Apr 4, 2016

3. TÁM VỊ BỒ TÁT - HƯNG GÀN - Ngô Thùy




Tôi đã nói vòng vo cái gì không hiểu, chỉ để cố miêu tả cái gắng gỏi miệt mài trong cá tính của Hưng.  Hưng được ban cho một thiên khiếu về âm nhạc.  Nhưng không tự bằng lòng chỉ ở cái gọi là “thiên khiếu”, Hưng luôn luôn đi lên, tìm những thế giới còn đóng cửa ở phía trước.  Không phải đó chỉ là những cánh cửa khép hờ.  Nhưng bằng nhiều cách Hưng đã mở cho mình các thế giới ấy.  Càng đi sâu vào thế giới âm nhạc phức tạp huyền ảo, Hưng càng viết ra được những nốt nhạc giản dị hơn.  Điều này tất nhiên không có gì nghịch lý.  Bởi vì có ai dám bảo những bức danh mặc đời Đường chỉ gồm mấy nét chấm phá là thô thiển?  Hai bản nhạc gần đây nhất của Hưng, viết trong hai năm nay, đều có vẻ đơn giản và mang một vể buồn sáng láng.  Tại sao buồn mà sáng láng?  Tôi không giải thích được.  George Sand đã từng làm F. Chopin nổi sùng lên khi cố miêu tả những nét nhạc của ông ta.  Tôi không thích làm Hưng gàn nổi sùng như vậy.  Tôi chỉ muốn nói lên những cảm xúc riêng khi nghe những dòng nhạc của Hưng.  Đó là những nỗi buồn làm cho con người ta cảm thấy yêu đời hơn, khi người viết được bộc bạch và người nghe được chia xẻ nó.  Mâu thuẫn một cách kỳ quái:  Nhưng có gì đâu.  Nỗi buồn được gửi gấm vào bản nhạc một cách cẩn trọng.  Hưng đã viết mỗi bài nhạc mất cả năm trời, và khi khai sinh cho nó đã hết sức sung sướng tìm thấy sự đồng điệu ở những người bạn thân thiết nhất của mình.  Mỗi một nốt nhạc đơn giản xuất hiện trên dòng nhạc của Hưng, chính lại là kẻ sống sót cuối cùng sau khi biết bao nhiêu nốt nhạc khác ít đơn giản hơn đã bị xóa bỏ đi.  Giản dị, nhưng thể hiện tất cả. Có vẻ lại mâu thuẫn nữa!  Nhưng tôi có phải giải thích rằng, đặt đúng chỗ của nó, một nốt nhạc đơn giản sẽ trở nên một âm thanh khó tả.  Nó sẽ đi một mạch vào trái tim, tự định nghĩa một cách đầy đủ bằng chính cam xúc của người nghe. Nói như vậy cũng như là chưa nói gì cả.  Ngôn ngữ bất lực trong việc đưa dẫn kẻ khác đến cùng một tác phẩm mà mình đang yêu thích và chiêm nghiệm.  Nếu đó là một người đồng điệu, chỉ cần im lặng đưa họ đến nghe bản nhạc của Hưng là đầy đủ hơn mọi lời giới thiệu, dẫn dắt lắm rồi.

Hưng có lần nó với tôi: “Em viết nhạc khó hơn viết văn.  Bởi vì viết nhạc là phải nghĩ tới người sẽ hát nó lên và phải làm sao cho thích hợp với cả người đó nữa.  Còn viết văn, em coi đó là cách để tự luyện tập.  Em vẫn tập viết văn rất nhiều, nhưng em không có ý định đưa cho ai đọc, vì đó chỉ là bài tập của em thôi.  Nhưng tôi cho rằng không hẳn như vậy.  Viết văn cũng càng phải nghĩ đến người sẽ đọc mình.  Tôi đã từng được đọc những đoản tác giá trị của Hưng.  Và tôi hiểu rõ cách làm việc cẩn trọng ấy.  Với đức nhẫn nại, thận trọng, Hưng vẫn đang mài giũa ngòi bút đến khi nó già dặn và chín chắn hơn rồi mới đem tác phẩm của mình ra chia sẻ cùng người khác.  Điều này là một tương phản rõ rệt giữa tôi và Hưng.  Tôi như dòng thác cuồng lũ, ồ ạt buông mình xuống và chay xiết ra suối, ra sông, ra biển rồi mất tắch trong đại dương bao la, không còn dấu vết nào khác hơn là những vọng âm cuồng nhiệt trong không gian.  Còn Hưng, im lặng như hạt lúa nẩy mầm trong đất, lặng lẽ lớn lên, lặng lẽ đâm bông rồi trĩu hạt.  Một hạt lúa của Hưng đã sinh sôi nẩy nở cho trăm hạt.  Cuột đời được lời lãi quá chừng!

(còn tiếp) 

No comments: