Apr 4, 2016

3. TÁM VỊ BỒ TÁT - HƯNG GÀN - Ngô Thùy



HƯNG GÀN

Đây là một chương viết bắt tôi phải dừng lại để suy nghĩ.  Như trên tôi đã nói: “Tôi bước chân vào thế giới ấy một cách tự nhiên và đơn giản”.  Bây giờ suy nghĩ lại, tôi thấy đó là một nhận xét hời hợt.  Sự niềm nở ân cần dành cho chúng tôi trong lần gặp đầu tiên chỉ có giá trị như một thói quen hiếu khách đầy lịch sự.  Nó sẽ chẳng tỏ rõ được con người thật của mình.  Điều bất lợi trớ trêu (mà cũng thật tức cười) của chúng tôi, là chúng tôi đã bước vào nhà với cái nhãn hiệu “bạn của Thái”.  Thật tội nghiệp cho chàng Thái đẹp trai và (có vẻ) mủ mỉ hiền lành ấy.  Bởi vì trước chúng tôi và trước khi bác tôi trở về, hầu như tất cả bạn bè của Thái đều được gia đình đóng cho cái dấu to tổ bố trước trán: “Ăn-Chơi-Nhảm nhí”.  Của đáng tội, con dấu đó đã được chứng thực bởi chị Thanh, vị quan tòa nghiêm khắc nhất nhà.  Những buổi họp mặt lấy cớ là sinh nhật người bạn này, cô bạn nọ của Thái, bao giờ cũng kết thúc bằng một màn dance lả lướt kéo dài quá nửa đêm.  Và cuối cùng nó đã kết thúc thật.  Vào một đêm tương tư, giữa lúc các bậc trai tài gái sắc đang dìu nhau trong phòng, thì từ trên lầu đi xuống “một nữ hung thần đằng đằng sát khí, uy phong lẫm liệt, quát to một tiếng, tức thì cả bọn yêu tinh liền biếnt mất (hoặc chạy mất không biết nữa), và biến mất luôn cho tới nay, nếu có trở lại cũng dưới dạng khác dễ coi hơn.  Đó là giai thoại có thật về chị Thanh ra tay trừ tà.

Thật tai hại cho tôi vì mãi sau này tôi mới biết được những chuyện đó.  Mà cũng thật may, vì không biết những định kiến ấy nên tôi mới đã xuất hiện thật tự tin và chân thực ở nhà bác tôi.  Tôi chỉ hơi lấy làm ngộ nghĩnh cho cái thái độ ban đầu của Hưng, mà sau này chúng gọi là Hưng gàn.  À thì ra anh chàng này theo thuyết Chính Danh.  Cái máu đạo đức (dù giả?!) trong Hưng nó đòi hỏi Hưng phải xác định được kẻ đứng trước mình như thế nào rồi mới cho phép Hưng tỏ ra thân thiện với kẻ đó.  Và chúng tôi đã can đảm chịu đựng sự thử thách đó một cách dễ chịu, vì chỉ có “năm mươi giây” thôi là Hưng và chúng tôi đã hoàn toàn thông cảm, tới nỗi bây giờ Hưng đã trở thành tri kỷ của nhà tôi rồi.  Và cái thuyết Chính Danh ấy (xin lỗi Đức Khổng Trọng Phụ) về sau này cũng đã bị “nụ cười hàm tiếu” đánh bạt đi mất tiêu rồi.  Chúng ta sẽ trở lại với câu nói khó hiểu này ở đoạn nói về giai đoạn “Thiền đạo tu tập nhập môn” của Hưng. Còn bây giờ tôi muốn được giới thiệu với bạn đôi chút về Hưng gàn của chúng tôi.

Đến nhà bác tôi, nếu may mắn, bạn sẽ được gặp ở cái bàn kê sát cửa sổ, một anh chàng tóc vừa xoăn vừa rối, mắt to, mặt nhạn, môi cong lên như cây cung sắp bật, đang thừ ra trước chồng sách nói về những hữu thể đáng yêu như gang thép nickel sắt đồng chì thiếc kẽm vàng bạc bạch kim vân vân … Chắc bạn cho rằng anh chàng kỹ sư luyện kim trẻ măng này đang nát óc tìm con đường đi đến một hợp kim mới toanh chăng?  Không đâu.  Anh chàng này đang bận tâm đến quá trình loại bỏ quặng bẩn.  Mà nan giải thật, biết lấy chất xúc tác nào, đun ở độ nóng nào … để mà tách rời được chất cặn bã trong óc của loài tôm thời đại đây?  Có gì bảo đảm rằng sau khi lấy cặn bẩn ra thì trong đầu chúng còn lại được tí óc iếc nào để mà suy nghĩ không – khó thật. 

Đã bảo rằng không rồi kia mà, từ cái giai thoại dân gian về sự tích con tôm có bộ tiêu hóa ở trên đầu xa lắc xa lơ tận thưở nào … Vì vậy tôi cho rằng Hưng đã hoài công hy vọng một sự cải hóa hòa bình kiểu đó.  Nhưng nói về hoài bão “cải hóa loài tôm” nghe nó có vẻ như Hưng đang định chuyển sang ngành sinh vật học hay Hải dương học quá nhỉ?  Thế mà thực ra anh chàng đang mơ ước đi vào “Nhân bản học” đó các bạn à, nếu thực sự trên đời này có được điều kiện ắt có và đủ để người ta theo đuổi khoa học tinh tế và vi diệu ấy. 888

Cái nghề luyện kim của Hưng gàn thoạt nghĩ thì có vẻ chẳng ăn nhập gì tới những nốt nhạc tuyệt diệu mà Hưng đã, đang và sẽ bỏ ra cả đời để tìm kiếm và hội ngộ.  Nhưng khi chúng ta chịu khó nhìn kỹ tinh thần và phương châm của Hưng trong cả hai lãnh vực: nghề nghiệp và nghệ thuật, thì sẽ rút ra được cái đẹp “mẫu số chung”.  Đó là sự gạn đục khơi trong, sự chắt lọc tinh tế, sự nâng niu kết quả cuối cùng như một micro vàng tìm thấy trong một kilogramme quặng bẩn.  Con người sẽ tuyệt vời là hạnh phúc khi dùng cái rìu con bổ mãi một trái núi, điến khi nó thành một trái đồi, một tảng đá, rồi sau chót là ánh sáng mong manh của một viện ngọc quý.  Đâu có phải hắn sung sướng vì được sơ hữu một vật báu.  Đem bán viện ngọc đi đã chắc gì đền bù lại được số cơm gạo hắn đã ăn suốt cả đời để lấy sức mà đi bửa cả trái núi đồ sộ kia.  Cái mà hắn đã có được là vô giá: đó là sự thành đạt của con đường trác luyện.  Con người với tất cả cái hỗn hợp vật chất cấu thành của nó, xin lỗi vô cùng tất cả đồng loại, kể cả chính tôi, thật sự dơ bẩn chẳng thua gì một đống rác.  Một vị tu sĩ đồng thời là một nhà khoa học đã phân tích đại khái như sau: Giá trị thân xác của một con người tính ra không được đến vài đô la.  Số nước trong người hắn không đủ để vò sạch một chiếc khăn.  Số sắt trong người hắn đúc lại được độ hai ngón tay. Tro thiêu từ xác chết của hắn chẳng đủ bón một gốc cây.  Còn nói chi tới những chất cặn bã trong hắn!  Có lẽ chúng còn hôi thối hơn cả một bãi rác.  Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở cái bảng phân tích mang đầy tính chất duy chật bán khai ấy, thì e rằng tất cả chúng ta đều sẽ nhìn nhau khinh miệt, đồng thời tự ghê tởm mình.  Con người tồn tại và ngự trị giữa muôn loài là nở ở một giá trị khác: Tự ý thức cái giá trị vật chất “Năm mươi xu” của mình và mải miết đi tìm giữa cái nhục thân đen tối ấy ánh sáng long lanh của một viện ngọc bích nào đó đang tiềm ẩn.  Cuộc hành trình sẽ đắng cay, nghiệt ngã … nhưng chắc chắn không cô độc, nếu thự sự đi vào một khung cửa hẹp (Porte étroit - A. Gide.  Trên tinh thần Thiên Chúa Giáo, con người công chính thường chọn đi vào khung cửa hẹp, chọn sự hy sinh đau khổ vì đồng loại). Con đường gai góc mở ra từ khung cửa hẹp ấy sẽ mài giũa giúp ta những chỗ thừa mà con người không đủ can đảm đục bỏ lấy.  Cửa đã hẹp, đường đến đích lại càng hẹp, nhưng vẫn cảm biết thật gần đâu đây hơi thở của người bạn đồng hành đang sưởi ấm, đang an ử.  Người đồng hành dó chính là Ngài, Thượng Đế!  Ngài đã chẳng ném con mình đơn độc vào nơi tăm tối bơ vơ, mà chính ngài đang song hành với ta, đưa ta đi đến đích của con đường rất hẹp, hẹp đến độ cuối cùng nó đã nuốt chửng luôn lấy cả nhục thân ê chề của chúng ta.  Nhưng bù lại, nó đã nhả vào không gian mênh mông một vì sao long lanh; trong cõi vĩnh hằng đó, tia sáng vì sao mời gọi chúng ta, những kẻ còn chưa kịp lên đường. 

(Còn tiếp) 

No comments: