Jan 15, 2011

MÁI ẤM - Đoàn Khoa


Mái ấm

Nhiều người coi thường giọng miền Nam cứ nghĩ nó chân chất, mộc mạc và quê mùa, nhưng thực ra không phải vậy, nếu phát âm chuẩn thì nó du dương, thanh cao và sắc sảo không kém gì giọng Bắc Tràng An hay giọng Huế chính hiệu.

Ấy vậy, nghe giọng Nam qua miệng của bà đầm Eugène còn khiến ta kinh ngạc và thán phục hơn nữa chất sang cả đặc biệt của giọng nói này.

Eugène là khán giả trung thành của sân khấu chúng tôi, mỗi lần về thăm Việt Nam là bà cần xem kịch cho dù vở diễn đó đã coi đi coi lại hàng chục lần.

Bà gọi tất cả tụi tôi bằng “con” với giọng đầy thương yêu lẫn quý trọng và “sướng” mỗi khi chúng tôi đáp lại bà bằng “măng”* như người ruột thịt.

Bà già run rẩy, lọm khọm bỗng dưng linh hoạt và “tung tăng” tức thì mỗi khi cả đám tụi tôi ghé thăm.
Chúng tôi thích nghe chuyện của bà.

Khi còn là thiếu nữ, cô “đầm” Eugène dám cãi cha - một quan Tây quyền uy thời đó - bỏ dinh cơ, địa vị, bỏ giai cấp, chạy tuốt xuống vùng Lục tỉnh theo một anh chàng Việt Nam mà cô yêu say yêu đắm.

Mọi thứ lúc ấy từ tiếng nói đến phong tục ở đây đều xa lạ với cô.
-Chẳng ai tin nổi một “con đầm” có thể chịu được ruộng vườn. Họ kháo nhau không sớm thì muộn, hai đứa này thế nào cũng phải bỏ nhau!... – Eugène chép miệng thở dài. -Làm dâu đã khó, làm dâu Việt khó gấp mười lần!!!

Có lẽ nhờ yêu chồng vô hạn mà Eugène đã vượt qua mọi thử thách. Chỉ sau một thời gian ngắn, không những thành thạo tiếng nói, cô còn rành rọt cách làm nhiều món ăn miền Nam như thịt kho hột vịt, cá lóc nướng trui, biết đổ bánh xèo, nấu canh chua cá, giỏi gói bánh tét, nấu chè bà ba… Eugène biết cách chưng bàn thờ ngày giỗ khác với ngày Tết, khéo xếp mấy chai si-rô xanh, vàng, cam bọc trong giấy bóng kiếng “quê ơi là quê” sao cho hợp nhãn dân mình.

-Hồi đó tụi tui ở nhà mái lá, ngủ trên bộ ván ngựa. Tui ghét mưa đêm lắm, nó ẩm và rả rích. Trong cái bóng tối mịt mù với tiếng mưa lộp bộp đều đều làm cho tui lẫn lộn và mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu? bên Tây? Sài thành?... hay một một nơi lơ lửng nào đó? Cái hạnh phúc mình đang có là thực hay trong mơ ảo?... Chỉ có anh ấy là điểm tựa duy nhất, thực nhất mà tôi có thể bám víu trong cái khối đen ngòm này… - Eugène mơ màng.

Dừng lại hồi lâu, chẳng biết vì mệt hay bồi hồi bởi những kỷ niệm ngày xưa, bà nói trống không:
-Mọi ý nguyện của ảnh đều đã thực hiện: mấy đứa con giờ đây thành đạt, tụi nó có chức phận và làm nhiều chuyện trên thế giới, cái cầu quê ảnh cũng đã làm xong, trường cho mấy đứa nhỏ dưới đó thì gần hoàn tất,… chỉ còn một ước muốn nhỏ xíu của “măng” chẳng biết bao giờ có dịp …
-“Măng” muốn gì, biết đâu tụi con làm được? - Chúng tôi tò mò.

-“Măng” thèm ở lại dưới mái nhà tranh, ngủ trên bộ ván ngựa, thèm cái lạnh săn sắt của mưa đêm ứ trên da thịt, thèm nghe tiếng bồm bộp rã rời trên mái lá, thèm hửi mùi ẩm mục cỏ cây, mùi nồng nồng bộ ván và thèm chìm lại trong cái bóng đêm sâu thẳm mịt mùng… mà thôi… giờ già rồi, nói nhảm làm tụi bay sợ!
…Nhờ “măng” nhóm tôi quen H., anh mồ côi nhưng được “măng” cưu mang từ nhỏ. Với anh Eugène không chỉ là mẹ nuôi mà là “măng” thực sự!

H. cũng là một khán giả mê kịch như Eugène. Thì giờ của một doanh nhân như anh vô cùng hiếm hoi, nhưng hễ biết nhóm chúng tôi có ý định ghé thăm, tức khắc anh bỏ hết công việc, tổ chức tiếp đón một cách chu đáo.

Nhà H. là một villa mới nhưng xây theo kiểu Pháp xưa, có hồ bơi, có sân vườn, có những lối đi thơ mộng. Sứ trắng là loại cây lớn duy nhất được trồng nên khi hoa rụng, chúng không chỉ tạo hương thơm mà còn vẻ nên những vòng tròn trắng trên bãi cỏ xanh mượt, mênh mông.
Nếu không mưa, tiệc thường tổ chức ngoài vườn để mọi người có thể thoải mái và thư giãn, sau đó vào trong nhà hát hò tới tận đêm khuya.

H. dành hẳn một gian lớn làm phòng chiếu phim với nhiều thiết bị tân kỳ cùng một quầy bar sang trọng nhằm tạo sự thoải mái tối đa mỗi khi thưởng thức nghệ thuật. Có điều hơi tiếc là sau lần chiếu phim khai trương, tụi tôi chưa có dịp hưởng lại cảm giác xa hoa này vì nhà H. khá xa, mỗi lần gom được ngần này con người là cả công trình, xúm lại “nhiều chuyện” thì khoái hơn là ngồi im lặng coi phim.

H. vào thành phố khá sớm, tối mịt mới về, công việc hành ngày của anh là vậy. Đứa con duy nhất của anh ít dịp gặp cha dù ở chung nhà, nó càng ngày càng mập ủn vì mấy cô giúp việc thấy chủ ít về đâm ra làm biếng nấu cơm, cứ thồn cho con bé trường kỳ cơm hộp. (Trong khi chúng càng ngày càng thon thả, “tóc dài, da trắng” nhờ máy dàn massage xịn, nhờ không khí cỏ cây trong lành, nhờ hồ bơi ít người sử dụng và phòng chiếu phim gần như bỏ trống.)

Hôm trước, lén nghe mấy cô này thì thầm, rúc rích với nhau, bọn tôi loáng thoáng biết được rằng trong số họ có người tập tành viết blog kể về hậu trường những người nổi tiếng. Không tiện và cũng không nên kể cho H. biết chuyện này, nhưng tụi tôi tò mò, chắc phải tìm một cách nào đó moi cho ra địa chỉ blog ấy để vào coi họ viết gì và biết đâu trong đó có những chuyện “trà dư tửu hậu” của đám nghệ sĩ chúng tôi?!!!

…Trong giới nghệ sĩ, chị C. nổi tiếng với nhiều công trình từ thiện. Chị làm chuyện này cũng “tuyệt” y như chị hát trên sân khấu.

Hôm khánh thành phòng học vi tính dành cho các cháu mồ côi, khuyết tật, chúng tôi có lên chia vui cùng chị. Mọi người thán phục không hiểu cách nào mà bà chị của mình lại có thể gom góp và xây dựng được một công trình lớn lao như thế với dãy nhà sạch mát cùng mấy chục bộ vi tính – dù “xây-cần-hen” – nhưng vẫn đáp ứng mọi yêu cầu học và làm của các em nhỏ.

Chị khoe chiếc máy đặc biệt được cài đặt riêng cho một cháu nhỏ không có tay, có thể dùng chân điều khiển được con chuột và gõ bàn phiếm.

Với lớp học mới này các em ở đây quá đỗi vui mừng, nó thật sự là một cửa ngõ giúp các em tự tin hơn khi tiếp cận được văn minh nhân loại.

Tôi lang thang ra sân, cạnh đó có dãy nhà đang xây gần xong giông giống như lớp vi tính bên này. Tôi đứng lại ngắm nhìn và tự hỏi họ sẽ chuẩn bị lớp gì ở khu nhà mới. Như đọc được ý nghĩ, chị C. đứng sau tôi hồi nào không biết:
-Đây sẽ là lớp thêu. Có bà bán vé số bảy chục tuổi, tên gì thì chị quên rồi. Tội nghiệp bả lắm, bả bán căn nhà đang ở và gom hết số tiền dành dụm được 70 cây vàng, bả tặng hội từ thiện hết để xây dãy nhà này.
Tôi sửng sốt:
-Còn bả ở đâu?
-Bả vô chùa, bả nói rằng bả hổng con hổng cái, đời bả yên rồi, bả muốn mấy nhỏ tật nguyền có chỗ ăn chỗ ở… Bả người dân tộc, nói chuyện khô khốc, chẳng đầu chẳng đũa…!

Tôi lặng nhìn ngôi nhà đang dần hoàn thiện. Nó sẽ đẹp, sẽ tinh tươm như dãy nhà mà chị C. bỏ hết công sức vun đắp.

Thêm một mái ấm nữa cho các cháu bất hạnh, một mái ấm thực sự từ một người nghèo khó, thô kệch, vụng về nhưng lại là một “bồ tát” sống giữa đời thường…

Xưng cha–con với T. hơi bị ngượng miệng vì ông là một linh mục còn quá trẻ, thế nhưng thay bằng một danh xưng khác e rằng thiếu đi sự kính trọng mà tôi muốn dành cho ông. Với tôi, ông cũng giống vị bồ tát đã cho hết tài sản của mình để những người khốn khó được hạnh phúc hơn.
Cha T. nuôi dạy hơn 60 trẻ nhỏ bị nhiễm HIV, có em bị lây từ cha mẹ đã chết, có đứa bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng, có cháu là con nuôi ai đó, sống yên vui trong gia đình mới nhưng khi lớn lên gặp sự cố, đi khám mới phát hiện ra… Mỗi đứa nhỏ là một bi kịch lớn!

Đứa trẻ đầu tiên nhiễm bệnh đến với “cha” từ chuyện tình cờ, đứa thứ hai cũng thế, rồi đứa thứ ba, thứ tư… Anh thanh niên trẻ măng thiếu kinh nghiệm đời lại mang một “thiên mệnh” to lớn đã hốt hoảng chạy vạy khắp nơi, xoay sở mọi cách, mong tìm cách nào lo được cho những sinh linh bé bỏng này.

Nỗ lực của anh đã có lời đáp lại. Các nhà hảo tâm từ nhiều nơi đã gom góp và xây dựng được một mái ấm tuy đầy thiếu thốn nhưng phần nào tạo được nền tảng cơ bản để việc chăm sóc các cháu thuận tiện hơn.

Chuyện “tiền nong” tưởng là nan giải, hóa ra không phải là điều căng thẳng nhất. Mái ấm của cha T. bị áp lực từ những hàng xóm chung quanh, nghe tới “ẾT” họ sợ. Vượt qua “thử thách” này chẳng dễ dàng gì!

Nhưng điều buồn nhất không phải từ sự kỳ thị của những người xung quanh mà chính là “hộ khẩu hợp pháp” của chúng. Những đứa bé bên lề cuộc đời chưa đủ “tư cách pháp nhân” tồn tại nơi đây. Quả là cõi tạm, chúng đến rồi “đi” như không khí vô hình!
Mỗi khi có bé nào trở cơn bệnh nặng, cha T. cùng các sơ vội vã chuyển ngay chúng vào bệnh viện gần nhất mong kịp cơ hội làm giấy khai tử!...
Dù đã được mang tên “mái ấm” nhưng hóa ra ngôi nhà nhỏ bé này chỉ “ấm” một nửa, nghĩa là đủ cho các cháu “tạm trú” những ngày cuối đời, phần còn lại e rằng phải tiếp tục lang thang trên một cõi khác!
Cha T. gọi đó là những linh hồn bị thương tổn!...

Mấy đứa nhỏ được quà Noel, chúng vui mừng mở ra và reo lên khi thấy món mà chúng mơ ước. Thằng bé nhỏ nhất, gầy còm có đôi mắt đẹp không vội mở quà, nó đến bên hang đá, bắt chước chấp tay giống bức tượng Ba Vua, mắt nó long lanh nhờ ánh sáng chớp tắt của mấy bóng đèn trang trí. Nó cười tươi.

Sinh ra trong sự nghèo khó tột cùng, dù là hang đá, Chúa Hài Đồng vẫn hồng hào ngời sáng nằm yên trong máng cỏ dầy êm, ấm áp…
Bên ngoài trời rét gió đông…


Đoàn Khoa
Tháng 12-2010

*“măng” từ maman (tiếng Pháp) nghĩa là mẹ

No comments: