Jan 9, 2020

TÔI LÁI XE VÀ NHỮNG MẨU CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG - CÂU CHUYỆN VỀ UBER VÙNG MIỀN VÀ SẮC TỘC


Trong câu chuyện với P. phần trên, tôi đã đại khái đưa ra một tỷ lệ chung về thành phần các riders đang thường xuyên sử dụng dịch vụ Uber. Xin được nhắc lại, đây hoàn toàn là nhận định riêng và tầm đi lại trong các khu vực dân cư được giới hạn với bán kính khoảng bảy mươi dặm nếu như chọn thành phố Huntington Beach làm trung tâm, nơi mà gia đình tôi đang sinh sống hiện nay.

Ở tỉ lệ 80% riders Latino thì phần lớn là người Mexico. Thiểu số còn là người Peru, Guatamela, Costa Rica, Ecuador, Bolivia… Để ý sâu thêm chút nữa, chúng ta rất dễ nhận thấy sự khác biệt (cả về hình dáng lẫn tính tình) của hai loại người Mễ Tây Cơ: Người miền nam, gốc gác thuần chủng, có mầu da nâu thẫm, tóc đen, dáng người thấp đậm, cục mịch, thô ráp nhưng tính tình vô cùng mộc mạc, hồn hậu… họ khỏe lắm và là nguồn cung cấp lao-động-chân-tay vô tận cho đất nước Hoa Kỳ. Người miền bắc, do giòng máu được pha trộn với dân Tây Ban Nha, nên to cao và có nước da sáng hơn. Các Latina nữ có khuôn mặt đẹp, phần lớn sở hữu một cơ thể mập-mạp, mũm-mĩm và mầu tóc thường là nâu hạt dẻ hoặc vàng blonde. Qua những kinh nghiệm tiếp xúc của tôi thì dân miền bắc không dễ gần chút nào. Họ, đặc biệt là những người nữ, tính tình thường kiêu ngạo, hung hăng (aggressive) thể hiện khá rõ trong giao tiếp ngoài xã hội, thậm chí trong cả cái cách lái xe ngoài đường của các cô ả này nữa!

Trở về với tỷ lệ 20% số riders còn lại thì hai nhóm dân Mỹ trắng và gốc Châu Phi chiếm đại đa số. Lý do chính họ phải sử dụng Uber là vì: cư dân tại địa phương thì cần được đưa đón ở các phi trường; cư dân từ những tiểu bang khác đến Nam-Cali để làm việc; làm ăn hoặc sinh sống ở các khu đô thị quá chật chội như thành phố Los Angeles nên việc tự di chuyển lấy sẽ nhiêu khê, tốn kém trong chuyện tìm kiếm bãi đậu xe; một số riders nữa thì cần đi ăn nhậu vào các dịp cưới hỏi hoặc weekend; rồi thì xe cộ hỏng hóc cần sửa chữa, và sau cùng là đám thanh thiếu niên đi học và người già thì đi gặp bác sĩ…

Hầu hết người Mỹ Phi Châu đang tập trung sinh sống ở thành phố Long Beach, quanh hai khu vực Downtown và East Los Angeles. Thật tình là tôi rất ngại đi kiếm cơm ở mấy chỗ nói trên vì đường xá và mật độ giao thông quá tệ! Bản tính con người sinh sống ở đây cũng hay cau có, bẳn gắt do phải chịu quá nhiều áp lực trong chuyện giờ giấc, đi lại… Ít có dịp đi chung, nên tôi cũng không có được câu chuyện đặc sắc nào để kể về nhóm riders này. Có chăng đi nữa, là ấn tượng về cái cách phát âm tiếng Anh lên xuống rất đặc trưng của họ: rổn rảng, đầy rẫy những tiếng lóng khó hiểu! Theo tôi, nhóm riders gốc Phi Châu thuộc loại bình dị và dễ gần.

Với người Mỹ trắng, thì phần lớn các cuốc xe sẽ đi về những khu dân cư vắng vẻ, biệt lập và ít bị pha trộn hơn với các sắc tộc khác. Dân khá tiền thì lên ở hẳn tận trên núi hoặc xuống sát gần biển. Giàu có hơn nữa thì họ sống trong các khu biệt thự kín cổng cao tường. Vốn dĩ làm nghề trang trí nội thất nên tôi để ý rằng: nhà cửa, vườn tược của người Mỹ trắng dù già trẻ hay giàu nghèo, đều luôn tươm tất và được bài trí khá thẩm mỹ. Các vị khách hàng này hài lòng lắm mỗi khi được tôi khen là nhà cửa hoặc khu dân cư của quí vị đẹp quá!

Thế họ có kỳ thị các sắc tộc da màu khác hay không? Có đấy nhưng kín kẽ nên khó có thể nhận ra được.

Các riders trắng của tôi (đặc biệt người lớn tuổi, giới trung niên, dân kinh doanh) bao giờ cũng lịch sự một cách máy móc, chừng mực với một khoảng cách nhất định. Những câu chào hỏi khi bước lên xe, trao đổi trong chuyến đi hoặc tạm biệt đều nằm trong một khuôn mẫu rõ rệt. Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp hoàn toàn ngược lại khi tôi được tiếp xúc với một số riders làm việc trong ngành giáo dục, tại các tổ chức từ thiện, hành nghề bác sĩ, y tá hoặc giới sinh viên học sinh… họ dễ thương và nói chuyện cởi mở hơn nhiều. Một điểm đáng chú ý nữa, là nhóm này thường đọc khá cẩn thận tất cả các thông tin có liên quan đến đám tài xế Uber qua phần mềm của Uber-App. Họ quan tâm chẳng sót thứ gì: gốc gác sắc tộc, thời gian hành nghề, đã thực hiện được bao nhiêu chuyến đi, những nhận xét khen chê và bảng đánh giá thang điểm (từ 1 đến 5 sao) của các riders đi trước và danh hiệu là gì (Diamond, Gold hay Silver Driver)?

Còn những câu chuyện phiếm trên đường thì sao? Với một rider nam cao niên thường là chuyện chính trị, ở nữ cao niên là vấn đề sức khỏe, thời tiết; Nhóm riders sồn sồn thì thích xoay quanh đề tài gia đình, thể thao và đám trẻ là chuyện học hành, tán tỉnh, hút hít…

Tôi vẫn còn nhớ cuốc xe với ông Sam, một người đàn ông tuổi ngoài 80, cựu quân nhân ở Việt Nam và là dân Cộng Hòa thứ thiệt. Chỉ sau vài câu thăm hỏi máy móc thường lệ, Sam hỏi ngay: “Hey, Vinh. Mày thuộc đảng phái nào vậy?” Tôi nhã nhặn trả lời, vốn dĩ không rành rẽ lắm về chuyện chính trường ở Hoa Kỳ nên tôi vẫn chưa quyết định tham gia vào một đảng phái nào hết. Thế là gần như Sam gào lên từ đằng sau lưng tôi: “Nè, làm ơn đừng bầu-bán gì cho đám Dân Chủ nhe!” và trong suốt hành trình còn lại, ông ta liên tục kể tội, rồi thuyết giảng cho tôi nghe về sự yếu kém của chính phủ tiền nhiệm thời Barack Obama với đủ mọi vấn đề: thâm thủng ngân sách, yếu kém trong chính sách ngoại giao…

Trong một chuyến đi khác với Alex, một rider trung niên thuộc giới lao động, bình dân. Anh ta luôn miệng than phiền: “Trời đất, ở đâu ra mà lắm dân ăn xin, dân vô gia cư, người tâm thần quá vậy? Ông thấy đó, họ đứng khắp các góc đường, các lối exit từ trên freeway đổ xuống có đèn giao thông… cái đất nước Hoa Kỳ giầu mạnh bây giờ nó như thế nào ấy nhỉ?”. Thật tình là tôi chỉ ậm-ừ cho qua chuyện nhưng rất đồng tình với nhận định trên của người rider. Vùng Nam-Cali trong vài năm gần đây, tràn ngập những con người homeless như thế. Nghe nói đâu, một phần họ đổ xuống từ Los Angeles do chính quyền thành phố giải tán các khu dân cư tạm bợ ở trên đó, phần khác là do có một số người đang sử dụng chiêu-thức này như một nghề để kiếm sống. Họ đông thật! đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi sắc tộc và xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Trước đây, chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy vài trường hợp như vậy (phần lớn là người Mỹ gốc Phi Châu hoặc dân bị mắc căn bệnh thần kinh), nhưng bây giờ thì hình ảnh một người phụ nữ da trắng hay một tay thanh niên to lớn đi ăn xin ngoài phố đã trở nên quá quen thuộc với các cư dân địa phương. Alex hẳn phải là dân thuộc đảng Dân Chủ, anh ta đã không ngần ngại bầy tỏ chính kiến của mình qua lời ta-thán: “F… Trump! He tweets a lot but does nothing…”

Có một điều khá lý thú khác là tôi nhận thấy thế-hệ-trẻ-trung-lưu Mỹ trắng bây giờ có vẻ thích đông con cái. Họ thường huyên thuyên không dứt chuyện về những đứa con yêu của mình. Quan niệm về gia đình của họ đã thay đổi rồi chăng? Với cặp riders Brad &Megan là 3, cặp John & Daisy dừng ở con số 4, còn cặp Roy & Kay thì đang chờ đứa bé thứ ba sắp chào đời.

Trong một cuốc xe chở cặp vợ chồng trẻ Roy và Kay đến một shelter thú vật để họ làm thủ tục nhận nuôi một chú chó; Cô vợ với cái bụng to đùng, vui vẻ giải thích rằng: tụi này luôn đem về nhà một con thú cưng nào đó mỗi dịp có một đứa con sắp ra đời để tụi nó cùng lớn lên với nhau; Mèo cho bé gái và chó của thằng bé trai. Tôi đã bật cười với câu chuyện ngộ nghĩnh của Kay và liên tưởng ngay đến hình ảnh quen thuộc thường bắt gặp vào buổi sáng ở các khu cư dân Mỹ trắng: các đôi vợ chồng trẻ trong bộ quần áo thể thao, chạy bộ quanh con phố với cái xe nôi em bé phía trước cùng vài chú chó lớn nhỏ tung tăng theo sau. Một hình ảnh hoàn toàn tương phản lại với những gia đình lao động gốc Latino, cũng là chiếc xe nôi phía trước nhưng phía sau lại là một bầy trẻ nheo nhóc cùng độ tuổi.

Bây giờ thì câu chuyện sẽ chuyển sang các nhóm riders sắc tộc còn lại:

Dân-Ta ít sử dụng Uber lắm. Họa hoằn mới kiếm được dăm ba chuyến ngắn đi chợ, đến trường, quanh quẩn ngay trung tâm cộng đồng người Việt-Hải-Ngoại tại thành phố Westminster và Garden Grove. Thỉnh thoảng mới gặp vài riders Việt Kiều từ các tiểu bang khác đến Cali làm việc hoặc lẻ tẻ một ít các du khách bên quê nhà sang Mỹ thăm bà con, họ hàng.

Cư dân Mỹ gốc Đại Hàn khá đông, sống tập trung ở thành phố Irvine. Họ có đủ mọi thứ dành riêng cho cộng đồng sắc tộc của mình: chợ thực phẩm, nhà hàng ăn uống, các trung tâm giáo dục chuyên biệt, nhà thờ Tin Lành… Thế nhưng cũng không thấy họ sử dụng Uber nhiều, ngoại trừ trường hợp của các du học sinh đến từ xứ sở “kim chi” mà tôi sẽ đề cập tới đây.

Riders gốc Ấn Độ lại càng hiếm hoi hơn, dù rằng trong thời gian gần đây, họ vẫn tiếp tục ồ ạt đến Hoa Kỳ qua các diện visa kinh doanh hoặc visa làm việc do có trình độ tay nghề cao ở lãnh vực IT. Họ sống tràn lan ở các apartments cho thuê với giá rẻ, gần với những khu vực văn phòng, nhà xưởng tại thành phố Irvine để có thể thuận tiện đi bộ đến sở làm. Những chuyến đi với nhóm riders này luôn phải nêm chặt người cho đáng đồng tiền bát gạo!

Cá nhân tôi có được duy nhất một chuyến xe với hai phụ nữ Mỹ gốc Arabian với chiếc khăn trùm đầu Hijab truyền thống. Trong câu chuyện trên đường với nhau, tôi được biết họ và gia đình đến Mỹ qua một chương trình “Xổ số Di dân” đặc biệt, được chính phủ Hoa Kỳ áp dụng riêng cho một số ít quốc gia trên thế giới.

Có một cộng đồng nhỏ người Cam-Bốt và Lào đang định cư ở thành phố Long Beach nhưng tiếc là vẫn chưa có dịp đi chung với các riders nào thuộc sắc tộc này. Riêng đối với người Thái Lan và Phi Luật Tân thì tôi gặp gỡ khá nhiều, đặc biệt là các Filipino riders. Điểm khác biệt lớn của người dân Mỹ gốc Phi so với các cư dân Á Đông khác là họ không sống tập trung với nhau mà lại tản mạn ở khắp các thành phố của vùng Nam-Cali. Việc làm chính của các Filipina là y tá, care-giver chuyên chăm sóc người già, bệnh tật. Có một điều lý thú là tôi luôn bị nhóm Riders này tưởng nhầm là người Phi Luật Tân, có lẽ là do cặp mắt to và một làn da luôn ngăm đen của mình chăng? Những cuốc xe của tôi với người Thái, người Phi luôn diễn ra dễ chịu vì bản chất của họ dễ thương thật sự!

Cuối cùng, không thể không kể đến một nhóm riders đầy tiềm năng nữa là các du học sinh người Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và tuyệt đại đa số khác đến từ China Mainland hay có thể gọi vắn tắt là Trung Cộng. Tất cả các thanh niên nam nữ này đều đang theo học ở UCI danh tiếng (University of California, Irvine) hoặc theo hệ cao đẳng tại College of Irvine. Tôi chỉ có thể phân biệt được sắc tộc của họ qua cái tên mà thôi, còn mặt mũi bên ngoài thì hoàn toàn như nhau: Ding-Ding hoặc Cheng-Cheng gì đó là Trung Cộng, kèm thêm một cái tên rất Mỹ ở phía trước là dân Đài Loan, Seo-Yeon hoặc Ji-Ho là phải đến từ Hàn Quốc và Akiko, Hoshi, Kagam là các Riders người Nhật. Các cuốc xe dọc ngang theo mùa học với những sinh viên này thường có tần số khá cao nhưng chỉ ở cự ly ngắn, quanh quẩn từ các khu campus đến các khối nhà có lớp học hoặc các khu ăn uống, ngân hàng, siêu thị mua sắm thông dụng như Target, Walmart, CVS... cách đó không quá xa.

Thêm một chút nhận định nữa:

Người Mỹ trắng hoặc đen thường cân nhắc chuyện tiền tip đúng với nguyên tắc tỉ lệ % và đúng với chất lượng dài ngắn của chuyến đi.

Người Mỹ vàng gốc Ấn Độ không bao giờ cho tip và thường tỏ ra không thân thiện lắm với đám dân nhập cư đến từ vùng Đông Nam Á.

Những người Mỹ vàng khác như Thái, Phi, Hàn, Nhật cũng tạm được. Chỉ có dân mình là tương đối hậu hĩnh với nhau nhất, có lẽ họ thấy thương cảm cho người đồng hương?

Gracia Mucho! Thương nhất vẫn là các Riders Mỹ Nâu cục mịch, bình dân đang hiện diện khắp mọi miền của bang California. Họ nghèo nhưng hào sảng, dù chỉ với một đồng tiền Tips. Tôi đã từng cảm động đến rơi nước mắt với hai trường hợp của Juanito (dân rửa xe) và Jose (làm việc tại một cửa hàng McDonald’s) vào những ngày cuối năm 2018. Họ lặng lẽ để lại sau lưng tôi năm đô-la “tiền uống soda”, dù rằng trước đó tôi đã cám ơn nhưng cương quyết trả lại và từ chối với lý do: “Thu nhập của các bạn chỉ chừng mực như vậy làm sao tôi dám nhận cho được!”

Doãn Quốc Vinh

(còn tiếp) 

No comments: