May 9, 2008

2. Thảo Dung , ánh sao thầm lặng - Đoàn Khoa


...
Nếu kể từ đầu đến cuối tất cả tiết mục mà Thảo Dung đã tham gia, chắc chắn không tài nào đếm hết được, ngay cả liệt kê những chương trình từ trước đến nay, vẫn là một danh sách dài dằng dặc.

Tôi hay nói đùa rằng chương trình ca nhạc nổi tiếng Duyên Dáng Việt Nam phải ghi Thảo Dung vào kỷ lục vì cô là người duy nhất xuất hiện từ lúc đầu tiên cho đến cái vừa rồi, không thiếu chương trình nào.

Tôi bỗng nhớ đến nàng Mỵ Nương trong “Duyên Dáng Việt Nam 5” mà tôi dàn dựng.

Trong không gian xanh thẳm, từ từ tối dần, năm luồng ánh sáng vàng mờ bất động, thẳng góc với mặt sàn sân khấu, sáu nhân vật gồm Mỵ Nương, Trương Chi, 3 nàng hầu và cô ca sĩ, họ “mộng du”, lững thững trên quĩ đạo của riêng mình, không ai gặp ai, chẳng ai thấy ai, ... như cõi đời buồn tênh, mênh mông của họ.

Chỉ có Thảo Dung mới thể hiện đầy đủ vẻ đẹp bên ngoài của nàng Mỵ Nương cùng tâm trạng đổi chiều từ cô tiểu thư xanh xao, vật vã khi nghe tiếng hát Trương Chi, đột ngột quay ngoắt, hững hờ, lạnh lẽo khi hai người chạm mặt.

...Sau này, làm những chương trình thời trang, dù biết Dung không phải “chân dài” thực thụ, tôi thích mời và luôn xếp cô trong vị trí quan trọng, ấn tượng nhất.
Với kỹ thuật múa điêu luyện, thấm sâu trong máu, một hình thể kiêu xa, quý phái cộng thêm sự nhạy cảm bẩm sinh, Dung vẫn tỏa sáng trong lãnh vực thời trang dù đó không phải sở trường của cô.

Có một năm nọ, trên tờ báo xuân Sài Gòn Tiếp Thị, người ta chọn Thảo Dung làm hình mẫu của cho một chương mục có tên rất hay “Nhan Sắc Sài Gòn”. Chính cảm xúc từ hình ảnh và tựa đề nói trên, tôi lấy lại tên này để đặt cho loạt chương trình văn nghệ sau đó nhằm tôn vinh cái đẹp dung dị, hiền hoà, nhưng hết sức sâu sắc của người miền Nam nói chung và dân Sài Gòn nói riêng.


...Cuối cùng, mong muốn của tôi cũng thành hiện thực.

Trên nền nhạc hòa tấu bài “Hạ Trắng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cùng với biên đạo Binh Hùng, chúng tôi đã dựng riêng cho Thảo Dung một tiết mục múa độc lập chứ không phải minh họa cho các ca sĩ đang hát.

Thanh thoát khác người, Thảo Dung với nhiều tấm lụa trắng mong manh buông rũ, trên tay cầm cành lá cọ khô hờ hững, cô và dàn múa như một đàn hạc gầy khắc khoải, mang nỗi buồn tung cánh bay xa.

Hình ảnh Thảo Dung trong những sáng tác của tôi như “Chân dung Nàng Thơ”, đó là sự xúc động về cái Đẹp thanh cao, thuần khiết, dù không chạm tới được nhưng luôn hiện hữu.

Trong “Hương Thời Gian” – Thảo Dung vai cô gái nhà quê, hong tóc ướt trong buổi trưa hè đầy tiếng ve sầu rền rã. Cô mơ màng và thong dong, đợi chờ một điều gì đó không định hình, một người tình nào đó chưa biết mặt.

Ở video clip “Bèo giạt mây trôi”, Dung là cô gái qua sông.
Trong buổi bình minh đầy sương sớm, có con bé ngây thơ bước xuống con đò.

Khi ra giữa giòng thì mặt trời lên cao, cô thành thiếu nữ mơ màng...


Lúc bước lên bờ, là cô dâu...


Rồi buổi hoàng hôn chập choạng, cô thành góa phụ, lặng lẽ ôm con, nặng nề đi trên con đường gập ghềnh, đầy đá sỏi và chông gai...


...Chỉ đến “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Nàng Thơ” mới được hạnh phúc!


Trong clip ca nhạc này, Thảo Dung - cô gái thầm lặng, miệt mài, đem tất cả thế giới quanh cô, từ sông núi, ruộng đồng, đến đám nông dân và những con trâu lành chậm rãi... vào cùng một bức tranh thêu.

“Bức tranh đời” ấy bỗng đẹp hơn khi cô thêu thêm vào đó một người tình tưởng tượng !

Rồi vô ý, trong lúc mệt mỏi thiếp đi, cái khay đựng chỉ rơi xuống. Các cuộn chỉ màu tung tóe đầy sân, cô bừng tỉnh, vội vàng thu lượm lại...

Chỉ riêng có cuộn “tơ hồng” là thoát được lăn xa...

Nó đi qua ruộng qua đồng, qua sông qua núi... qua biết bao dặm đường để tới tận nơi mà “người trong mộng” đang ngóng đợi cô.

Thế là mỗi người giữ một đầu chỉ, họ lần quấn ngược tìm nhau...
...
Như tinh thần bài hát trên, tôi luôn mong cầu cho Dung được hạnh phúc !
...

Gặp lại Thảo Dung bây giờ, cô không còn là một thiếu nữ xa xăm, bí ẩn với một nủa ánh sáng còn nửa kia là bóng tối, mà là người phụ nữ đằm thắm, bình an bên chồng và hai nàng công chúa bé nhỏ xinh xắn.

Cô còn tự hào hơn khi khoe rằng mình hiện là giảng viên Trường múa với một thế hệ mới trong tay...

- Em đâu còn giống những nhân vật mà anh tưởng tượng, em già rồi ! – Dung nói

Với tôi, Thảo Dung lúc này vẫn vậy, cô tỏa sáng không chỉ trên sân khấu mà cả trong đời thường và thậm chí ngay lúc này, cô còn hơn lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

Đây là một thứ ánh sáng thật lạ, nó không rực rỡ chói lòa như những luồng đèn “phô-lô” chiếu vào ca sĩ, mà thuần khiết, tinh tế và long lanh... y như ánh sáng phát ra từ một viên kim cương.

Chỉ có người nghệ sĩ đích thực mới có loại ánh sáng đó.

Đoàn Khoa
Tháng 04 - 2008

1 comment:

Anonymous said...

Hey Đoàn Khoa, chị Liên khoái lối dùng chữ độc đáo của Khoa: "đồng hồ của lòng tự trọng". Nghe là biết người được mang danh xưng trên đàng hoàng, chuẩn mực, nghiêm túc như thế nào rồi. Và cũng thấy luôn người sáng tác ra con chữ đó tinh tế biết dường nào !