Jul 22, 2007

The piano : tales told by three generation - by Doan Khoa

Đền Đô – Ảnh: Đoàn Khoa


Cánh tay nối dài

Chị D. quyết khoe với tôi “nhà” của chị ở Lille, thành phố phía bắc nước Pháp, gần biên giới với Bỉ. Đó là ngôi biệt thự lộng lẫy nằm trong khu quý tộc, có trong tấm ảnh quảng cáo của thành phố, mà theo chị – không đến, tức là mất đi nhiều thứ trên đời.

Tôi chưa kịp ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi nhà độc đáo này thì chị D. la hoảng vì quên bấm code khóa cửa sau hai tháng bỏ hoang.

Thay vì giới thiệu những sự hoành tráng của ngôi nhà, chị D. hớt hơ hớt hải, đi qua, đi lại, chạy lên, chạy xuống xem có mất thứ gì không… “có mất gì thì mình cũng không nhớ!” chị thở sau một hồi tá hỏa tam tinh.

Tôi cũng hoảng và cũng thở theo chị. Tôi trở ra cổng lại để chị D. có thể giới thiệu từ đầu.

Chị mê đồ cổ và mang về những thứ từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng chị thích những đồ gỗ thời Minh (Trung Quốc) hơn, theo chị mỹ thuật thời này đẹp, sắc sảo mà không cầu kỳ và lòe loẹt như những thời kỳ khác. Một cái tủ thuốc bắc lớn với chi chít những ô ngăn kéo vuông vức được đặt ngay lối vào nhà làm tôi thán phục bởi vật dụng bình thường này được đặt vào vị trí trên sao mà trang nhã và sang trọng thế.

Bây giờ mọi thứ trong nhà đều được bật sáng, một thứ ánh sáng vàng thật dễ chịu và ấm áp, những món đồ quý được rọi bằng những nguồn sáng tinh tế, được dấu kín như thể bản thân chúng tỏa sáng. Tôi thấy trên chiếc bàn cổ, một bó vỏ quế khô nhỏ được cột bằng một sợi dây đai, đặt trong một cái dĩa đá thô thật đẹp, cạnh đó, một bức tượng nhỏ cũng bằng đá, tạc một nhân ngư đầu người mình cá theo kiểu Tàu … “500 năm rồi đó em”… chị hờ hững.

Để vào phòng tắm, chúng tôi đi qua một lối hẹp hình cong, hai bên là những tủ đựng quần áo được giấu kín bởi những cánh cửa gỗ tinh tế, chỗ này quá lạnh bởi sàn được lót bằng đá cẩm thạch. Chị D. vội bật công tắc hệ thống sưởi đặt dưới nền đá … “Trời! Muốn đi toilet, phải chờ 15 phút cho đá ấm!” Tôi không dám nói điều này ra, sợ chị phật ý.

Chúng tôi ra khu vườn sau nhà, đó là một bãi cỏ mênh mông tiếp giáp với một sân golf chung với những ngôi nhà quý tộc “hàng xóm”. Sau 2 tháng bỏ hoang, cỏ đã cao qua mắc cá chân, chị D. lại thở dài “không dám mướn người cắt cỏ, sợ nó biết mình lâu lâu mới về nhà này thì nguy!”

D. lôi ra chiếc xe cắt cỏ như chiếc máy cày thu nhỏ, chị điều khiển nó thật điệu nghệ y như chị lái xe chở tôi đi từ Paris về đây, tôi phụ chị gom mớ cỏ vừa cắt vào những bao lớn… công việc xem đơn giản này, nhưng khi làm cũng bở hơi tai, … dù mệt, bây giờ chúng tôi mới thực sự thấy thoải mái…

Sau khi phờ người vì cắt cỏ, chúng tôi vào nhà bếp, chị lúi húi nấu đồ ăn, chúng tôi nhắc bao kỷ niệm hồi ở Việt Nam, những buổi cắm hoa, những cuộc hát hò … thời đó rất nghèo vậy mà đứa nào cũng cười toe toét.

Chúng tôi nhắc đến V. – “Giá mà nó ở đây!” chị D. ao ước.

Tôi khoe với chị rằng trước khi qua Pháp, tôi có giúp V. biên tập và trình bày một bộ sưu tập gồm tất cả những bức tranh của con cháu được gom từ mọi nơi trên thế giới, sau đó anh huy động những người lớn trong dòng họ viết về những đứa trẻ này.

“Giá mà chị thấy được công trình này của tụi em…”

“Tụi bay làm là đẹp rồi, tao biết chắc!”… chị nhớ đến không khí “văn nghệ” của tụi này ở Việt Nam“Ở đây, mỗi khi thấy cái gì hay, cái gì đẹp, tao cũng nghĩ đến mày và thằng V., hai đứa tụi bây đều làm được những trò ngoạn mục…”

Tôi cũng thèm có V. ở đây, để thấy được những cái hay ho ở xứ sở này.

Chị thân với V. và gia đình anh nhiều hơn tôi, nhưng nhờ làm cuốn sưu tập tranh mới kể, tôi biết một chuyện mà chị lại chưa, chuyện như sau:

Bà nội của V. là người đàn bà ngược xuôi buôn bán và làm nghề nhuộm giấy để nuôi gia đình, vậy mà bà quyết định táo bạo bán mấy trăm thiên giấy nhuộm để lấy tiền sắm một chiếc piano cho người con trưởng.

Chuyện này đã không “bình thường” ở những năm nay, càng không bình thường ở những năm 40 của thế kỷ trước.

“Cả làng kéo nhau ra xem bà nội tui về với chiếc piano” – V. kể một cách rạng ngời, đầy tự hào.

Bà không biết đàn, cũng không giỏi chữ, vậy mà can đảm biệt tặng con mình chiếc đàn kỳ diệu ấy chỉ vì câu nói của cậu con trưởng:

“Đẻ nên mua, bởi âm nhạc làm cho người ta hướng thiện!”

Bà nghĩ, con mình sẽ truyền cho các em của nó một tinh thần tốt một tấm lòng nhân hậu và một nền tảng văn hóa…

Đình Bản – Ảnh: Đoàn Khoa


…Sau này, đúng vào những ngày khó khăn nhất về kinh tế của những năm 75,76, cũng gia đình ấy, họ lại sắm một chiếc piano trong sự ngạc nhiên tột cùng của hàng xóm:

“Ăn không đủ, lấy đâu ra mà đàn với hát!”

“Đây là cơ hội duy nhất để có một chiếc piano với giá quá rẻ, vì người ta đang bán đổ bán tháo, nếu không mua lúc này, đừng hòng có dịp nào tậu nổi nó!”

Riêng tôi, tự đáy lòng, tôi khâm phục họ không chỉ bởi ý nghĩ táo bạo có từ thời bà nội, mà còn là ý thức xây dựng một nền tảng văn hóa để truyền lại cho đời sau… Tôi bỗng thèm được sự phong lưu ấy của họ biết bao.

“Tập tranh đó tên gì?” – chị D. cắt ngang

“Cánh tay nối dài”

Tôi cảm thấy chị đang ở đâu đó, vượt ra ngoài cái sân golf mênh mông…

Gặp lại chị D. ở Saigon, mặc dù giả dạng thường dân, nhưng chị vẫn chảnh!

Chị khoe: “Tao bán bớt căn nhà ở Lille rồi, chỉ giữ lại căn ở Normandie thôi”

“Sao uổng vậy?” – Tôi tròn mắt hỏi chị.

“Uổng cái gì! Thoát nợ thì có, … tụi bay nghĩ coi, hai căn nhà tao cách nhau 400 cây số, đi từ nhà này tới nhà kia là hết cả ngày, nhiều lúc giữa đường chợt hoang mang, mình khóa cửa chưa?... Thế là phải vòng lại, như một con điên… Có bữa tao dừng xe giữa đường và khóc nức nở, sao mình cực quá! … Nhưng không sao, nhà ở Normandi đẹp hơn nhiều, một lâu đài thực sự, có rừng, có suối… tụi bay qua tao cho tụi bay đi săn..” – chị hề hề cười.

Tôi chợt buồn cười, hóa ra lời “hăm” của chị lần trước là đúng, không đến căn nhà ở Lille, sẽ chẳng bao giờ thấy nó, biết nó …. Và ….chị vẫn như xưa, về lại Saigon là bắt tụi này dẫn đi ăn đủ thứ.

“Hủ tíu cá, chịu hông?” – tôi hỏi

“Ừa, dzuyệt! Cái tiệm Tàu đó có bánh pa-tê-sô ngon hơn bên Tây!”

Đoàn Khoa

Chùa Thầy – Ảnh: Đoàn Khoa

No comments: