Oct 23, 2014

TƯỜNG HỎI, QUÂN ĐÁP



HỎI: 

Theo suy luận đơn giản của một "lười sĩ" như tôi (bắt chước chữ "nhát sĩ" của nhạc sĩ Tô Hải), nói (về máy ảnh) lúc nào cũng dễ hơn làm (chụp ảnh). Vấn đề là tại sao đàn ông lại mắc tật này nhiều hơn quý bà, và dân Á châu nhiều hơn nơi khác. Cái này chắc chỉ có Thanh Hương (phe quý bà) và Duy (thi sĩ) có thể trả lời được thôi :)

Một thắc mắc là vài năm một lần lại nghe tin Việt nam có vài bức ảnh đoạt giải thế giới, Quân giải thích thế nào, vì nhiếp ảnh gia ở Việt nam có vẻ không được đào tạo bài bản lắm. Có phải do đề tài không (ví dụ như mấy bức ảnh về đồi cát, hoặc bà mẹ cho con bú, hình như chụp kiểu nào cũng đoạt giải :)??  Hay là "ba cái giải vớ vẩn"?

Tường 

ĐÁP 

Dear Tường,

Với sự tiến bộ của khoa học nên nghanh nhiếp ảnh được phát triển. Nhất là thời đại Digital tạo cơ hội dể dàng cho mọi người bước vào cái nghệ thuật từ trước được xem là thứ xa xỉ. Nếu quay lại những thập niên 80 và 90 thì những người bạn mình như Thanh Hương hay Minh Trang là sắm một máy hình loại con dế (Compact film 35mm camera) rồi lâu lâu bấm một cái , cứ chụp từ từ hết phim rồi đem đi rửa. Mà các tấm hình chỉ có một chủ đề duy nhất là chụp bạn bè làm kỷ niệm. Vì chụp lung tung đi rửa mắc tiền mà không biết tấm nào đẹp hay tấm nào xấu. Từ ngày có cái máy Digital thì bạn bè mình bắt đầu đi tìm hiểu nhiếp ảnh và bấm không biết bao nhiêu tấm ảnh. Ngay cả Duy , bạn bọn mình thích thơ văn mà cũng đi bấm thử vài tấm ảnh.

Từ đó mọi người điều có cơ hội vào nhiếp ảnh, cũng có những người thái quá, họ nghĩ tới mực độ là "Thay đổi thế giới - Change the world" bằng cái máy hình của họ. Nhiều ông thầy dạy nhiếp ảnh phải la trời vì nhiều thằng học trò nó quá nhiều tư tưởng lên cả mặt trời với cái Camera của nó. Cũng vì thành công của Digital, nghệ thuật nhiếp ảnh càng ngày càng khó vì quá nhiều cạnh tranh. Nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới không còn sống dễ dàng với tranh nghệ thuật của mình. Họ chuyển qua công việc đi dạy học nhiếp ảnh để có đồng lương ăn chắc, rồi để được mời đi chấm điểm các giải thưởng để có đồng ra đồng vào. Ngày xưa cái loại nhiếp ảnh cưới hỏi không được đánh giá cao, y như một anh trọc phú không văn hóa mà trở thành đại gia.

Kẹt một cái là cái thời cuộc này là "Phi kim ngân bất thành đại sự". Mấy ông nhiếp ảnh phải nâng cấp cho cái nghề chụp ảnh cưới là một cái nghệ thuật. Vì thực tế loại chụp hình cưới hỏi này tiền vào nhiều hơn các hình ảnh nghệ thuật. Lí do đó mà tại Việt Nam mình số lượng người đi chụp ảnh cưới đứng hàng khá cao ở Đông Nam Á. Nhưng ngược lại thì số lượng người sử dụng phần mềm Photoshop một cách chuyên nghiệp không đông đảo như bên đây. Chẳng hạn một người chụp ảnh cưới bên đây là thường họ làm được công việc Photoshop. Ở Việt Nam, ngay Sài Gòn  có một cái trung tâm, thường những ai làm việc chụp hình cưới hỏi đều biết. Tại đó có khoảng 20 tay nghề Photoshop, đẳng cấp chuyên nghiệp, sử dụng key - broad nhuần nhuyễn , không xài Mouse như bọn mình, chỉn màu , chỉnh ánh sánh y như các thư ký đánh tốc kí mà không cần nhìn bàn phím. Họ làm việc thay ca 24 trên 24 , hầu như các tay chụp ảnh cưới đem về đó cho họ chỉnh rồi sau đó in thành Album. Bởi vậy khi mình có một tấm ảnh cũ , muốn làm lại cho mới , đi vào một tiệm ảnh ở một cái góc nào ở Sài Gòn, nhờ ông chủ tiệm làm cho đẹp, lúc đó nhìn ông chủ thì cảm thấy tuổi tác ông ta không thích hợp làm photoshop, cách nói chuyện không giống nhà nghệ thuật, mà cũng cảm thấy kiến thức nhiếp ảnh cũng chẳng có. Nhưng ông ta nói là làm được và 2 ngày sau lại lấy. Thì ông đem lên cái trung tâm làm hình photoshop để họ làm và ông ăn huê hồng.



photo source: https://www.google.com/search?client=firefox-a&hs=lo0&rls=org.mozilla:en-US:official&channel

Nên vậy khi một người đoạt được giải thưởng nhiếp ảnh nào thì mình phải đọc sơ qua cái giải thưởng đó mà thôi. Trong những năm qua thì có hai người tại Việt Nam thắng hai cái giải thưởng có tầm vóc quốc tế như cậu Nguyễn Hoàng Hiệp thắng giải "Sony World Photography Awards" , tuy nhiên phải nói rõ là trong giải này họ chia nhiều mục khác nhau và giải thưởng khác nhau. Anh chàng Hoàng Hiệp thắng ở mục "Open Photographer of the year", giải khoảng $5,000. Còn mục chính của hãng Sony là cô Andrea Gjestvang người Na Uy , giải thưởng khoảng $25,000. Mà trong mục này là có 122,000 người nộp ảnh từ 170 quốc gia. Bất cứ giải nào cũng phải do công trình nghiên cứu nó. Của Hoàng Hiệp mang tính cách nghệ thuật chứ không mang tính cách nghiên cứu. Một phần Hiệp tuổi trên 20 và nhất ở quốc gia không phát triển nổi về nghiên cứu thì cách nào Hiệp khó vượt được tột đỉnh trong ngha2nh nhiếp ảnh. Còn hình của cô Andrea so với hình của Hiệp không bằng nghệ thuật Photoshop. Nhưng cô thành công tập ảnh chân dung và các thanh thiếu niên sóng xót trong cuộc thãm sát tại Island of Utoeya ngoài thủ đô Oslo, vào tháng 7 năm 2011. Tấm ảnh của cô đưa lên khuôn mặt của thanh thiếu niên muốn diễn tả lại cuộc thãm sát nhưng các em không thốt thành lời. Nếu chúng ta lấy tấm ảnh của Andrea thì sẽ có nhiều chuyện bàn tán , nhưng của Hiệp thì những ai không rành nghệ thuật về Photoshop hay tranh ảnh thì khó mà tham gia. Tuy nhiên phải có một lời khen tới Nguyễn Hoàng Hiệp về sự sáng tạo của cậu, nhất là cậu chụp những tấm ảnh này theo giải trí chứ không phải nhiếp ảnh gia.


photo source: https://www.google.com/search?client=firefox-a&hs=lo0&rls=org.mozilla:en-US:official&channel


photo source : http://dantri.com.vn/van-hoa/ngam-tron-bo-anh-doat-giai-nhat-anh-bao-chi-the-gioi-cua-viet-nam-697041.htm

Người thứ nhì là cô Nguyễn Thanh Hải còn có tên là Maika Elan, cô thành công và đoạt đươc giải "World Press Photo",  được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay, đây cũng là giải quốc tế duy nhất trên thế giới với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia khắp thế giới. Trong nhiều năm qua World Press Photo đã trở thành một địa chỉ chung cho hoạt động nhiếp ảnh báo chí và trao đổi thông tin. Cái đề tài của cô là nói về "Đồng Tình Luyến Ái" .


photo source : http://dantri.com.vn/van-hoa/ngam-tron-bo-anh-doat-giai-nhat-anh-bao-chi-the-gioi-cua-viet-nam-697041.htm

Như Tường cũng biết, nhất là Tường chuyên về nghiên cứu thì cái đề tài nào mà khó vào tìm hiểu thì khi có kết quả càng có nhiều cơ hội khen thưởng. Tớ nghĩ nếu mà tớ vào được thế giới xì ke và ma túy tại Việt Nam thì ít nhiều cũng tìm ra một cái gì độc đáo nhưng cái khả năng không có đành chịu , nhất là mình không đủ kiến thức về các con nghiện về ma túy. Thật ra không còn vào công việc chụp ảnh mà mình phải biết trước tấm ảnh nào cần phải chụp trước khi tới gap con nghiện....

Tính ra tại Việt Nam bây giờ cũng chỉ mới có hai người được giải quốc tế, so voi người Nhật, Ấn Độ, Đại Hàn.... thì mình là con số không đáng kể. Chứ còn "Giải Thương Hồ Chí Minh" thì nhiều nguoi VN thắng lắm..... Tuy nhiên phải khen hai người Việt Nam vì xem ra từ tấm hình của ông NICK UT về bà KIM PHUC thì nhiếp ảnh Việt Nam phải mất cả 3 thập niên người ngoại quốc mới nghe tới được nhiế ản từ Việt Nam ....

Thân

Quân


Phụ bản : hình Quân chụp vợ :)











AI MUA TRANH ... - Sóc

Ai mua tranh, Sóc bán tranh cho.....





Oct 21, 2014

CẬU BÉ NGÔI SAO - Oscar Wilde




           
CẬU BÉ NGÔI SAO - Oscar Wilde 

Tác giả: Oscar Wilde
Dịch giả: Út Hương
Nguồn hình: https://www.google.com/search?q=the+star+child+oscar+wilde+picture&client=firefox-a&hs=RD8&rls=org.mozilla:en-US:official&channel=sb&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=GNE_VIvBFYfjoASyk4HoDQ&ved=0CEIQ7Ak&biw=1280&bih=664



Ngày xửa ngày xưa có hai người tiều phu phải băng qua một cánh rừng lớn để về nhà.  Đêm đông ấy lạnh vô cùng.  Tuyết rơi dầy đặc trên đất và cây; sương giá phủ đầy cành, và nàng núi Torrent đứng bất động trong không gian do vì Vua Băng Giá vừa bay đến hôn nàng.  

Ngay cả lũ chim muông cũng chẳng hiểu tại sao trời lại lạnh đến độ này. 

‘Hừ!’ gã sói giấu đuôi giữa bốn chân, khập khiễng chui qua bụi cây, vừa đi vừa lầm bầm nói, ‘Thời tiết khắc nghiệt một cách hoàn hảo.  Không hiểu tại sao chính quyền không lưu ý về vấn đề này?’

‘Chíp! Chíp! Chíp! Mấy chú hồng tước màu xanh líu ríu nói với nhau, ‘Bà Trái đất già nua đã chết rồi, bây giờ người ta phải đặt bà nằm trên tấm vải liệm màu trắng. 

‘Chị Trái đất đang chuẩn bị lễ cưới, và đây là áo cưới của chị,’ mấy chim gáy thầm thì với nhau.  Những đôi chân hồng của các em tê cóng vì sương giá, nhưng các em nghĩ rằng mình có bổn phận thi vị hóa cảnh trí này.  

‘Nói năng vớ vẩn! gã sói gầm gừ. ‘Ta đã nói là cái lạnh này là do lỗi của chính quyền, nếu không tin ta, ta sẽ ăn thịt hết bọn bay.’ Gã sói có đầu óc thực dụng, chẳng bao giờ chịu thiệt trong bất kỳ cuộc tranh cãi nào.  

‘Theo tôi,’ ông chim gõ kiến vốn sinh ra đã là nhà triết học nói, ‘tôi thấy không cần thiết phải dùng lý thuyết nguyên tử để giải thích.  Sự việc hiển bày sao, thì nó là vậy, và ngay bây giờ, trời đang lạnh cóng.’

Không thể chối cãi là trời đang quá lạnh.  Mấy con sóc nhỏ sống dưới tàng cây linh sao cao to phải xoa chóp mũi liên tục cho nhau để giữ ấm, trong khi đó mấy chú thỏ cuộn mình trong hang, chẳng dám liều lĩnh thò đầu nhìn ra ngoài.  Chỉ duy nhà cú có sừng là tỏ vẻ thích thú với tiết trời lạnh cóng.  Bộ lông của chúng cứng đờ vì sương giá, nhưng chúng chẳng màng chi, chỉ nhướn đôi mắt to màu vàng, gọi nhau xuyên rừng ‘Tu-uýt! Tu-u! Tu-uýt! Tu-u! Thời tiết đẹp làm sao!’

Cứ thế hai người tiều phu tiến bước về nhà, vừa đi vừa thổi phù phù vào mấy ngón tay, và nện đôi ủng  có đế bọc sắt xuống nền tuyết dày như ổ bánh bông lang. Có lúc họ bị sụp xuống vùng đất trũng, khi leo lên được vùng đất bằng, toàn thân họ trắng xóa như người thợ sau khi vừa nghiền đá xong; và khi họ trượt chân trên vùng nước đầm lầy bị đóng băng, bó củi của họ bị bung ra, họ phải nhặt từng cây củi lại để bó lại.  Họ nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại đang bị lạc trong rừng, nỗi sợ hãi liền xiết chặt họ vì họ biết rằng mụ tuyết chẳng bao giờ nương tay với những kẻ nằm trong vòng tay mụ.  Nhưng họ đặt hết niềm tin vào Đức Thánh Martin nhân từ, người luôn để mắt bảo vệ tất cả những kẻ du hành, và Ngài đã hướng dẫn họ đi lại đúng đường, và từng bước thận trọng, cuối cùng họ đã ra được tới bìa rừng, nhìn thấy ánh sáng của ngôi làng họ cư ngụ nằm bên dưới thung lũng.  

Họ cười to vì sung sướng đã thoát nạn, trái đất bỗng nhiên đối với họ là một bông hoa làm bằng bạc, và mặt trăng là một bông hoa làm bằng vàng.   


Nhưng vừa cười xong, họ lại cảm thấy buồn vì nhớ đến tình cảnh nghèo khó của mình.  Người này nói với người kia, ‘Tại sao mình có thể tự mua vui được khi thấy cuộc đời này chỉ dành cho người giàu sang, không cho những kẻ nghèo khó như chúng ta? Chẳng phải tốt hơn nếu chúng ta chết cóng trong rừng, hoặc bị một con thú hung tợn nào đó vồ lấy mình và ăn thịt mình luôn.’   

‘Đúng vậy,’ người kia trả lời, ‘người giàu thì được cho nhiều, người nghèo được cho ít.  Lão Bất Công chia phần không đồng đều, riêng phần buồn khổ thì chia đều cho cả hai.’  

Nhưng khi cả hai than phiền về nỗi bất hạnh của mình, một điều lạ xảy ra với họ.  Từ trên trời rơi xuống một vì sao sáng và đẹp.  Ngôi sao xé màng trời, trên đường rơi xuống, nó lách mình qua những ngôi sao khác.  Cả hai dõi mắt nhìn theo vì sao, có cảm giác nó rơi xuống phía sau gốc liễu ngay cạnh bờ rào bãi chăn cừu cách đó không xa, chỉ cần ném một hòn đá là tới. 

‘Chuyện gì xảy ra thế này! Một hủ vàng dành cho ai tìm thấy nó ư?’ họ reo lớn, và hào hứng chạy bay đến hủ vàng.
Một trong hai người chạy nhanh hơn, vượt người kia xa lắc, len lỏi qua các gốc liễu và đến được bên kia bờ rào.  Đúng là một món đồ bằng vàng đang nằm trên bãi tuyết trắng.  Ông vội tiến về món đồ, cúi xuống đưa tay đỡ lấy nó.  Món đồ được quấn bằng một chiếc áo choàng.  Áo choàng được may bằng nhiều lớp vải có chất vàng.  Trên áo có đính nhiều ngôi sao một cách ngộ nghĩnh.  Ông lớn tiếng báo cho người kia biết mình vừa tìm được vật báu từ trên trời rơi xuống, và khi người kia chạy đến nơi, cả hai cùng ngồi xuống tuyết gỡ dần từng lớp vàng làm nên chiếc áo.  Lạ thay!  Chẳng có vàng ở bên trong, cũng chẳng có bạc hay một vật báu nào, chỉ mỗi một đứa trẻ đang ngủ say trong lớp áo.  


Người này nói với người kia: ‘Đau thật, hy vọng cho nhiều chẳng được chi, nhưng cũng có thể đây là một điều lành vì đứa trẻ này có thể đem lợi lạc đến cho nhân loại? Thôi, cứ bỏ nó nằm yên đây rồi ta đi.  Chúng ta chỉ là những con người nghèo mạt, chẳng thể chia phần bánh mì của con mình cho đứa trẻ này.’  

Nhưng người kia nói với người nọ: ‘Không được, để đứa trẻ chết cóng trong tuyết là một việc làm thất đức.  Đành rằng tôi cũng nghèo như anh và có nhiều con phải nuôi, nhưng tôi vẫn sẽ mang đứa trẻ này về cho vợ tôi chăm sóc.’  

Ông nhẹ nhàng cuối xuống ôm lấy đứa bé, dùng chiếc áo choàng quấn quanh người đứa trẻ để n1o không bị lạnh, và rảo bước xuống đồi trở về làng.  Bạn đồng hành của ông bàng hoàng trước sự ngu ngốc và tính yếu lòng của ông.  


Khi cả hai về đến làng, người nọ nói với người kia, ‘Anh lấy đứa trẻ rồi, vậy chiếc áo choàng thuộc về tôi.  Chia phải cho đều chứ.’  

Nhưng ông nói: ‘Không được, chiếc áo choàng chẳng thuộc về ai, nếu có chia, thì chia đứa trẻ,’ rồi sau khi chúc bạn gặp nhiều may mắn, ông tiến đi về nhà, đứng trước nhà gõ cửa.  

Vợ ông ra mở cửa, thấy chồng mình về an toàn, bà ôm hôn ông, đỡ bó củi ông đeo sau lưng, phủi tuyết dính trên giày, nhắc ông bước vào trong. 

Nhưng ông vẫn đứng trước ngưỡng cửa, nói với vợ, ‘Tôi tìm được cái này trong rừng, tôi mang về cho bà đây.’

‘Ông tìm thấy gì vậy?’ bà vợ reo mừng. ‘Cho tôi xem nào, nhà mình trống rỗng, còn cần nhiều đồ lắm.’ Ông kéo chiếc áo choàng ra cho bà vợ xem đứa trẻ đang ngủ.


‘Hay thật!’ bà vợ lầm bầm, ‘Chúng ta chưa có đủ con sao mà ông mang phải mang nhà thêm một đứa?  Chưa kể nếu đứa bé này mang điềm xấu đến cho chúng ta thì mình tính sao với nó đây?’ và bà nổi giận với chồng.  

‘Không đâu, đây là con của một vì sao,’ ông trả lời,  rồi kể cho vợ nghe những hiện tượng lạ khi tìm thấy em bé Ngôi Sao này.

Nhưng bà vợ chẳng bớt giận, còn nói với ông bằng giọng mỉa mai và giận dỗi” ‘Con của chúng ta còn không có bánh mì để ăn, lấy đâu ra của để nuôi con người khác? Ai lo cho ta đây? Ai cung cấp thức ăn cho ta đây?’

 ‘Đừng nói thế, Thượng Đế lo cho đến cả loài sóc, cho chúng ăn đàng hoàng mà.’

‘Thế ông không thấy lũ sóc chết đói trong mùa đông à?’ bà vợ hỏi. ‘Và mùa này không phải mùa đông sao?’ Người chồng không trả lời tiếng nào, và vẫn đứng yên trước ngưỡng cửa.   

Một cơn gió buốt thổi từ rừng, luồn qua cánh cửa đang mở len vào nhà làm bà vợ phát run.  Bà ru rẩy nói với chồng: ‘Ông đóng cửa dùm được không? Để gió vào nhà, tôi bị lạnh rồi đây này.’ 

 ‘Sống mà không có tấm lòng thì lúc nào trong nhà chẳng có gió lạnh?’ ông đặt câu hỏi.  Bà vợ chẳng trả lời tiếng nào, đứng nép vào đống lửa. 

Đứng một hồi lâu, bà quay lại nhìn chồng, nước mắt lưng tròng.  Ông bước nhanh vào nhà, đặt đứa trẻ vào lòng tay của vợ.  Bà vợ hôn đứa bé và đặt nó vào chiếc giường nhỏ, cho nằm cạnh đứa út của bà.  Sáng hôm sau, người tiều phu cất chiếc áo choàng bằng vàng vào rương cùng với sợi chuỗi hổ phách vợ mình đã gỡ ra từ nơi cổ của đứa bé.

Từ đó cậu bé Ngôi Sao được nuôi dạy chung với những đứa con khác của người tiều phu, cùng ngồi một chỗ, cùng chơi một nơi.  Mỗi năm cậu mỗi đẹp thêm làm tất cả dân trong làng ai cũng thắc mắc.  Trong khi dân trong làng da đen, tóc đen thì cậu bé da trắng như ngà, tóc quăn như vòng hoa daffodil.  Đôi môi của cậu như cánh hoa đỏ thắm, cặp mắt có ánh tím giống những đóa hoa violet mọc bên dòng sông tràn đầy nước trong, và thân thể  cậu mạnh khỏe như đóa narcicus mọc ngoài đồng không sợ bị ai cắt.

Tuy nhiên, chính nét đẹp này làm hại cậu nhỏ.  Cậu phát triển tính kiêu kỳ, độc ác, và ích kỷ.  Cậu xem thường những người con của vợ chồng ông tiều phu và cả đám trẻ trong làng vì cậu cho rằng bố mẹ của chúng thuộc hạng thường dân, trong khi cậu thuộc loại quý tộc, con của sao trời.  Suy diễn như vậy, cậu cho mình là chủ nhân của mấy đứa trẻ khác, và xem mấy đứa trẻ khác là đầy tớ của cậu.  Cậu không những chẳng thương người nghèo mà cũng không thương người mù, người tàn tật, người bất hạnh.  Cậu không ngại ném đá để đuổi họ ra xa, buộc họ phải đi xin bánh mì nơi khác, và chẳng ai dám trở lại làng lần thứ hai dù không có luật lệ nào cấm họ.  Cậu là loại người yêu sắc đẹp, luôn chế giễu những ai có khuôn mặt xấu xí.  Cậu ta rất yêu bản thân mình.  Mỗi khi hè về, trời lặng gió, cậu thường nằm dài bên cạnh giếng trong khu vườn của vị cha cố, ngắm nhìn khuôn mặt đẹp lạ lùng của chính mình, rồi cười vui sung sướng vì mình có được sắc đẹp ấy.  


Vợ chồng người tiều phu thường xuyên la rầy cậu: ‘Cha mẹ chẳng bao giờ đối xử với con như con đối xử với những người bất hạnh, không ai nương tựa.  Tại sao con là đối xử tệ đối với những người đang cần tình thương?’

Vị cha cố già nhất làng cũng thường gọi cậu đến, tìm cách dạy cậu cách yêu thương vạn loài: ‘Con ruồi là anh em của con đó.  Đừng làm hại nó.  Những con chim bay lượn trong rừng kia đang có tự do.  Đừng bẫy chúng để mua vui cho con.  Thượng đế sinh ra loài rắn và loài chuột, chúng đều có nơi sống riêng của chúng.  Con là ai mà đem đau thương đến vùng đất của Thượng Đế?  Ngay cả đám gia súc ngoài đồng cũng còn biết ca ngợi Ngài.’  

Nhưng cậu bé Ngôi Sao chẳng màng đến những lời khuyên ấy, ngược lại còn cau mày chế riễu những người khuyên bảo cậu và vẫn quay về với lũ bạn, xách động chúng làm bậy.  Lũ bạn theo cậu vì cậu đẹp, biết nhảy, biết thổi sáo, và biết sáng tác nhạc.  Cậu bảo chúng đi đâu, chúng đi đấy; cậu bảo chúng làm gì, chúng đều làm theo.  Khi cậu dùng cây que châm vào đôi mắt mờ của chú chuột chũi, chúng reo cười.  Khi cậu lấy đá ném vào một người cùi, chúng cũng cười theo.  Cậu điều khiển tất cả bọn chúng, làm lũ trẻ trở thành những đứa trẻ nhẫn tâm giống y như cậu.  

Rồi một ngày nọ có một người đàn bà ăn xin đi vào làng.  Quần áo bà rách nát, tơi tả, đôi chân bà rỉ máu vì phải đi một quãng đường quá xa đầy đất đá.  Vì quá mệt, bà đến ngồi nghỉ bên gốc cây hạt dẻ.  

Cậu bé Ngôi Sao nhìn thấy bà, liền xách động đám bạn nhỏ, ‘Nhìn kìa, một mụ ăn mày xấu xí ngồi dưới tàng cây đẹp đầy lá xanh.  Chúng ta hãy đến đuổi bà ta đi vì bà ta quá xấu xí.’

Cậu tiến đến gần bà, ném đá vào người bà, nói lời nhiếc móc bà.  Bà nhìn cậu bé với cặp mắt kinh hoàng, không chớp mắt.  Người tiều phu khi ấy đứng gần bên, đang chẻ mớ cây ngóch ngách cứng ngắc.  Ông trông thấy, chạy lại mắng cậu nhỏ: ‘Con đúng là một đứa trẻ không tim, chẳng biết yêu thương ai, người đàn bà đáng thương này có làm gì con đâu mà sao con không đối xử tử tế với bà?’

Cậu bé Ngôi Sao giận đỏ cả mặt, dậm chân xuống đất, và nói: ‘Ông là ai mà dám hạch hỏi những việc làm của tôi? Tôi không phải là con ông, tôi không phải làm theo mệnh lệnh của ông.’

 ‘Con nói đúng,’ người tiều phu trả lời, ‘nhưng ta đã thương hại con mà đem con về khi thấy con bị bỏ rơi trong rừng.’
Người đàn bà ăn mày nghe đến những lời ấy, cất tiếng khóc rồi té xỉu.  Người tiều phu bế bà vào nhà cho vợ chăm sóc, và khi bà tỉnh dậy, họ đem thịt và thức uống đến mời bà dùng, nói những lời an ủi bà.  

Bà không ăn cũng chẳng uống, chỉ hỏi vợ chồng người tiều phu, ‘Có phải ông đã nói ông tìm được đứa trẻ trong rừng? Và ngày đó cách hôm nay đúng mười năm?’

Người tiều phu trả lời, ‘Đúng rồi, tôi tìm được đứa bé ở trong rừng cách đây mười năm.’

‘Ông có nhớ cháu mặc gì, đeo gì khi ông tìm được cháu?’, bà hỏi. ‘Có phải trên cổ cháu có đeo chuỗi hổ phách và người cháu quấn áo choàng may bằng những miếng vàng có thêu ngôi sao?’

 ‘Đúng vậy,’ người tiều phu trả lời, ‘đúng y những gì bà vừa nói.’  Ông vào lấy áo và chuỗi dây hổ phách đã cất lâu năm trong chiếc rương ra đưa cho bà xem. 

Nhìn thấy những vật này, bà ứa nước mắt vì sung sướng.  Bà nói, ‘Thằng bé là con trai của tôi, tôi bị lạc nó ở trong rừng.  Tôi xin ông gọi cháu về cho tôi gặp.  Tôi đã phải lang thang khắp nơi để đi tìm cháu.’
Vợ chồng người tiều phu chạy ra ngoài gọi cậu bé Ngôi Sao về, bảo với cậu rằng, ‘Về nhà đi con, mẹ của con đang đợi con trong nhà đó.’

Cậu bé chạy bay về nhà, lòng đầy tò mò và tràn đầy niềm vui.  Nhưng vừa khi nhìn thấy mẹ, cậu cười khinh bỉ và nói, ‘Đây là mẹ tôi à? Tôi chẳng thấy mẹ tôi đâu, chỉ thấy một bà ăn mày xấu xí.’

Người đàn bà trả lời cậu, ‘Ta là mẹ của con đây.’

‘Bà điên rồi mới nói vậy,’ cậu bé Ngôi Sao giận dữ nói.  ‘Tôi không thể là con của một người ăn mày xấu xí, rách rưới như bà.  Bà ra khỏi đây ngay, và đừng để tôi nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của bà một lần nữa.’
‘Con chính là đứa con trai bé nhỏ của ta đã bị lạc trong rừng,’ bà vừa khóc, vừa quỳ xuống mở rộng vòng tay về phía cậu.  ‘Mấy tên cướp đã lấy cắp con, bỏ con vào rừng mặc cho con chết,’ bà thì thào nói, ‘nhưng ta đã nhận ra ngay khuôn mặt của con khi ta thấy con, và ta cũng đã nhận ra chiếc áo choàng vàng cùng sợi chuỗi hổ phách đã từng ở trên người con.  Xin con hãy lại đây với ta, ta đã đi cùng khắp nơi để kiếm con.  Hãy lại đây, đứa con trai bé nhỏ của ta, ta cần tình thương của con.’


Nhưng cậu bé Ngôi Sao chẳng rời bước, cũng không gửi tình thương đến bà.  Tất cả đều im lặng, dành không gian cho tiếng khóc nỉ non đau khổ của bà. 

Cuối cùng cậu cất tiếng nói với bà bằng một giọng lạnh lùng và cay đắng, ‘Nếu sự thật bà là mẹ của tôi, bà hãy tránh xa tôi ra, đừng đến gần mà đem nhục cho tôi, bởi vì tôi nghĩ tôi là con của một vì sao, không phải con của một bà ăn mày.  Ra khỏi đây ngay đi, và đừng bao giờ để tôi phải gặp bà lần nữa.’

‘Con trai của ta,’ bà nói trong nước mắt, ‘con không đến hôn ta trước khi ta đi sao? Ta đã phải cam chịu nhiều đau khổ khi đi tìm con.’

‘Không thể được,’ cậu bé Ngôi Sao nói, ‘bà xấu xí thế kia, tôi thà hôn con rắn hay con cóc chứ quyết không hôn bà.’
Người đàn bà đứng dậy, vừa đi về phía rừng, vừa ngậm ngùi khóc.  Cậu bé Ngôi Sao thấy bà đi rồi, vui vẻ quay lại vui chơi với lũ bạn.

Nhưng khi cậu quay lại, lũ bạn chế riễu cậu, ‘Mày xấu xí như con cóc, và ghê tởm như con rắn.  Đi đi, tụi tao không chơi với mày đâu.’ Nói xong, lũ trẻ đuổi cậu bé ra khỏi sân vườn.   

Cậu bé cau mày tự hỏi, ‘Tụi này nói gì kỳ vậy? Mình phải ra giếng để xem lại nhan sắc của mình.’

Cậu chạy đến giếng, soi mình xuống nước, và lạ thay, khuôn mặt cậu xấu y như mặt cóc và da của cậu có vẩy như da rắn.  Cậu nằm lăn ra cỏ, khóc ròng, và nói với chính mình, ‘Trời ạ, quả báo đã đến liền với con vì con đã chối từ mẹ, đuổi bà đi, thương mình, ghét mẹ.   Con sẽ đi tìm mẹ dù phải đi cùng trời cuối bể, đi đến khi nào tìm được mẹ mới thôi.’
Nói đến đây, cậu thấy đứa bé gái con người tiều phu tìm đến bên cậu.  Cô nhỏ đặt tay lên vai cậu và nói, ‘Em không còn đẹp trai nữa đã sao nào.  Cứ ở đây với gia đình chị, chị sẽ không bao giờ chọc ghẹo em.’

Cậu bé trả lời chị, ‘Dạ không, em đã đối xử tàn nhẫn với mẹ của em, và em đang chịu quả báo.  Vì vậy em phải đi tìm mẹ để xin mẹ tha thứ cho em.’

Thế là cậu lên đường ngay, tiến về phía rừng, vừa đi vừa gọi mẹ, nhưng chẳng nghe tiếng trả lời.  Cả ngày cậu gọi mẹ, khi mặt trời lặn, cậu nằm ngủ trên đống lá.  Chim muông, cầm thú tất cả đều tránh xa cậu vì chúng nhớ đã từng bị cậu hành hạ, chỉ mỗi con cóc đứng nhìn cậu và con rắn chậm rãi bò ngang cậu.  

Một buổi sáng nọ, cậu thức dậy, với tay hái mấy quả dại đắng nghét trên cây xuống ăn, rồi cất bước băng qua một cánh rừng lớn, vừa đi vừa xụt xùi khóc.  Gặp bất kỳ ai, cậu cũng hỏi có nhìn thấy mẹ cậu đâu không.   

Cậu hỏi bạn chuột chũi, ‘Bạn làm ơn chui được xuống đất, ngó xem có mẹ tôi ở đó không?’

Bạn chuột chũi trả lời, ‘Anh làm mù mắt tôi rồi, làm sao tôi thấy được có mẹ anh ở đó không.’

Cậu nói với chim hồng tước, ‘Bạn bay cao trên cả những ngọn cây và thấy được cả thế giới.  Làm ơn cho tôi biết bạn có thấy mẹ tôi đâu không?’

Chim hồng tước trả lời, ‘Anh đã từng cách cắt cánh của tôi để mua vui cho anh. Bây giờ làm sao tôi bay được mà tìm mẹ dùm anh?’  

Gặp chú sóc nhỏ ở một mình trên cây linh sam, cậu hỏi, ‘Mẹ tôi đâu rồi?’

Chú sóc đáp, ‘Anh giết mẹ tôi rồi. Bây giờ anh cũng đi kiếm mẹ của anh sao?’

Cậu bé Ngôi Sao khóc và cúi đầu xin những người con của Thượng Đế hãy tha lỗi cho cậu, và tiếp tục cuộc hành trình xuyên rừng để tìm người đàn bà ăn mày.  Đến ngày thứ ba, cậu ra đến bìa rừng bên kia, đổ dốc về phía đồng bằng.  

Khi cậu băng qua làng, mấy đứa trẻ chọc ghẹo cậu, ném đá vào người cậu.  Người dân tóc đỏ ở đây không ai cho cậu ngủ trong chuồng bò vì sợ cậu mang mầm nấm, làm hại đến bắp cất trong kho.  Họ còn sai người làm thuê cho họ đuổi cậu ra xa vì cậu trông quá xấu xí.  Chẳng ai tỏ lòng thương hại cậu, và cậu cũng chẳng tìm thấy dấu vết người đàn bà ăn mày là mẹ mình đâu cả.  Ba năm trôi qua, cậu đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, nhiều lần nhìn thấy người đàn bà đi trên đường, tưởng là mẹ, cậu gọi và đuổi theo, gặp lúc đạp phải miếng sành nhọn làm chân rướm máu, nhưng khi nhìn được mặt người ấy mới biết không phải là mẹ cậu.  Tất cả những người dân sống trên dọc đường cậu đi qua đều trả lời rằng họ chưa hề thấy người đàn bà nào giống người cậu tả.  Họ cảm thấy thương tâm cho cậu.  

Trong suốt ba năm trời cậu đi lang thang, không hề nhận được tình thương, sự ân cần, hay của bố thí từ người khác do vì đó chính là thế giới mà cậu đã tạo nên khi lòng tràn đầy ngã mạn.  

Một buổi tối nọ, cậu đến bên cổng thành gần bờ sông, có tường rào vững chắc bao bọc.  Cậu đã mệt lả và chân đã mỏi nhừ, cậu xin đám lính canh cho phép được vào thành.  Một lính canh gác vũ khí qua một bên, đến gần cổng hỏi cậu, ‘Thằng nhỏ, mày đến đây để làm gì?’

‘Dạ cháu kiếm mẹ,’ cậu trả lời, ‘xin ông cho cháu vào trong vì cháu nghĩ có thể mẹ cháu ở trong thành.’

Nhưng đám lính canh chọc ghẹo cậu, một trong bọn họ vuốt chòm râu đen, bỏ cái khiên xuống, và lớn tiếng nói, ‘Nói thật cho mày nghe nhé, mẹ mày chắc chẳng vui khi nhìn thấy mày đâu vì mày xấu hơn con cóc bị đập, hay tệ hơn con rắn bò trên hàng rào kẽm gai.  Đi đi. Đi đi.  Mẹ mày không ở trong thành phố này đâu.’

Một người lính canh khác đang cầm lá cờ vàng đến hỏi chuyện cậu, ‘Mẹ cháu là ai, và tại sao cháu lại đi tìm mẹ?’
Cậu trả lời, ‘Dạ mẹ cháu là một người ăn mày giống cháu vậy.  Cháu đã từng đối xử tệ với mẹ, bây giờ cháu xin ông cho cháu được vào trong.  Nếu kiếm được mẹ, cháu sẽ xin mẹ tha lỗi cho cháu.’  Nhưng cả đám lính canh vẫn nhất định không cho cậu vào trong, lại còn dùng giáo mác đâm vào người cậu.  

Khi cậu ứa nước mắt vừa định quay đi, một gã đàn ông mặc áo giáp bằng vàng có trạm hoa và đội mũ có hình trạm sư tử đến hỏi chuyện đám lính.  Bọn họ nói với hắn, ‘Thằng nhỏ ăn mày đó đang đi kiếm mẹ và mẹ của nó cũng là ăn mày, chúng tôi đuổi nó đi rồi.’

‘Sao các anh dại thế,’ hắn ta vừa cười, vừa nói, ‘chúng ta hãy bán thằng nhỏ làm nô lệ, lấy tiền đó mua rượu ngọt uống.’
Lúc đó có một lão già, khuôn mặt xấu xí đi ngang.  Lão già nói, ‘Tôi sẽ mua thằng bé này bằng giá một chai rượu ngọt.’ Lão ta trả tiền và dắt thằng bé vào thành.  


Cả hai đi băng qua mấy con đường, đến trước một cánh cửa nhỏ nằm khuất sau một cây lựu.  Lão già mở cửa bằng chiếc nhẫn làm bằng thạch anh, cả hai theo năm bậc thang làm bằng đồng bước xuống khu vườn đầy hoa thuốc phiện màu đen và nhiều hũ màu xanh làm bằng đất nung.  Lão già gỡ chiếc khăn xếp của mình ra, lấy một chiếc khăn nhỏ bằng lụa bịt mắt cậu bé Ngôi Sao lại, rồi đẩy cậu bé đi phía trước.  Khi khăn được tháo ra, cậu bé thấy mình đứng trong một hầm tối có ánh lửa lập lòe trong cháy trong chiếc đèn sừng.  

Lão già đặt trước mặt cậu một tấm thớt có mấy miếng bánh mì đã bị mốc để trên và nói, ‘Ăn đi,’ và chỉ ly nước muối và nói, ‘Uống đi.’  Sau khi cậu bé ăn uống xong, lão ông già đi ra ngoài, khóa trái cửa lại, tấn thêm một chiếc ghế sắt bên ngoài.

Ngày hôm sau, lão già mặt mày cau có đến đứng trước mặt cậu bé.  Lão là phù thủy hay nhất xứ Libya, vừa học được nhiều chiêu từ một vị thầy đã từng ở dưới mồ khu vực sông Nile.  Lão nói, ‘Trong khu rừng ở gần cổng thành Giaours có ba miếng vàng.  Một miếng màu trắng, một màu vàng, và một màu đỏ.  Hôm nay mày phải mang về cho tao miếng màu trắng.  Nếu không mang về được, tao sẽ nện cho mày một trăm roi.  Đi mau đi, đến chiều tối tao sẽ đợi mày ở trước cửa sân vườn.  Nhớ phải mang theo miếng vàng trắng về.  Mày đã là nô lệ của tao vì tao đã phải trả tiền mua mày trị giá một chai rượu ngọt.’  Nói xong, lão phù thủy lấy dải lụa bịt mắt cậu bé lại, dắt nó băng qua khu vườn hoa thuốc phiện, bước lên năm bậc thang bằng đồng, dùng nhẫn mở cửa và tống cậu bé ra đường.  

Cậu bé Ngôi Sao đi ra khỏi cổng thành, bước vào rừng như lời lão phù thủy đã dặn. 

Khu rừng lúc này đẹp một cách tự nhiên, có nhiều chim hót và nhiều hoa tỏa hương.  Cậu bé Ngôi Sao hân hoan bước vào rừng.  Khu rừng đẹp như vậy nhưng gây nhiều phiền toái cho cậu.  Đi đến đâu, mấy cây thạch nam và gai nhọn từ dưới đất bủa lên vây quanh cậu đến đấy, gai cây tầm ma châm chích cậu, cây kế luôn chực làm cậu đau.  Kiếm từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều mà cậu vẫn chưa thấy miếng vàng màu trắng như lão phù thủy nói. Cậu cất bước về lại thành, vừa đi vừa khóc vì biết mình sẽ bị đánh đòn.  

Nhưng khi đến bìa rừng, cậu nghe đâu đó có tiếng rên đau.  Cậu quên cả nỗi buồn của mình, chạy đến chỗ tiếng rên và thấy một chú thỏ rừng bị sập bẫy. 

Cậu bé Ngôi Sao thương hại chú thỏ, bèn cứu thỏ ra khỏi bẫy và nói với nó, ‘Anh chỉ là một tên nô lệ nhưng anh vẫn trả tự do cho chú được.’

Chú thỏ trả lời, ‘Anh đã cho tự do, em làm gì được gì cho anh để đền ơn?’ 

Cậu bé Ngôi Sao nói, ‘Anh đang tìm một miếng vàng màu trắng, nhưng tìm mãi vẫn chưa thấy.  Nếu anh không kiếm ra được để đem về cho chủ, ông ấy sẽ nện anh một trận.’

‘Đi theo em đi,’ chú thỏ nói, ‘em dẫn anh đến đó được vì em biết chỗ người ta dấu nó và biết cả công dụng của nó.’
Cậu bé Ngôi Sao đi theo thỏ, và nhìn kìa, trong kẽ nứt của một cây sồi khổng lồ lộ ra miếng vàng trắng mà cậu đang đi tìm.  Cậu bé reo lên vì vui sướng, ôm chặt lấy miếng vàng và nói với chú thỏ, ‘Việc anh giúp chú đã được đền đáp gấp nhiều lần và lòng tốt anh dành cho chú đã được đến đáp gấp trăm lần.’

‘Không phải vậy đâu,’ chú thỏ đáp, ‘anh đối với em sao, em đối với anh y như vậy,’ nói xong, chú thỏ chạy bay đi mất, và cậu bé Ngôi Sao trở lại vào thành.  

Về đến nơi, cậu bé thấy một người hủi ngồi trước cổng thành.  Người ấy đầu đội mũ xám, mắt đỏ ngầu màu than hồng.  Trông thấy cậu bé Ngôi Sao đi đến, người hủi chìa chiếc bát gỗ, tay rung cái chuông, miệng gọi cậu bé, ‘Làm ơn cho tôi chút tiền, tôi sắp chết vì đói.  Mọi người đuổi tôi ra khỏi thành, không ai thương tôi cả.’

‘Rõ khổ!’ cậu bé Ngôi Sao cất lời, ‘Cháu chỉ có một miếng vàng trong túi, và nếu không nộp cho chủ, ông ta sẽ nện cháu một trận và sẽ tiếp tục giữ cháu làm nô lệ cho ông ta.’ 

Nhưng người hủi vẫn van nài xin cậu bé cứu giúp, cuối cùng cậu bé Ngôi Sao động lòng thương, tặng luôn cho người hủi miếng vàng màu trắng.   

Cậu về lại nhà lão phù thủy già, lão ta mở cửa cho cậu, dắt cậu vào nhà, và hỏi, ‘Miếng vàng màu trắng đâu?’ Cậu bé Ngôi Sao đáp, ‘Tôi không thấy nó đâu cả.’ Thế là lão phù thủy đè cậu bé ra nện cho một trận, rồi để trước mặt cậu một tấm thớt trống trơn, bảo cậu ‘Ăn đi’, và đưa cậu một ly trống rỗng, bảo cậu ‘Uống đi,’ rồi quăng cậu bé vào hầm tối.
Ngày hôm sau, lão phù thủy đến bảo cậu bé, ‘Hôm nay nếu mày không mang về cho tao miếng vàng màu vàng, tao sẽ vẫn giữ mày làm nô lệ cho tao và sẽ quất mày ba trăm roi.


Cậu bé lại vào rừng, và cả ngày vẫn chẳng tìm ra được miếng vàng màu vàng.  Chiều đến, cậu ngồi khóc, và chú thỏ mà cậu cứu mạng hôm qua chạy đến bên cậu.  

Chú thỏ hỏi cậu bé, ‘Tại sao anh khóc? Anh tìm cái gì trong rừng?’

Cậu bé Ngôi Sao trả lời, ‘Anh đi tìm miếng vàng màu vàng đang được dấu ở đây, nếu anh không tìm được, chủ của anh sẽ đập anh một trận và tiếp tục giữ anh làm nô lệ cho ông ấy.’

‘Theo em đi,’ chú thỏ nói, và chạy băng qua rừng, dừng lại bên cạnh một hồ nước.  Miếng vàng màu vàng đang nằm dưới đáy hồ. 

‘Bằng cách nào anh đền ơn cho chú được đây?’ cậu bé Ngôi sao nói, ‘đây là lần thứ hai chú giúp anh rồi.’

‘Không đâu, anh là người cứu em trước mà,’ nói xong chú thỏ thoăn thoắt chạy đi xa. 

Cậu bé Ngôi Sao lấy miếng vàng màu vàng bỏ vào túi và vội vã về lại thành.  Lần này cũng người hủi ấy chạy đến, quỳ xuống van nài, ‘Làm ơn cho tôi tiền, nếu không tôi sẽ chết đói.’

Cậu bé Ngôi Sao nói với người hủi, ‘Cháu chỉ có một miếng vàng trong túi, nhưng nếu không nộp miếng vàng cho chủ, ông ta sẽ nện cháu một trận và tiếp tục giữ cháu làm nô lệ cho ông ta.’

Nhưng người hủi vẫn vài nài thảm thiết đến độ cậu bé Ngôi Sao phải động lòng thương và đưa cho người hủi miếng vàng màu vàng.  

Cậu về lại nhà lão phù thủy già, lão ta mở cửa cho cậu, dắt cậu vào nhà, và hỏi, ‘Miếng vàng màu trắng đâu?’ Cậu bé Ngôi Sao đáp, ‘Tôi không tìm thấy nó.’ Thế là lão phù thủy đè cậu bé ra nện cho một trận, rồi dùng xích trói cậu bé lại và quăng cậu vào hầm tối. 


Ngày hôm sau lão phù thủy đến nói với cậu bé, ‘Nếu hôm nay mày mang về cho tao được miếng vàng màu đỏ, tao sẽ trả tự do cho mày, nếu không, tao sẽ giết mày.

Cậu bé lại vào rừng, và cả ngày vẫn chẳng tìm ra được miếng vàng màu vàng.  Chiều đến, cậu ngồi khóc, và chú thỏ mà cậu cứu mạng hôm nọ chạy đến bên cậu.  

Chú thỏ nói, ‘Miếng vàng màu đỏ mà anh đi tìm nằm trong hang ngay sau lưng anh đó.  Đừng khóc nữa, phải vui lên đi.’
‘Bằng cách nào anh đền ơn cho chú được đây?’ cậu bé Ngôi sao nói, ‘đây là lần thứ ba chú giúp anh rồi.
‘Không đâu, anh là người cứu em trước mà,’ nói xong chú thỏ thoăn thoắt chạy đi xa. 

Cậu bé Ngôi Sao bước vào động, và nhìn thấy ngay miếng vàng màu đỏ đang nằm ở góc đằng xa.  Cậu bỏ miếng vàng vào túi rồi vội vã trở về thành.  Lần này người hủi thấy cậu, chặn cậu ở giữa đường, van nài, ‘Xin cho tôi đồng tiền đỏ, nếu không tôi sẽ chết.’  Cậu bé Ngôi Sao lại động lòng thương và cho luôn người hủi miếng vàng màu đỏ.  Cậu nói, ‘Ông lấy đi vì ông cần nó hơn tôi.’  Sau đó, lòng cậu nặng trĩu vì biết đệnh mệnh khắc nghiệt đang chờ cậu. 

Nhưng lạ thay, khi cậu bước qua cổng thành, những người gác cổng nghiêng mình chào cậu để tỏ lòng tôn kính, ‘Quý ngài đẹp làm sao!’ và cả đám đông người dân trong thành đi theo cậu, tất cả đều hô lớn, ‘Không ai trên thế gian này có thể đẹp hơn ngài.’ Cậu bé Ngôi Sao ngậm ngùi khóc, nhủ thầm, ‘Những người này đang chế giễu mình và xem thường nỗi bất hạnh của mình.’ Đám đông tụ tập ngày càng đông, đông đến nỗi làm cậu bé đi lạc đến một quảng trường lớn ngay trước cung điện của nhà vua.  

Cổng cung điện mở ra, các quan quân hạ thần của nhà vua chạy đến hạ mình cúi chào cậu bé, ‘Chúng tôi là thần dân của Ngài, đã chờ Ngài từ lâu và Ngài sẽ là vua của chúng tôi.'

Cậu bé Ngôi Sao trả lời, ‘Tôi không phải là con của vua các ông, chỉ là con của một người ăn mày.  Hơn nữa, sao các ông lại khen tướng mạo tôi đẹp trong khi tôi xấu xí như loài cóc rắn?’

Vị tướng mặc áo giáp có trạm hình hoa và đội mũ có trạm hình sư tử chìa chiếc khiên đến trước mặt cậu và nói lớn, ‘Tại sao Ngài lại nói tướng mạo Ngài không đẹp?’ 

Cậu bé Ngôi Sao nhìn vào khiên! Lạ thay khuôn mặt cậu trở lại như trước, vẻ đẹp đã trở lại với cậu, và nhìn vào mắt mình, cậu không thấy ánh mắt giống ánh mắt ngày xưa.  

Quan quân hạ thần quỳ xuống và nói, ‘Có lời tiên tri bảo rằng ngày hôm nay sẽ có người vào thành và người ấy sẽ trị vị thành này.  Xin Ngài hãy nhận lấy vươn miện và quyền trượng.’

Cậu bé nói với nhóm quan quân hạ thần, ‘Tôi không xứng đáng làm vua vì tôi đã từng từ bỏ người mẹ đã sinh thành ra tôi.  Giờ đây chưa kiếm được mẹ để xin bà tha thứ, tôi không thể ở đây.  Tôi phải tiếp tục đi, không thể nán lại để nhận vương miện và quyền trượng.’ Nói đến đây, cậu quay nhìn về phía đường dẫn đến cổng thành, và mừng thay, gần đám lính canh, cậu thấy mẹ mình trong lớp áo ăn mày, và bên cạnh bà là người hủi đã từng ngồi bên đường.  

Cậu bé bật tiếng reo mừng, chạy về phía mẹ, nước mắt đầm đìa quỳ xuống hôn lên vết xẹo trên chân của bà.  Cậu đê đầu xuống đất, thổi thức khóc, thưa với mẹ, ‘Mẹ ơi, con đã từ bỏ mẹ khi lòng con đầy kiêu ngạo.  Giờ đây con xin mẹ tha lỗi khi con đã học được hạnh khiêm tốn. Mẹ ơi, con đã từng trao mẹ lòng căm giận, xin mẹ ban cho con tình thương.  Mẹ ơi, con đã từng xua đuổi mẹ, xin mẹ hãy ôm lấy con.’ Người đàn bà ăn mày vẫn im lặng không nói một lời.  

Cậu đưa hai tay nắm lấy chân của người hủi, ‘Tôi đã giúp ông, xin ông hãy giúp mẹ tôi nói với tôi, dù chỉ một lần.’ Nhưng người hủi cũng không trả lời cậu tiếng nào.   

Cậu xụt xùi khóc, và nói: ‘Mẹ ơi, phải chịu khổ đến đâu con cũng chịu.  Xin mẹ tha lỗi cho con, rồi thả con về rừng cũng được.’  Người đàn bà ăn mày để tay lên đầu cậu bé, ra lệnh, ‘Hãy đứng lên,’ và người hủi cũng đặt tay lên đầu cậu và ra lệnh, ‘Đứng lên nào.’


Cậu vâng lời đứng lên, và khám phá người đàn bà ăn mày và người hủi chính là vua và hoàng hậu. 

Hoàng hậu nói với cậu bé, ‘Đây là cha của con, người đã từng được con giúp đỡ.’

Vua nói, ‘Đây là mẹ của con, con đã dùng nước mắt rửa chân cho mẹ.’



Cả hai cúi xuống hôn lên cổ cậu bé, mang cậu bé vào cung điện, cho cậu mặc trang phục đẹp, đội vươn miệng cho cậu, và trao cho cậu chiếc quyền trượng.  Đứng bên bờ sông, cậu chính thức lên ngôi vua.  Cậu bé sử thế rất công minh và ban phát tình thương đến mọi người.  Cậu đuổi lão phù thủy độc ác ra khỏi thành, cho người mang quà quý giá đến nhà tặng vợ chồng người tiều phu, ban lời khen ngợi đến các con của họ.  Cậu không làm hại chim muông hay thú rừng.  Ngược lại, cậu dạy dân chúng phải biết thương yêu, nhân ái, và bố thí.  Đối với người thiếu ăn, cậu ban phát bánh mì.  Đối với người thiếu mặc, cậu ban phát quần áo.  Nhờ vậy trong vương quốc của cậu tràn đầy hạnh phúc. 

Do vì phải trải qua quá nhiều gian khổ trong thời gian bị thử thách, cậu trị vì vương quốc chỉ ba năm rồi qua đời.  Người kế ngôi không trị vì vương quốc lành thiện như cậu.