Jan 22, 2011

BỨC TRANH THỨ TÁM “Nhân ngưu câu vong” (Người, trâu đều quên) - Thích Phước Tịnh

Bản thơ nguyên âm chữ Hán của ngài Quách Am:

Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không
Bích thiên liêu khoát tín nan thông
Hồng lô diễm thượng tranh dung tuyết
Đáo thử phương năng hợp tổ tông

Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:

Người trâu roi vọt chẳng còn,
Trời xanh bằng bặt tinh mòn mỏi tinh.
Lò hồng sạch dấu tuyết in,
Đến đây Phật tổ và mình không hai.

Có hai yếu tố để chúng ta đi vào nội dung của bức tranh này. Thứ nhất là thâm nhập qua lý giải. Thứ hai là thâm nhập qua hành. Đầu tiên nói về con đường lý giải, chúng ta nên ghi nhận rằng tánh Không là tinh thần chung của vạn pháp. Bản chất của bức tranh này đã nói lên điều ấy. Nền tảng của giáo lý Đạo Phật được đặt trên nền Không, ví dụ Vô Thường, Vô Ngã. Vì vậy người con Phật luôn phải học về Tánh Không đầu tiên, thể nhận bản chất năm uẩn vốn là Không.

Nếu dùng sơ đồ năm vòng tròn – tượng trưng cho năm uẩn, vòng tròn sắc uẩn nằm bên trong nhất, kế đến vòng tròn thọ uẩn, rồi vòng tròn tưởng uẩn, vòng tròn hành uẩn và cuối cùng là vòng tròn thức uẩn.

Qua sơ đồ này, chúng ta thấy giữa các vòng tròn bên trong có cái Không. Khi đi ngang quá trình phá vỡ năm uẩn, chúng ta sẽ thấy cái Không giữa năm vòng tròn và cái không nămg vòng tròn ấy đều giống nhau. Ví dụ một thiền đường được xây dựng, chia không gian ra thành hai: trong thiền đường và ngoài thiền đường. Khi thiền đường này không còn nữa, không gian bên trong và bên ngoài không khác gì nhau.

Từ ví dụ này, quay về năm uẩn, thấy tự Tánh Không của năm uẩn không khác gì của vạn hữu. Chỉ khác ở chỗ cái rỗng bên ngoài của không gian là cái rỗng vô tri, không có sự nhận biết. Ngược lại cái rỗng bên trong của chúng ta có sự nhận biết. Vì thế trong quá trình tu, chúng ta làm sao nhận ra được rằng trong sắc chất này, đầu tiên có cái Không của vật lý, kế đến có cái Không của tâm lý, và cuối cùng trong cái Không của tâm lý có năng lượng của sự giác ngộ, và khi chúng ta sống được năng lượng giác ngộ trong tâm Không của chúng ta, chúng ta đạt đến được sự viên mãn của vòng tròn này.

Trích "Về Nguồn 6" - www.matthuongnhindoi.com

No comments: