Dec 31, 2021

CON TIÊU ĐI - Bố, Khánh, Liên, Tư Loan



Thỉnh thoảng Loan hay đến biếu Bố tiền. Mọi khi Bố thường cầm tiền xong đưa thẳng cho Liên để làm tiền chợ. Hôm nay ông cầm tiền, bỏ túi, rồi lấy ra đếm, rồi lại bỏ túi. Sau đó vào phòng một lúc, rồi ra lại. Lần này cầm tiền ra và đưa cho Liên, nói "Con tiêu đi".

Loan cười quá chừng.

- Khánh 


Dec 30, 2021

BẠN GIÀ LỚP TRƯỚC NAY CÒN MẤY - Bố, Kiều Chinh, Cung Tiến, chú Từ cô Nhã, anh chị Đỗ Quý Toàn, cô chú Trần Hữu Bích

 

Buổi họp mặt chiều mưa cuối năm 2021 với nhiều gương mặt tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, giáo sư Trần Huy Bích... Họ kể kỷ niệm thời trai trẻ, chuyện buồn vui trong tù, chuyện điện ảnh, đọc thơ, hát nhạc Cung Tiến... Sẽ khó có lại một buổi hội ngộ đông đủ như thế này, bởi vì "...bạn già lớp trước nay còn mấy..."

- Hưng Gàn


XOẸT CÁI LÀ XONG - cụ Sỹ, ngoại Liên, Sóc

Sóc xoẹt cái là xếp màu Rubik đâu vào đấy. Cụ Sỹ xoẹt cái là ký xong mấy chục cái bookmarks. Tư Liên xoẹt cái là viết xong một đoản văn.



Em vừa viết xong đoản văn này, gửi 3 bà chị Thanh, Khánh, Trúc xem chơi. Nhớ vừa thổi vừa xem nha.
- Tư Liên


NHỮNG HẠT NGỌC CỦA PHAN LẠC PHÚC 

Ví von chữ, ý và tâm của nhà văn Phan Lạc Phúc trong tất cả các tác phẩm của ông là “Những hạt ngọc” sẽ không có gì quá đáng nếu chúng ta lấy tiêu chuẩn tâm “lành thiện” làm thước đo. Ngọc không lấp lánh chói ngời, do vậy muốn khám phá vẻ đẹp của nó người ta phải nhìn kỹ, nhìn sát và phải nâng niu nó trên tay thì mới thấy được sự quý giá vô ngần này. Cái lành và cái thiện được ví như sự quí giá của hạt ngọc. Hãy đến để thấy, hãy đọc để nhận ra!

Cầm trên tay “Tuyển Tập Tạp Ghi – Phan Lạc Phúc” được in và đóng gáy “tại gia” do nhà thơ Thành Tôn thực hiện, là như đang có trên tay một “chuỗi Hạt Ngọc” vô giá. Lần giở từng trang, đọc từng dòng, hết bài này sang bài khác chỉ thấy tâm ngày càng êm ả với tình người, tình đồng đội, và lòng yêu mến nước Việt.

Nhà văn quân đội Phan Lạc Phúc, còn có bút hiệu “ký giả - Lô Răng” khi ông làm chủ bút cho mục Tạp Ghi trên Nhật báo Tiền Tuyến. Ông đã cống hiến cho độc giả một văn phong độc đáo, loại viết nhanh xuống giấy; ý văn nồng nàn đầy tình người, và chữ dùng lại rất đơn giản, rất ư là “Phan Lạc Phúc”. Nhờ thế độc giả chúng ta nhận chân ra ông có một tâm lành thiện biết dường nào. Vì ông dư biết sự việc nào cũng có hai mặt. Ông không nhìn mặt xấu của sự việc, mà mặt tốt thì được ông tô đậm thêm. Mặt tốt là để bù trừ cái xấu. 

Đọc trong Tuyển Tập Tạp Ghi, độc giả thấy mối giao hảo của Phan Lạc Phúc với bạn bè văn chương – văn học – nghệ thuật là những tình cảm chân thật và ấm áp. Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Võ Phiến, Trần Lê Nguyễn, Như Phong và nhiều nhân vật bạn văn được ông ưu ái cho vào văn học Phan Lạc Phúc. Ca sĩ nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Cung Tiến, Thái Thanh, Duy Trác, Anh Ngọc không nằm ngoài những mẩu “Tạp Ghi” của ông. Hẳn nhiên những Tướng, Tá trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng là những mẫu chuyện không thể quên và được ghi lại trong Tạp Ghi.

Đặc biệt mối liên hệ với Thượng tọa Thanh Long, Tuyên úy Phật Giáo trong quân đội VNCH, được nâng lên tình cảm mật thiết nhất. Thân mật và thiết tha nhất khi hai vị cùng ở tù cộng sản ở Sơn La “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”. Trong thời gian sống gần với cái chết hơn là cái sống thì Thượng tọa Thanh Long đã là cái bóng mát “đại hùng, đại lực, và đại bi” để các tù nhân khác nương theo mà sống và chờ đợi. 

Qua câu chuyện Tiếng Khóc, Bánh Chưng Bánh Tét, Bạn Tù Sơn La cái bóng mát của thầy Thanh Long càng tỏa rộng, càng thơm ngát. Thơm đến độ mềm cả lòng người quản tù Thượng úy “không no” sắc máu nhất, đã “…Hình có một suy nghĩ gì đó thoáng qua, nên nét mặt của y có vẻ đắn đo, xong rồi y lững thững đi ra mà nói: - Sau không được thế nữa nhá. Ninh tinh…” Mùi thơm của khoai lùi vụng trộm trong truyện Bạn Tù Sơn La đã bay ra khỏi trang giấy, cùng với bóng “đại hùng, đại lực, và đại bi” của Thượng tọa đã phủ chụp lên cả tâm thức của độc giả này. 

Với một tâm thức an lành, Thượng tọa Thanh Long đã làm an bao nhiêu tâm thức khác khi được ở gần kề ngài. Là một ông Phật sống nên khi hành động thì ngài cũng hành động nhẹ như không, không có gì, nhưng lại là một cái gì để người đồng tù của mình chiêm nghiệm “…Anh bạn tù Thiết Giáp của tôi đang giở thức giở ngủ nên lật đật cứ đội nguyên cái “mũ” không giống ai ra xếp hàng. Khi anh vừa đi qua tên Thượng úy, chợt có tiếng giật giọng: Anh kia đứng nại. Tất cả anh em vô lán hết, chỉ còn NVP Thiết giáp đứng co ro ngoài cửa. Anh em lắng nghe cuộc đối thoại bên ngoài: - Cái này là cái gì?” – Dạ… cái quần… - “Ở đâu ra?” – Vợ tôi gửi cho tôi. – “Tại sao mà anh nại đội cái quần của vợ anh…?” – Tại trời lạnh quá… mà không có mũ. – “À, anh này bôi bác chế độ. Anh tên gì? Mai nên nàm việc…” “Chính trong thời điểm này anh bạn tù Thiết giáp của tôi lên gặp “y ta làm việc”. Khi về NVT mặt mũi chảy dài. Anh cho hay là cán bộ “không no” tuyên bố không cho anh đội cái mũ “thiếu văn hóa” ấy nữa.” Anh phải làm kiểm điểm hứa trước đảng và nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cán bộ.”…Chợt ông bạn hàng xóm bên phải của tôi là Thượng tọa Thích Thanh Long (nguyên giám đốc nha tuyên úy Phật giáo) từ từ lên tiếng: - Đừng có lo, rồi đâu có đó… Nói xong, ông khẽ lục trong đám quần áo của ông lấy ra một tấm áo nâu dài, tấm áo “Thượng tọa” của ông mà đưa cho ông Thiết giáp. – Hãy cứ quấn cái áo này lên đầu cho ấm… Rồi ta tính… Ông cụ Thanh Long một ngày chủ nhật sau đó liền cắt cái vạt áo dài nâu “Thượng Tọa” của ông lấy vải may cho ông bạn Thiết giáp một cái mũ đội đầu. Bàn tay già nua run rẩy (năm ấy 1976 ông cụ đã 63 tuổi) đường kim mũi chỉ cũng thô sơ vụng về nhưng ông bạn Thiết giáp đón nhận cái mũ mà rưng rưng xúc động.”

Ông Phật sống Thượng tọa Thanh Long đã giúp các bạn đồng tù giải quyết những khó khăn như thế nào? Nhẹ như không. Bởi vì ông thấm nhuần chữ “vô thường” của nhà Phật. Tất cả các “pháp”, mọi sự việc đều có con đường đi của nó. Mà đường nó đi bao giờ cũng đúng với luật trời đất. Vì thế cho nên câu “Đừng có lo, rồi đâu có đó” mà Thượng tọa thường nói là từ ý đó. Nhưng chỉ nói thế mà ngài thiếu sự tỏa sáng tính “đại hùng, đại lực, đại bi” thì sức mấy làm được việc.

Vẫn trong Tuyển Tập Tạp Ghi, bài Tiếng Khóc, ông Phan Lạc Phúc bình về khóc cười “Người ta bảo “cười là một liều thuốc bổ” thì được khóc cũng là “một viên thuốc an thần”. “Giọt lệ tôi khóc trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 – dù là khóc một mình chăng nữa, vẫn là quyền Tự Do cuối cùng còn lại của tôi…” Cũng vẫn trong truyện Tiếng Khóc “Thượng úy “không no” giơ tay nâng bó củi của tôi lên, ước lượng nặng nhẹ rồi dùng chân gạt bó củi của tôi nằm xuống, sẵn con dao rựa trong tay y chặt băng băng vào mấy nút giây rừng. Bó củi văng ra, y lấy chân gạt những cây củi nhỏ sang bên, dùng chân dậm gãy những cành củi nhỏ mà nói rằng: “Đây là rác không phải là củi. Không đạt chỉ tiêu.” Y hầm hầm ra lệnh cho tôi phải đi ngay trong chiều hôm nay – kiếm cho đủ 0.10 mét khối củi nữa.”… “Ông bạn già Thượng tọa định đi cùng với tôi kiếm củi, nhưng Thượng úy “không no” ngăn lại.” 

Tác giả kể tiếp trong Tiếng Khóc “… Tôi đến được khu suối Mường Thia thì mặt trời đã gần khuất núi. Ở đây chiều xuống rất mau… tôi chỉ còn chừng hơn 1 tiếng đồng hồ làm việc.” “Tôi tìm được một cây bằng lăng nho nhỏ; nếu hạ được cây này, sẽ thừa 0.10 mét khối.”… “Dù lòng không dạ trống, tôi cũng phải cố hạ cho xong trước khi chiều xuống.”… “Sức nặng của cây làm đứt giây leo, giây choại trên cao, cả thân cây bằng lăng rơi ùm xuống suối. Tôi há hốc miệng đứng nhìn… Suối sâu thế kia không có cách gì đi xuống. Như vậy là công lao chặt cây, chặt củi của tôi trên một tiếng đồng hồ bỗng trở thành công cốc!” “Tôi nhìn cây bằng lăng của tôi trôi dưới suối. Thân chìm dưới sâu, chỉ có ít cành lá nằm vắt lên bờ trông giống như một người chết đuối, tóc xõa trên mặt nước. Bất giác tôi nhớ tới các con tôi đang dự tính vượt biên; tôi nghĩ đến trùng trùng lớp lớp những xác người xấu số chìm dưới biển Đông hay nổi trôi trên sóng nước; không biết tôi liên tưởng ra sao mà bỗng nhiên tôi òa lên khóc. Ở đây không có ai, có một mình tôi với rừng, với suối, với những khổ đau chồng chất… Tôi khóc cho vơi đi phần nào uất ức…” “Tâm hồn tôi từ lúc khóc được đến giờ, hình như nó nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Hôm nay nếu không lấy được 0.10 mét khối củi thì hôm khác mình sẽ lấy bù. Việc gì mà lo lắng quá.”… “Tôi nắm con dao đi về tay không mà bước chân như vững vàng hơn. Vừa hết một “tay dao” , tôi thấy ông bạn tù già Thượng tọa của tôi.” “Ông bạn già mới nói: “Sợ ông về muộn, thế củi đâu?” Tôi không trả lời ông già mà khẽ nở một nụ cười. Ông bạn tù già nắm lấy tay tôi… Chúng tôi cùng bước mau về trại…”

Độc giả này và các độc giả khác có thấy chăng năng lực “từ bi” ngài Thượng tọa đã rải ra khắp nơi. Chỉ cần một câu nói, một cái nắm tay, một sự thấu hiểu mà ngài đã giải giúp cho bạn tù những ấm ức, đau khổ, cực nhọc. Thân tâm của ngài đã dư thừa an lạc, nên an lạc đã tràn ra và thấm vào những thân tâm khác đang bị thiếu thốn. Ngài đang thể hiện là Quán Thế Âm bồ tát, chỉ cần nghe tiếng kêu cầu, than khóc là có mặt để cứu người.

Đọc tiếp đến truyện Bánh Chưng Bánh Tét “… Chúng tôi bắt đầu đi vào tiết mục hết sức ly kỳ trọng đại: bóc bánh chưng ăn. Không ai dám ăn cả cái bánh chưng, chỉ dám ăn nửa cái để “chào xuân, đón Tết”… “Riêng tôi vừa bóc bánh đã xảy ra “sự cố”. Vừa mới cởi xong nút lạt, mở vài lượt lá bên trên thì từ chiếc bánh của tôi, gạo nếp đã bung ra lả tả.” “Nhìn cái bánh chưng sống nhăn sống nhở, tôi cúi mặt thở dài không biết nói năng gì. Ông bạn tù Thượng tọa, không biết vì ông có kinh nghiệm bản thân hay là vì ông thương tôi nên ông vội nói:“Ông đổi cho tôi cái bánh chưng ấy đi. Đi tù như ở đây không biết sống chết thế nào nhưng Tết đến mà ông có cái bánh chưng như vậy là điềm thật tốt: sống rồi.”

“Bây giờ mỗi khi đón Xuân, ăn bánh chưng vừa “rền” vừa ngon, vừa dẻo, tôi lại nhớ đến chiếc bánh chưng sống chiều 30 Tết năm xưa trong trại cải tạo ở miền Bắc. Ông bạn già Thượng Tọa của tôi được tha về được chừng 4 năm là mất. Tết đến, ăn miếng bánh chưng tôi lại nhớ ông.”

Thượng tọa Thanh Long đã thấu hiểu lòng bạn, rồi đến rải lòng từ thật đúng lúc khi chiếc bánh chưng con được mở ra, hạt nếp rơi lả tả. Nó còn sống. Người bạn tù đã chưng hửng khi được ngài đổi bánh chín lấy bánh sống. Những việc làm này tưởng chừng chỉ dễ làm ở những xứ Úc, xứ Mỹ dư thừa vật chất. Thế nhưng đối với Thầy Thanh Long thì ở nơi nào cũng vậy, ngài hành động nhanh và hợp tình hợp lý đến không ngờ. 

Vậy đó, lướt qua ba mẩu chuyện kể của tác giả Phan Lạc Phúc về Thầy Thanh Long đã làm rúng động tim người đọc. Tâm “đại hùng, đại lực, và đại bi” của ngài Thượng tọa đã ghi đậm nét trong trí nhớ của tác giả và đến nay đã qua ngót nửa thế kỷ mà vẫn còn nguyên vẹn để truyền đến người đọc này. 

Đâu phải tự nhiên mà có một năng lực hùng mạnh như vậy để kéo dài qua nửa thế kỷ và còn dài dài về sau nữa. Có phải chăng đó chỉ là cái TÂM. Cái tâm lành thiện và phải có cả hùng, cả lực và cả bi nữa thì mới làm nên câu chuyện. 

“Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn, uất hận. Bè Bạn Gần Xa đọc xong thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng. Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện, Thượng Tọa Thanh Long v.v… họ lớn lao quá. Người đời sẽ biết ơn anh về những phát giác ấy.” (Nhà văn Võ Phiến)

Dẫu cho rằng cả người kể chuyện lẫn người trong chuyện nay đã ra người thiên cổ, mà hậu duệ, người đang cầm quyển Tuyển Tập Tạp Ghi – Phan Lạc Phúc, thì đang ngẩn ngơ vì nó!


California, ngày 29 tháng 12 – 2021

Doãn Cẩm Liên


Dec 29, 2021

NGƯỜI RỘNG RÃI - Doãn Kim Khánh


Sáng nay, như thường lệ, tôi đánh thức cô tôi dậy vào lúc bảy giờ, cho cô vệ sinh buổi sáng xong rồi ra phòng ngoài tập thể dục. Toàn những động tác nhẹ nhàng, nhưng đối với một cụ bà 84 tuổi thỉ không hẳn đơn giản. Cô chập choạng, phải hướng dẫn. Sau đó, tôi nghiêm trọng tuyên bố:

“Bây giờ tới công việc nặng nề nhất lúc đầu ngày: ăn sáng!”

 Cô tôi cười toe.

Hai cô cháu thường ăn sáng với nhau lúc 8 giờ, trong khi con trai của cô đã cặm cụi làm việc từ lúc 7 giờ, khi check mail, khi điện thoại, khi dò các con số trong những bản báo cáo. 

Bữa ăn sáng là lúc cô cháu tôi mở U Tube hoặc nghe thầy Pháp Hòa giảng pháp, hoặc nghe nhạc. Tôi thường vặn âm thanh rất vừa đủ nghe, có khi quá vừa đủ nghe, khiến cô tôi nói khẽ, giọng xin sỏ: “Vặn lớn một chút nữa, được không?” Tôi nói nhỏ với cô, mắt nhìn về thằng con cô đang chăm chú nhìn màn hình vi tính : “Để nó làm việc, cô.” Cô lập tức ngưng đòi hỏi. Cô tôi là vậy đó, lúc nào cũng nghĩ đến người khác, nhất là khi người khác ấy chính là con mình.

Nhưng hôm nay, thằng con không đắm chìm trong công việc. Nó tươi cười bắt chuyện:

“Để em kể cho mẹ và chị nghe chuyện này đặc biệt lắm.”

Câu chuyện như sau:

Hôm qua, vào giờ ăn trưa, Luân rời văn phòng để đến một tiệm Subway ở gần đó mua bánh mì. Vừa bước chân vào tiệm, anh chàng đụng ngay một người Mỹ trắng dáng vẻ lếch thếch, quần áo sộc xệch. Anh ta thẳng thừng xin: “Anh gọi cho tôi một “chicken and bacon ranch sandwich được không? Lấy cheese, xà lách và cà chua. Không lấy sốt mayonaise.” Luân nhìn sững vào người xin ăn, ngạc nhiên vì xin ăn mà nói giọng y như của thực khách đang gọi món từ thực đơn. Đây là một người độ tuổi trung niên, toàn thân lành lặn, nhưng nét mặt u ám và mắt nhìn khẩn khoản. Luân không nói gì (vì chưa biết nói gì), chỉ lẳng lặng xếp hàng trước chỗ gọi thức ăn. Trong khi đợi phiên mình, anh chàng tiếp tục nghĩ đến lời thỉnh cẩu của người xin ăn và thầm quyết định sẽ mua cho anh ta một ổ bánh mì, y theo lời dặn.

Khi còn một người nữa là đến phiên mình, Luân nghe người đứng trước gọi:

“Hai ổ bánh mì. Thứ nhất một “chicken and bacon ranch sandwich. Lấy cheese, xà lách và cà chua. Không lấy sốt mayonaise. Một chai Coke lớn.  Thứ nhì một steak & cheese ………………………

Chà, chà! Cùng loại sandwich ấy! Luân để ý thấy người gọi là một người Mỹ trắng khác, ăn mặc chỉnh tề, tác phong chững chạc ra dáng một người làm việc văn phòng. Nhân lúc đợi, Luân lân la hỏi thăm:

“Có phải anh gọi thức ăn cho người ăn xin đứng trước tiệm không?”

Người kia gật đầu:

“Phải.” 

“Anh ta cũng xin Coke hả?”

“Không hẳn. Tôi hỏi anh ta uống gì, thì ảnh nói “Coke”.

Anh người Mỹ nhận hai món đã gọi, đứng ra khỏi hàng rồi còn loay hoay gì đó. Lúc ấy Luân cũng kịp được giao ổ bành mì của mình và hai người cùng bước ra. Anh người Mỹ trao ổ bánh mì cho người ăn xin, kèm theo chai Coke bự và nói: 

“Chúng tôi hợp tác với nhau, tặng anh bữa ăn trưa này.”

Nghe vậy, Luân lật đật đính chính:

“Không phải đâu. Anh ấy là người trả tiền. Quà tặng là của anh ấy chứ không phải của tôi,”

Bánh được trao một cách thản nhiên và được nhận với một lời cám ơn lịch sự. Người tình cờ có mặt không hề có ý định “ăn theo”.

Luân ngờ rằng chỉ nửa ngày sau người cho không nhớ đã cho và người nhận vẫn không có cảm giác được ra ơn.

Kể lại câu chuyện cho và nhận này, Luân nhận xét:

“Em thấy tụi Mỹ có nhiều người rộng rãi thiệt.”

Tôi nói thêm:

“Rộng rãi một cách hồn nhiên, không nghi ngại. Còn người Việt mình thì bao giờ cũng ngần ngừ một chút trước khi cho vì họ đã từng bị người ăn xin gạt.”

Thật vậy, Luân nghe người đó xin ăn mà vẫn im lặng. Sau một chút suy gẫm mới quyết định sẽ mua thêm một ổ từ thiện. Rủi thay, cuối cùng bị người Mỹ rộng rãi kia chớp mất cơ hội. Riêng tôi thì có được cơ hội suy gẫm về một hoàn cảnh cho. 

Tôi cũng nghĩ đến cô tôi, từ thuở còn trẻ đã cho chồng con cả cuộc đời mình. Đến khi già, tiền không làm ra, đi phải có walker, trí nhớ mòn vẹt, “trí quên” càng lúc cảng tốt thì rơi vào hoàn cảnh phải dựa con. Nhưng cô (cũng như tất cả những bà mẹ khác) biết cho mà không biết đòi. Nhờ thế mà các con cho thoải mái, không có cảm giác bị ép buộc. Tình ruột thịt, còn nói chi.

Còn cái ông Mỹ khách hàng của Subway đạt tiêu chuẩn loại khác. Loại “cho ngưởi dưng mà chẳng để ý mình đang cho”. Luân suýt đạt tiêu chuẩn “cho” này, nhưng lại bị lấy mất cơ hội. Chán cái ông Mỹ rộng rãi kia thiệt!

Cũng chẳng sao. Sáng nay, mấy chị em Luân vừa bàn nhau một project bỏ ống, mỗi người $5 mỗi tháng. Khi có dịp thì lấy tiền đó gửi về cho một người quen chuyên làm việc thiện ở Việt Nam. 

Thằng em họ tôi thở ra khoan khoái vì đã có guồng cho, không rộng rãi thì cũng đều đặn. 

Ai bảo người Việt Nam mình không rộng rãi?

- Doãn Kim Khánh 

THƯ ỦY LẠO CHIẾN SĨ 29.12.2021 - Khánh, út

Út,

Sinh hoạt nhà Út thấy có vẻ bình thường. Nghe được lắm, chỉ không biết bình thường được bao lâu. Út tiếp tục vận dụng care giver thôi.

Út ngó hình bên trên nhé để biết sinh hoạt căn A tối qua:

Hình 1: bố diện pyjamas mới, quà của Ngọc tặng. 

Hính 2: Cô ăn dinner với Ngọc và Tuấn, rồi sau đó nó ra phi trường, bay về Monterey. Joe check chuyến bay thì nhắn bị delayed vì thiếu phi công (tình hình Covid trầm trọng trở lại).

Hình 3: Ngọc chuẩn bị hành lý. Lân sẽ đưa Ngọc ra phi trường.

Bác K có mặt vì Ngọc rủ b K qua ăn tối, nhưng b K đã lỡ ăn ở nhà rồi, qua chơi thôi,

Hình 4: trò chơi Banagram (xếp chữ). Trò này trước kia cô chơi mỗi ngày, nhưng bây giờ cô lười suy nghĩ lắm, bày ra thì mình chơi là chính nên b K ít lấy ra.







Đọc thư bác Khánh, ngắm hình Bố - Cô, vui quá.

Hôm nay nhà út cũng vui vì có chị Hai Mieke đến thăm, lại một đống quà cho 2 út.

Út gửi bác Khánh xem 3 món: 1 khay lá xanh, đèn cầy là quà Xmas. 1 chậu gỗ hoa sắp nở là quà sinh nhật, và 1 bình hoa là quà cho năm mới 2022. 

Gia đình Alouis biết út thích hoa và đèn cầy và đồ lặt vặt nên năm nay .. út bội thu những thứ út xích :) 

uttt 


PS: 







ANH THẦY “ĐỜN” - Doãn Cẩm Liên

 


Dự định sẽ lấy tựa đề cho bài này là “Bà Già Học Đàn” thế nhưng có bà chị đã viết bài “Cô Giáo Đàn”, thì nay để cân xứng “Anh Thầy Đờn” để hai tựa đề có chị có em.

“Bà già” này bắt đầu tập đàn “lại” chắc được trên ba tháng rồi. Đàn violon.  Phải nói chính xác là “thuở bà chưa già” khởi sự học đàn từ năm 7 tuổi và học cũng ngót mười năm. Rồi biến cố 1975, dồn dập đủ mọi thứ nên “bả” gác archet! Trước khi gác đàn một cách chính thức và nghỉ dài lâu thì “bà già” còn đi học lai rai một vài thầy để cây đàn không bị tủi thân. Đó là lúc được học anh “Thầy Đờn”. Trước khi anh Thầy vượt biên!

Anh Thầy thuộc một gia đình yêu âm nhạc. Nhà anh Thầy có nhiều tay đờn, ông Cụ thân sinh ra anh Thầy, anh Thầy, và bảy anh chị em. Rồi bên nhà chú của anh Thầy cũng có hai tay vionlonist kỳ cựu của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Tóm lại đại gia đình anh Thầy là những người yêu âm nhạc, yêu đàn. Đến khi vượt biên qua đến Hoa Kỳ, gia đình nhỏ của anh Thầy cũng lấy âm nhạc làm gốc: vợ chơi piano, ba con gái đứa nào cũng học hai món đàn, violon piano. 

Ngày bắt được liên lạc với anh Thầy, còn được nghe giai thoại về Cụ ông. Cụ tập đàn hằng ngày, cho đến 90 tuổi mới thôi vì yếu sức. Do vậy, anh Thầy mới khuyên “bà già” này “Em cứ tập đàn đi, còn tập được là cứ đàn cho tới hết hơi mới thôi.” “Bố anh 90 tuổi mà còn đàn đó.” Thế thì “bà già” mới 65 tuổi tập đàn nhằm nhò gì so với cụ Ông! 

Ngày “bà già” quyết định cầm đàn lại là ngày được người bạn mang cho cây đàn nhặt được ngoài đường. Cây đàn không bị bỏ quên mà là bị bỏ rơi ở lề đường trong xóm nhà cô ta. Nó được nhặt về và trao vào tay “bà già”. Lau chùi, chỉnh lại dây, đặt nó lên vai, đặt archet lên dây, kéo. Tiếng đàn vang, âm thanh ấm, rung réo rắt, đụng vào tâm sâu thẳm “bà già”. Một câu hỏi bật lên “Tại sao không tập lại đàn nhỉ?” Thế là quyết định tập đàn. Down load internet một lô bài étude, exercise xuống tự tập. Vẫn chưa nghĩ đến chuyện xin học anh Thầy. Mà chỉ khoe anh Thầy là có tập lại violon. Đâu dám nghĩ là anh ấy có nhận học trò hay không!

Qua điện thoại kể chuyện tập đàn, thu lại một bài étude khoe anh Thầy. Và tiếp đến được nghe lời đề nghị 

- Em tập đàn lại đi. Anh dạy cho. 

- Bây giờ già nên anh dạy giỏi hơn ngày xưa nhiều vì có kinh nghiệm.

 Mừng rơn!

“Bà già” xin chỉ học đàn một tiếng đồng hồ một tuần, qua viber. Thầy ở tận San Diego, trò ở Orange County. Bài vở đều được gửi qua email hay tin nhắn rồi in xuống để tập. Buổi học đầu tiên, là những bài đàn tự tập những ngày qua. Bèn được anh Thầy feedback như sau:

 “I only know the book.  It is about what we discussed this morning plus string crossing (đổi dây).

Next week

  String crossing

  Shifting

  Every weeks: vibrato Ha ha ha ...! forever vibrato

In vài trang của sách Dounis là được rồi

You did so well this morning.  I am happy with your bowing so far.

Remember that I always push you to the limit. That is me.

Do you feel it is easier and more pleasant to play the violin? If the answer is "yes", you are on the right track.”

Câu trả lời của “bà già” dĩ nhiên là “yes” rồi.

Kỹ thuật vibrato (rung) được dùng gần như thường xuyên trong bài nhạc, trong từng note nhạc, nốt nào rung được là rung. Mà muốn rung được thì ngón tay bấm phải thả lỏng và nhẹ. 

- Ngón bấm nốt chỉ cần sờ thì mới rung được, chạm dây đủ để nó kêu là được rồi. 

- Rung thì đếm trong đầu 1, 2, 3, 4. Đều cho tất cả các nốt.

Có thầy là có khác, bằng không “bà già” cứ bỏ hết sức bình sinh vào tay trái, đàn xong là tay ê ẩm, và kết quả đầu ngón tay chai ngắt!

Anh Thầy cho thực tập liền vibrato qua bài Meditation de Thais. Tất cả những nốt trắng đều được rung đều bằng nhau, nhớ nhe.

Kỹ thuật string crossing là lăn archet từ dây này qua dây kia. Những loại đàn dây có thêm dụng cụ cọ vào dây để phát ra âm thanh thì phải có kỹ thuật lăn dây. Kỹ thuật này chủ chốt ở tay phải, tay cầm archet, giúp cho âm thanh được trong, không bị rè, không bị pha tạp những âm khác.

- Khi bow (archet) đã vào đúng dây rồi thì mới kéo nha.

Với kỹ thuật này, “bà già” không mấy sợ vì nó đã được luyện tập từ xa xưa, nay chỉ cần ôn luyện lại là xong.

Rồi đến Shipting, kỹ thuật đổi vị trí tay bấm, tay trái. Position I, position II, position III, position IV. Càng cao, càng khó đàn. Càng cao giữ được âm thanh đẹp càng khó.

- Vẫn nguyên tắc chính là sờ nhẹ vừa đủ kêu. Rồi di chuyển ngón tay lên xuống trên phím đàn.

- Phải nhớ thêm, làm tiếng “meow sound” như thế này nè. Nốt trước vang lên, rồi di nhẹ lên đến nốt kế tiếp cho có tiếng “meow”, rồi bấm. Đó, đúng rồi! 

“Meow sound” làm cho tiếng đàn ẻo lả, nhẹ nhàng, và làm du dương thêm câu nhạc. Như trong bài “Star of Love”, a Mexican love song, kỹ thuật “meow sound” được dùng như điên để cho bài nhạc mang nhiều tính ướt át nhất, lãng mạn nhất. Dân Nam Mỹ nổi tiếng đa tình mà! 

“Bà già” đã khá thành thục trong kỹ thuật này. Nên rất thích chơi bài Star of Love.

Anh Thầy còn dặn:

- Nhớ lỏng tay bấm vừa đủ kêu thì mới shipting dễ dàng được nha không.

Tập đàn là giống như thiền, anh Thầy so sánh như vậy đó.

- Trước khi đặt “bow” xuống dây, nhớ hít một hơi dài, thở ra, thả lỏng, rồi mới đàn.

- Tất cả đều “equal” hết. Từ âm thanh, độ dài bow đều như nhau.

Nhưng còn một chuyện mà “bà già” chưa làm được, phải hỏi anh Thầy thôi.

- Sao em vẫn không vô đúng nhịp khi đàn với phần piano đệm lấy từ youtube?

- Thì phải tập đếm nhịp!

- Đếm như thế nào ạ?

- Đọc nốt chính của ô nhịp, rồi đàn những nốt chính này trước. Sau đó mới bỏ những nốt khác vào. Và khi đàn thì nghe những nốt chính mà thôi.

Để cho câu nhạc được duyên dáng 

- Thì những nốt chính, mình phải hơi níu nó lại một chút trước khi qua nốt kế tiếp. 

- Khi đổi Archet đôi khi phải dùng cổ tay cho mềm tiếng đàn.

Khi tập bài Reverie – Schumann thì hiểu như thế này nhé:

- Người ta khi mơ màng thì êm và chậm. Tất cả các nốt đều nhẹ như nốt đầu tiên mình đặt archet xuống.

- Người ta mơ mòng và mong muốn được cái gì thì giấc mơ ấy ngày càng rõ nét. Cho nên nốt la “A” ngày càng to lên. Nốt la thứ nhất nhẹ, nốt la thứ hai to hơn, nốt la thứ ba to hơn nữa. 

- Nhưng giấc mơ không thành thì xuống tông thứ, ở nốt mi bémol. Nó phải nhẹ và êm xuống trở lại.

“Bà già” này tạm ghi chép lại những điều anh Thầy dặn dò để nhớ. Khi ghi lại được là tập đàn được. 

Trong suốt hơn ba tháng được học đàn với anh Thầy, những điều trên là điểm chính được nhắc nhở nhiều. Dĩ nhiên còn nhiều điều khác nữa mà trò không ghi ra. Nhưng vẫn phải nhớ khi đàn.

Kết quả, tiếng đàn của “bà già” trước đây gắt “như mắm tôm”, chua “như chanh” thế mà nay đã có tiến bộ. Có khá hơn trước và sẽ còn khác dài dài nếu còn được học đàn với anh Thầy. Châm ngôn anh Thầy vẫn nói là “Không bao giờ mình hài lòng với tiếng đàn của mình thì mới khá được.”

Có một sự kiện lớn xảy ra. Một ngày đẹp trời anh Thầy hẹn:

- Anh mang xuống cho em một cây đàn của con gái anh. Nó chỉ là đàn hạng thường cho học trò học thôi. Nhưng cũng tạm được, hơn cái đàn của em bây giờ.

- Riêng cái archet là cái khá tốt. Anh dùng nó trong suốt cuộc đời đi học. Xài “Nó” dễ dàng làm tiếng đàn hay. Nay anh tặng lại.

“Bà già” cảm động muốn rơi nước mắt.

- Thế thì lấy gì em đền trả công ơn này?

Anh Thầy trả lời liền:

- Tập đàn chăm chỉ là được.

- Không phải trả lời trả vốn gì cả. Anh qua Hoa Kỳ, đi học ở trường anh được hưởng bao nhiêu sự giúp đỡ của nhiều thầy. Có thầy giúp anh kiếm được học bổng. Anh được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự giúp đỡ của thầy. 

- Giúp được ai khác là giống như anh đang trả ơn các vị thầy khi xưa.

- Vậy cho nên, không lo chuyện trả ơn nha không!  

Chuyện “cho – nhận” “người cho” và “người nhận” là chuyện dài dài. Ai cũng có vai trò quan trọng cả. Cho nên “bà già” này hoan hỉ nhận đàn và anh Thầy hoan hỉ dạy đàn. Chẳng có gì mất đi đâu cả. 

Chỉ là một sự “Trùng trùng duyên khởi” để mọi chuyện cứ thế tiếp diễn hoài hoài, không ngừng!

California, ngày 25 tháng 12 – 2021

Doãn Tư Liên