Nov 20, 2008

NGƯỜI VIỆT Ở MỸ SỐNG CHUNG VỚI CUỘC KHỦNG HỎANG KINH TẾ

Caption : Trong thời khủng hỏang,
các bãi đậu xe của khu vực Little Sài Gòn vắng vẻ đi thấy rõ


Rất nhiều người Việt ở Mỹ có cùng nhận xét rằng cuộc khủng hỏang kinh tế những năm vừa qua là cuộc khủng hỏang tồi tệ nhất mà mình đã từng trải qua. Nó ảnh hưởng lên mọi cá nhân, gia đình. Ai cũng cảm nhận được, có khác chăng chỉ là ở mức độ. Ai cũng mong đến ngày nó đi qua. Còn trước mắt thì làm sao tồn tại được cái đã. Tôi đã đi một vòng hỏi thăm người Việt ở khu vực Nam Cali - đang họat động trong các ngành nghề khác nhau- xem cơn bão kinh tế đã ảnh hưởng đến cộng đồng mình như thế nào…

Muốn thấy khủng hỏang kinh tế? Cách dễ nhất là cứ ra các bãi đậu xe của các khu shopping trong khu vực Little Sài Gòn. Trước đây kiếm chỗ đậu xe ăn trưa rất khó, còn bây giờ thì thỏai mái! Nhìn lượng xe chạy trên đường phố cũng thấy sự khác biệt. Lượng xe có ít đi. Còn chủng loại xe thì thấy các xe nhỏ, ít hao xăng của Nhật nhiều hơn. Các hiệu xe Mỹ, xe truck vắng xuất hiện hơn xưa.

Giới làm ăn trong ngành địa ốc- nguyên nhân chính của cuộc khủng hỏang- thì khỏi phải nói rồi. Đây là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. Một người đã có 20 năm họat động thành công trong ngành địa ốc cho biết việc kinh doanh giảm 70%. Ai mà mới bắt đầu vào nghề vài năm nay thì chỉ có nước đóng cửa. Có người nghĩ đến chuyện chuyển ngành kinh doanh mới vì không biết bao lâu thị trường mới ngóc đầu lên nổi. Tôi có nói chuyện với chị H., trước đây làm underwriter, xét duyệt cho mượn loan để mua nhà . Năm ngoái thất nghiệp 6 tháng, nay chị chuyển sang làm trustee sell officer, chuyên đòi nợ và thu hồi nhà. Công việc thay đổi 180 độ! Thiệt là buồn! Chị cho biết làm cái nghề này không vui tí nào, nhưng cũng đành chịu.
Ngành địa ốc xuống kéo theo hai ngành có liên quan trực tiếp là thầu xây cất và buôn bán furniture. Một chủ tiệm furniture ở LA cho biết doanh thu trong ngành nói chung xuống từ 40-60%. 10 tiệm thì đóng cửa hết 6. Những tiệm còn lại phải cắt giảm chi phí để cầm cự. Có những chủ tiệm bây giờ giống như đi làm không có lương!

Giới kinh doanh nhà hàng cũng bị ảnh hưởng nặng. Bà con hạn chế đi ăn ngòai. Một chủ tiệm phở cho tôi biết rằng những khách hàng quen thuộc của anh tuy vẫn đến ăn, nhưng lại không thường mời thêm bạn bè như trước, cho nên lượng khách có giảm. Nếu bạn tự suy ra rằng các chợ sẽ phát đạt hơn vì ai cũng ăn ở nhà, thì coi chừng lầm! Có những chợ doanh thu xuống đến 30%! Lý do: các bà nội trợ cũng cắt giảm chi tiêu luôn. Chỉ mua những thứ cần thiết, và giảm số lượng mua. Trước đây thấy rau tươi, ngon cứ mua 03 bó, ăn không hết thì bỏ. Còn bây giờ thì mua 01 bó đủ xài thôi!


Các công ty travel, bán vé máy bay, tour du lịch cũng đi xuống thấy rõ. Thí dụ như vé máy bay cho kỳ nghỉ Thanks Giving sắp tới. Mọi năm, đầu tháng 11 mới đặt chỗ để bay về thăm nhà thì thường không có chỗ, hoặc giá ở trên trời. Chị K. cho biết cũng vì sợ tình hình này mà chị đã lấy vé bay từ Cali sang Houston vào dịp Lễ Tạ Ơn từ đầu tháng 10, với giá khứ hồi là $370. Vậy mà hồi đầu tháng 11, chị check giá lại thì giá lại rớt xuống chỉ còn $280. Hình như chỉ có các chuyến về Việt Nam là không giảm. Giá vé bay vào dịp Noel, Tết Ta tới vẫn cao và ít chỗ còn trống như thường lệ.

Người đi làm công theo kiểu “8 to 5” bị ảnh hưởng ra sao? Thiệt thòi nhất là những ai đang đến tuổi về hưu. 401 K của nhiều người chỉ còn 50%. Về hưu vào thời điểm này thì không thể vui thú điền viên được rồi! Những người còn trẻ hơn thì hy vọng vài năm tới tình hình thay đổi, tiền hưu trí của mình sẽ theo stock lên trở lại. Còn trước mắt, tâm lý cảm thấy như mình mới mất tiền, nên đành thắt lưng buộc bụng.

Các công ty bán bảo hiểm, tài chính cá nhân cũng phải sắp xếp lại công việc kinh doanh . Bảo hiểm nhà, xe không bị ảnh hưởng nhiều, nên trở thành chủ lực. Nhưng các hình thức đầu tư tài chính cá nhân, gia đình thì thay đổi nhiều. Thân chủ của họ do bị tác động tâm lý nên rút tiền ra, ngưng đầu tư, hoặc chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực có lãi suất cố định. Các hình thức bảo hiểm nhân thọ cũng chậm lại hẳn.
Y tế có lẽ là một trong những ngành ít bị ảnh hưởng. Một bác sĩ nhãn khoa cho biết tiệm của chị không hề giảm doanh số. Một bác sĩ gia đình còn nói rằng bệnh nhân của anh ta còn có phần đông thêm nữa! Chắc tại khủng hỏang, bà con bị stress, cho nên sinh bệnh tật nhiều. Tuy nhiên, anh cho biết trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, vì ngân sách tiểu bang bị thâm thủng sẽ cắt nhiều chi phí cho phúc lợi y tế như Medical.

Nhân viên chính phủ cũng là một công việc ít sợ thất nghiệp do khủng hỏang. Một nhân viên Caltrans cho biết công việc của anh vẫn ổn định. Chỉ bị cắt giảm lặt vặt. Thí dụ bị cắt bớt giờ làm việc để giảm lương, hoặc cắt ngày nghỉ. Một nhân viên làm trong SSA thì nhận thấy rằng công việc của mình còn nhiều hơn một chút. Có lẽ tại người ta thất nghiệp nhiều, nên số người xin trợ cấp nhiều hơn.


Sau cùng là ngành báo chí. Cũng như báo Mỹ, các tờ báo tiếng Việt gặp khó khăn vì quảng cáo ít đi do các doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Nhưng có một điều thú vị là hình như số người đọc báo lại nhiều hơn! Điển hình là sạp báo Zippost thường xuyên hết báo trước buổi chiều, điều hiếm khi xảy ra trước đây. Chắc tạo vì thời khủng hỏang, người ta đọc tin tức nhiều hơn, để theo dõi tình hình. Hoặc ráng tìm ra được chút tin vui về kinh tế để còn hy vọng chứ. Cứ ra các quán cà phê xem, sẽ thấy thiên hạ ngồi đó đọc báo, luận bàn kinh tế đại sự dài dài.

Mọi người đều mong khủng hỏang sẽ chóng đi qua. Vấn đề là chừng nào đây? Những người được hỏi đa phần khá dè dặt, không dám tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi ngay trong năm tới. Thường thì sau bầu cử tổng thống thì mọi chuyện sẽ khởi sắc. Nhất là năm nay nước Mỹ lại có một tổng thống da màu đầu tiên, đang hứa hẹn một cuộc thay đổi lớn để vực dậy nước Mỹ. Nhưng thời điểm hiện nay đã khác xưa. Nền kinh tế Mỹ hiện nay đã tòan cầu hóa quá nhiều. Ông Obama có thể sẽ sắp xếp lại nước Mỹ tốt hơn, nhưng vẫn còn phải đợi tác động phục hồi từ các quốc gia khác nữa. Ôngta không có phép màu nào để giải quyết mọi thứ trong một sớm một chiều được. Như vậy, có thể người Mỹ phải tự cứu mình bằng cách giảm bớt tiêu xài phung phí đi. Mỹ là một xã hội vật chất, vẫn nổi tiếng là hoang phí tài nguyên thiên nhiên của nước khác, là con nợ lớn nhất của thế giới cho dù kiếm tiền cũng nhiều nhất thế giới. Mang một bộ mặt mới cần kiệm hơn, nhiều khi lại tốt cho nước Mỹ, đỡ bị các nước nghèo hơn ganh ghét như hiện nay. Có một điều ai cũng đồng ý là hầu hết các quốc gia đều mong muốn nền kinh tế Mỹ phục hồi. Vì nếu không, nhiều nền kinh tế khác sẽ chết trước! Đó là một điều mà chúng ta có thể lạc quan, chứ không phải là “lạc quan tếu” trong thời buổi khủng hỏang này…

Đòan Hưng

No comments: