Nov 16, 2009

CHUYỆN TRÒ VỚI LÁ - Nổi Bật Với Khả Năng Nghệ Thuật Trang Trí Nội Thất

Việt Báo tiếp tục đưa tin

Nguyễn Minh (trái) giới thiệu họa sĩ Doãn Quốc Vinh (thứ 2 từ trái), trong khi Vi Tuấn (phải) thu hình cho Đài 18.


WESTMINSTER (VB) - Sáng Thứ Bảy, ngày 14-11-2009, tại Việt Báo Gallery, Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh đã khai mạc cuộc triển lãm tranh chủ đề "Chuyện Trò Với Lá" với sự tham dự của đông đảo quan khách, các cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí, và đồng hương Việt.


Anh Nguyễn Minh giới thiệu họa sĩ, nhắc tới các cuộc triển lãm các năm trước ở Texas và California, và nói rằng nhờ được khách thưởng ngoạn ưa chuộng nên lần nào, họa sĩ Doãn Quốc Vinh cũng dọn phòng triển lãm rất nhẹ nhàng.


Nhà báo Trần Dạ Từ trong phần phát biểu đã nói về người cha của hoạ sĩ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, cũng là bạn tù của ông, và nói rằng thế hệ tuổi trẻ của Miền Nam Việt Nam đã có cách tự đứng vững, vươn lên bất kể mọi vùi dập của lịch sử, của nhà nước cường quyền -- và Doãn Quốc Vinh đã rất là thơ mộng gìn giữ được các nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật...


Và lần này, họa sĩ Doãn Quốc Vinh còn cho thấy rằng anh còn biết nói chuyện với lá. Trong số người tham dự có nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt có nữ tài tử Kiều Chinh, nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Nguyên Huy... đặc biệt sau đó có sự tham dự của ông Trưởng Ty Cảnh Sát Thành Phố Westminster Andrew E. Hall.


Khi phòng tranh mở cửa để đón quan khách, mọi người đều ngạc nhiên một cách thích thú như bước vào một khung cảnh, một thế giới kỳ lạ, hay đúng hơn như lạc vào một khu vườn, một khu rừng với tràn ngập lá và lá. Tiếng lá khô xạt xào dưới bước chân càng gây cho người xem một cảm giác thú vị khó tả chen lẫn với những khám phá mới lạ đối với phong cách nghệ thuật tranh vẽ, thư pháp và trang trí nội thất của Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh.


Nhân dịp này, phóng viên Việt Báo đã có cơ hội trò chuyện giây lát với Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh về thành quả của 2 ngày triển lãm tranh và đồ trang trí nội thất.


Được hỏi về cảm nhận trong 2 ngày triển lãm tranh tại Việt Báo, Hoạ Sĩ Doãn Quốc Vinh tươi cười nhưng không kém phần trịnh trọng cho biết rằng, "Phải nói ngay rằng nhờ khung cảnh đặc biệt của Việt Báo Gallery rất thích hợp và giúp ích rất nhiều cho thể loại tranh ảnh và phong cách trang trí nội thất của tôi." Họa Sĩ Vinh nói nhấn mạnh thêm rằng, "Nếu ở một nơi khác thì chưa chắc tôi đã có thể đạt được sự thành công này."


Qua cuộc triển lãm, người xem tranh không khỏi có cảm nhận rằng ngoài thiên tư về hội họa, Doãn Quốc Vinh còn thể hiện được nét độc đáo cá biệt cho riêng mình về phong cách nghệ thuật trang trí nội thất. Từ cách điều chỉnh ánh sáng ở từng khu vực, ở từng bức tranh, đến cách sắp xếp những bức tranh, những đồ trang trí nội thất ở những vị trí thích hợp của chúng, tạo cho người xem những cảm thức mới lạ và thích thú.


Tình cờ nói chuyện với anh Nguyễn Đức Long, một người bạn quen thân với Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh từ năm 1979 lúc 2 người còn ở Việt Nam, phóng viên được nghe thêm những ghi nhận về con đường nghệ thuật của Doãn Quốc Vinh. Anh Long cho biết rằng Doãn Quốc Vinh không giống ai, không ra trường từ trường lớp nào mà cũng không thuộc về trường phái nào, nên có một cá tính riêng biệt rõ ràng. Vì vậy, được hỏi về cuộc triển lãm lần này của Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh, Nguyễn Đức Long cho biết rằng, "Nó không giống một phòng triển lãm tranh bình thường."

Bên ngoài phòng triển lãm, Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh treo mấy tấm tranh thư pháp mà trong đó có bài "Thơ Tặng Bố Mẹ" với những vầng thơ giản dị như:
"À ơi…
bóng đổ hàng tre
có con dế nhỏ
hát và…à ơi
…."


Lại hàng tre và con dế nhỏ… Biểu tượng truyền thống của quê hương Việt Nam. Ở đó, nhà họa sĩ đã từng được nuôi lớn bằng tình quê hương, được xông ướp bằng mùi thổ ngơi, sống trong thiên nhiên và tình thương yêu của bố mẹ. Doãn Quốc Vinh mang chiếc lá quê hương ấy theo vận mệnh của cuộc đời, nên hôm nay nhà họa sĩ lại không quên "Chuyện Trò Với Lá."


Có lẽ một trong những thành công nhất của 2 ngày triển lãm tranh của Họa Sĩ Doãn Quốc Vinh chính là làm sống dậy hình ảnh thân yêu nhất của quê hương trong lòng người Việt tị nạn qua chiếc lá.

No comments: