Jul 12, 2024

KỂ CHUYỆN MA TRONG CHUYẾN DU LỊCH MÙA HÈ 2024 TẠI BẮC IRELAND - Anh Quân

Anh Quốc nổi tiếng với chuyện ma và những địa điểm có ma ám. Vương quốc sương mù có nhiều lâu đài cổ kính, các quán trọ cổ xưa, nằm ở những điểm lịch sử chiến trường chém giết, nay trở thành điểm du lịch. Các câu chuyện ma rất phổ biến rộng rãi ở truyền thống văn hoá Anh.

Khi nghe chuyện ma, mỗi cá nhân có phản ứng khác nhau. Có người sẽ nói chuyện vớ vẩn, làm gì có ma! Có người vừa nghe vừa sợ vì tin có ma. Có người nửa tin, nửa ngờ, vì được nghe chuyện ma nhưng chưa bao giờ thấy. Sau đây là câu chuyện ma mà chính nhóm chúng tôi chứng kiến trong một chuyến đi du lịch mùa hè năm 2024 vừa qua.

Nhóm chúng tôi gồm sáu người. Bốn người bạn thân từ Mỹ sang chơi, còn tôi và thằng con trai ở Anh làm tài xế và người hướng dẫn du lịch. Sau một tuần viếng thăm xứ Scotland, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Belfast Bắc Ireland, lái xe đi thăm viếng khu vực nổi tiếng “Ghềnh Đá Đĩa Giant’s Causeway”. Chúng tôi thăm khu di sản thế giới, rồi lái xe về đến khách sạn khoảng 11:30 tối vào ngày 15 tháng 6 2024. Khách sạn có tên là Dobbins Inn, do bạn Linh đặt từ Mỹ. Linh nhớ lúc đặt phòng, trên internet có nói khách sạn này có ma, nhưng không để ý.

Khi ở quầy lễ tân nhận chìa khoá phòng, bạn Khanh bắt đầu có cảm giác lạnh người. Quán trọ dùng ánh đèn vàng loe lét nên không khí càng ảm đạm. Phía sau quầy tiếp tân là một bộ đồ giáp chiến binh vào khoảng 500-600 năm trước, càng làm cho Khanh tăng thêm sự bất an. 

Khanh và Linh ở cùng phòng. Khi vào phòng, như thường lệ, Khanh mở phone để xem tin nhắn, lúc đó mới giật bắn người khi đọc một loạt ba tin nhắn bằng tiếng Anh của chính mình, gởi đi vào lúc chiều, cho một người quen tên Vân ở Dallas. Cả ngày đi chơi, Khanh để phone trên xe, đâu có nhắn tin cho ai! Nguyên văn tin nhắn như trong tấm hình chụp màn hình phone dưới đây: 

chuyện ma - tin nhắn của Khanh

Ba tin nhắn đều viết bằng tiếng Anh. Điều khó hiểu là vì Khanh khi viết tin nhắn cho bạn Việt luôn luôn dùng tiếng Việt. Mà cách hành văn cũng không phải là thứ Anh ngữ Khanh thường sử dụng. 

Điều khó hiểu kế tiếp là Khanh vẫn chỉ gọi địa danh này là “Ghềnh Đá Đĩa”, chứ không biết đến cái tên chính xác của nó “Giant’s Causway”. Làm sao Khanh có thể viết được trong tin nhắn chi tiết này?

Thêm nữa, không có lý do gì Khanh nhắn tin cho Vân, một người quen ít liên lạc. Nếu có nhắn tin thì người đầu tiên Khanh liên lạc là con trai mình ở Virginia. 

Khanh càng thêm sợ…

Vì quên lấy password cho Wifi, Linh gọi xuống phòng tiếp tân thì không ai bắt máy. Thế là Linh và Khanh cùng đi xuống lễ tân để hỏi. Cả hai đều lấy làm lạ khi nhìn thấy nhân viên đứng ngay ở quầy, nhưng lại không bắt điện thoại. 

Khanh và Linh đi đến phòng của Hương & chị Khánh, hai người cùng đi trong đoàn để báo password Wifi. Theo bảng chỉ dẫn số phòng, Khanh rẽ phải, mở một cánh cửa ở hành lang. Bất thình lình, một sức mạnh vô hình giáng vào đầu Khanh, làm cho Khanh mất thăng bằng, đập mạnh vào cánh cửa làm nó mở tung, rồi theo đà đập mặt vào một cửa phòng cạnh cửa hành lang. Tiếng đập rất to. Linh đi ngay sau lưng Khanh như chết điếng khi nhìn thấy bạn té khuỵ xuống, bị choáng váng. Linh chưa kịp có phản xạ gì, thì Hương từ trong phòng nghe tiếng ồn mở cửa ra, chạy đến đỡ Khanh dậy. 

Khanh và Linh quay lại phòng để xem các thương tích trên mặt. Khuôn mặt Khanh bị xưng từ trán xuống phía bên má. Gò má bị trầy xước và một cục u bầm tím như hạt đậu phía đuối mắt trái. Lúc này, Khanh biết là mình bị ma phá. Mà chắc không phải là ma thường, có thể là quỷ. Vì chỉ có quỷ mới có thể tạo ra lực mạnh như vậy đuợc!

Khanh bắt đầu một tay ôm vết thương, miệng niệm “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”. Sau 15 phút niệm, vết xưng trên mặt giảm đi, cảm giác sợ hãi bắt đầu tan biến.

Khanh bị ma phá trực tiếp bằng sức mạnh vô hình. Còn tôi gặp những điều cũng rất khó lý giải cho hợp lý. Tôi là dân chụp ảnh, cho nên trong những chuyến đi xa có những thứ không bao giờ quên mang: hai cái máy chụp hình, hai ống kính, 10 cục pin, hai cái ổ sạc pin , 20 cái thẻ nhớ. Chúng là các “vật bất ly thân”. 

Đêm chót ở ngôi làng khu vực khách sạn, Carrickfergus, tôi đi chụp một số ảnh. Sau khi chụp được một lô hình, tôi về khách sạn, chuyển tất cả hình ảnh từ thẻ nhớ qua ổ cứng. Lúc đó đã hơn 1 giờ đêm, tôi đi ngủ, máy labtop vẫn để trên bàn, cùng với túi đựng 20 cái thẻ nhớ. Sáng dậy dọn dẹp mọi thứ theo một cách tự nhiên vào túi xách, chắc chắn trên bàn không còn một thứ gì cả. Tôi còn để £5 trên bàn để tip cho người dọn phòng. Nhưng khi đến địa điểm thăm viếng kế tiếp là thành phố Dublin, vào khách sạn tôi không tìm thấy túi thẻ nhớ. Tìm hết trong túi xách và túi máy ảnh mà không thấy gì hết. Tôi vô cùng bực mình, vì đây là “vật bất ly thân” của dân chụp hình! Cả ngày tôi lái xe từ Belfast đến Dublin không hề đụng tới máy ảnh. Tôi liên lạc lại với khách sạn Dobbins Inn nhờ nhân viên tìm thử. Họ trả lời không có gì quên hết! 

Sau khi chuyến đi kết thúc, tôi vào internet để tìm hiểu thông tin, thì mới biết khách sạn tôi ở nổi tiếng là có ma!  

Carrickfergus là một ngôi làng nhỏ, cách thành phố Belfast 10 dặm. Vào thế kỷ 17 có một câu chuyện tình kết thúc bi thảm, nay trở thành một câu truyện truyền thuyết về người phụ nữ Elizabeth Dobblin (còn có tên gọi là Maud). Chồng của bà là Hugh Dobblin, thuộc một gia đình giàu có và nổi tiếng tại Carrickfergus. Gia đình ông có một ngôi nhà to lớn được xây cất từ thế kỷ 13, sau đó chuyển thành quán trọ, vừa làm nơi ở vừa là nơi kinh doanh. Đó chính là khách sạn Dobbins Inn.

Lâu đài Carrickfergus. Ảnh: Anh Quân

Chuyện ma lâu đài Carrickfergus

Chuyện kể bà Elizabeth Dobblin đã ngoại tình với người lính trẻ đẹp trai đóng quân tại lâu đài Carrickfergus, từ Dobbins Inn đi bộ hơn 5 phút là tới lâu đài. Khi người chồng phát hiện ra sự phản bội của vợ đã nổi cơn thịnh nộ, giết chết cả vợ và tình nhân bằng thanh kiếm của mình. Có người kể với chi tiết khác là Hugh bóp cổ vợ, và giết gã tình nhân bằng kiếm. Nhưng tất cả người trong làng đều nói mối tình này kết thúc trong bạo lực bi thảm. 

Sau khi bà Elizabeth bị giết, linh hồn của bà không được siêu thoát, luôn ám quán trọ này. Qua nhiều năm, khách và nhân viên kể lại một số hiện tượng huyền bí tại khách sạn như sau: 

-         Bóng Ma: Nhiều người nói thấy bóng hình một phụ nữ mặc trang phục cổ điển đi lại trong hành lang và các phòng của khách sạn.

-         Điểm Lạnh: Những điểm lạnh không giải thích được thường được cảm nhận, thường ở cùng những khu vực nơi có những lần nhìn thấy ma.

-         Tiếng Ồn Không Giải Thích: Những tiếng động lạ như tiếng bước chân, tiếng thì thầm và tiếng đập vang lên mà không có nguồn gốc rõ ràng.

-         Cảm Giác Bị Chạm: Một số người báo cáo cảm giác bị chạm vào mặt, hoặc bị đẩy khi không có ai ở xung quanh.

-         Đồ Vật Di Chuyển: Đôi khi các đồ vật tự di chuyển, hoặc được tìm thấy ở những nơi không phải được đặt.

Trước khi tôi viết lại câu chuyện ma này, tôi có liên lạc đến khách sạn, tường thật mọi chuyện xảy ra. Tôi có yêu cầu nhân viên quản lý xác nhận là quán trọ có linh hồn chưa siêu thoát của bà Elizabeth không? Cho đến này họ vẫn giữ im lặng. 

Giờ đây, đã trở về nhà, vượt qua nỗi sợ, chúng tôi lại thấy chuyến đi của mình trở nên trọn vẹn hơn. Đi du lịch ở Anh mà chưa gặp ma thì có thể xem như vẫn còn thiếu sót…

Anh Quân 

No comments: