Jun 20, 2021

TRỘM NHÌN NHAU - Doãn Cẩm Liên




Sáng nay nghe tin tức chương trình Chào Bình Minh ngày thứ Bảy. Giữa chương trình có phần đố nhạc, họ đưa lên bài Trộm Nhìn Nhau của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Nghe bài nhạc này tôi thấy rung động ít nhiều. Không chỉ vì giọng ca nhẹ như bông của cô ca sĩ Hà Thanh thì phải, mà còn ca lời cũng đánh thức tôi nữa. Trời ơi, sao ông Trầm lại có những ý tưởng như vầy… “Đôi khi em trộm nhìn anh, xem đôi tay rắn phong trần năm xưa…”. Sao lại trộm nhìn người ngay bên cạnh mình? Vì sao? Người bên cạnh là của mình thì mình có quyền nhìn thẳng và nhìn sâu chớ sao lại nhìn trộm? 

Vậy mà… có nhìn đâu, nhờ bài hát nhắc nhở thì mới có nhìn lại. Có phải đôi khi trong cuộc sống có người quên mất nửa kia của mình vẫn đang hiện diện và hiện hữu bên cạnh mình. Tôi là người đó đó. Thú thật thỉnh thoảng tôi có quên khuấy chàng ta, quên mất chàng là nửa kia của tôi. Bài hát kéo tôi lại và tôi nhìn lại. Nương theo lời hát, tôi “trộm nhìn” anh xã của mình, nhưng không nhìn đôi tay rắn mà nhìn lại khuôn mặt của chàng. Mấy chục năm trôi qua, người đi bên cạnh, nằm bên cạnh, ngồi bên cạnh mà quên không nhìn, cho dù nhìn trộm. Vì cho rằng hướng nhìn thì thường nhìn thẳng, nhìn ra, nhìn tới, nhìn vào tương lai, ít khi nhìn ngược lại. Bây giờ thì phải tập nhìn lại, tôi ơi.

Nhìn thấy gì? 

Không ngạc nhiên và không hốt hoảng, tôi thấy chàng tóc đã bạc hoa râm, da nổi đồi mồi, gân tay nổi vằn vện, có chiều xấu trai đi! Tuổi già mà. Đồng hành thời gian là dấu ấn chân chim của thời gian đọng trên mặt. Giải mã dấu ấn này tôi thấy có sự thương yêu, có giận hờn, có hãnh diện tự hào, có hưng phấn nóng nảy, có cay đắng thất bại, có thỏa mãn thành công. 

Chàng tạm gọi là ngoan. Vì chàng có ý chí học hành cầu tiến, trong công việc có đam mê cống hiến, thành công hoặc thất bại gặp phải cũng không làm suy suyển bước đi của chàng. Tạm gọi là ngoan trừ những khi không ngoan. 

Không ngoan là gì? Là những lúc tôi phải hỏi: Tại sao anh đi làm qua giờ cơm để vợ phải đợi cả tiếng đồng hồ với bụng đói? Sao bố không mua cái nhẫn hột xoàn cho vợ? Sao anh không dành một ít thì giờ cuối tuần đi xem phim với vợ? Không thấy có chuyện gia đình vợ chồng con cái đi chơi chung với nhau? Tại sao anh lại dễ dãi, bơn lỡn với người khác phái trong công việc mà không nghĩ gì đến hạnh phúc gia đình? Sao lại hút thuốc nhiều đến thế? Vân vân và vân vân… Có người vợ nào mà chẳng có những câu hỏi tương tự như vậy? Nhìn trộm, nhìn lại, nhìn kỹ thêm một tí nữa thì câu hỏi được đặt ra cũng chẳng sai. Do vì tôi đang nhìn sự việc theo một cách khiến phải tôi đặt câu hỏi là thế.

Lấy lăng kính “trùng trùng duyên khởi” soi vào những câu hỏi của tôi thì hẳn phải có nguồn cơn của nó chứ. Phải có sự thiếu quan tâm đến gia đình thì mới có đòi và xin lại một ít thời gian. Phải có vui vẻ với người khác phái mà không phải là vợ mình thì mới có sự lo lắng cho hạnh phúc gia đình. Đó chỉ là một mặt của đồng tiền đấy thôi! Mà đồng tiền có hai mặt. Tôi lại thuyết phục và dỗ dành mình bằng hai chữ “tri túc”.

“Tri túc” theo tinh thần nhà Phật thì cái nhìn có lạc quan và đỡ khát khao đòi hỏi hơn. Và từ đó người ta mới bình tâm có thì giờ để nhìn ngắm người bên cạnh mình. Như tôi ngày hôm nay. Mắt tôi sáng hơn và nhìn rõ hơn cho dù tôi có nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy rõ người bên mình ra sao. Mình được nhiều hơn là mất. Tâm đã thấy nhẹ nhàng và những câu hỏi hay những đòi hỏi nhẹ nhàng biến đi.

Đó, một cách nhìn khác, là một cách nhìn mà tôi đang thực tập.

Nhớ lần gặp chàng đầu tiên ở buổi văn nghệ bỏ túi nhà người bạn, đông người lắm. Hôm đó có những anh sinh viên trường Đại học Bách Khoa, có các bạn trường Đại Học Sư Phạm, các bạn trường Kiến Trúc, có mấy ông anh họ của chủ nhà. Mọi người hòa vào không khí văn thơ ca hát của buổi tối đó, tôi cũng vậy. Vui hơn thế nữa có một chàng dáng vẻ thư sinh đến chào làm quen. Tự giới thiệu là sinh viên năm hai trường Kiến Trúc. Ơ hơ… làm quen vì tôi là con ông già tôi. Khoe là đã từng đọc truyện này truyện kia của ông, rất ngưỡng mộ văn của ông già, và nay vui được làm quen với con gái ông ấy. Qua chuyện tối hôm ấy, lại tiếp đến những ngày sau, chàng đến nhà chơi. 

Người đầu tiên chàng lân la nói chuyện là mẹ tôi. Sao mà cách nói chuyện chân thật thế! Về chuyện học hành, chuyện trong nhà ngoài phố thân thiện đến nỗi bà già quý mến liền. Người kế tiếp là chị Hai, câu chuyện có khác đi nhưng vẫn giọng nói ấm và tính chân thật là chất liệu thu hồi cảm tình chị. Rồi em gái tôi được tập hát những bài thơ chàng sáng tác và phổ nhạc. Rồi dần dà đến tất cả các em trai tôi nữa đều bị mua chuộc. Tôi nghĩ nếu nhà có con chó thì chắc chó cũng phải vẫy đuôi mừng khi chàng đến! 

Chàng đã mang không khí rừng rú Ban Mê Thuột vào nhà tôi với những còng đeo tay, gùi tre, trái bầu khô người dân tộc đựng rượu, hoa dã quỳ khô bày trên đàn piano, những bài hát phổ thơ của chàng sáng tác… Toàn thể gia đình tôi hoàn toàn bị thu phục vì con người này. Tôi không nằm ngoài vòng phủ sóng!

Thế rồi chuyện tình cảm qua lại đôi bên chàng và nàng, thân hơn tình bạn vài cấp độ trong thời gian năm năm. Hai đứa có những lúc vui vẻ, có những lúc tôi phát bực mình vì chàng không rõ ràng tình cảm, kết quả là nghỉ chơi nhau. Sau giận hờn lại càng thắm duyên tình. Chuyện vui nhưng có thật: Ba chàng tháng trước có hỏi “Mày phải lấy vợ đi cho yên bề gia thất.” Câu trả lời là “Không có ai.” Vậy mà tháng sau, Ba chàng đã phải lên đồ vest cùng má đến nói chuyện với bố mẹ tôi. Chúng tôi thành gia thất. Thời gian này toàn quốc, toàn xã hội vô cùng khó khăn vì cộng sản, nhưng chúng tôi lại rất vui vì có nhau, gắn bó với nhau một cách chính thức cho đến nay.

Hai đứa con của chúng tôi là hai tưởng thưởng trời cho. Chúng lớn lên thành người thành nhân. Học hành đến nơi đến chốn, không gây rắc rối gì cho bố mẹ. Hai con lại tiếp nối hai mái gia đình êm ấm chồng con. Chúng có công ăn việc làm ổn định, đồng lương đủ cho cuộc sống thanh lịch và những đứa con đẹp đẽ, học hành đàng hoàng và ngoan ngoãn. 

Vài chục năm chung sống, chuyện quên không nhìn nhau chắc chắn là phải có nhiều lần xảy ra. Nhưng tôi may mắn không có chuyện quay lưng lại nhau, vì đã có những cú híc làm mình bừng tỉnh lại. Gọi là nghiệp nợ hãy còn nên còn phải bước chung trên một con đường.

Bài hát Trộm Nhìn Nhau là một điểm nhắc nhở thêm lần nữa. Quay lại, dừng lại, đừng nhìn ra xa nữa. Quay lại đi, quay lại với những gì mình đang có. Thở hơi thở nhẹ nhàng, thở và nhìn thấy mình đang có một gia đình dưới một mái nhà, có thức ăn để ăn, có xe để chạy, có người cùng nói cười, cùng lý sự. Nếu có cãi vã, tranh luận thì cũng chỉ là những hạt muối, tiêu ớt gừng cho thêm vào thức ăn để thêm mùi vị, thêm màu sắc của cuộc sống.

Tôi cương quyết không Trộm Nhìn Anh mà tôi đang nhìn anh với cái nhìn chân và mộc nhất. Nếu có tôi chọn lăng kính tri túc để nhìn mọi sự xung quanh mình. Hạnh phúc vì thấy cái gì mình cũng có. Và cũng ước mong ngược lại là anh cũng biết quay lại nhìn. Nếu hai cái nhìn cùng gặp nhau ở một điểm thì ánh sáng lóe lên. Đâu có chuyện hạnh phúc chỉ đến từ một phía mà làm thành tròn trịa đâu!?

Cám ơn bài hát Trộm Nhìn Nhau và chương trình Chào Bình Minh đã kéo tôi về giây phút hiện tại với niềm hạnh phúc này.

California ngày 8 tháng, 5 2021

Doãn Liên



No comments: