Jan 9, 2020

TÔI LÁI XE VÀ NHỮNG MẨU CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG - CÂU CHUYỆN VỀ CỤ BÀ AD.


Tôi yêu thích công việc hiện nay của mình!

Không nhàm chán, vì hôm nay sẽ là những khuôn mặt mới, trên một lộ trình mới…không giống như ngày hôm qua và cả những ngày sắp đến.

Không ràng buộc, vì thích thì online đi làm, không thích thì tắt máy về nhà… ung dung, tự tại như cánh chim trời.

Công việc chạy Uber cũng giúp cho khả năng tiếng Anh của tôi tiến bộ lên nhiều (phải mở ngoặc để giải thích là nó không trở nên “tử tế” hơn mà “đúng” hơn theo cách đối thoại nhanh gọn, không cầu kỳ hoa mỹ của người Mỹ). Sau gần hai năm hành nghề, tôi bây giờ có thể vừa thoải mái lái xe, vừa nghe, rồi tán dóc lưu loát với các riders của mình và cũng chính nhờ vào những câu chuyện trên-trời-dưới-biển như vậy mà tôi dần dà hiểu ra nhiều thứ ở đây hơn.

Công việc chạy Uber thật ra chỉ vừa đủ sống, không dư giả gì hết. Tài xế phải tự chi trả mọi thứ: xe cộ rồi điện thoại di động là của mình, đóng thuế thu nhập hằng năm, bảo hiểm, xăng nhớt, sửa chữa, bảo trì… Thu nhập từ một cuốc đi sẽ là 30% của Uber và 70% còn lại mới thuộc về người lái xe. Vài ba năm trước thì tình hình có khá hơn nhưng cho đến đầu năm 2019, khi bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán và phần khác là muốn cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành nghề, Uber đã hạ thấp mức chi trả cho tài xế xuống 25% (tính cho mỗi dặm đường) và tồi tệ hơn nữa, lại rơi đúng vào thời điểm giá xăng tăng lên gần gấp đôi ở riêng tiểu bang California.

Tôi đã kể chuyện cho cụ bà Ad. như vậy trong một chuyến xe Uber-Assist, một loại dịch vụ đặc biệt dành cho người già, người khuyết tật…

“Oh, my Goodness, như thế chẳng phải là tội phạm hay sao chứ? Thế ông có đủ sống hay không?” người khách hàng lớn tuổi của tôi chau mày thốt lên như thế. Tôi bật cười, vì bà xài từ criminal thay cho greedy, rồi đáp lại: “Quả là như vậy đó thưa bà. Chẳng dành dụm được gì cả…  nhưng thiệt tình là tôi đâu có sự chọn lựa khác nên cứ phải tiếp tục công việc của mình thôi”. Đã thế tôi còn ta-thán thêm một chút cho vui chuyện: “You know, my kids are now waiting for foods on the dinner table at home!”. Vị khách thở dài, xem chừng có vẻ thương cảm lắm cho đám tài xế Uber.

Cụ bà Ad. là một người Mỹ gốc Ba Lan nên dáng người nhỏ nhắn. Ở cái tuổi tám mươi tám như thế thì bà vẫn còn quá đẹp! Tóc bạc trắng ánh kim, khuôn mặt thanh lịch, cặp mặt sáng, giọng nói nhẹ nhàng…Ad. có nét đẹp nền-nã của một phụ nữ xuất thân từ tầng lớp nhiều tiền-của nhưng trí thức. Như hầu hết những người Mỹ cao niên khác, bà hiện đang sống một mình tại một khu dưỡng lão sang trọng, kín cổng cao tường ở Signal Hills Park.

Bà tâm sự với vẻ đượm buồn: “Thời gian trôi nhanh thật chứ! Thấm thoát mà đã gần sáu năm rồi kể từ ngày tôi dọn về đây. Trước đó thì tôi và Al. (tên của người chồng) sinh sống trong một khu cư dân lâu đời ở thành phố Costa Mesa. Căn nhà cổ kính của chúng tôi thật xinh xắn, thật thanh bình dưới những tàn cây cổ thụ xanh rì chạy dọc theo hai bên đường. Và rồi ông nhà tôi đột ngột qua đời, người con trai phải chạy theo công ăn việc làm nên dọn nhà lên hẳn phía Bắc- Cali, cô con gái út thì lấy chồng phương xa… kể từ đó cũng chẳng còn người thân ruột thịt nào sống bên cạnh mình nữa”. Cụ bà Ad. im lặng một chút rồi nói tiếp: “À, thật ra thì tôi còn có một đứa con trai nữa đấy, nhưng tiếc là nó mất quá sớm trong cuộc chiến tranh vùng vịnh tại Iraq vào năm 2003. Ít lâu sau khi Alan qua đời, tôi quyết định bán đi ngôi nhà với bao nhiêu kỷ niệm của gia đình để về ở hẳn tại khu dưỡng lão Rose Garden Residence cho cuộc sống đỡ buồn. Ông cũng thấy đó… dù gì đi nữa, tôi sẽ có được những người bạn già khác cùng cảnh ngộ, chẳng phải bận tâm gì về những bữa ăn hàng ngày, rồi cả một hệ thống y tế ở ngay đó để chăm sóc cho bản thân, thay vì phải phiền hà đến những đứa con đang quá bận bịu với cuộc sống riêng của mình.”

Chuyến xe hôm đó của tôi và cụ bà Ad. sẽ đi đến khuôn viên nghĩa trang Good Shepherd để bà đặt những bó hoa thật đẹp lên ngôi mộ của chồng và người con trai vắn số. Thời tiết lúc này đã là cuối thu, những tia nắng đầu ngày trở nên ẩm ướt, vàng hoe trên những sườn đồi và từng đàn ngỗng trời cũng đã bắt đầu chuyến hành trình xa xôi về phương nam… Ad. thở dài: “Hôm nay đã là ngày giỗ thứ bảy của ông nhà tôi rồi đó.”

Bà tiếp tục câu chuyện của mình: “Nói cho ngay thì lũ con cái của tôi cũng hiếu thảo lắm. Chúng vẫn điện thoại đều đặn mỗi cuối tuần để thăm hỏi và có dịp là bay ngay đến để ôm chặt tôi vào lòng. Thằng con trai thì luôn miệng thuyết phục tôi nên dọn lên thành phố Sacramento để mẹ con được sống gần gũi với nhau. Thế nhưng, nào có gì khác biệt đâu? Khoảng cách dù có thu hẹp thêm một chút, tôi vẫn phải ở trong một trung tâm dưỡng lão nào đó để mọi chuyện được thuận lợi hơn cho tuổi già và cho cả những người thân của mình nữa. Vả lại, thú thật với ông, tôi không đành lòng bỏ lại phía sau nơi yên nghỉ của chồng con mình. Thiếu tôi thì ai sẽ chăm sóc cho những ngôi mộ đó đây?”
“Well, It’s just a life!” bà chép miệng, kết thúc câu chuyện của mình.

Gần như một thông lệ hằng năm của cụ bà Ad., sau khi rời nghĩa trang để quay về với vùng núi đồi Signal Hills, tôi cũng như các tài xế Uber trước đây luôn được yêu cầu chạy xe đến ngôi nhà ngày xưa của gia đình bà. Chỉ cần đi ngang để nhìn thoáng qua… thế thôi!

Lặng lẽ quan sát từ chiếc kính chiếu hậu trước mặt, tôi nhận thấy trên khuôn mặt lịch lãm ấy là cả một sự tiếc thương vô vàn nhưng vẫn trầm tĩnh đến lạ thường!

Vâng, Ad. ơi! Bà có biết đâu là tôi đến đây từ một nơi xa tít bên kia bờ đại dương, nơi mà giá trị Tam Đại Đồng Đường trong mọi gia đình Á Đông luôn được giữ gìn với tất cả sự trân quí nhất, ấy thế mà tôi phải đành lòng chứng kiến sự ra đi của người Mẹ mình ở ngay trên giường bệnh tại một khu nursing home bên Houston-Texas.

Bà mẹ thương yêu của tôi đã như thế.  Cụ bà Ad. rồi cũng sẽ như thế… mà biết đâu đấy, những ngày cuối đời của tôi cũng không thể là một ngoại lệ khác đi được?

Doãn Quốc Vinh

(còn tiếp)

No comments: