Jan 12, 2011

BỨC TRANH THỨ NĂM “MỤC NGƯU” (CHĂN TRÂU) - Thích Phước Tịnh



Bài thơ chữ Hán:

Tiên sách thời thời bất ly thân
Khủng y tung bộ nhập ai trần
Tương tương mục đắc thuần hoà giả
Cơ toả vô ức tự trục nhân

“Tiên” là roi, “sách” là dây. “Thời thời bất ly thân” là không lúc nào rời tay cả. “Khủng y túng bộ nhập ai trần” là chúng ta sợ con trâu rong ruổi vào chốn bụi trần. “Tương tương mục đắc thuần hoà giả” là chúng ta chăm sóc con trâu cho đến lúc nó thật là thuần. “Cơ toả vô ức tự trục nhân” nghĩa là khi ấy chúng ta không cần dung roi, dây nhưng trâu vẫn tự theo bên sau chúng ta.
Đại ý của bài thơ là chúng ta luôn phải cầm dây, dùng roi, coi chừng con trâu của tâm thức. Chúng ta chăm sóc như thế cho đến khi thân đi đâu, tâm theo đó; đi đứng nằm ngồi luôn có sự nhận biết. Khi ấy chúng ta – những người chăn trâu – mới thư thả.

Bài dịch của Tuệ Sỹ:
Dây roi mang sẵn kè kè.
Sợ mi tung gió theo bè trần ai.

Bao giờ thuần tánh hăng say,
Roi vàng vứt bỏ mà mày vẫn ngoan.


Nhìn vào bức tranh, chúng ta thấy chú mục đồng đi phía trước, trâu theo phía sau. Trâu không còn hung hăng, xổng chân chạy đâu cả. Trong giai đoạn thiền tập này, chúng ta tương đối ít nhiều thuần hoá được con trâu của chúng ta. Tuy nhiên, nếu không cầm roi, nắm dây, trâu vẫn đi lang thang ra chỗ khác.

Thí dụ khi chúng ta ngồi thiền, thỉnh thoảng “tâm” của chúng ta cũng “xổng chuồng” chạy đi chơi. Nhưng vì đã đạt đến trình độ khá trong tu tập, chúng ta dễ dàng kéo tâm trở về. Hoặc dù mình thả rong tâm thức, nhưng khi nghe tiếng chuông , chúng ta liền đem tâm về lại thân. Trong giai đoạn này, chúng ta biết cách chăn trâu - mục ngưu - khi thiền tập.

“Mục ngưu” chính là chăm sóc đời sống thân tâm của chúng ta. Nói cách khác, “mục ngưu” là làm thế nào mời sự thực tập đến với mình trong từng phút, từng giây qua bốn oai nghi của chúng ta. Nếu chưa làm được điều này, chúng ta lao xao đến đạo tràng này, đạo tràng nọ chỉ để có bạn hàn huyên, làm thành một tập thể đua chen trong lợi danh, hoặc làm cái đuôi của những vị Thầy.

Điều đầu tiên là làm sao chúng ta khởi phát được trong tâm thức niềm đam mê rất lớn. Điều kiện này làm thành bao nhiêu thành công trong nhân gian. Ví dụ một người nào đó không mê học, họ không thể học giỏi được. Một người không mê tiền, không thể thành nhà kinh doanh giỏi. Một nhà khoa học nếu không có niềm đam mê khoa học, không thể hoàn thành công trình nghiên cứu của mình. Trong các lãnh vực âm nhạc, hội hoạ, thi ca v.v.. lãnh vực nào cũng thế, luôn đòi hỏi sự đam mê lên đến tột cùng.

Điều thứ hai là sự kiên trì trong thực tập. Đức Thế Tôn dạy chúng ta tu mỗi ngày chuyên cần như ngày đầu mới tu. Sự tu tập giỏi nhất là sự tu tập đều, không bao giờ dừng. Do vậy sự kiên trì thực tập không hạn định. Ví dụ ngày Triều Châu – một thiền sư nổi tiếng ngày xưa ở Trung Hoa, Ngài ngộ đạo lúc 30 tuổi, đã biết được thế nào là tâm sinh diệt của mình. Thế mà vẫn tiếp tục đi tham vấn đạo tràng này, đạo tràng nọ, đến 30 năm sau ông mới cảm thấy tâm an. Vì thế công trình thực tập được đánh giá một đời người. Có nhiều người sau một đời vẫn chưa xong việc.

Điều thứ ba là biết rõ thực tập ngay nơi thân. Nếu không làm chủ được thân, chúng ta sẽ không làm chủ được cảm thọ, tâm hành – nằm sâu bên trong, khó nắm bắt. Bước những bước chân vô hồn, ăn một cách vội vã, nhìn ngắm bâng quơ. Như vậy, tâm chưa thật sự có mặt ngay nơi thân. Giờ nào cũng thực tập tu học, tức khắc chúng ta nếm được niềm hạnh phúc mà ở nhân gian, có tiền cũng không mua được. Đó là sự an bình, vững chãi nơi tự thân của chính ta.


Trích "Về Nguồn 3" - www.matthuongnhindoi.com

1 comment:

Hot... said...

Hi chi Ut,

Buon cuoi, em thay cai hinh cua buc tranh thu 5 nay that la de thuong. Chu muc dong co ve ngay ngo, "to ho" di truoc. Theo sau lung la mot chu trau mat may trong rat la lem linh, bam xi. Theo la di theo that do, nhung khong day la song chuong luc nao khong biet, cung nhu tam thuc minh vay (theo nhu loi giang cua thay Phuoc Tinh o duoi).

em Ha