Jul 14, 2024

PHỞ ĐỨC TỤNG - ông ngoại Tú Mỡ

 Cô Doãn Thị Mỹ chép nhặt.

Thơ của Cụ Tú Mỡ

Năm 1947, nhà thơ Tú Mỡ đi công tác. Ông cùng người dẫn đường đến Bắc Giang, bụng đói mà trong túi không còn một cắc. Nhà thơ bước vào quán và nói muốn tặng một bài thơ về phở, nếu chủ quán thấy được thì chì xin 2 bát phở, nếu chê dở thì thôi! Chủ quán bất ngờ trước đề nghị của khách, lại thấy cũng là nên gật đầu. Tú Mỡ lấy bút ra chép, chữ hiện loang loáng trên giấy và chưa đầy 10 phút, bài thơ đã xong, nhà thơ hắng giọng đọc cho chủ quán và khách nghe. Nghe xong, chủ quán phục tài vái Tú Mỡ mấy vái rồi sai gia nhân dọn phở mời hai người và cũng không quên xin bài thơ để dán lên cửa. Thực ra đó là bài “Phở đức tụng” ông sáng tác từ năm 1933.

Trong các món ăn quân tử vị
Phở là quà đáng quý nhất trên đời
Một vài xu đâu đắt đỏ mấy mươi
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ
Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước sao nhánh mỡ
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên
Nước mắm hồ tiêu cùng dấm ớt điểm
Khói nghi ngút đưa lên điếc mũi
Như xúc động tới ruột gan, bàn phổi
Như dục khơi cái đói của gan tì
Dẫu sơn hào hải vị không bì
Xơi một bát thường chưa thích miệng
Kẻ phú quý cho tới người bần tiện
Hỏi ai đã nếm chẳng ưa
Thầy thông thầy phán đi sớm về trưa
Điểm tâm phở ngon ơ và chắc dạ
Cánh thợ thuyền làm ăn vất vả
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn
Khách làng thơ đêm thức viết văn
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí
Bọn đào kép con nhà ca kĩ
Lấy phở làm đầu vị giải lao
Chúng chị em tối mận sớm đào
Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc
Phở là đại bổ, tất bằng mười thuốc bắc
Quế phụ sâm nhung chưa chắc đã hơn
Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch…
Anh em lao động, đồng tiền không rúc ríc
Coi phở là môn thuốc ích vô song
Các bậc vương tôn thưởng chả phượng nem
Chưa chén phở, vẫn còn không đủ món
Chớ khinh phở là đồ ăn hèn mọn
Đấu xảo thành Ba Lê còn phải đón phở sang
Cùng các cao lương vạn quốc phô trương
Ngon lại rẻ, thường tranh quán giải
Sống trên đời phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay ắt phải cũng kèm
Ai ơi! Nếm thử kẻo thèm…

Ngọc Tiến sưu tầm, in trong khảo cứu “Đi ngang Hà Nội – Đi dọc Hà Nội




No comments: