May 3, 2008

CÔ THẢO - Doãn Cẩm Liên

Út à,
Xem hình "tiệm sách di động" của Út làm chị Tư nhớ đến Mẹ mình ngày xưa quá. Thuở...Bố mình là nhà xuất bản Sáng Tạo, còn Mẹ là nhà phát hành sách nên chồng sách Mẹ cột cũng siêu như cô bán sách trong hình vậy đó. Chồng sách cao hay thấp theo đơn đặt hàng, Mẹ chỉ cần dùng một sợi dây gai sao cho đủ chiều dài, rồi mối cột đầu tiên cũng là điểm thắt cuối cùng, sau khi đi đủ 4 cạnh chiều dọc, và một vòng ngang hông. Chồng sách chặt chịa không nhúc nhích đi đâu được ! Nhờ có những chồng sách như thế tụi mình mới có ngày hôm nay, đó Út…

…Ngày đó, để phụ Bố nuôi lũ con 8 đứa tụi mình, hằng tuần Mẹ dạo một loạt các nhà sách Khai Trí, Tự Lực, Việt Bằng, kiosque cô Liên… lấy “order”. Bố làm tài xế chở Mẹ bằng xe Daihatsu và bình tâm chờ ngoài xe. Phần sự của hai ông bà chia ra rõ rệt: Ông Sỹ viết văn, xuất bản sách, làm tài xế lái xe giao hàng. Cô Thảo chủ trì bộ phận phát hành sách của Nhà xuất bản Sáng Tạo, và kiêm thủ quỹ.

Cô Thảo sắp xếp công việc rất hợp lý cho từng chuyến đi: đợt này giao sách, lấy tiền đợt giao lần trước, nhận tiếp đơn đặt hàng cho lần sau. Tuyến đường đi cũng thuận thảo từ Quận 5 đến bùng binh Quách Thị Trang, lấy đường Lê Lợi, đến ngã tư Lê Lợi - Công Lý, điểm dừng đầu tiên - Kiosque cô Liên. Cô Thảo nhanh nhẹn bước xuống xe, ra thùng xe phía sau khuân ngay chồng sách đã đánh dấu tên cô Liên. Cô Liên quý Cô Thảo như hai chị em, cùng nương tựa nhau mà sống. Cho nên, tuy là quầy sách nhỏ góc đường nhưng Cô Liên luôn ưu ái trao tiền ngay cho mỗi đợt giao sách của Cô Thảo. Rồi xe đi tiếp đến ngã tư Pasteur, Ông Sỹ rẽ trái hai lượt để xuôi theo chiều ngược lại của bên kia đường Lê Lợi, đến nhà sách Việt Bằng, rồi đến Tự Lực. Cô Thảo nhanh, gọn, và lẹ mang từng cụm sách vào giao.


Nhà sách Khai Trí, điểm cuối cùng của cụm nhà sách đường Lê Lợi. Đây cũng là nơi giao thoa tình cảm giữa ông bà Sỹ và ông bà Khai Trí. Ông Khai Trí, độc giả ngưỡng mộ văn sĩ ông Sỹ. Hơn thế nữa, hai ông quý nhau vì tài vì đức của một nhà kinh doanh thành công mà không mất tính nhân bản, của một nhà giáo chân chính, hoặc một nhà văn có lý tưởng thuần dân tộc. Bên cạnh hai ông là hai bà Sỹ và bà Khai Trí cũng trân trọng nhau cho dù vị trí có phần chênh lệch của một bà chủ tiệm sách lớn nhất Sài Gòn, ngồi cash, và một bà đến giao sách và nhận tiền. Thật là trùng hợp, Bà Sỹ và bà Khai Trí có khổ người gầy thanh mảnh giống nhau, có cùng kiểu tóc ngắn uốn quăn bung tròn, vô cùng lịch thiệp khi gặp gỡ nhau ở góc quầy tính tiền. Hai bà trao đổi nhanh câu thăm hỏi. Bà Khai Trí trân trọng và tâm lý, luôn dành ưu tiên chi trả nhanh chóng để bà Sỹ không phải đứng chờ.

Thế là xong một vòng giao sách của Nhà xuất bản Sáng Tạo. Thủ quỹ Mẹ đã có được mớ tiền, đủ cho lũ lau nhau tụi mình đóng tiền học, tiền chợ, tiền quần áo, tiền tiêu xài của một gia đình đông con.


Út à, Chị Tư kể lại mẩu chuyện nhỏ này cho Út nghe vì thuở đó Út còn nhỏ xíu xìu xịu làm gì biết được vai trò của Mẹ quan trọng như thế nào bên cạnh Bố. Mẹ mình hiền, dịu dàng, khép nép bên Bố tưởng chừng yếu đuối không thể làm được gì. Vậy mà không … hoàn toàn ngược lại, Mẹ chắc chắn, chặt chẽ, và cứng cáp như chồng sách được Mẹ sắp sẵn chuẩn bị lên đường đi các nhà sách vậy đó.

Chị Tư Liên
Con viết tặng Mẹ
nhân ngày Năm tháng Năm,
sinh nhật lần thứ 82 của Mẹ.

Photos: Út Hương
Người Mẫus: Bố Sỹ - Mẹ Thảo

2 comments:

Hot... said...

Tư viết bao giờ cũng hay 1 cách tự nhiên - nó nhớ chi tiết vụ này hơn chị Hai đó : )

Chi Ha

Hot... said...

Sướng quá, được bác Thanh khen không phải là dễ ! Cám ơn bác Thanh nhen.

Em Tư