Oct 9, 2020

NGÀY TIẾP NỐI, NGƯỜI TIẾP NỐI, TIẾP NỐI CÁI GÌ? - Tâm Nhã Uyển


ảnh: chị Chiến 

Thưa Sư Ông Thích Nhất Hạnh, 

Chỉ còn vài ngày nữa là sang tháng Mười. Đây là tháng mà hằng năm các đệ tử chúng con mừng ngày sinh nhật Sư Ông. Sinh nhật hay còn gọi là Ngày tiếp nối. Riêng con, con rất thích và phục Sư Ông phát minh ra nhiều từ ngữ hay, thay thế cho những chữ dùng thường ngày để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của nó. Thí dụ như chữ Ngày Tiếp Nối, trước đây chúng con gọi là ngày sinh nhật. Cũng nhờ có Ngày tiếp nối này mà chúng con có Sư Ông, người nhắc lại giáo pháp của Bụt, dẫn dắt chúng con, làm chúng con hiểu biết hơn những pháp môn mà Bụt đã dùng cả hơn 2500 năm trước. 

Phải chăng chữ Tiếp Nối cho con thấy không gì mất đi, không gì tự nhiên có. Có chăng đó chỉ là sự hiển thị ở trạng thái này hay trạng thái nọ, ở hình thái này hay hình thái nọ. Sư Ông đang tiếp nối một vị Phật nào đó trong quá khứ, bây giờ hiện diện cõi đời này. Sư Ông hiện diện để chỉ cho chúng con được thấy giáo pháp Bụt hay biết chừng nào mà chúng con cần tinh khôn nắm lấy nó.

Ngày tiếp nối Sư Ông thật đáng ghi nhớ và trân trọng khiến con lân la ghi nhớ ngày tiếp nối của Bụt Thích Ca Mâu Ni, ngược thời gian những hai mươi lăm thế kỷ trước. Bụt đã tiếp nối ai mà đến thế giới chúng ta và chỉ ra những con đường để nhân loại đi, đi sao mà hạnh phúc và vui vẻ. Trong thế giới, trong từng các quốc gia, từng thời đại hẳn là có rất nhiều Ngày tiếp nối như thế để nhân loại tưởng nhớ đến. Ngoài điều hay cũng có những điều dở, người dở bắt mọi người phải nhớ. Thế nhưng con sẽ không dùng chữ “ngày tiếp nối” cho những gì “dở”. Mặc dù “hay hay dở” nó là có thực, nó là hai mặt của đồng tiền. Nó tương tức lẫn nhau, nhưng chữ Tiếp Nối lại mang tính tích cực thì mình chỉ chọn điều hay người hay để dùng thôi.

Ngày Tiếp Nối đầy ý nghĩa kể từ ngày này 2500 năm về trước nhân loại có Bụt. Từ ngày này 94 năm về trước tại nước Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung có thiền sư Thích Nhất Hạnh. Và từ những ngày kế tiếp chúng con là những người đệ tử của Bụt và của Sư Ông học cách làm gạch nối. Cái gạch nối tiếp nối Sư Ông cho đời con cháu chúng con.

Ngày tiếp nối năm nay 2020, năm mà Sư Ông 94 tuổi trời, sức khỏe suy yếu nhiều làm chúng con thấy Ngày tiếp nối thật là cần thiết và cần điểm tiếp nối mới, càng nhiều điểm tiếp nối càng tốt. Tiếp nối là tiếp nhận và gạch nối những điểm lại với nhau. Chúng con làm được gì nếu mình là tiếp nối của Sư Ông? Vai trò những người con Phật, đệ tử của Sư Ông phải làm gì? Người tiếp nối phải chăng là người luôn tỉnh thức, thực tập những điều Bụt dạy thật giỏi. Hiểu những điều Sư Ông dạy và thực hành? 

Mong được làm điểm tiếp nối Sư Ông, con làm gì?

Khi tâm lăng xăng thì thực tập kéo chậm lại những suy nghĩ và hành động để nhìn và ngẫm. Sau ngót mười năm thực hành pháp môn Làng Mai, con đã biết chậm lại. Chậm lại phản hồi bằng lời, chậm lại hành động sau khi tiếp nhận một sự việc gì. Con biết quay lại chiêm nghiệm những điều mình nói hay làm. Nó sai đúng như thế nào. Mình có thể nói đó là chánh niệm hay chánh tư duy, chánh ngữ… “chánh” trong tám lãnh vực của con? Cũng có đôi khi con thấy mình mất chánh niệm, mất mình trong dòng suy nghĩ nào khác. Giật mình và ngay tại điểm vụt mất dòng ý tưởng đó, con kiểm soát lại mình. 

Con thực tập…

Tâm chê bai thì lấy tình thương giải hóa. Vì có chánh niệm trong khi làm, nghe, nói…con cũng thấy mình nhạy bén nhiều hơn. Con hay chiêm nghiệm và nhận diện mọi sự việc xung quanh mình. Tính này đã giúp con nhìn thấy cái tốt, cái sai, cái dở của chính mình và của người khác. Người này hay quá khi nói điều này, người kia làm điều hợp với mình, người nọ sao giỏi quá đã nhận xét thật nhanh và chính xác. Và rồi con cũng thấy người này dở điểm này, dở điều kia. Điều này tốt. Nhưng nếu con không tiếp tục chánh niệm thì tính nhanh và nhạy này có thể đưa đến điều sai. Khi con vô tình thốt lời chê bai. Ấy thế là con đang làm một việc không tốt rồi. Thế nhưng nếu mình không chỉ ra cái sai giúp người ta thì mình dở quá. Vì con luôn muốn cùng người tiến bộ mà lấy tình thương chân thật của mình để nói với người đối diện. Hình như phương pháp này có chút hiệu quả. Thoạt đầu tiên chỉ đạt được 1 điểm trong 100. Nhưng lần 2, lần 3… có tiến bộ, người kia đã nghe và tin con hơn. Phương pháp này sẽ được con áp dụng nhiều thêm trên đường thực tập.

Điều trị tâm bực tức dùng phương pháp hiểu và thương. Khi hiểu được, nhìn ra được mặt kia của sự việc là lúc tâm thanh thản trỗi lên. Càng nhiều thấu hiểu càng nhanh giải tỏa tâm bực tức. Khi có một ý kiến đối nghịch với mình, con thường kiếm mặt trái của sự việc. Nếu chưa học cách điều phục cơn giận, con sẽ tung hê và không kiềm giữ sự bực bội. Có thể con quát tháo hay sổ ra những hành động làm cho người đối diện biết là con đang bực. Nay thì không. Con đã giữ được sự im lặng, quay đi để tâm không bực bội thêm, để không làm xấu tình huống lúc đó. Kế đến tìm ra điểm gì đã khiến cho người kia nghĩ vậy. Khi thấy điểm nghịch ngược với mình, càng nhiều điểm thì con càng hiểu lý do và hiểu tâm trạng người kia hơn. Tình thương có thể làm mồi giúp sự hiểu và thương mau bén bắt. Tình thương là mấu chốt làm cho người gần người hơn, ít đối nghịch hơn. Đúng là thế!

Tâm chân thật, được viết ra sau cùng vì nó thật quan trọng đối với con. Nó giúp con vững chãi trong cuộc sống. Khi sống chân thật tâm hồn mình thật là thoải mái, nói điều thật dễ dàng hơn nói điều dối trá. Ghi nhớ điều thật dễ hơn ghi nhớ điều sai sự thật. Khi gặp phải tình huống nói “điều thật” là xúc phạm hay không tốt cho một ai đó thì ta không nói. Không nói không phải là nói dối. Không nói lúc đó có nghĩa là chờ đúng lúc, đúng nơi, và đúng người thì ta vẫn giữ được tính chân thật.

Khi nói điều chân thật ta có thể đưa đến “hiệu quả” hay “hậu quả”. Cả hai hiệu quả (ý tốt), hậu quả (nghĩa xấu) đều được chấp nhận một cách hoan hỉ. Sống chung với người chân thật dễ dàng hơn sống với người quỉ quyệt, dối trá. Tâm chân thật phải chăng là thực tập Bát Chánh Đạo?

Quay trở về với Tiếp Nối, tiếp nối cái gì, con thật ngại ngùng và lúng túng để chỉ rõ ra nó. Thế nhưng con vẫn thấy rõ là lấy tâm lành thiện ra mà sống là một cách tiếp nối. Chọn một mục tiêu để tiếp nối. Cứ một điểm mà mình giữ cho được thì vô hình chung được tất cả. Đúng là mọi sự việc trên cõi đời này nó tương tức và liên quan với nhau mật thiết lắm. 

Những điều con viết ra trên đây chỉ để chiêm nghiệm cái “gạch nối” con với Sư Ông đã được chưa? Con đường gạch nối nó sẽ dài dài dài…, không có điểm chấm dứt. Vì cuộc sống là sự biến chuyển từng dây từng phút, nếu dừng lại là mất tất cả.

Nói xa nói gần, nói dài dòng hoặc nói vắn tắt Ngày tiếp nối, Người tiếp nối, và tiếp nối “cái gì” chỉ còn là một cái Tâm. Tâm bản thiện, Tâm chân thật, Tâm an nhiên tự tại, Tâm của thời gian vô thỉ, Tâm của không gian vô chung, Tâm của niết bàn tuyệt đối, và tâm của Bản Môn.

Bụt, Sư Ông, chúng con…tất cả đều là Phật cả!


California, 10/1/2020

Chân Nhã Uyển

Doãn Liên


No comments: