Apr 27, 2008

2. Sách báo in trong thời buổi "on line" - Ngô Thùy


Bây giờ trong thời đại mà con người làm việc mọi nơi mọi lúc, tôi trở thành một trong những kẻ lạc loài ngồi đọc sách trong quán cà phê, giữa một rừng laptops và PDA, iPhone. Hình ảnh này có vẻ quá mâu thuẫn với hình ảnh ban đầu mà tôi đưa ra, là một trong những nhân viên văn phòng đầu tiên tiếp xúcvới nền văn minh internet. Là một con mọt sách, sao tôi không mê mải với nguồn sách báo, thông tin điện tử ngồn ngộn trên mạng kia? Ngoài những phương tiện kết nối tốt nhất trong văn phòng, tại nhà tôi cũng có đầy đủ điều kiện để lên mạng cho mọi mục đích. Tôi cũng tận dụng mọi điều kiện có thể để lấy thông tin cho công việc, và gạn lọc được thật nhiều quyển sách điện tử thật bổ ích, hấp dẫn cả trong công việc lẫn giải trí. Tuy nhiên, đọc sách trên màn hình là điều tôi hết sức tránh, ngay cả trước kia khi việc download tự do còn rất giới hạn. Bị tốc độ công việc đánh lừa đã là một vấn nạn khiến cho người làm công trở thành nô lệ của màn hình. Nhiều khi nửa đêm sực nhớ việc gì cũng ngồi dậy, bật máy, lên mạng lấy thông tin xuống làm việc tiếp. Thật là khủng khiếp!

Tuần này khi chuẩn bị tài liệu cho một khoá tập huấn về Phát triển tổ chức, tôi đã có ý định đi chụp hình một sạp báo bình thường, sau đó sẽ đặt bên cạnh bức hình đó hình ảnh vài tờ báo Nhân dân, Saigon giải phóng, Thanh niên… của ba chục năm về trước để làm ví dụ cho sự đa dạng hóa ngày nay ở thị trường Việt Nam. Từ vài tờ báo ngày trước đến hàng trăm loại nhật báo, tuần san, nguyệt san, đặc san ngày nay là một bước đi dài, và là điều đáng mừng (nếu không kể đến những tờ lá cải, nhưng thực ra tôi là ai mà dám chỉ trích sở thích của những nhóm độc giả khác?)


Sách báo điện tử cũng vậy, là một tin mừng cho những người “đói” thông tin và những con mọt sách, nhất là bản dịch của những tác phẩm Kim Dung mà ngày nay chỉ còn tìm thấy trên mạng. Giờ đây chỉ cần “ping” một cái là có vài chục ngàn kết quả tìm thấy trong index. Người ta còn viết sách trên blog và trở thành nhà văn nổi tiếng nhờ sự chia sẻ đó. Có những tác giả và nhà phê bình văn học còn đi xa hơn, đưa ra một cách viết tiểu thuyết mới qua những bản thảo điện tử viết sẵn, chỉ cần thay đổi bố cục bằng cách cut and paste, để tự hành vi ngẫu nhiên này quyết định số phận của nhân vật. Đã nói đầu óc con người là không có giới hạn về tưởng tượng mà! Stephen King, chẳng hạn, chính là một trong những nhà văn đầu tiên thực hiện feuilleton trên mạng.


Đứng trước khả năng vô hạn đó, tôi vẫn thấy mừng mừng tủi tủi khi được cầm trên tay một cuốn sách mới in, thơm tho, đẹp đẽ. Không có gì sánh được với sự hồi hộp khi mở ra những trang sách đầu tiên, đọc những dòng đề tặng đầy yêu mến, và nằm co trong chăn ấm để được đắm chìm trong thế giới của những trang sách…


Chưa kể khi đọc xong, cất sách vào tủ, nhìn ngắm chúng đứng cạnh nhau, sẵn sàng cho một lần chia sẻ khác… là một hạnh phúc không thể nào tả nổi. Sách, là phải cầm, phải dở từng trang, và ngủ thiếp đi với chúng như bên một người tình.

Saigon, những ngày cuối tháng 4
Ngô Thuỳ
Tủ sách gia đình DQS


2 comments:

Hot... said...

Tui dang thich thu' cai bai vie^t doc sach ON LINE nhung chua nghi~ ca^u chuye^n nao thich ho*p de^ di song song voi bai vie^t... bai do hay la'm do'

Quan

Hot... said...

Phai Ngo Thuy bai viet ve sach la Chi Thuy vo anh Du~ng khong?

May go*?i cho tao bai nay di. Tao muon in ra cho anh Ho`a (chong chi Le) do.c.

Luc truoc tao hay in truyen ngan cho anh doc, nhung anh than la khong "thu'" bang ca^`m quyen sach. Anh noi y chang nhu* chi Thuy vay. Chi? kha'c la...thay vi chui vo me^`n thi anh thich na(`m dai tren sofa voi ly cafe da'.

Doc bai do' xong thi ca`ng muon lay lai thoi quen doc sach nhu* luc truoc.

Linh