Jan 15, 2011

BỨC TRANH THỨ SÁU “KỴ NGƯU QUY GIA” (CỠI TRÂU VỀ NHÀ) - Thích Phước Tịnh




Bài thơ chữ Việt âm Hán:

Kỵ ngưu đà lê dục hoàn gia
Khương địch thinh thinh tống mãn hà
Nhất khách nhất ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha.

“Kỵ ngưu đà lê dục hoàng gia” nghĩa là ngồi trên lưng trâu rất thong dong để trâu chở về nhà. “Khương địch thinh thinh tống mãn hà” nghĩa là từng tiếng sáo réo rắt tiễn mặt trời chiều. “Nhất khách nhất ca vô hạn ý” nghĩa là vừa hát, vừa vỗ tay, và muôn vàn điều hứng khởi sinh ra trong tâm thức. “Tri âm hà tất cổ thần nha” là những người bạn hiểu biết được mình không cần phải nói ra.

Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:

Lưng trâu thong thả ta về,
Sáo lên vi vút ngoài đê ráng chiều.
Lời ca tiếng nhịp phiêu diêu,
Tri âm nào phải ra điều nói năng.

Có ba điều học được từ bức tranh này. Điều thứ nhất nói về phẩm tính thong dong của người điều phục tâm. Điều thứ hai nói về những cánh cửa mở ra cho người cưỡi trâu về. Điều thứ ba nói về cách sống liên tục với Đạo. Tại sao phải thong dong? Điều này không dễ thực tập. Từ lúc mới sinh ra tới bây giờ, chúng ta có những thói quen ăn vội vàng, đi vội vàng, suy nghĩ vội vàng, không có cơ hội làm chậm lại. Đối với người tu học Thiền, nhất là trên đất nước Tây Phương, phương pháp thực tập rất căn bản ban đầu là làm mọi việc chậm lại là một, làm bằng tất cả sự chú ý của mình là hai. Ví dụ khi đưa tay ra, đưa trọn vẹn bằng thân và tâm. Dở chân lên, uống một miếng nước, làm tất cả đều bằng thân tâm. Không con đường thực tập nào thành đạt được ngoài việc niệm thân. Người nào không niệm thân kỹ, người đó không có khả năng nhìn được cảm thọ sinh khởi trong tâm thức.

Từ căn bản của sự thong dong, có vài điều người tu cần chú ý. Đối với chúng ta, khéo đầu tiên là phải khéo sống và lợi dụng hoàn cảnh. Được vậy, con đường tu của chúng ta không cực nhọc. Nếu biết sắp xếp đời sống, các vị sẽ thành công trong tu học. Bằng không, bao nhiêu việc để tính toán trong đời sống ngăn cản ta không có nhiều thì giờ thanh thản để tu.

Khéo thứ hai là phải biết đối xử với những người thân. Những người trân quý đời tu của chính mình biết cắt bớt những giao tình, đình đám không cần thiết, để dành thì giờ, năng lực, sức khoẻ cho việc luyện công tu học.

Khéo thứ ba là biết sống vị tha và yêu thương. Vị tha có nghĩa là chúng ta quan tâm với người chung quanh nhiều hơn với chính mình. Sâu hơn, nếu nói một lời, làm một điều gì sẽ gây thương tổn đối với người khác, chúng ta dứt khoát không làm. Thực hiện được như vậy, món quà không đến với người kia mà đến với trái tim với chúng ta trước.

Khéo thứ tư là sống chân thật. Khi lòng của chúng ta có sự chân thật, yêu thương, nếu mình nói cộc cằn, người kia cũng cảm được lòng thương yêu của chúng ta. Điều này rất cần cho sự tu học. Nếu mình không chân thật, chúng ta lừa dối với chính mình.

Khéo thứ năm là giải trừ bản ngã của chính mình. Thử nhìn vào cái gọi là “ta bị xúc phạm”, tất cả vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta là người này, là người kia nên có cảm giác bị xúc phạm. Cũng giống như đánh vào mặt trống thì ra tiếng, đánh vào hư không thì không có tiếng. Ta nếu có bản ngã, có niềm tự hào, khi bị người khác đánh vào, tiếng phiền não vang ngay. Nếu ta là người khéo tu, lòng mình thênh thang, thách thiên hạ đụng vào ta, chúng ta không hề gặp phiền não.

Khéo cuối cùng là cần làm tâm bồ đề và niềm ham mê tu tập bên trong bùng cháy. Hãy đầu tư toàn bộ thân tâm, máu huyết của mình cho mỗi một việc : đốt ngọn lửa tham tu trong tâm ta. Đó là yếu tố căn bản trong hành trình tu.

Nếu thực tập được các điều căn bản nêu trên, chúng ta có thể cưỡi trâu về nhà, đưa tâm về đến Niết Bàn, đưa đời sống mình về nguồn cội của sự an lạc và hạnh phúc. Đức Thế Tôn ngày xưa trong một thời pháp, trong hội chúng hàng nghìn người, rất nhiều vị cư sĩ do nắm được phép tu căn bản, thể ngộ được đạo mặc dù bận trăm công nghìn việc.

Chúng ta chỉ cần thực tập điều giản dị như nhắm mắt, niệm thầm thì vài ba câu, chúng ta sẽ thấy rõ một điều có sự nhận biết tiếng nói thầm thì. Các vị Tổ Trung Hoa gọi “sự nhận biết” đó là Tâm Phật. Ai nhận biết được sự nhận biết đó là người đang thong dong cỡi trâu về nhà. Tu nhàn hạ như vậy, như một trò chơi. Nếu chúng ta tu giỏi, chúng ta khéo nhận thấy sự nhận biết nỗi vui buồn hay những cảm thọ khác, và thế là đủ.

Trích "Về Nguồn 4" - www.matthuongnhindoi.com

No comments: