Jan 14, 2023

THƠ CHÚC TẾT 2023 - Doãn Quốc Vinh

 



... 
một sớm mai bên vườn
long lanh đôi hạt sương
bình yên như vạt nắng
tâm xuân chợt tỏ tường

....
hắt ưu tư ra ngàn hướng
ôm ngọn gió lành muôn phương
bước đi ...
vui cõi thiện lương
bước về ...
gói trọn yêu thương kiếp người
...
một sớm mai hồng tươi
tầm xuân chớm nụ cười
ơ kìa ...!
hoa vì ai mà nở
đóa vô ưu rõ mười
...

Doãn Quốc Vinh 


Tặng riêng cho tuổi già của 
Bố Doãn Quốc Sỹ - Cô Doãn Thị Quý 






DOÃN GIA CÚNG ÔNG TÁO 2023

cúng có cá ... 😊 

@ Hiển Ngọc,
Thái Hằng, Vinh Yên






cúng có cá ... 😊 

@ Bố - Khánh - Liên - út

- Hòa Hưng




Jan 11, 2023

THƠ VĂN - VĂN THƠ - MAI THẢO - THANH TÂM TUYỀN - Doãn Cẩm Liên

 


Sau cuộc di cư năm 1954 vào đến miền Nam Việt Nam, người Hà Nội đã đóng góp cho nền văn chương – nghệ thuật – văn học Việt Nam ngày càng rực rỡ. Những phong thái cởi mở, tự do và phóng khoáng của văn sĩ và thơ sĩ có được hẳn là do từ miền Nam đất mới, màu mỡ và đầy tình người. Mảnh đất giàu chất liệu đã nuôi dưỡng và kích thích các văn nghệ sĩ tuôn trào nguồn thơ văn. Trong các nhà văn nhà thơ mang nhiều tính sáng tạo mà khiến độc giả miền Nam rùng mình mà khoái chí thưởng thức đó là nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Với Mai Thảo, ông dùng ngòi bút mà “rải hạt vàng”, vàng tung tóe trong các truyện Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non… tâm tình người tha hương nhớ quê nhà.

Đọc Mai Thảo để thấy danh từ, tĩnh từ, động từ ông sử dụng ngoạn mục như thế nào. Và những dấu phẩy, dấu chấm, xuống hàng là một kỹ xảo để hạt vàng thêm lóng lánh. Nghệ thuật rải những hạt vàng được Trần Hoài Thư nhắc đến trong Thư Quán Bản Thảo số tháng 9 – năm 2022 “Góp Nhặt Hạt Vàng – Mai Thảo” 

Mai Thảo còn có biệt tài viết văn xuôi để rồi từ đó độc giả có thể biến nó thành thơ. Chỉ cần sử dụng kỹ thuật xuống hàng, ngắt câu một đoạn văn mà Mai Thảo đã viết là ta có một đoạn thơ “tự do” đẹp. 

Vậy nhé, chúng ta thử làm thơ bằng một đoạn văn trong Đêm Giã Từ Hà Nội, được xuất bản năm 1955. Chỉ cần sử dụng kỹ thuật xuống hàng, ngắt câu là có một bài thơ rồi đấy.

Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến

“… Nhưng mà tôi vẫn tin. Tin tưởng hết lòng. Tin tưởng vĩnh viễn. Tin anh còn là anh, nghĩa là còn là con người. Như tôi đã tin ở sự sống, tin ở tự do, tin ở hôm nay. Tin ở trái đất, ở thế hệ này sẽ nhìn thấy những vĩ tuyến những biên thùy gục đổ, và con người chống giữ nổi cơn Hồng Thủy, sẽ hái được những nhánh lúa vàng của thế hệ ngày mai.”

Nhưng mà tôi vẫn tin 

Tin tưởng hết lòng

Tin tưởng vĩnh viễn

Tin anh còn là anh 

Nghĩa là còn là con người 

Như tôi đã tin ở sự sống

Tin ở tự do 

Tin ở hôm nay

Tin ở trái đất

Ở thế hệ này sẽ nhìn thấy những vĩ tuyến những biên thùy gục đổ 

Và con người chống giữ nổi cơn Hồng Thủy 

Sẽ hái được những nhánh lúa vàng của thế hệ ngày mai.

Nắm vàng từ bàn tay Mai Thảo đưa vào tay chúng ta. Và mở lòng bàn tay ra, có phải ta thấy ánh vàng sáng lóe? Vẫn trong truyện ngắn Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến:

“Tôi tin ở sức mạnh của bàn tay. Tôi còn tin ở sức mạnh của tư tưởng. Anh cố gắng nhé! Đứng thật thẳng. Sống thật mãnh liệt. Sống còn với Tự Do. Đi ngược lại triều Hồng Thủy…”

Tôi tin ở sức mạnh của bàn tay

Tôi còn tin ở sức mạnh của tư tưởng

Anh cố gắng nhé! 

Đứng thật thẳng. 

Sống thật mãnh liệt. 

Sống còn với Tự Do. 

Đi ngược lại triều Hồng Thủy

Đêm Giã Từ Hà Nội

“Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.”

Giờ này anh còn là người của Hà Nội

Thở nhịp thở của Hà Nội

Đau niềm đau của Hà Nội 

Mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.

Mai Thảo đã viết văn xuôi êm ái như thơ, mượt mà như hát. Chả trách người đọc muốn bật lên tiếng ngâm nga như ngâm một lời thơ.

Và rồi chúng ta thử làm một hành động ngược lại với thơ Thanh Tâm Tuyền. Thử nối những câu thơ làm thành một đoản văn xuôi. Và đọc lại nhé, xem thành quả chúng ta có được như thế nào?

Nhịp Ba

Thanh Tâm Tuyền tặng Doãn Quốc Sỹ

 “Ngực anh thủng lỗ đạn tròn

Lưỡi lê thấu phổi

Tim còn nhảy đập

Nhịp ba nhịp ba nhịp ba

Tình yêu, tự do mãi mãi

Anh về ngồi dưới vườn nhà

Cây liền kết trái 

Hoa rụng tơi tơi ủ xác

Anh chạy nhịp hai qua cách trở

Mắt bừng

Thống nhất tự do

Ngoài xa thành phố

Bánh xe lăn nhịp ba

Áo màu xanh hớn hở

Nhát búa gõ

Long máy quay

Cửa nhà thi nhau lớn

Nhịp ba nhịp ba nhịp ba

Tình yêu tự do mãi mãi

Sóng bồi phù sa

Ruông lúa trổ hoa

Núi cao uốn cây rừng

Nhịp ba nhịp ba nhịp ba

Tình yêu tự do mãi mãi

Đất nước ào ào vỗ nhịp

Triều biển chập chùng

Hà Nội Huế Sài Gòn

Ôm nhau nức nở

Có người cầm súng bắn vào đầu

Đạn nổ nhịp ba không chết

Anh ngồi nhỏm dậy

khỏe mạnh lạ thường

Bước ai thánh thót

Nhịp ba

Tình yêu

Tự do

mãi mãi

Tình yêu tự do mãi mãi

Tình yêu tự do

mãi mãi anh ơi

(Tôi không còn cô độc, 1956)”

Ngực anh thủng lỗ đạn tròn, lưỡi lê thấu phải, tim còn nhảy đập nhịp ba nhịp ba nhịp ba. Tình yêu, tự do mãi mãi. Anh về ngồi dưới vườn nhà, cây liền kết trái hoa rụng tơi tơi ủ xác. Anh chạy nhịp hai qua cách trở. Mắt bừng thống nhất tự do. Ngoài xa thành phố, bánh xe lăn nhịp ba. Áo màu xanh hớn hở. Nhát búa gõ, long máy quay, cửa nhà thi nhau lớn. Nhịp ba nhịp ba nhịp ba.

Tình yêu tự do mãi mãi.

Sóng bồi phù sa, ruộng lúa trổ hoa, núi cao uốn cây rừng. Nhịp ba nhịp ba nhịp ba.

Tình yêu tự do mãi mãi. 

Đất nước ào ào vỗ nhịp, triều biển chập chùng. Hà Nội Huế Sài Gòn ôm nhau nức nở. Có người cầm súng bắn vào đầu. Đạn nổ nhịp ba không chết. Anh ngồi nhỏm dậy, khỏe mạnh lạ thường. Bước ai thánh thót Nhịp Ba.

Tình yêu tự do mãi mãi

Tình yêu tự do mãi mãi

Tình yêu tự do mãi mãi anh ơi

(Tôi không còn cô độc, 1956)

Hãy đọc lại toàn bài, có phải chúng mình có một đoản văn hay không ạ? Có phải chúng ta đang thấy một bức tranh sống động, một Sài Gòn Huế Hà Nội ồn ào náo nhiệt với những vui mừng thống nhất. Người người, nhà nhà tưng bừng niềm vui lớn, xã hội phồn thịnh, đất nước lớn mạnh? Thanh Tâm Tuyền đã bơm vào lòng độc giả một niềm hạnh phúc dâng trào.

Xin một lần nữa, biến đổi thơ thành văn:

Lệ Đá Xanh

“Tôi biết những người khóc lẻ loi 

không nguôi một phút

những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình 

em biết không 

lệ là những viên đá xanh 

tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin 

ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể

mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em 

đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế 

Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em

nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin

ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết

mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em

vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin

ôi những người khóc lẻ loi một mình

đau đớn lệ là những viên đá xanh 

tim rũ rượi.”

Tôi biết những người khóc lẻ loi, không nguôi một phút. Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình. Em biết không? Lệ là những viên đá xanh. Tim rũ rượi!

Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể. Mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em đến ngày cuối. Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng Đế. Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em, nguồn sữa mật khởi đầu. Đôi khi anh muốn tin, ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết. Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em. Vòng ân ái.

Đôi khi anh muốn tin. Ôi những người khóc lẻ loi một mình. Đau đớn lệ là những viên đá xanh. 

Tim rũ rượi!

Tuyệt!

Một trời mới rạng ngời tình yêu, bầu trời và trăng sao. Mắt em là ngàn sao lấp lánh. Môi em sánh như nguồn sữa mật. Ơi hỡi người yêu văn thơ, lấy gì để mà so sánh bằng được, hơn thua để mà thương nhớ… Năm 1956, Thanh Tâm Tuyền mang vào thế giới văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam một luồng gió mới. Gió mới thổi bay luật lệ, khuôn sáo của thơ Đường, thơ lục bát, thất ngôn bát cú, vần điệu… để cho ra một thể loại thơ “tự do”. Tự do trong chữ dùng, để chuyên chở ý thơ bay bổng lên. Không gì ngăn cản được tự do để thơ vút bay cao.

Đọc đoản văn Mai Thảo, đọc bài thơ Thanh Tâm Tuyền mà ta sao cứ lẫn lộn như đọc từ một nguồn sáng tác? Cứ như là một bút pháp làm ra? Lộn ngược văn thành thơ và lộn thơ để thành văn. Ta cảm giác như thế nào khi đọc Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền? Hình như là Thơ – Văn Văn – Thơ cả hai nó quện vào nhau. Muốn nói là Thơ – Văn cũng được, mà kêu bằng Văn – Thơ cũng không sai! 

California, ngày 9 tháng 1 – 2023

Doãn Cẩm Liên

Ghi chú: Viết theo gợi ý của anh Trần Hoài Thư.

BỐ SỸ ĐỌC THƠ BÁC MAI THẢO

 



Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao, khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi!


Mai Thảo

(1927-1998)

Jan 4, 2023

CON SYDNEY NHÀ THÀNH THÁI - Doãn Cẩm Liên





Chị ạ, chị em mình lại rí ráu với nhau nữa chị nhé! Vẫn là câu chuyện nhà Thành Thái. Vì em còn nhiều thứ để kể về nó lắm. 

Chắc chị lại đang lầm bầm bảo “Con nhỏ này lắm chuyện ghê luôn!”

- Dạ đúng, lắm chuyện vui và kỷ niệm vui, mới nhớ hoài để và kể hoài đó chị.

- Đó là chuyện con Sydney nhà em. Chuyện về một con chó! 

Chó nhưng nó lại được xem là thành viên thứ chín, sau tám đứa tụi em. 

Sydney là loài Shepherd, chó dùng để chăn cừu. Nó to trung bình như những chó khác được nuôi trong nhà ở xứ Việt Nam mình. Chắc vì ông bà cha mẹ nó di dân qua Việt Nam lâu rồi nên kích thước của nó cũng thu nhỏ lại đôi chút. Lông nó ngắn và đen mun. Hai đốm vàng ở đầu mắt làm nó trông càng thông minh. Nàng Sydney về nhà em khi đã ba tuổi và đẻ được một lứa 4 chó con. Sydney là “gái có con một lứa” nên lông càng mưỡi-mà, cái lưng tròn lẳng, chắc nịch, mà sức lực thì tràn trề “full energy”.

“Bả” lăng xăng lắm, cứ sục tới sục lui nhà trên, nhà giữa, nhà bếp và ngoài sân không ngưng-nghỉ, suốt cả ngày, trừ lúc ngủ mà thôi. Bản tính năng động của Sydney làm nên một lối chào đón thật là kinh dị. Người chủ hoặc người thân được “bả” chào đón là phải đứng tấn, trụ lại để không bị té. Cái chồm lên, lấy hai chân trước ôm vào người được nựng, và thè lưỡi liếm mừng. Cái thói chào mừng kiểu này thật là dơ dáy và bất nhã, nhưng nó ăn trong máu “bả” rồi, chẳng thể nào dạy dỗ được. Nên những người được Sydney thương đành phải chịu đựng sự dơ dáy và đi rửa ráy lại sau đó. Cũng may Sydney không mừng mấy đứa nhỏ xíu bằng lối ôm hôn này, bằng không thì bố mẹ tụi nhỏ bắt đền ông bà đến mệt thì thôi!

Lại thêm một trò quái chiêu bày tỏ lòng yêu quý của Sydney là ngoạm vào tay, vào cánh tay người ta mà “mum mum”. “Bả” biết lựa sức hai hàm răng để không làm đau người được nựng. Nhưng ôi thôi là nước miếng của nó thì tùm lum. Kỳ thật chị ạ, sao lúc đó em không sợ lỡ vi trùng chó dại mà có thì nó lây qua đường này chứ còn gì nữa. Và mình sẽ bị bịnh dại!

Năm 2006 là năm con Sydney qua ở với tụi em ở nhà Thành Thái. Năm đó đại gia đình em có một cuộc di dời lớn, đi định cư Hoa Kỳ. Gia đình thằng em đi nhưng không thể mang theo chó được vì người còn phải bương chải cuộc sống mới và cuộc đời mới chưa biết ra sao, nên Sydney phải ở lại. Sydney nếu là người chắc cũng được di dân sang Hoa Kỳ theo chủ nó rồi. Gửi Sydney qua ở với vợ chồng là lưỡng cử nhất tiện: Không có sự thay đổi lắm đối với nó, về nhà mới nhưng vẫn gặp người cũ. Về phần hai vợ chồng em thì có con chó để hú hí, ra vào quẩn chân, và bận rộn vui chơi với nó.

Sydney là một nàng chó có nhiều tình cảm và rất thích diễn tả ra bằng hành động. Mà chỉ nhiều tình cảm với con người thôi nha chị. Nó hoàn toàn không thích đồng loại của mình!

“Nàng”mê tụi em lắm. Tối đến, khi hai đứa em rút lên gác vào phòng và trao nhiệm vụ canh gác cửa ngõ ở nhà dưới cho Sydney, là nàng ta bỏ bê nhiệm vụ liền! Rình rập đèn trong phòng của em tắt thì ẻm thót lên cầu thang, rón rén vào phòng và nằm ngay trên đầu tụi em. Chẳng hiểu là nó sợ ma khi phải ở dưới nhà một mình, hay nó nghĩ mình là con gái của hai ông bà này nên phải được lên nằm cạnh? Đuổi mãi Sydney mới ngỏn ngoẻn đi xuống với ánh mắt luyến tiếc. Và từ đấy cái thảm lót ngủ của Sydney được trải ngay bậc cầu thang. Nàng nằm đó nhìn lên cầu thang biết là có chủ mình trên đó. Nhìn ra cửa bếp và nghe ngóng động tĩnh ở cửa giữa và cửa ngoài. Sydney hài lòng với sắp xếp này.

Mỗi khi hai vợ chồng em đi vắng cả ngày thì Sydney rất biết bổn phận mình là gì. Ẻm nằm ngay giữa nhà là nơi có thể canh chừng từ cửa bếp, cửa giữa và cửa ngoài. Thỉnh thoảng để hóa giải nỗi bồn chồn, nàng chồm lên, gác hai chân trước lên bệ cửa, nhìn qua khe cửa ra ngoài đường để xem người qua kẻ lại. Cũng là dịp xem chủ về đến nhà chưa. Người nào xớ rớ đứng trước cửa đều bị sủa đuổi đi. Đố ai dám không đi vì tiếng sủa của nàng ta, rất cương quyết, ra lệnh “đi đi không thì tui cắn cho à nha!”

Bản năng là chó chăn cừu nên kỹ năng canh phòng của Sydney là tuyệt vời. Có lần bạn em tá túc vài ngày, tối đến nằm trong phòng thì OK, nhưng muốn đi ra khỏi cửa phòng là phải giải quyết tiếng “grừ grừ...” của Sydney. Chỉ đến khi có vợ chồng em xuất hiện thì mọi chuyện lại ổn thỏa. Vui ha chị!

Sydney không ưa đồng loại. Chủ nó cũng không hiểu tại sao luôn. Cứ hễ xổng cửa là nàng phóng ra chạy chơi khắp xóm, gặp đồng loại là gây sự gầm gừ. Nếu đối phương không khuất phục sớm thì đánh nhau. Có trận chiến là có thắng lợi nghiêng về Sydney. Có khi cả đàn chó của ông Tám ở giữa xóm xúm vào đánh Sydney. Thế nhưng Sydney vẫn thắng thế. Nàng dùng những thế quẫy bên này, ngoặt qua bên kia, chồm tới ngoạm, lui ra sau một chút để phóng vào đối phương, y như cảnh Kiều Phong trong Lục Mạch Thần Kiếm sử dụng Hàn Long Thập Bát Chưởng một cách thần tốc, kình phong bắn xa như một cơn sóng thần khiến các cao thủ phải khiếp sợ.

Các chủ của chó đều hốt hoảng la vang và gọi chó nhà mình về, nhưng trận chiến chỉ kết thúc khi Sydney buông tha đối thủ. Nó ngủng nguẩy đi về nhà với tiếng tăm lừng lẫy! 

Chị có tin là loài chó thù dai không? Em công nhận ra là có. Vì sau những trận chiến bại của các con chó ở xóm ngoài, chúng nó quay sang thù chủ con Sydney. Nên hễ tụi em chạy xe honda từ đầu hẻm vô nhà, đi ngang qua tụi nó, thường hay bị chúng chạy theo, ngoạm vào chân để trả thù con Sydney. Ha haaa… những lúc đó em không giận tụi nó đâu, chỉ rồ máy phóng xe nhanh lên và rút chân lên để không bị táp. Thông cảm nỗi đau và ức vì thua trận của tụi nó ấy mà chị.

Sydney trẻ khỏe, vùng vẫy giỏi cũng là thế mạnh của giống Shepherd. Cũng nhờ vậy mà nó thoát được một cuộc bắt cóc chó một cách ngoạn mục. Chuyện này xảy ra vào những ngày đầu Sydney mới về nhà Thành Thái.

Lúc đó gia đình thằng em gửi hai con chó cho em đấy chứ. Sydney và Cléo. Cléo chỉ ở với vợ chồng em được khoảng chừng một tuần lễ thôi là bị bắt cóc. Sáng hôm ấy, rất sớm em cho hai em nhỏ chạy ra xóm vận động thể dục khi cả xóm còn ngủ êm. Khoảng chừng 15’ sau con Sydney chạy sộc vào nhà thở hổn hển và rít lên, có vẻ hoảng sợ, và như muốn méc em chuyện gì. Lúc đi có Sydney và Cléo nhưng khi về chỉ còn Sydney. Thấy thế em chạy vội ra, đi khắp ngõ ngách gọi tên Cléo xem nó có rút vào góc nhà nào trốn không. Đi và gọi tên Cléo một vòng bán kính hơi xa hơn, vô vọng! Như vậy là Cléo bị quàng cổ bỏ bao và chạy vút đi rồi. Sydney nhanh và mạnh nên thoát.

Thế là từ đó nhà em chỉ còn một con chó cho đến ngày rời Việt Nam. Mấy cụ già xưa kiêng không nuôi trong nhà hai con chó đâu chị ạ. Vì hai chữ “khuyển” trong tiếng Hán thành chữ “khốc”. Em biết thế nhưng đâu muốn bỏ con nào đi nên nuôi cả hai. Cho đến ngày Cléo bị bắt cóc thì ngậm ngùi nhưng lại giải đi được chữ “khốc”! Sydney trở thành cục cưng trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già, thiếu con thiếu cháu. Nó trở thành bạn thân thương của ông xã em. 

Bốn năm sau, cái ngày em phải qua ổn định bên Mỹ, để dọn đường cho chuyến đi cuối cùng của anh chồng, ba năm sắp tới. Thật là một ngày buồn cho cả 3 đứa. Ông xã, em và con Sydney chia tay tối ngày em ra phi trường. Sang đến bờ kia Thái Bình Dương, 24 giờ đồng hồ hôm sau, nói chuyện qua điện thoại xuyên lục địa mới biết rằng người buồn đã đành, mà chó cũng buồn ngẩn ngơ. Buổi sáng hôm sau, Sydney ngồi ở bực cầu thang như thường ngày, ngóc mỏ nhìn lên chờ em xuống nhà. Chờ hoài không thấy, mãi sau mới thấy chồng em bước xuống. Cả hai mắt buồn nhìn nhau, biết nói gì đây!

Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết thúc đâu chị ạ. Phải mãi đến, ba năm sau mới “màn từ từ hạ”, khi chồng em chính thức lên đường qua đoàn tụ với với vợ ở Hoa Kỳ. Con Sydney “bị” gửi đến một gia đình người bạn ở Hóc Môn, sâu tuốt trong ruộng. Nhà có nuôi nhiều con chó, hy vọng Sydney đỡ buồn “nỗi buồn biệt ly” với tụi em. 

Những ngày cuối ở trong căn nhà Thành Thái, Sydney chắc cũng linh cảm thấy điều gì bất thường: nhà cửa trống rỗng, đông người ra vào khuân vác đồ đi. Và rồi cũng đến phiên mình, cũng bị đưa lên xe đi xa biến tận đâu đâu. Sydney bần thần và buồn bã, không buồn sủa. Ánh mắt nó nhìn em sao như có lóng lánh nước mắt. Trên xe đưa Sydney đến gia đình mới ở Hóc Môn, em ôm nó suốt đường đi, nó buồn đến không buồn cựa quậy, và em cũng buồn. 

Cuộc chia ly này, nỗi buồn này cũng chẳng kéo dài lâu vì chỉ một tháng sau, ở nơi xa xôi em nghe tin Sydney chết. Nó chết vì nhiễm trùng đường ruột, đi cầu ra máu. Một cú sốc mạnh vào em, nhưng lại hay chị ạ. Vì người và con vật, ai ai cũng đều phải chết. Chỉ có lúc nào, ra sao khi chết là mình chưa biết thôi. Nên Sydney đã lấy cái chết để trở thành bất tử trong em, trong toàn thể gia đình em. 

Em tin là cuộc đời và sự sống của Sydney chỉ gắn liền với gia đình nhà em và chỉ ở căn nhà Thành Thái mà thôi. Nhà bán đi, người người ra đi rồi thì Sydney cũng xin về với cát bụi, không còn gắn bó hay thương nhớ ai nữa. Và “không sinh ly tử biệt” nữa!

California, ngày 3 tháng 1 – 2023

Doãn Tư Liên