Jan 16, 2011

BỨC TRANH THỨ BẢY “ VONG NGƯU TỒN NHÂN” (QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI) - Thích Phước Tịnh


Không có gì dễ dàng bằng việc tu và cũng không có gì khó bằng việc tu. Có những người bước vào sự thực tập rất nhẹ nhàng, để cho đời sống tu trôi như một dòng chảy rất dịu, nhưng cũng có người bước đi trên con đường tu cực nhọc, cay đắng, nắm tâm không được. Nếu dùng ngôn ngữ trong đạo Phật, gọi đó là tuỳ căn cơ, nếu dùng ngôn ngữ đời thường, gọi đó là nhiệt tình trong thiền tập.

Bản nguyên âm chữ Hán của ngài Quách Am:

Kỵ ngưu nhân dị đáo gia trung
Ngưu giả không hề nhân giả nhàn
Hồng nhựt tam can du tán mộng
Tiên thằng không độn thảo đường gian

“Kỵ ngưu nhân dị đáo gia trung” nghĩa là chú mục đồng đã cỡi trâu về đến nhà.

“Ngưu giả không hề nhân giả nhàn” nghĩa là bây giờ không còn trâu nữa. Chú mục đồng rất thảnh thơi. Pháp đối trị không còn nữa, chỉ còn duy nhất dòng chảy của sự tu tập mà thôi.

“Hồng nhựt tam can du tán mộng” nghĩa là mặt trời đã lên ba sào (khoảng tám giờ) nhưng chú mục đồng vẫn còn ngủ say sưa. Điều này chứng tỏ chú mục đồng rất an nhàn, không phải dụng công tu tập. Những buồn, giận của đời người không xâm phạm đời sống của chú được nữa.

“Tiên thằng không độn thảo đường gian” nghĩa là roi và dây không còn cần đến nữa.

Bản dịch tiếng Việt của thầy Tuệ Sỹ:
Cỡi trâu về đến quê xưa,
Lỏng tay thả quách, người vừa rảnh rang.

Trời cao nắng ấm, mộng vàng.
Dây roi chăn dắt có cần nữa đâu.

Có hai cách điều phục tâm: một là điều phục chậm theo trình tự, hai là điều phục nhanh, nhảy một bước thẳng vào vùng đất Như Lai, thể nhập liền với con trâu của chính ta mà không cần chăn dắt.

Cách điều phục Tâm chậm theo trình tự gồm ba việc. Việc tự đầu tiên chúng ta phải làm mọi việc chậm lại. Thứ hai làm chủ được từng động thái của thân. Thứ ba là dùng ánh sáng chánh niệm để soi sáng từng động dụng của thân hành. Khi thực tập đã thuần khiến tâm thức luôn ở lại với chúng ta, chúng ta có thể làm mọi việc ở tốc độ bình thường nhưng tâm vẫn an, không còn tình trạng làm việc này mà ý nghĩ ở xa. Tiến trình trên được gọi là điều phục theo trình tự. Nếu không bước vào trình tự này, chúng tao không làm được điều cạn nhất là làm chủ được ta.

Cách điều phục Tâm nhanh “một bước nhảy thẳng vào vùng đất Như Lai” có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất đòi hỏi chúng ta có chiều dài thực tập tâm rất thuần. Ví dụ Ngài Xá Lợi Phất chứng quả A La Hán ngay đạo sau khi nghe Lý Nhân Duyên của Đức Thế Tôn: “Cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt.” Trước khi đến với Đức Thế Tôn, Ngài Xá Lợi Phất đã là lãnh tụ của một giáo đoàn gồm 500 đệ tử. Do vậy, chỉ cần nghe một lời khi tâm đã thuần, tâm của Ngài liền bừng sáng. Trường hợp thứ hai đòi hỏi chúng ta phải có cơ duyên, ví dụ như cơ duyên cận kề với cái chết, nên chúng ta hoặc do đã từng thao thức muốn biết cái gì là không sinh bất diệt, sau đó do cơ duyên được nghe một lời kinh, tâm thức liền bừng sáng.

Cách chúng ta hiện đang thực tập thường theo trình tự. Các vị thánh La Hán ngày xưa thông minh như thế nhưng tu theo trình tự của Đức Thế Tôn dạy cũng phải mất nhiều năm. Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây là tại sao chúng ta phải theo trình tự trong khi cách thâm nhập thứ hai là nhảy vào một bước liền tan biến trong biển pháp thân của Như Lai. Câu trả lời là vì tâm thức chúng ta quá nhạy. Khi nghe một chuỗi âm thanh, tâm thức mình bị dắt dẫn, liền sinh khởi nhiều điều trong tâm. Do vậy chúng ta phải làm một việc là kéo giãn thời gian để đủ thì giờ nhận diện tâm thức. Ví dụ ta bước chậm để làm tốc độ của thân hành chậm lại, để chúng ta kiểm soát được tâm hành, nhận diện được cảm thọ ở sâu hơn.

Có hai pháp môn giúp ta dễ dàng bước vào hai con đường tu một chậm, một nhanh vừa nêu trên. Pháp môn thứ nhất là thanh lọc thân tâm bằng cách có một niềm tin vững chắc vào pháp môn tu. Pháp môn thanh lọc tâm thứ hai là lấy Tứ Niệm Xứ làm nền tảng căn bản cho những người con Phật thăm dò vào kho tàng chánh Pháp của Như Lai, chứng nghiệm được Niết Bàn ngay trên hình hài năm uẩn. Và Trong Tứ Niệm Xứ, niệm đầu tiên là Thân Hành Niệm rất quan trọng. Cách tinh yếu nhất là niệm hơi thở. Thân hành của chúng ta có lúc đi, lúc ngồi nhưng lúc nào chúng ta cũng thở cả. Người nào kiên trì theo dõi được hơi thở vào ra một cách cần mẫn, người ấy làm chủ được thân hành của họ. Mọi tật bệnh phát sinh từ hơi thở. Vì vậy khi thiền định sâu vào hơi thở, tâm yên bình, dẫn đến hơi thở yên.

Tóm lại, thanh lọc thân tâm là bước đầu, và cũng là bước rất quan trọng để chúng ta đi vào con đường tu tập. Mỗi ngày, chúng ta có vô số phương tiện để làm hình hài bên ngoài sạch sẽ, thơm tho. Bên trong, chúng ta cũng cần thanh lọc tâm để lòng của chúng ta đủ không gian, tươi mát, an bình. Tu tập được vậy, những tai ương hoạn hoạ cũng phải kiếm đường ra đi. Khi đời sống của chúng ta nhiều năng lượng lành, chúng ta chiêu cảm được những người bạn lành đến với mình.

Chúng ta vừa thấy hai con đường để thâm nhập Phật nơi chính mình, và có niềm tin rằng ta có năng lực cắt liền phiền não, khổ đau như người xưa. Chúng ta không nên triển hạn việc thực tập “mình nhìn chậu hoa, chậu hoa là vật bị nhìn, mình là người nhìn chậu hoa.” Làm được vậy, chúng ta làm chủ được đời mình, làm chủ được sự sống chết của mình.

Trích "Về Nguồn 5" - www.matthuongnhindoi.com

No comments: