Jun 5, 2021

ÔNG KHÓ CHỊU - Anh Quân

 


Bà Hương,  

Khi nhìn tấm ảnh của bác trai, người chụp là ông Trần Cao Lĩnh, thì ở cái thời đó ông Cao Lĩnh hay ông Cao Đàm là bậc thượng thừa trong làng nhiếp ảnh của miền nam Việt Nam. Tui có xem một số ảnh của các bậc cao thủ này và chẳng những vậy tui bỏ ra cả $100 đi mua các quyển sách ảnh của các vị này. Có một điều tui thấy các vị này khoe khoang ảnh nhiều hơn là hướng dẫn để tạo ra một ngành nhiếp ảnh cho giáo dục Việt Nam. Tui nói vậy là khi mua một quyển ảnh của một nhà nhiếp ảnh tây phương là họ nói rõ kỷ thuật làm sao chụp ra được những tấm ảnh như thế này chứ không hề dấu diếm gì cả. Còn Việt Nam mình y như là một bửu bối không thể nào cho người khác biết được. Giờ các vị này đi mất tiêu hết và các kỹ thuật của họ cũng đi theo mây khói. 

Thôi giờ quay lại câu chuyện nhà nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. Tui có một kỷ niệm với ông này mà tui không quên được (nhưng ông ta thì chắc không nhớ và ông đã mất rồi). Chuyến vượt biên của tui vào 42 năm về trước, lúc đó tui là một thằng nhỏ 14 tuổi, bố mẹ tui đưa tui một cái giỏ và một cái phao, ngoài ra bắt tui phải mặc thêm mấy cái áo và khoác thêm cái áo mưa. Khi lên trên thuyền thì đám công an bắt tui phải vứt giỏ lại, sau đó đẩy tui xuống hầm dưới. Trên người tui còn áo mặc và cả áo mưa, đâm ra hại tui rất nhiều vì xuống hầm người rất đông và nhiệt độ nóng càng lúc càng tăng.  Tui bị đẩy dần, ép xuống sát bên hai vợ chồng tuổi cỡ trên 40, ông chồng thì sói tóc mà nhìn mặt thì chẳng có đứa nào ở tuổi xì tin ưa cả. Ông ta Khó chịu phát khiếp có lẽ vì tình trạng trong hầm tàu bị chật chội,sự nóng bức làm con người mất bình tĩnh. 

Riêng tui thì càng lúc càng thê thảm vì mặc nhiều áo, nhưng tui không cách nào cởi được vì không có chỗ dơ tay để kéo áo, với một thằng nhỏ bị sợ hãi người lớn. Sự nóng bức làm tui đuối sức dần, vì thế tui ngồi không có chỗ dựa nên tui không còn thăng bằng ngã người ra thì đụng vào “ông khó chịu”, thế là ông ta quát tui, trong khi đó ông ta ngồi vị trí rất tốt là dựa vào sườn tàu. Tui cứ mệt dần, hể đụng vào ông ta là ông ta mắng chửi tui. Rồi không biết sao ông ta lại nói to với tui là để được một vị trí ngồi và đem thêm cái máy chụp ảnh của ông ta là ông ta mất thêm một cây vàng. 

Đối với tui lúc đó cái máy ảnh là cái gì mà ông ta phải khoe khoang. Rồi ông lại nói tiếp về việc chịu khổ, ông ta cứ lải nhải bên tai tui.  Khi tui như không còn sức nữa thì có mấy bà bác kế bên, họ tội nghiệp tui nhìn tui và sau đó hộ tui cởi áo cho tui để tui hồi phục sức khoẻ. Sau đó tui đỡ dần còn “ông khó chịu” thì ánh mắt luôn có hỏa châu. Tui chịu hết nổi về cái ông lão này, khi tàu chạy là tui bò đi tìm bố mẹ tui để khỏi phải gần một ông cứ nhìn tui là một kẻ đắng ghét. 

Khi được tàu Anh vớt , tui được an toàn thì mới thấy “ông khó chịu” này cầm máy ảnh lên chụp, tất nhiên là tui không biết ông ta chụp cái gì. Sau đó có một người nói tui ông cầm máy chụp ảnh là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng tên là Trần Cao Lĩnh. Tui nghe xong tui cũng chẳng cần biết ông ta nổi như thế nào mà chỉ biết là một người rất khó chịu và không nên đứng gần. 

Khi qua tới Anh thì một người nhìn thấy thái độ của ông ta đối với tui và kể lại là khi tàu đi được hơn một ngày, ông Cao Lĩnh mới cầm một bình nước uống nhưng không ngờ cầm nhầm bình nước tiểu con nít, ông ta uống vào bị sặc sụa và ông ta chửi đổng lên. Tui nghe chuyện này tui khoái chí là quả báo, ai biểu ông chửi rủa tui nên bị uống nước tiểu con nít là đúng quá… Tui cười khoái chí. - Hết chuyện. 

- Anh Quân 

No comments: