Jun 21, 2021

ÁI NGỮ - LOVING SPEECH - má Thùy


ÁI NGỮ - LOVING SPEECH - má Thùy 

Hạnh thứ tư, chép lại từ bài học của con gái. Những ngày này thật khó để giữ được giới này, nhưng mình sẽ cùng nhắc nhau cố gắng.

Mẹ share lại cho con bài viết của mẹ cách đây 4 năm. Học mãi mà chưa thuộc thì biết đây là bài học suốt đời rồi.

Giới Thứ Tư: Ái Ngữ và Lắng Nghe

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con nguyện học hạnh Ái ngữ và Lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Con nguyện tìm cách đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói gì khi cơn giận đang có mặt trong con. Con nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận ấy, để nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang giận. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe sâu để có thể giúp người kia thay đổi và vượt thoát những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh tinh tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết, thương yêu, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con, để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.

Bài viết của mẹ

Ái ngữ - Loving speech

Cứ ngỡ là khái niệm này đã biến mất lâu rồi, vì vậy hôm qua khi đọc thấy hai chữ ‘ái ngữ’ trên tường nhà một facebooker, tôi mừng như gặp lại người bạn lâu năm đi xa.

Trong cái thời điểm mà quá nhiều người đang cạnh tranh nhau xem ai trả đũa ai lẹ nhất và chua cay nhất, thì nói tới ‘ái ngữ’ coi chừng bị “xí….” kèm theo một cái bĩu môi dài hai mét! Nhưng vì quá vui mừng, tôi xin được nói trên tường nhà mình một chút về chuyện ‘ái ngữ’.

Hồi còn nhỏ, ba tôi thường dạy tụi tôi cám ơn bác xích lô, bà bán xôi, chú sửa xe, ông đổ rác... Lúc đó cũng có nhiều người thắc mắc, ủa sao mình trả tiền cho họ, họ phải là người cám ơn chớ mắc gì mình cám ơn? Ba tôi hổng giải thích gì, ổng chỉ cười nói, quen rồi! Giờ nghĩ lại đáng lẽ ông già tía có thể nói: hổng có họ thì tiền của mình cũng vô dụng thôi. Nhưng chắc ổng giống tôi, giỡn thì lẹ lắm nhưng đối đáp với người ta thì chậm.  Rồi nhớ lại thằng em út, ở nhà ai cũng cưng nựng nó, một hôm ba nói giỡn chơi gì với nó, nó phản đối liền: sao ba hổng ngọt ngào với con? Và tụi tôi đã được nuôi lớn trong cái thế giới đó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy nên mấy đứa con tôi nó hay trách yêu tôi: ba mẹ dạy sao mà tụi con khờ quá ra đời hổng lại ai hết! Ờ, hổng sao hết con ơi! Vậy mà mình sống khỏe vì mình không phải chăm chăm suy nghĩ coi làm sao để hơn thua với người khác. Nhưng lúc đó ba tôi cũng không hề nói tới hai chữ ‘ái ngữ’. Có lẽ vì ổng sanh ra với cái thói quen cám ơn kỳ cục đó nên ổng cũng không nghĩ phải đặt tên cho nó làm chi.

Sau này khi đã có gia đình và có con, tôi mới được nghe hai chữ ‘ái ngữ’ lần đầu tiên từ một người mà chúng tôi vô cùng kính trọng. Thật ra trong thế giới bạn thân và trong gia đình, nhiều khi chúng tôi tự cho phép mình ăn nói nham nhở, sỗ sàng, thậm chí còn chê bai, miệt thị nhau một cách vô tội vạ vì biết rằng ai cũng hiểu cái gì ở đằng sau sự bỗ bã đó. Tuy nhiên, bác tôi luôn nhắc nhở: các con ơi, nhớ ái ngữ nhé. Vì thật ra không ai có thể xác định được khi nào những lời nói đùa sẽ vượt qua ranh giới và gây tổn thương cho người khác, nhất là người thân yêu của mình. Có những hôm người thương của mình khó ở thì lời nói đùa của mình sẽ trở thành vô duyên và cho thấy sự vô tâm.

Vậy ái ngữ là gì? Có thể tìm thấy khá nhiều diễn giải về ái ngữ và chánh ngữ trong những pháp luận nhà Phật. Có một số diễn giải có thể chia sẻ như sau:

- Ái ngữ là lời nói chân thật

- Ái ngữ là lời nói của tấm lòng nhân ái

- Ái ngữ là lời nói vì lợi ích cho người khác

- Ái ngữ là lời nói khuyến thiện

- Ái ngữ là lời nói của cái tâm trong sáng 

Riêng tôi, vì không là Phật tử nên tôi không dám đi sâu vào Pháp luận. Tôi chỉ có thể cảm nhận Ái ngữ theo những trải nghiệm bản thân. Với bản thân tôi, khó thể định nghĩa được ‘Ái ngữ’, vì nó không đơn giản chỉ là “chọn lời mà nói”. Nó còn là “chọn lời đừng nói”- là dừng lại trước khi nói một điều mà mình sẽ hối tiếc. Nó còn là những biểu cảm đi theo lời nói, và ngữ cảnh của lời nói. 

Như vậy, thực hành ái ngữ cũng là một sự chọn lựa và một thái độ sống, là một cách lắng nghe tích cực – lắng nghe người khác và lắng nghe chính mình – có thật mình phải nói điều đó với những ngôn ngữ đó không? Bản thân tôi đang phải học điều đó hàng ngày và kiểm soát mình hàng ngày- vì đôi khi cảm xúc của mình che mờ hết những nguyên tắc chính mình đã vạch ra.

Mấy hôm nay tôi thật vui được nhìn thấy mẹ con em Xiu đọc quyển Inside Out và thực hành những cảm xúc. Nhìn những trò lố bịch của Xiu khi diễn tả sự nóng giận, buồn, vui, chán ghét, sợ hãi… tôi thấy yên lòng hơn vì Xiu đã học cách tự khám phá những cảm xúc của mình và biết chia sẻ với người khác những cảm xúc đó để có được sự thấu cảm và tương tác. Xin chúc lành cho những ai đang tìm cách chứng tỏ sự thắng thua rạch ròi trong quan điểm, chúc cho chúng ta biết tranh luận trong ái ngữ và chánh ngữ để không đánh mất chính mình.

No comments: