Nov 12, 2020

CÁC ÚT NHÀ HỌ DOÃN - Doãn Kim Khánh

 


CÁC ÚT NHÀ HỌ DOÃN

Nhà họ Doãn ở Sài Gòn có nhiều hơn hai, nhưng trí nhớ của tôi chỉ tập trung vào hai nhà: nhà Nguyễn Trường Tộ (của chú thím tôi) và nhà Thành Thái (của bố mẹ tôi). Nhà Trường Tộ có trước vì chú tôi vào Nam lập nghiệp trong những năm 40. Bố mẹ tôi di cư tị nạn Cộng Sản năm 54, đến ở nhờ nhà Trường Tộ một thời gian rồi mới có nhà Thành Thái. 

Cả hai nhà đều đông con – mười một đứa bên nhà Trường Tộ, tám đứa bên nhà Thành Thái - và vì đông con nên hẳn có vấn đề con nào thương nhiều, con nào thương ít. Đối với chú thím tôi thì hình như người con trai cả được đặt nhiều niềm tin nhất. Đối với bố mẹ tôi thì câu trả lời dễ ẹc: con nào cũng thương bằng nhau. Tuy vậy, thỉnh thoảng điểm danh các con, bố tôi có một bài ca muôn thuở: “Thằng Út Giai nó tếu lắm. Hễ có mặt Út Gái là nó trêu: ‘Bố không thương Út Gái đâu, chỉ thương Út Giai thôi!’” Rõ ràng là hai Út có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của bố. 

Còn Út bên nhà chú thím tôi thì gần đây mới tâm sự: “Em qua nhà bác, thấy ‘Ga’ (?) Hương được bác nựng mà thèm.” (“Ga” là chữ tầm bậy tầm bạ con nít hai gia đình hay đặt trước tên tụi con nít trong nhà. “Ga Hương” chính là Út gái). Thì ra trong những nhà đông con, vị trí của các Út không giống nhau.

Út Giai chỉ hiện hữu khi Út gái ra đời. Trước đó nó là thằng “Tư Ển” (Tư vì nó là đứa con trai thứ tư trong nhà, Ển vì hồi nhỏ nó ngọng, không đọc được âm /h/, Hiển thì cứ đọc thành “Ển”.  Một biệt danh khác của nó là “Cu Li Xóm Chùa” . “Cu Li” vì nó dễ dàng hòa mình với những đứa con nít lêu lổng trong xóm, và chịu khó lam lũ cùng với giới lao động quanh nhà. “Xóm Chùa” vì nơi vùng cuối hẻm có cái chùa Cao Đài và cũng là nơi các “cu li” khác hay tụ tập.

Út Dzai không có cặp mắt to hơi lồi của bên nội, nó hưởng cặp mí lót của bên ngoại và hàng lông mi dài khiến mắt nó lúc nào cũng có vẻ ướt. Mà, ướt thật vì thuở nhỏ nó hay khóc nhè, mỗi lần khóc thì nó có thể i ỉ cả buổi  không ngừng nghỉ. Nó thật xứng đáng với danh hiệu “Đệ Nhất Danh Ca” mà một người bạn của gia đình đã dí dỏm ban cho. 

Út Giai không nói tiếng Bắc như bố mẹ và hai chị lớn sinh ra ở miền Bắc, cũng không nói tiếng lai Bắc như các anh chị còn lại. Nó nói tiếng Nam đặc sệt, tiếng Nam quê của tụi trẻ không dược đi học trong xóm. Bạn bè của bố mẹ đến nhà, nghe giọng Nam của nó thì đều tưởng trẻ con hàng xóm qua chơi! Gặp lúc Hội Ca Cầm nhà đang say sưa tụ tập ca hát mỗi cuối tuần, Út giai đóng góp phần “bảo vệ”. Thật vậy, không có nó giữ trật tự đám trẻ coi văn nghệ “chùa” ngoài cửa sổ thì đám diễn văn nghệ “chui” trong nhà sẽ rắc rối to. Có vẻ như nó là một thành phần đứng ngoài rìa sân chơi văn nghệ! Tuy nhiên, một ngày kia, cả bọn đang ngồi trong bếp tán dóc thì bỗng nghe một tiếng dạo đàn piano ngoạn mục ngoài phòng khách. Anh “Thầy Đờn” của hai đứa em tôi, dân chuyên nghiệp nhạc mà phải giật mình hỏi: “Tiếng đàn dạo của ai vậy?” Và khám phá ra đó là của Út Dzai, đứa chưa bao giờ có một bài bản nào về đàn địch. Càng về sau nó càng chứng tỏ cái tai âm nhạc và những ngón tay âm nhạc tự phát cực kỳ khó hiểu. Anh “Thầy Đờn” cũng phải công nhận.

Năm thi lên lớp 6, nó đậu vào trường Petrus Ký, vốn là một trường có tiếng giỏi của Sài Gòn, Những ngày đầu. nó diện đồng phục mới toanh, trông bảnh bao ra phết. Sau, chạy nhảy nhiều ở trường thì đồng phục cũ rất mau. Lủng chỗ nào, nhờ mẹ vá chỗ ấy – mẹ bận, chưa kịp vá thì nó tự vá; đường khâu vụng về, trông rất tội nghiệp. Mẹ tính may cho nó bộ mới thì nó cản vì lý do “mặc đồ cũ mềm, thích hơn.” Nhưng có một điều mọi người trong nhà đều để ý và chọc ghẹo: dù đồng phục vừa cũ vừa rách, nó bao giờ cũng ủi thẳng tắp trước khi mặc đi học. 

Sau năm 75, Sài Gòn “được” giải phóng thì toàn dân đói và bủa ra ngoài kiếm ăn bằng đủ loại nghề. Nó bèn tủa theo các bạn “cu li” hành nghề đặc trưng của xóm, nghề vò sương sâm. Trong ngõ hẻm “sương sâm” nơi chúng tôi ở , buổi sáng lá sương sâm được trải phơi dưới đất trước rất nhiều nhà. Sau giờ ăn trưa, các nhà làm sương sâm bắt đầu bầy các chậu nhựa ra để rửa lá, rồi vò lá. Lá sương sâm dầy, có lông bao phủ một mặt và khi được vò thì lá cho một chất sệt. Người ta thêm nước, thêm chút thạch cao để giúp chất lỏng đặc dễ hơn và thường thêm một chút màu cho màu xanh lá đậm đà hơn. Cứ trưa đến là xóm đầy nhân công rửa lá và vò lá, một số người lớn, nhưng đa số là trẻ con trên mười tuổi, trong đó có “Cu Li Xóm Chùa” nhà tôi. Gặp lúc bà nội tôi từ Bắc vào thăm con cháu. Bà phải đối đầu với hai nghịch cảnh: con trai trưởng đi tù cải tạo và thằng cháu Út hành “nghề” vò sương sâm mỗi trưa ngay đối diện nhà. Bà hay đứng trên lan can nhà nhìn xuống cháu bà đang ra sức vò, rồi vào nhà nói với chúng tôi, giọng run run: “Bà nhìn nó làm việc mà đứt ruột, con ạ.” Xong việc, nó cầm mấy đồng tiền kiếm được đưa hết cho mẹ, nói: “Mẹ, tiền đi chợ!” Đến phiên mẹ mếu máo nhưng không thể không cầm tiền vì quả thật mẹ lúc nào cũng cạn tiền chợ. 

Chưa hết, nó còn có sáng kiến rủ một thằng bạn của một gia đình khá giả trong xóm đi vò sương sâm với nó. Thằng bạn có bố cấp Tá và mẹ giỏi giang trong buôn bán. Một bữa nọ, chị nó vào nhà tôi có việc (hai nhà chơi rất thân với nhau) thì tá hỏa tam tinh khi thấy thằng em (con trai Út của nhà nó) ngồi vò sương sâm, cũng lam lũ không kém thằng Cu Li nhà tôi! Cậu công tử tội nghiệp bị lôi về nhà ngay lập tức.

Lúc ấy Út Giai đang học lớp 11, bắt đầu mải kiếm tiền và lơ là việc học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa! Đúng lúc anh rể tôi gia nhập một tổ chức vượt biên, mang theo được vợ và một đứa em vợ. Anh chọn cho Út Giai đi vì lý do nó chăm làm và không quản khó.  Nếu không đi thoát được chuyến đó mà ở lại Việt Nam thì ai cũng e rằng nó sẽ không học hết bậc trung học.

Út Gái thua Út giai ba tuổi, sinh sau bốn thằng anh trong nhà. Bốn thằng phá như quỷ, cãi nhau như mổ bò nên khi một bé gái ra đời thì nhà như có một luồng gió mới. Tôi nhớ cảnh bố đưa mẹ đi sanh, rồi về nhà, vừa thò mặt vào phòng khách có bảy chị em chúng tôi đang ngồi đợi, bố hào hứng thông báo: “Mẹ sinh em bé gái.” Khi bế em bé gái về thì mẹ thông báo với hai đứa con gái lớn (tôi là đứa thứ hai): “Chắc chắn nó là Út đấy.” Từ đó mới có tên Út Gái và thằng Tư Ển nghiễm nhiên lên ngôi Út Dzai.

Hai Út, một trai một gái, tuy được thương bằng nhau theo truyền thống gia đình tôi, nhưng có lẽ Út gái được cả nhà cưng chiều hơn. Mẹ bế bồng cả ngày, nhưng chiều bố đi làm về thì bố thường xốc nách nó, đưa lên cao rồi hạ nhanh xuống, khiến nó cười khanh khách. Tôi là chị Ba trong nhà nên hay được giao nhiệm vụ trông em và cũng thích bế em. Lúc thằng Út giai mới ra đời, mẹ tôi chỉ cho bế sau khi đã hướng dẫn tôi ngồi ngay ngắn trên giường và vòng sẵn hai cánh tay để mẹ đặt đầu em bé lên cánh tay phải và chỉ tôi đỡ người em bằng cánh tay trái. Nhưng thường chỉ được “bồng” em như thế khoảng mười lăm phút là bị mẹ “đòi” em lại. Khi Út gái ra đời, mẹ tin tưởng hơn, cho tôi bế em đi vòng vòng trong nhà. Dần dần tôi được đứng số 3 trong danh sách fans của Út gái, sau mẹ và bố.

Út gái ra đời và lớn lên trong giai đoạn cái Ti Vi bắt đầu có mặt trong các nhà Việt Nam của Sài Gòn. Bố vặn Ti Vi cho Út coi và gọi Út là cô “Chín Te Ve” vì nhận xét rằng mắt nó sáng như cái màn hình Ti Vi. Nói trại chữ là một cách nói nựng của bố. Cũng như trước đó, bố hay “nựng” mẹ với câu “Bố phược Mẹ” (trại chữ “phục” thành “phược”.) Nhà Thành Thái cưng Út đã đành, nhà Trường Tộ cũng cưng, trường Quốc Gia Sư Phạm nơi bố dạy học cũng cưng. Lúc Út ra đời thì còn năm ngày nữa hết năm tây, nên Bố Mẹ quyết định đổi ngày sinh của Út thành 1 tháng 1 của năm sau và sau đó cho Út nhảy lớp mẫu giáo để học thẳng lớp 1. Ngày đầu tiên vào lớp 1, Út ngỡ ngàng vì không có năm mẫu giáo để làm quen với không khí học đường. Thế là bám cứng cô giáo lớp 1, vốn là học trò Bố. Tuần đầu tiên, cô còn bận bịu với nhiều thủ tục hành chánh nên không dạy nhiều. Các bạn khác đã quen biết nhau thì chơi với nhau, còn Út thì nhất định không buông cô giáo: cô đi đâu Út đi đó, cô vào nhà vệ sinh, Út cũng nhất định theo. 

Út không nhớ tình trạng này kéo dài bao lâu vào năm lớp 1, chỉ biết sang năm lớp 2 Út không còn làm cái “đuôi” của thầy cô. Ngược lại, Út được các thầy cô và ban giám hiệu chú ý, không chỉ vì là con của thầy Sỹ, càng không phải vì là học sinh xuất sắc, mà vì Út có một tài đặc biệt: tài ca hát. Cũng như Út Giai có tai nghe âm nhạc và tay đệm đàn bay bướm, Út Gái có giọng hát trời cho, không qua trường lớp nào hết. Văn nghệ thiếu nhi trong trường bao giờ cũng có Út. Út nổi “lềnh bềnh” vì giọng hát của chính mình! Nhớ lại “đối thủ đáng gườm” thời thơ ấu, ngày nay  mỗi lần Út Giai từ Úc qua Mỹ thăm Bố và các anh chị thì đều ca bài muôn thuở mà Bố thường hay ca lại: “Bố chỉ thương Út Dzai thôi, không thương Út Gái đâu!” Nhưng Bố thường xuyên thuyết minh thêm: “Út Gái dư biết anh mình nói đùa nên thường chỉ đáp lại bằng cái cười xòa.” Thằng anh thứ ba thì ghẹo Út Gái bằng một bài miêu tả: “Con Út nhà mình tuy lùn, nhưng được cái là nó mập và lại đen nữa nên …” Út Gái cũng lại cười xòa.

Gần đây, có lần tôi tò mò hỏi Út Gái: “Ngày xưa hai Út có chơi với nhau không?” thì Út Gái kể: “Chơi ít thôi, nhưng lúc nào phá phách thì hay rủ Út cùng phá! Út theo liền.”  Và Út Gái cũng nhớ có lần bị bệnh thì Út Giai quanh quẩn bên giường. Không có lời lẽ gì êm dịu, chỉ có những điệu bộ hề và thỉnh thoảng thì giả vờ ngã lăn xuống đất, đợi khi nào Út Gái cười khanh khách thì Út Giai mới thôi, chạy ra ngoài chơi tiếp.

Đây là thời điểm Út Gái bên nhà Nguyễn Trường Tộ xuất hiện ở nhà Thành Thái. Lý do là vì Bác nhà Thành Thái (Bố tôi) xin được cho nó học lớp 5 tại trường “Thực Nghiệm Sư Phạm” gần nhà chúng tôi. Thế là cô nàng khăn gói quả mướp qua “du học” nhà bác. Nhà tôi năm đó quy tụ đủ “anh tài” cách nhau một tuổi hoặc hơn: Tư Ển sinh năm 63, Út Gái Trường Tộ năm 64, Út Gái Thành Thái năm 65. Chúng nó rủ rê thêm thằng Út Dzai Trường Tộ cùng hai đứa em họ nhà cô tôi ở đường Lý Thái Tổ. Đứa nhận vai trò xúi dục và lãnh đạo chính là Út Gái Trường Tộ. Chúng nó phá phách đủ trò, từ vô hại (như chặn nước trong buồng tắm làm “hồ bơi”) đến dại dột (như đun nước nóng bằng cách bật bóng đèn tròn rồi bỏ vào một ly gỗ!) Có lần chúng nó lén mò đường leo được lên khu vực trống dưới trần nhà, chơi đã rồi đến khi xuống thì khám phá ra bác gái của “lãnh tụ” (mẹ của Út Gái Thành Thái) đang ngồi may ngay chỗ đường xuống. Thế là “lãnh tụ” phải trổ tài mưu sinh thoát hiểm bằng một đường khác phía sau nhà. May sao lúc đó có thằng anh tình cờ ngồi ở phía ấy nên đỡ chúng nó xuống an toàn. Lẽ ra “lãnh tụ” có thể khoe tài điều binh khiển tướng, dè đâu thằng anh giải cứu xong thì đi méc bác trai, làm nó một phen xanh mặt vì chưa bao giờ thấy bác giận như vậy! 

Ngoài ra Út Gái Trường Tộ còn là thành phần “bất hảo” với “Cách Mạng” vì từ chối không chịu đeo khăn quàng đỏ và không chịu vào đội. Cô chủ nhiệm đòi gặp phụ huynh thì nó nhờ đứa em gái tôi vào lớp giả bộ gầm gừ với nó và hứa hẹn qua quýt với cô giáo. Ghét môn Văn ca tụng cờ vàng sao đỏ thì nó nhờ tôi làm hộ bài văn. Lúc bố nó (chú tôi) đưa hai anh em nó qua nhà tôi gửi gấm việc học hành, chú có thú thực với bố mẹ tôi là Út Gái nhà chú “bướng và liều” lắm, bị đòn không bao giờ khóc. Chú không ngờ là Út Gái nhà chú không những bướng và liều mà còn “phản động” nữa. Riêng “tội” này thì các anh chị bên nhà bác đều hoan hỉ dung túng. Vả lại, chúng tôi quan tâm hơn đến một tài đặc biệt của nó: tài chơi đàn ghi ta cổ điển. Tiếng đàn này ở nhà Trường Tộ giống như hoa xinh mọc trên đất sỏi, nhưng sang nhà Thành Thái thì hoa xinh khởi sắc vì đất bên này “phì nhiêu” hơn nhiều. Bên này, nó không có cảm giác cô độc vì các anh chị đều học đàn . Út Gái Trường Tộ hả hê biết mấy khi Bác Trai Thành Thái bắc ghế ngồi cạnh nó, bảo “Cháu đàn bác nghe nào.” Sau khi tốt nghiệp tiểu học, không còn “du học” nhà bác nữa, nó vẫn đạp xe ghé thăm hai bác. Nó thường khoe là hay thủ thỉ với bác gái và nếu được yêu cầu thì sẵn sàng đàn cho bác trai nghe.

Trở lại với Út Gái nhà Thành Thái. Khi Út lên cấp 2 thì hội văn nghệ nhà tụ nhau hát hỏng hăng say cao độ. Tiếng hát của Út phát triển chín mùi hơn con người và tính chất của một đứa Út được cưng chiều. Út trở thành cục cưng của anh Hai nuôi trong hội, vì mỗi lần anh ra mắt một bài hát mới, anh lại phải nhờ đến tiếng hát của nó. Một mình nó hát thôi, mà cả bầy xúm nhau khen bài hát mới của anh Hai hay quá, hay dài “2 vắt”! Thế là anh Hai hiểu ý, dẫn nguyên bầy ra xe mì góc đường, mỗi đứa gọi một tô 2 vắt! Tội nghiệp anh Hai! Cái tội thích được khen! 

Hát “theo đơn đặt hàng” miết thành cái huông. Bây giờ Út Gái đã “ngũ thập tri thiên mệnh”, sống lặng lẽ bên chồng ở Hòa Lan, vậy mà vẫn có những anh chị em hay bà con thân thuộc thỉnh thoảng gửi sang những sáng tác mới cho Út hát. Út liền thâu tiếng mình hát và gửi đi đầy đủ. Trước đó, khi Út rời Việt Nam qua Mỹ định cư, chính một anh nhạc sĩ trong nhóm thân hữu này đã làm tặng nó một bài hát mang tên “Cô Út lìa quê”, trong đó có câu: “Lấy vòng Kim Cô cột đôi chân nó lại, không cho nó bỏ quê nhà.” Khi nó rời Mỹ theo chồng qua Hòa Lan, thì các anh chị em và cả cô chú ở Mỹ đều cảm nhận sự thiếu vắng. Khi nó lẳng lặng moi trong kho dự trữ và hát mười bài nhạc bị bỏ quên của đứa anh thứ ba, thì thằng anh hết sức hài lòng, gật gù nói với tôi: “Hai anh em đàn hát với nhau cả ba mươi năm trời nên con Út nó hiểu và hát đúng ý em.”

Từ lâu, người xưa đã biết giá trị của con Út nên mới có câu “Giàu con Út, khó con Út”. Riêng trong đại gia đình nhà tôi thì bài ca “Con Út” này đặc biệt vang vang tiếng nhạc từ ba phương trời, Hòa Lan, Pháp và Úc, nơi các Út đang ở.


No comments: