Feb 1, 2013

ĐÊM NHẠC PHẠM DUY- NGÀN LỜI CA: MỘT NÉN HƯƠNG THƠM NGÁT THẮP CHO NGƯỜI NHẠC SĨ HÁT RONG CỦA DÂN TỘC VIỆT - Đoàn Hưng



Sáng Chủ Nhật 27-01-2012, người dân Bolsa bắt đầu truyền tin cho nhau về sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy. Chiều hôm đó, một nhóm những người yêu quí ông nghĩ ra ý định “phải làm một cái gì đó” trước sự mất mát lớn lao này của nền âm nhạc Việt Nam. Trưa Thứ Hai 28-01-2013, nhóm chủ trương gặp nhau và quyết định thực hiện đêm nhạc Phạm Duy – Ngàn Lời Ca vào đêm Thứ Tư 30-01-2013 để tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy. Lúc đó, nhóm chưa có gì trong tay để bảo đảm thực hiện được ý tưởng này: ca sĩ, nhạc sĩ, người tham dự…Họ chỉ có sẵn một thứ duy nhất: sự thương yêu quí mến vô bờ dành cho Phạm Duy. Theo lời chị Y Sa- một nhân vật trong nhóm chủ trương và cũng là MC của đêm nhạc – chỉ trong vòng hơn 24 tiếng đồng hồ, với hàng chục e-mail qua lại, hàng loạt những nỗ lực nối kết, đêm nhạc đã hoàn thành đúng hẹn. Đúng 7:00 PM đêm Thứ Tư 30/01/2013, tại hội trường Việt Báo, thi sĩ Trần Dạ Từ có đôi lời ngắn gọn để mở đầu cho đêm nhạc Phạm Duy- Ngàn Lời Ca, với trên một trăm chỗ ngồi ngồi không còn một chỗ trống, cho dù ban tổ chức không có một thông báo chính thức nào trên các phương tiện truyền thông.

Đây không phải là một đêm trình diễn văn nghệ, khán giả đến nghe ca sĩ hát. Đêm hôm đó là một buổi hát cho nhau nghe của những người thực sự yêu nhạc Phạm Duy. Mọi người cùng hát với nhau những bài hát để đời của Phạm Duy: Xuân Ca, Giọt Mưa Trên Lá, Bà Mẹ Quê…Những nghệ sĩ góp mặt hôm đó hầu như không có tập dợt gì trước, mà chỉ đến để góp lời ca tiếng đàn như là một dịp để tưởng nhớ và tri ân đến người nhạc sĩ. Vậy mà rất nhiều người tham dự đã nói rằng thật hạnh phúc khi đã có mặt trong đêm nhạc này, và nghĩ là sẽ khó lòng tạo dựng lại một không khí với quá nhiều cảm xúc tương tự như vậy trong tương lai, cho dù chị Y Sa có thông báo là đang chuẩn bị một chương trình nhạc Phạm Duy qui mô hơn, dàn dựng kỹ càng hơn trong vài tháng tới.

Chỉ có đến dự đêm nhạc Phạm Duy Ngàn Lời Ca mới cảm nhận được những cảm xúc đó. Mỗi người tham dự, mỗi nghệ sĩ đến với đêm nhạc với một tâm trạng khác nhau, nên mỗi người tìm thấy một sự rung cảm khác nhau qua từng ca khúc Phạm Duy. Nữ ca sĩ Quỳnh Giao kể lại những kỷ niệm của mình với chú Phạm Duy khi còn là cô bé 15 tuổi. Rồi chị hát bài Kỷ Niệm, với những hình ảnh đã trở thành vĩnh cửu trong ký ức của người Việt Nam về một mái ấm gia đình:
“Cho tôi lại ngày nào, Trăng lên bằng ngọn cau,
Me tôi ngôi khâu áo, bên cây đèn dầu hao,
Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu…”

Khi mà thính phòng đang im lặng hồi tưởng kỷ niệm với tiếng hát Quỳnh Giao, thì bỗng đâu đó trong một góc phòng, tiếng đàn vĩ cầm của nhạc sĩ Hoàng Công Luận cất lên, nỉ non, kể lể, réo rắt, đưa cảm xúc hoài niệm của người nghe lên đến đỉnh điểm…Nhiều người đưa tay lau vội nước mắt… Cảm xúc đó không đến từ sự giàn dựng sân khấu, mà là do sự đồng cảm giữa ngươi nghe, người hát, người đàn trong cái hồn chung là nhạc Phạm Duy…

Hay là khi Phạm Đăng Khoa hát tiễn bác Phạm Duy bằng ca khúc Xuân Thì, anh chọn bài này vì bác đã ra đi vào đúng dịp xuân về. Anh chưa bao giờ được gặp bác Phạm Duy, từ thuở nhỏ ngồi phụ mẹ may áo đã được mẹ vặn nhạc cô Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy, cho nên nhạc thấm vào trong máu. Xuân Thì là một trong những ca khúc giai điệu giản dị nhưng đẹp một cách lạ thường. Phạm Đăng Khoa đã lột tả được cảm xúc hy vọng mong manh của người nghệ sĩ vào năm 1953, nhìn chiến tranh đang sắp dần qua, nhường bước cho một mùa xuân thanh bình:
“Tình xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến, đã lui ra ngoài đời…
… Và thương cây súng cây đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa…”

Hoặc là Phạm Hà, hát như muốn hồi tưởng lại tình yêu cuộc sống của Phạm Duy qua ca khúc Nắng Chiều Rực Rỡ. Ít có khi nào người nghe thấy Phạm Hà xúc động đến như vậy. Anh tâm sự rằng anh không dám nghĩ đến từng lời ca như mọi khi, vì sợ mình không cầm được nước mắt… Anh nghĩ đến bác Phạm Duy, dù vẫn yêu người, yêu đời nhưng đành bùi ngùi tự nhủ mình như những tia nắng cuối ban chiều:
“…Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi…”

Hoặc là cảm xúc của bác sĩ Bích Liên hát bài Tình Ca. Chị cũng là một người trong nhóm chủ trương, đã đóng góp rất nhiều công sức để có được đêm nhạc. Chị đã hát Tình Ca bao nhiêu lần rồi, nhưng chắc chưa bao giờ cảm thấy thấm thía tình yêu ngôn ngữ, đất nước, con người Việt Nam qua nhạc Phạm Duy như đêm hôm đó…

Còn nhiều lắm, không thể kế hết những cảm xúc của người hát, người nghe trong Đêm Phạm Duy- Ngàn Lời Ca. Bởi vì mọi người ngồi lại với nhau đêm hôm ấy có cùng một tấm chân tình dành cho người nhạc sĩ của mình.

Có một người bạn văn nghệ trẻ, yêu quí bác Phạm Duy ở Việt Nam, khi đến thắp cho bác một nén nhang tại đám tang, đã kể rằng anh bị shock vì chẳng có sự tổ chức một cách tươm tất nào dành cho bác. Không khí "hờ hững" và "nhạt" cũng như sự "cẩu thả" bao trùm từ khi đến cho tới khi đi. Những tràng hoa phân ưu nhưng vô cảm, những tấm hình design rất kém, cuốn sổ ghi lại cảm tưởng bằng giấy ca rô tầm thường bán trong tiệm tạp hóa. Anh ngậm ngùi rời đám tang sau khi thắp hương, rồi khấn với bác rằng anh chịu ơn bác vì đã nói lên tiếng lòng của mình, đã giúp anh yêu tiếng Việt hơn.

May sao, những người yêu quí bác ở xứ Mỹ xa xôi này cũng kịp chuẩn bị một món quà tươm tất để thay lời cám ơn Phạm Duy, giống như người bạn trẻ trong nước đó đã làm…

Đêm nhạc Phạm Duy- Ngàn Lời Ca là một nén nhang thơm ngát, đầy tình người thắp lên cho nhạc sĩ Phạm Duy thay lời đưa tiễn của những tâm hồn yêu nhạc Phạm Duy mãi mãi…

Đoàn Hưng





3 comments:

Hot... said...

Bai viet hay lam anh Hung oi! Va buon vi khong khi va cach tien dua nhac si PD tai VN.

em Ha

Hot... said...

Cam on anh Hung da bo nhieu công, sức, tâm cho buoi toi hom qua. Luon luon thich anh dem dan! Gui loi chao de các chị o nha. Gia đình anh dễ mến lắm!

Dang Khoa

Hot... said...

Huong oi, neu o do , the nao tao cung co mat... Khong biet Toronto co mot buoi nhu vay khong?..
TT