May 20, 2022

DẠ LAI HƯƠNG - chú Hưng/Mê Linh/chú Hiển

Hi má Thùi,

Bài Dạ Lai Hương với chú Hưng có nhiều kỷ niệm lắm

Chú Hưng đệm cho má Thùi hát bài này đầu tiên ở HCC.

Khi chị Tuyết Minh (chị của Mi Cun) về Việt Nam chơi khoảng đầu những năm 2000s, Hưng đệm cho chị hát bài này ở bếp nhà mình trong một buổi tối. Đoàn Khoa nói là chị Minh hát xuất thần. Chị Minh mất vì ung thư.

Sang bên Mỹ, Hưng hay đàn cho chị Quỳnh Giao hát bài này. Lần cuối cách đây đã gần 10 năm, trong một lần hát văn nghệ bỏ túi trong nhóm thân hữu Việt Báo. Hôm đó chị hát hay lắm, đến nửa khuya, mọi người  chuẩn bị ra về thì chị đề nghị hát thêm một bài nữa, Dạ Lai Hương. Ai cũng nói là chị hát xuất sắc. Sau đó khoảng 1 năm, chị mất vì ung thư.

Mê Linh là người trẻ nhất hát bài này. Càng ngày càng có hồn hơn. Sau hôm trình diễn đó, một ông thầy dạy Jazz của trường Mê Linh học (Chapman University) đến với Hưng và khen hết lời: excellent, beautiful...

Phải công nhận đệm đàn một bài hát mà mình và người hát thích là một niềm vui đặc biệt...

Cheers,

chú Hưng


https://www.youtube.com/watch?v=2Pr6kg1rVB8

anh Hưng, 

Thích khúc anh Hưng dùng Diminished chord (C dim) then resolve back to the main key (Gm) through its dominant (C7). It's Bach 😜 

... Lung linh trăng lại về nữa
Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ ...

In case of độc giả muốn biết cho đến bến thì nghe this Bach's organ works in C# dim là biết ngay:  https://youtu.be/ho9rZjlsyY 

- or  this one with more goodies: https://youtu.be/kcvUHdhROrk - Powerful stuffs 🎶😵‍💫

Mê Linh thì khỏi bàn, always cute and in perfect tone.

4 Ển

May 16, 2022

Giới Thiệu Ra Mắt Sách Lịch Sử Của Hai Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng Và Vũ Tường - Doãn Hưng




anh Hưng và em Tường 

Vào trưa ngày Thứ Bảy 14/05/2022, tại văn phòng Đài Hồn Việt TV đã có buổi giới thiệu ra mắt sách lịch sử: bộ sách Đảng Phái Quốc Gia Việt Nam 1945-1954 Lời Kể Của Nhân Chứng (bốn cuốn) của Giáo Sư Lê Mạnh Hùng, và tác phẩm Việt Nam Cộng Hòa 1955-1974 Kinh Nghiệm Kiến Quốc của hai Giáo Sư Vũ Tường & Sean Fear. Đồng tổ chức buổi giới thiệu sách này là Hồn Việt TV- Little Saigon Radio và Nhà Sách Tự Lực. Điều hợp chương trình là nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Chương trình được phát hình trực tiếp trên Hồn Việt TV.

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng và nhà báo Đinh Quang Anh Thái

Chương trình giới thiệu ra mắt sách chia làm hai phần. Phần đầu là Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng nói về bộ sách Đảng Phái Quốc Gia Việt Nam 1945-1954 Lời Kể Của Nhân Chứng. Giáo Sư đã thuật lại tiến trình gần 40 năm để hoàn tất bộ sách này. Dự án khởi đầu từ năm 1986 bằng việc ghi âm lại ý kiến của những nhân chứng, những thành viên thuộc các đảng phái Quốc Gia trong thời kháng chiến chống Pháp: Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Tân Đảng. Dự án bị gián đoạn  nhiều lần trong nhiều năm vì nhiều nguyên nhân, nhưng đã khởi động lại từ năm 2021 và hoàn thành với việc những cuốn sách được giới thiệu đến độc giả. Theo Giáo Sư Hùng, bộ sách được ghi chép lại từ 66 cuộn băng ghi âm, một hình thức lịch sử nói. Đây có thể được xem như một tài liệu lịch sử thô, ghi lại lời kể của các nhân chứng một cách càng chính xác càng tốt, không thêm bớt. Nhóm thực hiện không có ý định viết lại lịch sử các đảng phái Quốc Gia, chỉ hy vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo trung thực để các nhà nghiên cứu lịch sử sau này sử dụng.

 Theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, bộ sách được thực hiện để trả lời ba câu hỏi chính:

-          Tương quan giữa các đảng phái Quốc Gia và đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời kháng chiến chống Pháp

-          Các đảng phái Quốc Gia có hay không có quyết định cướp chính quyền vào ngày 19/08/1945 mà đến nay lịch sử trong nước ghi nhận là hoàn toàn do công của ĐCSVN.

-          Việc cướp chính quyền của ĐCSVN trong cách mạng Tháng Tám sau đó đã ảnh hưởng ra sao đến các đảng phái Quốc Gia.


Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã gởi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia để bộ sách hoàn tất, những bạn bè đã khuyến khích ông hoàn tất dự án cho dù có chậm trễ. Ông cũng có lợi tạ lỗi đã không thể hoàn thành bộ sách trong thời gian tất cả những người được phỏng vấn còn sống, hiện nay chỉ còn bốn người.

Giáo Sư Vũ Tường và nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh

Trong phần thứ hai Giáo Sư Vũ Tường – Trưởng Khoa Chính Trị Học Đại Học Oregon- đã trình bày về tác phẩm Việt Nam Cộng Hòa 1955-1974 Kinh Nghiệm Kiến Quốc, được biên soạn chung với Giáo Sư Sean Fear (Đại Học Leeds- Anh Quốc). Cuốn sách bao gồm bài viết của 16 tác giả mà Giáo Sư Tường là người biên tập chính. Phiển bảng tiếng Anh đã được xuất bản từ hai năm trước, và ngày ra mắt sách là để giới thiệu phiên bản tiếng Việt. Cuốn sách là một tài liệu để nghiên cứu lịch sử Việt Nam Cộng Hòa với một cái nhìn khác với nhiều tài liệu đã được thực hiện bởi những tác giả Mỹ. Đa phần những tài liệu này có góc nhìn từ phe phản chiến, cánh tả trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, cho nên đã đưa ra góc nhìn rất thiên kiến, không khách quan về Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia đã có những thành tựu đáng kể cho dù phải xây dựng đất nước trong tình trạng nội chiến. Hầu hết những tác giả có mặt trong cuốn sách là những nhân vật có những đóng góp nổi bật cho thành tựu của VNCH trong các lãnh vực khác nhau như quân sự, cảnh sát, kinh tế, văn học, nghệ thuật… Bốn trong số họ đã phát biểu trong buổi ra mắt sách: Bộ Trưởng Nguyễn Đức Cường, Đại Tá Trần Minh Công, nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh và Giáo Sư Tuấn Hoàng.

Một số ghi nhận từ những bài phát biểu và đóng góp của người tham dự:

-          Đây là những tài liệu lịch sử quí giá, cho độc giả thêm cái nhìn về lịch sử Việt Nam thời cận đại từ các đảng phái Quốc Gia và Việt Nam Cộng Hòa. Lịch sử chiến tranh Việt Nam trong nước chỉ có một góc nhìn từ ĐCSVN, tại Hoa Kỳ đa số là của phe phản chiến và các nhóm truyền thông thiên tả.

-          Những tài liệu này cần được đến tay giới trẻ gốc Việt tại hải ngoại để các em có cái nhìn đúng đắn, đa chiều về lịch sử, thấy những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông đối với tổ quốc Việt Nam. Việc phổ biến tài liệu tiếng Anh là cần thiết.

-          Tài liệu cũng nên được phổ biến đến với những người dân trong nước Việt Nam, vốn đang bị chế độ kiểm duyệt khắt khe của chính quyền CSVN về tư tưởng, nhận thức chính trị. Nên đưa những tài liệu này lên internet.

-          Dù chính quyền CSVN có phủ nhận, những giá trị của VNCH đang trở lại trên chính quê hương Việt Nam. Để có thể đưa đất nước Việt Nam lên vị trí xứng tầm với tiềm năng dân tộc, để có thể đối phó hiệu quả với hiểm họa từ Trung Cộng, thì tư tưởng Cộng Hòa, tự do dân chủ cần phải được khôi phục tại Việt Nam. Lý thuyết cộng sản phải được “đưa vào sọt rác”, là vị trí xứng đáng nhất của nó theo lời Giáo Sư Vũ Tường.

Sách có bạn tại nhà sách Tự Lực: 14318 Brookhurst St, Garden Grove, CA 92843 – Tel: 888 204 7749

Doãn Hưng

May 9, 2022

HAPPY MOTHER'S DAY - dì ba Khánh

 Mother's Day của phe ta ở đâu cũng tưng bừng. Riêng ở TX thì đặc biệt tưng bừng nở hoa. Hoa Hằng (có hậu duệ Vi và Vịt sát kề) nên bắt mắt, không chê vào đâu được!

Phe Úc, dù phái nữ hơi khiêm nhượng về lượng, nhưng về chất  thì Mẹ Thanh, Mẹ Ngọc, Mẹ Bi chắc chắn không ngán ai. 

Phe CA duy nhất có nữ trưởng lão Quý (rất quý) nên được các con cưng quá chừng. Một ngày mà có đến 2 tiệc mừng. Ngoài ra còn có sự hiện diện khá hùng hậu của thế hệ xồn xồn và trẻ: Má Liên, Má Yên, Má Hòa, Má Hà Nhỏ, Má Quế Anh, Má Na. Ờ VN có Má Hằng của Tú & Khôi, Má Mai Tổ, Má Thùy Guộc, Má Tí Ti, Má Ni. Ở phương trời Tây thì có Măng Phương (chính danh Maman de La France).


Last but not least, đứng ngoài cửa sổ còn có 3 má đặc biệt không con: đó là Má Út (lâu lâu về một lần thì ra công spoil mọi người cho đúng tinh thần "con hư tại mẹ"), Má Angie Trần và Má Bác Khánh (khi hai "Má" này nghe lóm học trò lầu bầu "Thôi đi Má!" thì bèn... hiểu liền.)


Đến đây là chấm dứt chương trình B K liệt kê các Má của phe ta. Nếu có thiếu ai thì xin niệm tình tha thứ.Emoji

B Khánh 

*** 

Phải nói là "thôi đi mấy má" cho nó đầy đủ danh mục bác Khánh đã liệt kê vì chắc lâu lâu cũng có người muốn thốt lên bốn tiếng đó với mấy má còn lại! Thấy tên lũ con mình ở trỏng mà hết cả hồn luôn!

Ba bà Má đặc biệt (vedettes) ở cuối danh sách mới là quý, vì mấy bà này có biệt tài spoil con của mấy má còn lại!

Thương chúc các bà Má và cả các ông Bố một ngày thật an lành.

Má con guộc, tự là má Thùi








May 5, 2022

VỀ VỚI MẸ CHA - Doãn Cẩm Liên




Bố của nàng nói với con gái trong ngày tiễn con lên đường qua Hòa Lan “Hễ khi người đàn ông của con mất đi thì con hãy trở về California với anh chị nghe không!”. 

Đó là cái ngày được hung tin chàng mắc phải bịnh ung thư, rồi nàng buông bỏ tất cả, từ công ăn việc làm cho đến bố già cũng nhường ưu tiên cho chàng. Bố hiểu chuyện là như thế nên phút chia tay chỉ còn một câu từ đáy lòng để tiễn con. Bố không đề cập mình vào chữ “Hễ” vì bố đã già, năm đó bố được 96 tuổi. Số tuổi đã sát với hàng 3 con số, một trăm rồi (100). Nàng gạt nước mắt cúi đầu bước đi!

Bốn năm trôi qua, ở bên cạnh chàng, buồn vui lẫn lộn. Thời gian đầu vui nhiều hơn vì chàng còn khỏe, còn nhiều hy vọng chữa trị dứt căn bệnh. Vừa chữa bệnh vừa thưởng thức nhau sau bao năm xa cách, vì chàng đã nhường nàng cho bố già, với những tưởng bố sẽ là người đi trước, thì chúng ta về với nhau nào có muộn. Thế nhưng... Bao nhiêu liệu pháp, phương pháp điều trị, kéo dài ngót bốn năm để triệt tiêu căn bệnh, nhưng tất cả đều là muối bỏ biển. Giai đoạn cuối cùng cũng phải đến, chàng buông xuôi tay, nàng quay cuồng với những ngày đau bệnh trầm trọng của chàng, rồi đến tang ma, và nhiều việc khác. 

Cuối cùng nàng đã hoàn tất những việc cần phải làm.

Chàng đã thực thụ trở về với cát bụi khi nhà táng trao cho nàng hũ tro cốt. Cũng may là nàng có một kiến thức Phật học khá dư đủ để nhận biết và hiểu rằng con người từ đâu đến và con người đi về đâu sau khi chết. Nàng giữ được tâm bình an để nhận lãnh hũ tro của chàng mà tính:

- Phần nhiều này Út sẽ rải Alouis ở những nơi hai đứa từng đi qua. Những chỗ mà hơn hai chục năm hai đứa đi chơi với nhau ở Hòa Lan, đó chị Tư.

- Còn phần ít trong hũ nhỏ này, tụi mình sẽ cùng chị và các em Alouis đến thăm mộ hai ông bà và sẽ đặt Alouis nằm cạnh bố mẹ như người từng mong muốn.

Kế hoạch sao thi hành y như vậy. Chàng đã được đặt xuống, hòa với đất cây cỏ, và nước của dòng sông Maas. Nàng dắt chị và cháu cuốc bộ một chuyến dài hết một buổi sáng. Xuyên đường phố, nơi chân nhà thờ, xuyên ruộng đồng, vườn nho, dưới chân thánh giá ở một góc làng quê, ra đến biên giới Bỉ ráp ranh thành phố Maastricht, bên kênh đào, chàng về với đất, được bơi tung tăng theo dòng nước. Bơi khắp nơi, băng ngang qua thành phố của chàng, rồi cũng sẽ ra biển xa. Nào ai có biết, có hay chàng dừng lại nơi nao!? Nhưng chắc chắn, những nơi này hẳn là vui mừng đón chàng về.

Ngày chàng được về với bố mẹ mới thật là đáng nhớ. Hôm đó trời đất ở thành phố Oudenbosh, cùng với nắng ấm chan hòa, toàn thể gia đình bên chàng và nàng cùng hai thành viên bên mình, đưa chàng về bên mộ phần của bố mẹ. Người em trai sắn đất một khoảng hố đủ sâu, hũ nhỏ chứa phần còn lại của chàng được đặt xuống. Mọi người lần lượt rải từng nắm đất tiễn chàng một lần cuối. Chàng đã toại nguyện. Bố mẹ có con và con về với bố mẹ.

Hình ảnh Bố Mẹ Con Cái về với nhau mới thật là hay. Bây giờ là chàng, rồi đến nàng là kế tiếp, đâu có ai thoát khỏi vòng sinh tử đâu! Thế nhưng trường hợp nàng bây giờ có khác đôi chút, vì mốc thời gian và phương cách gặp nhau. Nàng sau khi xong việc nơi xứ sở nhà chàng, nàng sẽ quay về với bố và các chị các anh. Về với hình hài thật. Vì bố già vẫn còn tại thế, ngài đã đạt được con số 100 tuổi. Và nàng vẫn còn trong tuổi khỏe mạnh ít bệnh tật. Nàng về chăm sóc bố, vui vầy với anh chị và cháu. Hình ảnh sao mà đầm ấm thật. 

Và hẳn là chàng ở bên trời nào đó cũng vui cùng nàng những niềm vui thật nhẹ nhàng…

California, ngày 28 tháng 4 – 2022

Doãn Tư Liên




SINH NHẬT MẸ THẢO - Khánh, HNHD, út

Gửi cả nhà,

Một ngày trước sinh nhật,  sân sau nhà Lampson bỗng ( thực ra không "bỗng". mà nhờ gardener Tư Liên) xuất hiện 2 nụ hồng, một màu cam, một màu đỏ. 

Có lẽ ở một kiếp sau Mẹ đang là một thiếu nữ "tuổi mới xuân thì". Ngày mai B K sẽ theo dõi xem hoa nở thêm xinh đẹp ra sao và report tiếp.

B K suy nghĩ không biết ngày mai có nên hái hoa vào cắm trong nhà hay để hoa sinh nhật ở ngoài thiên nhiên. 



Đây là quà dành cho bà from HNHĐ with love 🥰


Mẹ xơi sáng với út gái


Mẹ uống cà phê sinh nhật ngoài vườn Houston 😊

Hôm nay dâng mẹ 2 bình hoa hồng vườn nhà. Mẹ ăn bánh em Ngọc xong qua Lampson ngắm hoa.À còn trái đu đủ vừa hái trên cây xuống. Chắc bà cũng khoái nó.



May 3, 2022

DÒNG ĐỜI - má Thùy


Cách đây gần 20 năm mình được ngắm bức Thăng Ka (Tangka) đầu tiên trong đời. Bức tranh do một họa sĩ nổi tiếng ở Nepal vẽ bằng những chất liệu độc đáo, và lúc đó mình chỉ tò mò tìm hiểu về quy trình thực hiện bức tranh chứ chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của nó. 

Sau nhiều năm treo tranh trong nhà, mình mới dần dần nhìn thấy câu chuyện nằm trong đó. Bức tranh tả một dòng người đang đi về một nơi nào đó, nhưng điều đặc biệt là phía trên và bên dưới dòng người còn có những thiên thần, chư Phật, và cả những bộ xương trắng đi lẫn vào trong đó. Nếu có một cái tên tiếng Việt nào cho bức tranh này, chắc mình sẽ gọi là "Dòng đời".

Càng trải nghiệm cuộc sống, càng "chinh chiến" nhiều, mình càng cảm nhận được ranh giới mong manh giữa con người và những cám dỗ của thế giới vô minh. 

Mong cho tất cả chúng ta đều biết mình đang đi về đâu, và chăm sóc cho tâm thân của mình luôn được bình an trên hành trình này.

PS: Cuối ngày có một niềm vui nhỏ bất ngờ: tình cờ đi ngang TV thì thấy đang có chương trình Lễ hội Áo dài ở Quảng Ninh. Và bỗng nhiên nghe gian tấu của bài Chắp tay hoa rồi một giọng nam thật hiền hậu cất lên "Chắp tay lạy người, cho xin nụ cười, chắp tay lạy trời, cho đám mưa rơi..." Mừng quá mừng sau những ồn ào về MV của ST hôm nay.

- Ngô Thùy 

NGÀY RẢI TRO THẦY - LỘC UYỂN 01.05.2022 - Doãn Cẩm Liên

Nếu nói theo dân gian: “Hùm chết để da, người chết để tiếng” với ý nghĩa là một người khi chết có thể để lại tiếng xấu hay tiếng tốt về mình, cũng giống bộ lông con hổ không tan biến như thịt xương khi chết. Nếu áp dụng nghĩa này với Thầy tôi, thầy Thích Nhất Hạnh, có phần đúng nhưng cần phải thêm nhiều chi tiết nữa mới được tròn đầy ý nghĩa. 

Dựa theo lời Thượng Tọa Thích Phước Tịnh trước cử tọa tăng ni, phật tử nơi Lộc Uyển, đã hỏi rằng: “Sư Ông mất đi, hình hài được hỏa thiêu nay chỉ còn dúm tro, mà lại không có bảo tháp, không có xá lợi thì chúng ta lấy gì để thờ cúng, lấy gì để chúng ta tôn thờ Thầy?” Một đề tài lớn cho ngày mà cả ngàn đệ tử của Sư Ông tề tựu để đưa tro bụi của ngài về với rừng núi.

Một câu hỏi đánh động thính chúng và lũ con của Thầy rất nhiều. 

Hẳn nhiên tiếng tăm của Thầy còn đó, hơn nửa thế kỷ trước ngày mất, và dài lâu cho ngàn năm sau nữa. Nhưng phải nhớ rằng tiếng tăm tốt xấu không bằng “tuệ giác” của Thầy hoặc là “các pháp” Thầy đã trao truyền. Đó là những gì còn mãi sau ngày Thầy mất. Nó còn hoài và dài lâu, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng. Pháp còn là Thầy còn. 

Thầy mất, chúng ta làm gì để “để tang”? Để tang như thế nào là đúng?

Tâm tang! 

Mang tang ở trong tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người. Vành khăn tang nằm trong tâm, không phải là mảnh vải trắng quấn trên đầu, mà nó hiển hiện nơi tâm thức của chúng ta. Câu chuyện để tang Thầy cũng giống như chuyện uống trà, Thầy Phước Tịnh đã ví von như vậy. Ta uống phần nước trà. Nơi tinh chất trà hay cốt trà đã thoát ra từ lá trà. Phần xác trà thì bỏ đi. Để tang Thầy cũng vậy, là biết thấm giữ lại những gì Thầy trao truyền. 

Đệ tử đang mang tang thầy trong tâm. Nghĩa là mình luôn ghi nhớ những pháp Thầy đã trao truyền. Nhớ Thầy là nhớ thực tập từng giây từng phút những pháp đã lãnh hội từ Thầy. Một trong những pháp tôi thường nhớ và thực tập là “sống với giây phút hiện tại”. Hôm nay, khi xẻ trái mít tôi biết tôi đang xẻ mít. Nhận biết mình đang cầm con dao trong tay phải, tay trái giữ trái mít, con dao ấn xuống trái mít. Để con dao cắn sâu và cắt đôi được trái mít thì tay cầm dao phải chặt và tay trái cũng giữ chặt trái mít, lắc nó qua lại để trợ giúp con dao từ từ đi xuống hết quả mít. Rồi lại nữa, phải cắt nhỏ hơn nữa hai nửa trái mít. Vẫn là đè con dao bên tay phải, tay trái giữ miếng mít thật cẩn thận để có hai phần đều nhau. Tay trái phải để như thế nào để lưỡi dao không chạm vào tay nếu lỡ đường dao bị trật ra.

Xẻ quả mít thật là lắm khó khăn vì nó to quá, nặng quá và quá nhiều nhựa. Con dao đã dầy lên vì nhựa dính nhép. Đến phần dọn dẹp, rửa dao, thu gom vỏ, xơ mít cũng là một kỹ thuật. Khi thắp sáng tỉnh thức lúc dọn dẹp này sẽ có một hiệu quả thật hay: sạch sẽ, gọn, và nhanh mà không rơi vãi rác nơi hiện trường. Tom góp tất cả rác vào trong mảnh giấy to, gói gọn, nhét tất cả vào bao ni lông, mang nó ra thùng rác lớn ngoài sân. Đến phần rửa dao. Thật là thích thú khi dùng WD4 xịt vào con dao, nhỏ hai giọt xà bông vào miếng sốp rửa bát, và chùi cọ lưỡi dao. “Miracle” tất cả nhựa dính có lúc nó gây khó chịu thì bây giờ tan biến hết. Tất cả những hành động, phương cách rửa dao, người dọn rửa… tất cả được nhận biết rõ ràng từng phút giây. Thật là một pháp môn tuyệt vời cho người thực hành. Để thấy rằng hạnh phúc có đó, trong từng phút từng giây. 

Đó Thầy tôi thể hiện trong tôi là vậy đó. Thầy đâu có chết. Thầy vẫn còn đó!

Thượng tọa Thích Phước Tịnh còn nhắc đến sự thành công rực rỡ của Sư Ông trong việc “hoằng pháp” ở phương Tây và cho các thế hệ trẻ sau này. Thầy đã tiết giảm những nghi thức rườm rà có nhiều tính tôn giáo, những trang trí nặng phần trình diễn của các chùa xưa, ngay cả tượng Phật cũng có thể biến mất. Như tại Lộc Uyển, nơi thiền đường lớn Thái Bình Dương, có một phật tử trẻ hỏi thầy Phước Tịnh là “Sao con không thấy tượng Phật, vậy thầy?”. Do vì Phật cũng cần lui bước để chỉ còn lại “pháp”, những pháp thực tập, cái biết nơi hơi thở, nơi hạnh phúc ở nơi này và lúc này. Tất cả những gì không cần thiết mà có thể làm rào cản sự áp dụng Phật pháp cho người Tây phương, đã được “tuệ giác” của Sư Ông nhận biết. Thầy liền tháo gỡ nó ra. Người Mỹ nói riêng, người Tây Phương nói chung, sống rất thực tiễn. Họ muốn giải hóa những khó khăn trong cuộc sống, trong công việc, trong quan hệ vợ chồng con cái, trong giao tiếp bạn bè. Họ đến với pháp môn Làng Mai là được đáp ứng, mà bên ngoài đó họ vẫn giữ được tôn giáo của họ và gia đình. Hành trì Phật pháp theo pháp môn làng Mai dễ dàng, chỉ cần quay trở về với hơi thở, nhìn trở ngược vào bên trong tâm, soi sáng những khúc mắc, ôm ấp nó, để rồi tự tìm ra được giải pháp cho chính mình. 

Chính mình mà không của ai hết.

Người Tây phương và giới trẻ ngày nay và ngày sau đã sử dụng được những công cụ này để làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, đáng sống hơn. “Đạo Phật đi vào cuộc đời” châm ngôn của Sư Ông nay đã thực đi vào đời sống và xã hội. Đạo Phật không còn ở trong chùa, ngồi chết dí trên bàn thờ, để được lễ lạy. Trí tuệ của Sư Ông là thế đó. Trí tuệ này sẽ còn lưu truyền đến ngàn năm sau, ngay cả hạt bụi tro của thân xác Sư Ông cũng biến hóa, tan vào đất đá của đồi núi.

Phần chính của buổi lễ rải tro Sư Ông tiếp theo sau lễ Đắp Y của quý sư Thầy sư Cô. Ba hũ tro cốt được ba vị đệ tử lớn của Sư Ông cầm trên tay và lên đường. Bước những bước đi thong dong từ thiền đường Thái Bình Dương lên đỉnh Yên Tử. Cũng nơi này Sư Ông đã từng bước những bước như vậy để truyền dạy cho các chúng và đệ tử. Chúng con ngày hôm nay cũng vậy, không khác, cũng là những bước thảnh thơi, hít vào thở ra sâu lắng và tỉnh thức. Đến nơi, dưới chân Phật đài, chúng con nhận lãnh một dúm tro cốt của Sư Ông trên tay, rồi đem rải khắp nơi, nơi nào cũng có Sư Ông. Sư Ông tạm dừng nơi đó để lại trong chúng con một bài học cuối cùng. Bài học thân xác về với đất mẹ. Không gì còn hiển hiện mãi, mà cũng không gì mất đi. Đó chỉ là sự biểu hiện ở một hình thức khác, ở nào khác đó thôi!

Ngày lễ rải tro Sư Ông hoàn tất. Chúng con nhận lãnh và ghi nhớ những gì Sư Ông trao truyền. Phật pháp và Tuệ Giác của Sư Ông sẽ được tiếp nối ngàn đời sau. 

Sư Ông Thích Nhất Hạnh của đạo Phật Ngày Nay và Ngày Sau.

California, ngày 3 tháng 5 – 2022

Chân Nhã Uyển