. Có lần cô con gái thứ ba đưa ông Sỹ đến đón ông bà Toàn đi uống cà phê. Và nhiều lần bạn Sỹ đã thân chinh đến chơi với bạn Toàn thay vì cùng nhau ra ngồi quán thì nay ngồi tán gẫu tại nhà. Do vì thời gian đó bà Toàn đã vào sâu căn bệnh “quên”, ông Toàn muốn toàn thời gian còn lại cho vợ. Và bà đã toại nguyện cho đến ngày ra đi, ông vẫn là người chăm lo cơm hai bữa cho bà.

Nếu nói về sức khỏe thể chất thì bạn Sỹ là số một. Cho dù chênh 13 tuổi nhưng bạn Sỹ khỏe mạnh nhiều lần hơn bạn Toàn. Nhưng nếu nói về sự tinh anh, sắc xảo trong câu chuyện thì bạn Toàn là trên hết. Ông có những nhận xét rất nhanh và diễn tả nó ra bằng một ngôn từ nhẹ nhưng sắc ngọt, rất ư là "Nguyễn Đình Toàn". Câu chuyện được kể lại bởi anh Đinh Quang Anh Thái, hôm ấy chở ông Toàn đến viếng lễ tang nhạc sĩ Nhật Ngân, xe phóng trên đường Beach, ngang qua nghĩa trang Peak Family để quẹo phải đường Bolsa, vào khu nhà tang lễ, ông Toàn buột miệng: “Nhìn khu mộ của bọn Mỹ kìa, người ta chết là buông hết, mộ bia cũng phẳng lì. Còn dân tộc tính của người Việt mình đặc biệt thật, chết rồi mà vẫn còn muốn trồi lên!”. “Mẹ nó, mình đến thăm thằng chết mà thấy toàn những thằng sắp chết!”

Những mẩu chuyện vui bên lề văn chương thì bạn Toàn có nhiều chuyện vui hơn bạn Sỹ. Bởi vì tính cách của bạn Toàn rất là Nguyễn Đình Toàn. Bạn Sỹ thì dường như êm đềm và ít mở lời sắc bén. Cười xòa hay cười vang to là để phụ họa hay để góp cho thêm mặn mà câu chuyện thế thôi. Có phải chăng tính chất một nhà giáo lấn át hơn tính chất một nhà văn, mà ông Sỹ có?

Đôi Bạn đến nay, một người đếm số tuổi lên hàng 100, người kia rượt theo đến số 87 tuổi, “chẳng ai còn nhận ra ai” vì tuổi già lú lẫn, vì sức khỏe sút giảm. Bạn Sỹ có đến thăm bạn Toàn thêm đôi lần nhưng nhận thấy hai bố đã đến lúc… người thì quên, người thì hết hơi để nói. Thế là con cái đã quyết định thôi chẳng cần mang hai bố gặp nhau nữa. Đã đến lúc Đôi Bạn tạm biệt nhau, mỗi người sẽ có một cách biến mất trên cõi đời. Nào ai biết được mình sẽ ra đi bằng cách nào và ra sao? Chỉ thấy là:

… Vui thì vui vậy biết chừng nào xa. – Nguyễn Đình Toàn

… Biết ai còn mất tình thu võ vàng. – Doãn Quốc Sỹ

California, ngày 6 tháng 11 – 2023

Doãn Cẩm Liên