May 29, 2008

2. ĐIỀU CHÍNH YẾU VÔ HÌNH - Đoàn Khoa

Saint-Expuery-1939
...
Trở lại với “những sự thật” bằng việc người ta trưng ra xác máy bay rơi cùng chiếc lắc đeo tay có khắc tên người phi công xấu số, cộng thêm lời kể xác thực của kẻ bắn rơi máy bay, thế giới khép lại “huyền thoại cuối cùng của thế kỷ 20” !

Theo quy định của quân lực thời đó, hạn định được bay cho một phi công là 35 tuổi, vậy với tuổi 44, Saint-Ex quá già để tiếp tục những chuyến bay và theo lời kể của nhiều người bạn, Saint-Ex đã cảm biết có thể đây là chuyến bay cuối cùng của đời mình.

Antoine De Saint-Exupéry, ông là ai :
Người đàn ông với những mối tình nẩy lửa... ?
Một nhà văn với những tác phẩm bất hủ... ?
Viên phi công có trên 7000 giờ bay... ?
Vị anh hùng hy sinh cho tổ quốc... ?
Hay một “thánh” như chữ Saint trong chính tên ông ?...

...
Ông luôn là thiên sứ, là một Hoàng Tử Bé nguyên vẹn trong tôi như thời niên thiếu, bởi chỉ những thánh thần được tái sinh trong cõi đời này mới làm được những điều tuyệt vời cho nhân gian và biết trước “sự ra đi” của chính mình.

...
Tôi nhẩm đọc lại câu đối thoại giữa Con Chồn và Cậu Hoàng Con:
- ...Người ta nhìn thấy rõ hơn với trái tim. Cái cốt thiết, cái tinh thể thì vô hình với đôi mắt...”
- ...Cái cốt thiết, cái tinh thể thì vô hình với đôi mắt...- Hoàng Tử Bé lặp lại, để nhớ về sau... (*)
...
- “...Cái cốt thiết, cái tinh thể thì vô hình với đôi mắt...” - Ở tuổi bốn mươi mấy, tôi cũng lặp lại để nhớ về sau...
Tôi nghĩ bụng, sắp tới đây, vào những năm 50, 60 tuổi, biết đâu tôi sẽ đặt lại câu hỏi với những người mới quen rằng “Anh có đọc Hoàng Tử Bé chưa ?...”, để quyết định “kiểu ứng xử” như thời 15, 16 ...



Đoàn Khoa
tháng 5 - 2008


(*): trích trong tác phẩm “Le Petit Prince”

No comments: