Chưa đầy ba tháng sau khi giới thiệu bộ phim Mai tại thị trường Âu, Mỹ, công ty phát hành phim 3388 lại tổ chức buổi ra mắt giới thiệu một bộ phim Việt Nam mới với tựa đề Face Off 7: One Wish (Lật Mặt 7: Một Điều Ước). Đây là tập mới nhất của loạt phim dài nhất và thành công nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Phim được khởi chiếu quốc tế vào ngày 14/06/2024 tại hơn 12 quốc gia trên khắp 3 lục địa Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, trở thành bộ phim có suất chiếu quốc tế rộng nhất từ trước đến nay. Phim được viết kịch bản bởi Lý Hải, cũng chính là đạo diễn; nhà sản xuất là Minh Hà- Lý Hải Production; nhà phát hành độc quyền ở quốc tế là 3388 Films. Cả Lý Hải và Minh Hà đều có mặt trong buổi ra mắt tại Regal Irvine Spectrum Quận Cam vào tối 11 tháng 6.
Một số khán giả khi đọc tựa phim là Face Off nghĩ rằng sẽ xem một bộ phim hành động. Lâu nay, phim Việt Nam chủ yếu là phim võ thuật, hình sự, phiêu lưu, phim hài. Nhưng họ đã lầm, vì nội dung chính của Face Off 7 có liên quan đến văn hóa gia đình Việt Nam, một nội dung ít được khai thác trước đây. Nhưng với một nội dung không được trông đợi, phim lại cho khán giả nhiều điều bất ngờ, và là những bất ngờ thú vị.
Nhân vật chính là Bà Hai, một người mẹ góa chồng từ sớm, một mình tảo tần nuôi dạy năm đứa con từ thơ dại cho đến khôn lớn. Diễn viên Thanh Hiền có gương mặt gầy gò nhưng phúc hậu, với những nếp da nhăn, mái đầu bạc, là hình ảnh điển hình của Mẹ Việt Nam từ nhiều thập kỷ trong lĩnh vực điện ảnh, nhiếp ảnh. Cũng nhờ vậy mà nhiều khán giả thấy hình ảnh của mẹ mình, bà mình qua nhân vật Bà Hai, cảm thấy bị cuốn hút theo những vui buồn của bà trong suốt bộ phim.
Bà Hai không chỉ có ngoại hình đặc trưng của một bà mẹ quê Việt Nam, mà còn cả về tính cách. Bà là một người khiêm tốn, lúc nào cũng cảm ơn người khác, và luôn nhận phần lỗi về mình. Nước mắt chảy xuôi, bà lo cho con cháu cả gần lẫn xa, nhưng không bao giờ đòi hỏi ở các con điều gì. Bà là một người nhân ái, thường giúp đỡ người khác cho dù mình nghèo khó. Cũng chính vì sự rộng lượng ngay cả với một cô du khách trẻ nhà giàu từ Sài Gòn đến du lịch ở con suối trước nhà bà ở Huyện Lạc Dương, bà bất ngờ có được sự giúp đỡ của cô gái này nhân dịp xuống Sài Gòn, từ đó giúp người con út làm thợ xây dựng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, phá sản do vi phạm luật xây dựng. Một triết lý “ở hiền gặp lành” rất đặc trưng trong văn hóa Việt.
Khán giả xem phim không chỉ thấy hình ảnh người Mẹ Việt Nam quen thuộc qua Bà Hai, mà còn thấy những bi kịch của gia đình bà ở nhiều gia đình Việt Nam khác. Một điểm thành công của bộ phim là đặt ra những vấn đề rất chung của nhiều gia đình Việt ngày hôm nay, không chỉ ở trong nước mà cả ở hải ngoại. Bà sống với người con gái thứ nhì, Ba Lành, ở ngoại ô Đà Lạt, trong khi bốn người con khác phải đi lập nghiệp ở các tỉnh thành khắp ba miền. Ai cũng bận bịu sinh nhai, chăm sóc gia đình, chẳng mấy khi về thăm mẹ, ngay cả khi mẹ bị té gãy chân. Rồi gia cảnh còn thêm khó khăn khi con gái của Ba Lành bị bệnh phải nằm nhà thương trên tỉnh, cô không thể vừa chăm mẹ, vừa lo cho con, nên đành phải dùng video call họp gia đình, kêu gọi anh chị em tìm giải pháp phụ giúp chăm mẹ. Ban đầu ai cũng đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhưng rồi một giải pháp buộc mọi người phải chấp nhận, đó là phải luân phiên chăm sóc mẹ tại nhà của mình. Hình như đó cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình Việt ở Mỹ trong cuộc sống sấp ngửa, bon chen, đầy áp lực…
Bà Hai đầu tiên được đón ra sống với người con trai lớn, Hai Khôn, ở Hà Nội. Ở đó, bà lại chứng kiến bi kịch của gia đình con trai, bố mẹ chịu nhiều áp lực khi phải lo kiếm tiền chi trả cho các tiện nghi vật chất, nhưng lại thiếu thì giờ cho con cái đang ở tuổi thành niên. Bố mẹ luôn kỳ vọng các con phải học thật giỏi, nhưng không quan tâm đến việc con mới lớn có mơ ước gì. Đến lúc con cái làm điều sai trái, cha mẹ chỉ biết trách mắng. Không có kết nối truyền thông giữa cha mẹ và con cái, không có tình thương, căn nhà không phải là một mái ấm gia đình. Trong những năm qua ở Quận Cam, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức về những vấn đề tương tự dành cho gia đình gốc Việt. Một vài học sinh trung học gốc Việt đã phải tìm đến cái chết vì không có được sự cảm thông của cha mẹ thể vượt qua những áp lực ngoài xã hội.
Vào cuối phim, khi nhận ra hoàn cảnh khó khăn của từng gia đình 5 người con, Bà Hai tự tìm đến một viện dưỡng lão để không trở thành gánh nặng cho con cái. Đó có phải là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình gốc Việt ở Mỹ? Và có bao nhiêu cha mẹ Việt Nam cảm thấy hài lòng với việc sống ở viện dưỡng lão vào giai đoạn cuối đời như Bà Hai?
Bộ phim rồi cũng kết thúc có hậu, khá logic, không quá phi thực tế. Ban đầu Bà Hai được các con miễn cưỡng đưa về chăm sóc. Nhưng đến với gia đình nào, bà dần trở thành niềm hạnh phúc của gia đình đó. Bà bắt nhịp cầu thương yêu trở lại giữa các thế hệ. Bà giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn của từng gia đình. Sau khi đã sống một vòng với tất cả các con, bà trở về nhà, nhưng cả năm người con đều sẵn sàng đón mẹ về sống với gia đình mình trở lại. Khi bà quyết định vào sống tại một viện dưỡng lão, dấu tông tích để cho các con không thể tìm ra, cả bốn người con đều trở về căn nhà thơ ấu để cùng tìm kiếm mẹ. Căn nhà trở thành nơi đoàn tụ của đại gia đình trong dịp Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, đúng như niềm mơ ước từ lâu của bà.
Thêm một điểm đáng khen nữa của Face Off 7: ngoài việc phác họa thành công về văn hóa gia đình Việt, phim còn giới thiệu một số thành phố ở ba miền một cách khá sống động, chân thực, gần gũi. Khán giả theo Bà Hai ra bắc viếng Hà Nội, về miền Trung hưởng gió biển Ninh Thuận, lên cao nguyên thăm rẫy cà phê Bảo Lộc, về Sài Gòn nghe phố xá ồn ào. Có một số phim Việt Nam khi quay cảnh tại các địa phương lại cố tình làm cho chúng đẹp hơn thực tế. Thí dụ như dựng những cảnh về vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại quá màu sắc, tươm tất, hoàn toàn không đúng với cái đẹp mộc mạc, giản dị của sông nước Miền Nam. Ngoài ra, phim còn cho khán giả có một khái niệm tổng quát nhưng khá thực tế về sinh hoạt của người Việt trong một số ngành nghề tiêu biểu trong xã hội. Hai Khôn là một lãnh đạo trong doanh nghiệp, Tư Hậu là một ngư dân, vợ chồng Năm Thảo đi làm công trên nương rẫy, Sáu Tâm làm công nhân xây dựng. Quả là một bộ phim có nhiều điều để những khán giả hải ngoại cần chú ý nếu muốn tìm hiểu về đời sống ở Việt Nam hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, cũng giống như nhiều phim Việt Nam hiện nay, Face Off 7: One Wish rất đáng khen trong kỹ thuật quay, góc quay, ánh sáng… Những ngôn ngữ điện ảnh này được sử dụng ít mang tính khoa trương, mà giúp tăng hiệu ứng của những thông điệp phim gởi đến khán giả. Kịch bản mạch lạc, hợp lý, không cần quá cường điệu hóa nhưng vẫn thu hút được khán giả đến phần kết.
Nếu cần nêu lên “những điều có thể làm tốt hơn” trong dàn dựng, Face Off 7 vẫn hơi bị “tham lam”, cố nhét nhiều thứ không cần thiết vào phim. Thí dụ như phần cuối có thể kết thúc ngắn gọn hơn, ngay ở đoạn các con tìm được Bà Hai ở viện dưỡng lão, kết thúc ngay cảnh đó là đủ và đẹp, không cần đoạn kế tiếp đưa bà về nhà mới. Và phim cũng nên để cho khán giả không gian để tưởng tượng, suy nghĩ thêm về những điều không được diễn trên màn ảnh. Dẫn dắt trong mọi chi tiết có thể làm khán giả mất đi cảm xúc của riêng mình đối với bộ phim.
Nhưng đó chỉ là những khuyết điểm nhỏ. Một số khán giả sau khi xem Face Off 7: One Wish phát biểu rằng phim đã làm cho họ thực sự rơi nước mắt, đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Đã lâu rồi mới được xem một bộ phim Việt Nam chủ đề tâm lý xã hội mang lại nhiều điều để suy gẫm sau khi ra về như vậy. Một khán giả khác cho rằng nếu chọn một bộ phim Việt gần đây để giới thiệu ra nước ngoài, phim Lật Mặt 7: Một Điều Ước xứng đáng được chọn, vì phim phần nào mang tính chất, con người và văn hóa Việt.
Phim kết thúc với tình tiết đứa cháu nội tìm ra viện dưỡng lão nơi Bà Hai sinh sống nhờ hình ảnh vườn hoa bất tử tại nơi này trên mạng xã hội. Bà Hai cả đời yêu hoa bất tử, một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt ngày xưa, nhưng nay ít có người ưa chuộng. Phải chăng loài hoa bất tử của Bà Hai chính là tình mẫu tử, tình thương yêu gia đình, vốn là những nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam? Bộ phim Face Off 7: One Wish như đem lại một tín hiệu tốt lành rằng trong một xã hội Việt Nam ngày nay đang có quá nhiều điều nhiễu nhương, những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam vẫn còn có chỗ để tồn tại…
Doãn Hưng
No comments:
Post a Comment