Jun 24, 2017

TRUYỆN CHIẾC ÁO DÀI CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM - HỒI MỘT




TRUYỆN CHIẾC ÁO DÀI CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM
HỒI MỘT
TRẬN THỦY CHIẾN – CHIẾC ÁO CHÓT VÓT TRÊN ĐỈNH SÓNG TRÙNG DƯƠNG
Một đàn cá mập đông vô kể đã xâm nhập hải phận Việt Nam rồi tự ý chiếm cứ nhiều năm ròng. Và cũng suốt thời gian chiếm đóng đó đội thủy binh của hải phận Việt Nam, gọi là đội thủy binh Nam Hải, gồm đủ mặt cá voi, cá thu, cái đuối, cá song, cá trích, hải trư… luôn luôn khuấy động không để lũ cá mập một phút nào ngơi. Sau cùng nhờ sự phù trì của chư vị sơn thần, hải thần, đoàn thủy binh đã gần như quét sách được lũ cá mập ra khỏi hải phận. Nhưng ai nấy chưa kịp ăn mừng thì lũ cá mập bỗng ùn ùn kéo lại hung hãn không kể sao cho xiết được, tựa như chúng biết rằng nếu lần này không tái chiếm hải phận Việt Nam thì muôn vạn kiếp về sau đừng hòng tái chiếm được nữa. Các thần nhân cũng linh cảm thấy cuộc sống mái cuối cùng này sẽ muôn phần khốc liệt. Sơn Tinh bèn đặt thiếp mời Thủy tinh tới đỉnh Tản Viên họp gấp. Tuy hai vị thần nhân này xưa kia có mối hiềm khích hôn nhân về công chúa Mỵ Nương, nhưng với thời gian nỗi thất tình của Thủy Tinh cũng nguôi nguôi dần. Và từ khi người dân Việt biết đào sông dẫn thủy nhập điền và đắp đê ngăn nước lũ, thì Thủy Tinh càng cảm thấy việc hàng năm dân nước báo thù Sơn Tinh làm hại lây dân chúng là một việc lỗi thời. Chẳng bao lâu hai vị trở lại giao thiệp lịch sự với nhau như cũ. “Chăn voi ăn mày voi”, các vị bảo với nhau vậy, “trông nom phù trì non sông Việt Nam để ăn lộc Việt Nam.”
Trở lại truyện Sơn Tinh thấy đoàn cá mập quyết sống mái một lần cuối cùng với đoàn thủy binh tại hải phận Việt Nam bèn lập tức đặt thiếp mời Thủy Tinh tới sơn thất tại đỉnh Tản Viên để cùng bàn kế hoạch âm phù dương trợ trong việc bài binh bố trận. Hai vị bàn với nhau khá lâu, đồng ý về mọi điểm. Trong khi đó ngoài khơi Nam Hải sóng đã cuồn cuộn nổi lên chập chùng nối liền với đại dương. Đoàn cá mập cơ nào đội ấy, con nào con nấy máu hùng hổ dồn lên mặt đỏ bừng bừng, chúng chỉ còn chờ hiệu lệnh là lăn xả vào để ăn tươi nuốt sống đối phương. Đối diện với đoàn cá mập, đoàn thủy binh Nam Hải cũng cơ nào đội ấy, nhưng trầm tĩnh hơn, và cũng biết trước chuyến này sẽ phải hy sinh nhiều, ai nấy cắn chặt hàm răng, đôi mắt gờm gờm, tinh thần chấp nhận.
Thủy tinh đã cùng theo Sơn Tinh tới núi rồi đi gặp Bà Mẹ Việt Nam. Sơn tinh trình với Bà rằng đặc biệt trong lần chiến đấu khốc liệt cuối cùng này thần xin Bà một chiếc áo dài, chiếc áo của con Bà do chính Bà khâu để làm một trung điểm hấp dẫn lực điều khiển toàn cục chiến đấu. Bà đã trao cho Sơn Tinh chiếc áo dài the của thằng con trai. Chiếc áo bèn được Thủy Tinh mang theo xuống biển như một thứ cờ lệnh. Chiếc Áo luôn luôn được đặt trên một ngọn sóng cao nhất để toàn thể các cơ ngũ thủy binh tiền quân, hậu quân, trung quân, tả quân, hữu quân, hết thẩy đều trông thấy. Chiếc Áo bỗng thành một thứ tối cao tư lệnh. Đoàn cá mập lập tức lăn xả tới. Không một phút do dự, đoàn thủy binh Nam Hải cũng nhất tề xong lên nghênh chiến. Sau hiệu lệnh quật đuôi táp sóng của các tướng quân cá voi, lập tức cả Nam Hải sóng cồn lên thành núi chập chùng từ phía hải phận rầm rộ đổ ra đại dương, chặn bước tiến của đoàn cá mập. Chiếc Áo luôn luôn ở trên đỉnh một ngọn sóng cao nhất. Đoàn cá mập đâu chịu chùn bước, trái lại sức sóng cồn đổ ập ra đại dương càng kích thích lòng hung hãn của chúng, chúng cũng quật đuôi lấy đà lao tới xé sóng, và đây đó đã có những vệt máu ùn lên nhuộm đỏ từng khoảng bọt sóng. Chiếc Áo thoạt lao đao với sóng biển. Song nó làm quen ngay với hoàn cảnh nhờ sự phù trì của chư vị thần nhân, chẳng bao lâu nó đã biết cách đứng cực kỳ hiên ngang trên một ngọn sóng chót vót nhất. “Các anh em hãy theo hiệu lệnh của tôi!” Vì được tiếp nhận linh ý của chư vị sơn thần, hải thần, Chiếc Áo đã thể nhập đúng vai trò của mình: “Hãy theo hiệu lệnh tôi tiến, lui cho đúng phép, ngõ hầu sớm chiến thắng quân xâm lăng đem lại thanh bình cho hải phận quê nhà!” Lời nói đó của chiếc áo chẳng hề là sáo ngữ, trái lại lời lời như nhập vào những vết máu loang trên mặt biển mà trở thành linh thiêng với sức truyền cảm mãnh liệt. Chiếc Áo quan sát đúng lúc đoàn cá mập hung hăng nhất tề lao đầu vào trận tuyến bèn hô: “Anh em lui!” Tiếng các cơ ngũ tiền tuyến cùng hô: “Anh em, lui!” Và các chiến binh cùng lui vừa lanh lẹ vừa nhịp nhàng. Đàn cá mập húc hẫng vào quãng trống, hoang mang quẫy đuôi lùi vội lại, thì Chiếc Áo đã hô: “Anh em, tiến!” Và các chiến sĩ lao đầu tiến lên. Đoàn cá mập tuy bối rối nhưng cũng biết lập tức há ngoác miệng, đập mạnh đuôi lung tung để đối phó, và máu lại ùn lên mặt biển nhuộm đỏ từng vùng rộng lớn bọt biển: máu của cả hai bên. Chiếc Áo đã quen với vị trí chỉ huy của nó lắm rồi, nó đứng trên sóng như rỡn, nó nhào lộn trên sóng như làm trò xiếc rất nhịp nhàng với lệnh hô tiến, lui vô cùng chính xác. Càng về sau máu của cả hai bên càng đổ nhiều, lời hô nhập vào các vùng máu loang thẫm càng trở thành đau đáu thiết tha, nhất là ngay sau đó lại có tiếng hô đáp lại của ngàn vạn chiến sĩ tiền tuyến. Một tiếng hô đơn độc, uy nghi, tha thiết vừa tung lên, lập tức được bao quanh hùng dũng đấy mà trìu mến đấy bởi tiếng vang đền đáp của muôn vạn tâm hồn đồng tình thừa hành. Cả vùng Nam Hải tràn ngập một âm hưởng gắn bó vừa hào hùng vừa ấm cúng không bút nào tả xiết. Cứ chiến thuật đó kéo dài trong nhiều ngày qua, đoàn cá mập biết mà không làm cách nào phá cho được. Đôi khi chúng cũng biết húc dứ rồi dừng lại có ý đợi, nếu đoàn thủy binh Nam Hải mà xông lại đuổi theo thì cả hàng răng cá mập như một vạn lý trường thành kia sẽ cho đoàn quan Nam Hải nếm một thất bại chua cay kinh khủng. Nhưng phương thức chỉ huy của Chiếc Áo đã nhập điệu rồi, trong trường hợp đó Chiếc Áo không hô lui cũng không hô tiến mà cất tiếng cười vang. Và tiếng cười của Chiếc Áo cũng lập tức nhận được âm vang cộng hưởng của không riêng gì hàng ngàn vạn chiến sĩ tại tiền tuyến mà của cả hàng triệu chiến sĩ tại các cơ sở hậu cần. Điều này càng làm cho đoàn cá mập tức điên ruột, rồi từ từ sự mất bình tĩnh đó chúng lại húc vào những đường mòn sơ hở. Máu không còn ùn lên thành từng khoang lớn nữa, mà nhiều chỗ đã biến thành cả một khúc sông máu chan hòa biết rẽ sóng trùng dương. Cuộc chiến tiếp tục ngày một ác liệt hơn. Cuộc chiến chỉ tương đối lắng dịu chút ít về đêm.
Trong đoàn tâm lý chiến kia của thủy binh Nam Hải có một chú hải trư thuộc nòi thi sĩ. Vào một đêm trăng, chú hải trư thi sĩ quan sát bóng chiếc áo dài của bà mẹ Việt Nam nhảy múa thức tỉnh trên đỉnh chót vót một ngọn sóng trùng dương, chiếc áo linh thiêng không hề chợp mắt, không hề nghỉ ngơi chiếc áo nhất định sẽ đem lại vinh quang chiến thắng cho hải phận, không còn ai nghi ngờ điều này nữa. Nhìn chiếc áo linh thiêng nặng lòng với nước non, thức tỉnh trên đỉnh sóng chót vót trùng dương giữa màu trăng huyền ảo, chú hải trư cảm thấy hồn thơ lai láng, chú lập tức sáng tác một khúc trường thi ca ngợi “chiếc áo nước non của mẹ hiền trao tặng.” Chú biết loại tơ dệt chiếc áo đó mua tự một tỉnh kỹ nghệ lớn tại trung tâm nước Anh Cát Lợi. Tơ đó được chính Bà Mẹ Việt Nam dệt thành tấm, rồi lại chính Bà may thành áo. Trong bài trường thi chú bèn ca ngợi tinh thần khôn ngoan và ý thức thấu triệt hòa đồng Đông Tây thể hiện ở ngay chiếc áo. Chú lại thêu dệt tả cả cảnh chiếc tầu chở tơ từ Anh Cát Lợi vào kênh đào Ai Cập ra sao, tới Ấn Độ dương gặp những trận bão nào, một trận bão cực lớn đã thổi dạt chiếc tầu chở tơ vào đảo Tích Lan ra sao, và sau cùng tầu chở tơ cập bến thanh bình Việt Nam vào ngày nào. Tất nhiên những trận bão tả rất linh động, cũng như ngày cập bến Việt Nam ghi rất chính xác đều hoàn toàn do trí tưởng tượng thêu dệt của chú hải trư thi sĩ, nhưng điều đó có hề gì. Tơ kia, tầu kia, bão kia, hải cảng kia chỉ là những cớ để hải trư thi sĩ sử dụng mà ca ngợi chiếc áo linh thiêng, trung tâm điểm thu hút mọi luồng linh ý của chư thần, mọi ngưỡng vọng của trăm họ thủy tộc Nam Hải. Khúc trường thi được sáng tác trọn vẹn trong có một đêm, sáng tác đến đâu hải trư ngâm vang đến đấy, và tất cả các loài thủy tộc ở tiền tuyến cũng như ở hậu tuyến đều học thuộc truyền khẩu và ngâm ngay dưới ánh trăng. Chiếc Áo nghe khúc trường thi ca ngợi tiểu sử mình ra chiều cũng hởi lòng hởi dạ lắm. Nghe nói Hải Trư thi sĩ qua một đêm hoàn tất khúc trường thi, sớm hôm sau toàn thân chuyển thành màu trắng như ngà, danh tính nhà thơ vì thế càng nổi lên như cồn, mà Chiếc Áo thì kể từ đó tựa hồ như có lấp lánh ánh hào quang. Và cũng kể từ đấy đoàn thủy binh Nam Hải vừa đánh giặc vừa ngâm thơ. Đêm đến lời thơ như biến thành kinh cầu nguyện hòa với vùng hào quang của Chiếc Áo luôn luôn thức tỉnh trên đỉnh chót vót một ngọn sóng trùng dương. Có thể nói cả trăm họ thủy tộc khắp vùng Nam Hải đều thuộc nằm lòng khúc trường thi đó. Đúng ra thì các vị tướng quân cá voi vì quá bận rộn về điều binh khiển tướng nên chỉ loáng thoáng thuộc những đoạn hay nhất; cỡ cá thu, cá đuối trở xuống thì quả là thuộc lòng từ đầu đến cuối, đến như các loại cá nục, cá mòi, cá trích, cá cơm thì chúng đồng ca suốt ngày và thuộc lầu như cháo.
Kể từ ngày có thêm khúc trường thi “tham chiến”, đoàn thủy binh Nam Hải chiến đấu dai dẳng bất chấp thời gian, kể cả toán quân khi tới phiên được lui về hậu tuyến nghỉ ngơi dưỡng sức cũng thấy là mình đương gối đầu đu đưa trên thời gian để trở thành bền bỉ như thời gian vậy. Và sóng tự hải phận Việt Nam càng ùn lên ngất trời cao, ngoài sức mong đợi của đoàn thủy binh, đổ ra trùng dương làm lao đao đoàn cá mập và hoàn toàn ngăn chặn mọi tấn công của chúng. Cứ thế núi sóng vòi vọi, ngày đêm điệp điệp trùng trùng rầm rộ tiến lấn ra đại dương xô lùi đàn cá mập. Đoàn thủy binh đạt tới ranh giới Hòn Hèo, một hòn đảo cuối cùng ngoài khơi Nam Hải, còn thuộc hải phận Việt Nam. Lũ cá mập tiếp tục lùi, một lần chúng ngập ngừng muốn tiến nhưng lại lùi ngay. Tới suốt một đêm kia khi sóng tấn công của lũ chúng tự ngoài trùng dương đổ vào chỉ còn thảng thốt, lời đồng ca kể tiểu sử chiếc áo dài tổng tư lệnh dưới ánh sao bỗng đượm vẻ êm ả thanh bình. Rồi bình minh ló rạng, rồi vừng ô xua tan sương sớm. Không một gợn sóng thù nghịch. Đàn cá mập đã bỏ cuộc. Chúng cam chịu bỏ cuộc! Biển xa nối với trời cao.
“Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” Chiếc Áo thét lớn khẩu hiệu toàn thắng. Tức thì hàng ngàn rồi hàng muôn, rồi hàng triệu tiếng hô đáp ứng: “Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” “Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” “Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!”

Tất nhiên sóng tự hải phận đổ ra cũng hạ dần, hạ dần… Chiếc Áo tự một đỉnh chót vót nhất cũng từ từ xuống thấp. Lời đồng ca chan hòa với nắng thủy tinh, với gió lồng lộng biến thành khúc khải hoàn bát ngát.
Doãn Quốc Sỹ 

TRUYỆN CHIẾC ÁO DÀI CỦA BÀ MẸ VIỆT NAM - HỒI HAI



HỒI HAI
GIẤC MƠ KHÔNG NGUÔI CỦA CHIẾC ÁO DÀI

Chư vị sơn thần và hải thần đã biết đoàn cá mập rút lui từ khoảng đầu giờ Tý, và các vị cũng đã trở về các sơn động, hải động ngay sau đó. Sau bao ngày vất vả ban truyền linh ý cho chiếc áo tổng tư lệnh và hết thẩy đoàn thủy binh, khi chiến cuộc vừa dứt, lập tức Sơn Tinh trở về động phủ trên đỉnh Tản Viên để hội ngộ cùng người ngọc Mỵ Nương; Thủy Tinh trở về động phủ của mình (ấy tuy toàn thể dân chúng Việt Nam đều biết câu chuyện thất tình của thần với công chúa Mỵ Nương nhưng lại không ai biết thủy động của người ở nơi nào.)
Mọi chuyện đối với các thần nhân thì nhẹ nhàng đơn giản, nhưng với chúng sinh đâu có vậy. Những giây phút đầu tiên khi chiến cuộc vừa bùng nổ, người ta bàng hoàng; giây phút đầu tiên khi chiến cuộc vừa chấm dứt người ta cũng bàng hoàng. Tiếng hô “Chiến thắng Hòn Hèo muôn năm!” không những làm cộn mặt biển Nam Hải mà còn như muốn biến thành một thứ hỏa diệm sơn khạc lửa. Trong khi toàn thể thủy binh say mê hô lớn khẩu hiệu chiến thắng như vậy, cơ nào đội ấy còn bịn rịn chưa muốn phân tán.
Một tướng quân cá voi cấp bậc thống chế trong bộ tổng tham mưu tới nói với Chiếc Áo bằng giọng kính cẩn:
-               Kính thưa tối cao tổng tư lệnh, linh hồn của cuộc kháng chiến này, giờ đây hải phận đã trở lại thanh bình chúng tôi có bổn phận tháp tùng ngài về với Lão Mẫu.
Chiếc Áo lắc đầu quầy quậy:
-               Tôi còn về làm gì hở thống chế? Tôi đã chiến thắng quân địch ở đây, thì tôi cũng ở lại đây trong những ngày còn lại, chia xẻ những nỗi vui buồn thường nhật cùng toàn thể hải phận.
-               Xin bái lĩnh tôn ý – viên thống chế nói vậy, rồi cúi chào Chiếc Áo trước khi rút lui.
Kế đó các cơ ngũ cũng phải giải tán. Đoàn tướng quân cá voi bơi vút ra khơi vẫy vùng với sóng gió, thỉnh thoảng cao hứng, các kình ngư tướng quân đó lại phun cầu vồng nước lên khỏi mặt biển. (Lúc các tướng quân điều khiển cơ ngũ thì nghiêm minh khắc khổ, bây giờ thời bình thì lại tinh nghịch như trẻ thơ.) Có khi các tướng quân quây quần thành vòng tròn rồi phun thi xem cầu vồng nước của ai cao nhất. Những cầu vồng nước chỗ thì trắng xóa, chỗ thì phản ánh bảy sắc cầu vồng, cả khoảng biển bỗng như biến thành động pha lê muôn màu. Một đàn cá chuồn thông minh biết nô rỡn đúng lúc, bèn cùng vút lên cao khỏi mặt nước, quẫy đuôi, lái vẩy, bay là là vào khoảng động pha lê muôn màu đó, trông như những tiểu thiên thần trong một giấc mơ lung linh nhất của tuổi thơ nhân loại.
Muôn loài thủy tộc của cả vùng Nam Hải đã sớm biết hòa mình vào không khí thanh bình của hải phận. Nhưng chiếc áo dài thì không. Chiếc Áo từ chối trở về với mẹ hiền tạo tác nên mình. Nó đã quen sống chót vót trên một đỉnh sóng cao nhất của mặt biển phong ba thời chiến, làm sao có thể trở về nằm trong rương áo, hay treo trên mắc áo mẹ già! Đâu có được! Hèn mọn và tầm thường quá! Nhưng giờ đây nó nằm vật vờ, lửng lơ giữa khoảng sâu của nước biển thì cũng có gì đáng kiêu hãnh đâu? Thần trí nó không còn là trung tâm tiếp nhận các linh ý của Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng chư vị phúc thần khác, nên nó cảm thấy chống chếnh làm sao ấy. Nằm kia, nghe mình đu đưa theo nhịp sóng thanh bình, nó ôn lại thuở nào đứng nhào lộn một cách vừa thức tỉnh vừa uy nghi trên một đỉnh sóng chót vót, nó ôn lại thuở đó mắt sáng, tai thính, trí minh mẫn theo rõi và như nhìn được thấu suốt mọi mưu toan thầm kín của quân thù để ra lệnh tiến lui thật chính xác, thật hữu hiệu cho ba quân (vì sự yếu kém thường tình của chúng sinh, Chiếc Áo đâu chịu nhận mình chỉ là trung tâm tiếp nhận linh ý của chư vị phúc thần hải phận.) Hôm đó đương nằm đu đưa ôn lại thời oanh liệt, Chiếc Áo chợt trông thấy Hải Trư thi sĩ toàn thân trắng phau bơi qua. Chiếc Áo lên tiếng chào, Hải Trư nhận ra người cũ, đôi bên đàm đạo đôi lời. Trong câu chuyện, Chiếc Áo có kín đáo nhắc lại công trình sáng tác khúc trường thi xưa của Hải Trư, thì thi sĩ chỉ mỉm cười nhũn nhặn coi đó là công chung của hoàn cảnh. Chiếc Áo lại kín đáo gợi hỏi xem sau đó thi sĩ Hải Trư có sáng tác thêm khúc trường thi ca ngợi chiến thắng Hòn Hèo chăng, thì thi sĩ lại chỉ đọc lên có mấy đoạn thi ca ngợi Trường Sơn lúc bình minh nắng sớm, Biển Đông khi sóng gợn mưa chiều, hoặc trăng tà hải lộ, gió lộng đường mây. Khi Hải Trư thi sĩ từ giã bơi đi rồi, Chiếc Áo cảm thấy lòng bừng bừng uất hận, nó vùng lên nói như hét: “Ta phải thực hiện một chiến thắng Hòn Hèo khác!” Chiếc Áo nhận thấy sóng biển cộn lên và nâng nó lên cao ngang mặt biển. Nó lại hét: “Ta không thể sống hèn mọn thế này mãi được!” Tức thì sóng cồn cao hơn nữa và nó nhô hẳn lên mặt biển. Nó nhận ra nó vẫn nằm nguyên vị trí cũ gần Hòn Hèo, nơi nó đã điều khiển ba quân chiến thắng oanh liệt lũ cá mập.
Tội nghiệp Chiếc Áo của Bà Mẹ Hiền Việt Nam: Nó đã thành nạn nhân của chính nó mất rồi!
Nó đưa mắt nhìn quanh thấy một đàn cá trích đông tới hàng vạn con đương bình thản tìm rêu ăn trong đám rong biển mênh mông gần đấy, nó bèn hét: “Bọn bay không thể sống hèn mọn thế được, phải làm cho Biển Đông nổi sóng và chuẩn bị chiến thắng một trận Hòn Hèo thứ hai! Tức thì cả đàn cá trích xao xuyến hẳn và sóng biển đã có sẵn đà lại rồ cao hơn chút nữa. Đồng thời chiếc áo cũng nhận thấy một số ngư loại khác ở ngoài biên giới hải phận có vẻ chăm chú theo dõi mọi cử chỉ ngôn ngữ của mình; nó tự khám phá thấy nó còn khả năng làm cho cả hải phận gợn sóng (trong bao nhiêu ngày tiếp nhận linh ý chư thần, những linh chất vẫn kết tụ nơi áo để dùng làm vốn phóng xạ). Nó quan sát xa hơn, thấy một đàn cá thu đương tung tăng nô rỡn, nó bèn hét lớn: “Bọn bay không thể sống hèn mọn thế được, hãy làm cho hải phận dậy sóng, và chuẩn bị một chiến thắng Hòn Hèo thứ hai!”
Luồng phóng xạ ùa tới đàn cá thu làm chúng thoạt quẫy đuôi xô xát vùng vằng, rồi con nọ cắn con kia hỗn độn, sóng biển quả có uốn lên cao hơn như một tấm gương vồng. Tức thì có tiếng hoan hô tán thưởng của số ngư loại bàng quan khán giả ở bên kia làn ranh, ngoài hải phận. Chiếc Áo thấy đã có đà đắc chí, nó liếc nhìn ra xa hơn nữa thấy một số cá chiên miệng dài và hơi dẹt như miệng cá sấu, dọc theo xương sống và hai bên bụng đều nhô lên những hàng xương cứng nhọn, Chiếc Áo nhớ lắm, trước đây loại cá này vẫn thường được các kình ngư tướng quân xếp cho đi đầu đạo quân xung kích. Chiếc Áo bèn hét lớn: “Hỡi đoàn quân xung kích cũ kia, bay cam sống thanh bình hèn mọn thế ư, hãy vùng quẫy lên cho biển Đông gợn sóng, ta sẽ chiến thắng một trận Hoàn Hèo thứ hai nữa!”
Tia phóng xạ cũng lại đạt tới đoàn cá chiên và lũ cá chiên cũng lập tức vùng quẫy và húc vào nhau chí mạng, cả mặt biển càng uốn cong như đứa trẻ lên cơn sài uốn ván, và tiếng hò tán thưởng của lũ ngư loại bàng quan ngoài hải phận càng làm cho Chiếc Áo nức lòng. Nó lại thoáng thấy mãi tít phía xa hơn nữa, một số kình ngư tướng quân phun cầu vồng nước lên mặt biển, rất có thể trong số có cả kình ngư thống chế xưa, nó bèn hét lớn:
“Các vị kình ngư tướng quân, các vị có sức ngang dọc vẫy vùng như vậy mà cam chịu để cho thân bại danh liệt trong khoảng biển sóng lặng nước yên này ư? Hãy quẫy đảo cho biển Đông nổi sóng chúng ta cùng kiến tạo một chiến thắng Hòn Hèo thứ hai còn muôn phần vẻ vang hơn chiến thắng Hòn Hèo cũ!”
Đoàn cá voi vẫn nô rỡn ngoài xa, thản nhiên như nắng gió khoảng đó. Tia phóng xạ Chiếc Áo phóng ra chẳng gây được chút ảnh hưởng gì với các vị tướng quân đó. Tuy nhiên những tia phóng xạ đó càng kích thích mạnh lũ cá chiên, cá thu và cả đàn cá trích mênh mông quanh đấy khiến chúng vùng vẫy mạnh hơn; sóng biển nhường như cũng nhô cao thêm chút ít nữa. Lũ ngư loại hiếu kỳ bên ngoài hải phận đã quy tụ đông hơn và reo hò vang trời để khuyến khích Chiếc Áo làm trò khuấy động biển Đông cho chúng xem, vì thực rất hiếm khi được chứng kiến tấn trò kích thích sinh động như vậy. Tiếng chúng hoan hô cũng có giúp cho đợt sóng lên cao chút nữa. Tất nhiên Chiếc Áo đứng ở mỏm sóng cao nhất. Nó cũng hiểu là phải luôn luôn hò hét và không ngừng phóng xạ để giữ mức kích thích cũ giữa lũ cá nằm trong vòng ảnh hưởng của nó, và cũng để giữ vững cao độ của ngọn sóng trên đó nó đứng. Nó cũng hiểu là thứ sóng biển nó tạo nên này không đồ sộ kiêu hùng, không chót vót uy nghi như thứ sóng cứu nguy hải phận xưa, nhất là chiều sóng đổ thì hoàn toàn khác.

Xưa kia sóng tự hải phận cồn lên thành hàng dãy núi sóng uy nghi đồ sộ, rồi kiêu hùng cuồn cuộn ra khơi đổ ụp lên đầu lũ cá mập. Giờ đây chiều sóng đâu có rầm rộ đổ ra khơi, ngược lại sóng hướng về phía nội địa, cứ như vậy đuổi nhau, đuổi nhau, thấp dần thấp dần rồi tan biến đi sau khi gắng bò lên bãi cát thoai thoải thêm một vài thước nữa. Thôi cũng được! Chiếc Áo cho như thế còn hơn là nó cứ phải nằm lửng lơ giữa khoảng chiều sâu của nước biển. Lũ ngư tộc bàng quan, vẫn không ngớt tiếng hoan hô. Chiếc áo thèm đàn kình ngư lắm, nó hy vọng nếu cứ giữ vững khí thế của biển động như vậy, biết đâu rồi đàn cá voi chẳng vô tình bơi vào gần hơn, bơi vào vùng mà chất phóng xạ của nó gây được tác động. Nếu cả đàn cá voi đó mà nhập cuộc thì ngọn sóng nó đương đứng chắc chắn sẽ còn cao lên gấp bội, ít nhất cũng đạt được nửa chiều bề thế của ngọn sóng chỉ huy khi xưa, và lũ ngư loại ngoại tộc kia còn phải lác mắt nhiều hơn nữa vì nó.

Doãn Quốc Sỹ