Nov 22, 2008

HỘI PHẬT HỌC ĐUỐC TUỆ VÀ BUỔI NÓI CHUYỆN DÀNH CHO GIỚI TRẺ: BÌNH AN TRONG CƠN BÃO



Huntington Beach-AN- Cơn bão tài chính của nước Mỹ vẫn còn đang hòanh hành, gây hoang mang, sợ hãi cho biết bao người . Thật là hữu ích cho cộng đồng chúng ta trong lúc này mà có được người mách nước cách sống bình an trong cơn bão. Vào 2:00 pm ngày Chủ Nhật 9/11/08 vừa qua, nhóm Phật Học Đuốc Tuệ đã mời 4 vị thầy và sư cô trẻ của Tu Viện Lộc Uyển đến Sangha Center để nói chuyện với giới trẻ về đề tài Bình An Trong Cơn Bão (Peace Wihin The Storm). Buổi pháp thọai sử dụng cả 2 ngôn ngữ Anh & Việt, vì có rất nhiều người lớn tuổi cũng đi dự.

Nếu bạn nghĩ rằng: “giới tu sĩ đâu có bị ảnh hưởng bởi khủng hỏang, thì làm sao có kinh nghiệm để chỉ cho người khác vượt qua?”, thì bạn lầm. Hai diễn giả chính của buổi nói chuyện này là Sư Cô Đẳng Nghiêm, đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại đại học USCF, đã từng hành nghề bác sĩ trước khi đi tu; cùng thầy Pháp Uyển, đã từng đi lính marine và tham chiến tại Koweit. Những vị này cũng đã trải qua đời thường như chúng ta, nên hiểu được những khó khăn trong cuộc sống. Khi diễn đạt các vấn đề, hai vị có cách lập luận khoa học, lôgic, rất thuyết phục. Nếu không nhìn vào bộ áo nâu sòng, bạn không nghĩ là mình đang nghe tu sĩ thuyết pháp đâu.

Lấy ví dụ về chuyện làm sao sống bình yên trong thời khủng hỏang, sư cô Đẳng Nghiêm sử dụng luôn hình ảnh một cơn bão trong thiên nhiên. Đâu là nơi bình yên nhất trong vùng bão tố? Đó chính là khu vực TÂM BÃO. Mặc cho vùng bên ngoài mưa lớn, gió xóay mãnh liệt, vùng ngay giữa tâm bão lại có ánh nắng, có bầu trời xanh, thật thanh bình. Trong đời sống con người cũng thế. Cho dù khủng hỏang kinh tế, xã hội bất ổn, gia đình gặp khó khăn… các tìm sự bình yên nhanh nhất, hiệu quả nhất là đi tìm sự bình yên trong TÂM MÌNH. Bởi vì cuộc khủng hỏang nào rồi cũng sẽ đi qua. Nếu ta không giữ được tâm mình yên ổn , những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, làm hủy họai cuộc đời của ta trước khi giai đọan khó khăn đi khỏi. Nghe đã có người tự tử. Đã có người thối chí, trở nên rượu chè hư hỏng vì tuyệt vọng.


Làm sao tìm được tìm được sự bình yên trong tâm mình? Khoa học kỹ thuật đã giúp ta khám phá thế giới vũ trụ cách trái đất cả triệu năm ánh sáng. Vậy mà khoa học lại khám phá rất ít về chính cái tâm của con người. Đến độ mỗi khi nghe tới ngành phân tâm học của Freud, nhiều người nghĩ nó quá khó, quá siêu hình để có thể hiểu được. Sư cô Đẳng Nghiêm đã chỉ ra một phương pháp làm cho tâm mình bình an hết sức đơn giản: theo dõi hơi thở. Dưới con mắt của một bác sĩ y khoa, sư cô đã chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này. Tâm ta ra sao thì hơi thở ta y vậy, do sự vận hành của não bộ cùng hệ thống kích thích tố. Khi buồn, ta thở ra dài sườn sượt. Khi giận dữ, hơi thở ta rất mạnh, người ngoài còn cảm nhận được. Khi bị xúc động, hơi thở ta ngắn và dồn dập. Chỉ khi ta bình thản, hơi thở của ta mới nhẹ nhàng, điều hòa như khi đang ngủ yên. Như vậy để ĐIỀU TÂM, ta chỉ việc trở về với HƠI THỞ. Mặc cho ngọai cảnh bên ngoài ra sao, ta sẽ mau chóng tìm được một chỗ trú bình an cho tâm mình. Thực ra, phương pháp này đã có sẵn trong kinh sách Phật, nhưng chỉ mới đây được giới thiệu một cách có khoa học hơn.

Trong suốt buổi nói chuyện, sư cô Đẳng Nghiêm và thầy Giác Uyển thay phiên hỏi đáp lẫn nhau, làm cho buổi nói chuyện sinh động hơn. Bằng chính kinh nghiệm sống của mình, thầy Giác Uyển đã cho biết phương pháp theo dõi hơi thở đã giúp cho thầy trở về đời sống bình thường như thế nào, sau khi trở về từ chiến trường Koweit. Còn có môi trường nào khốc liệt hơn chiến trường? Đã có bao nhiêu lính Mỹ bị khủng hỏang tâm lý sau khi giải ngũ? Nhìn thái độ khoan thai của vị thầy trẻ, chúng ta có thể tin được tính xác thực của liệu pháp này.

Buổi nói chuyện mở rộng sang nhiều đề tài khác đều liên quan đến cách thực tập để có một cái tâm bình yên trong đời sống hằng ngày. Các thính giả trẻ được mời lên đặt câu hỏi về những vấn đề của thế hệ mình: quan hệ với cha mẹ, chuyện tình yêu và sex, cách hành xử trong công việc hàng ngày. Những câu trả lời cũng xuất phát từ những kinh nghiệm sống cuả các tu sĩ trẻ tuổi này, nên khá thuyết phục đối với các em.

Thiết nghĩ những buổi nói chuyện như thế này nên được nhân rộng thêm trong cộng đồng chúng ta. Cũng cần có những buổi nói chuyện riêng chỉ dành cho giới trẻ bằng tiếng Anh, để trang bị thêm cho các em hành trang vào đời. Điều này rất cần thiết cho các em trong một xã hội luôn luôn biến động như xã hội Mỹ.

An Nhiên


Caption 1: Các tu sĩ trẻ của Tu Viện Lộc Uyển. Sư Cô Đẳng Nghiêm
và Thầy Giác Uyển ngồi giữ

Caption 2: Các thính giả trẻ trong buổi nói chuyện


No comments: