Jul 20, 2012

Kinh Trường A Hàm - Thich Tuệ Sĩ dịch

[...]
Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với đại chúng tùy tùng đến nhà ông, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn. Sau khi Phật và đại chúng đã an tọa, Châu-na đem món ăn dâng Phật và chúng Tăng. Ông lại nấu riêng một thứ nấm Chiên-đàn là thức ăn trân quý kỳ lạ ít thấy, đem dâng riêng cho Phật. Phật bảo Châu-na chớ đem thứ nấm ấy cho chúng Tăng ăn. Châu-na vâng lời, không dám dọn cho chúng Tăng.

Lúc bấy giờ, trong đại chúng Tỳ-kheo có một Tỳ-kheo già, xuất gia lúc tuổi xế chiều, ngay trên mâm ăn, dùng đồ đựng dư để lấy.

Châu-na, sau khi thấy chúng Tăng thọ trai xong, cất bình bát và dùng nước rửa xong, liền đến trước Phật mà hỏi bằng bài kệ rằng:

    Xin hỏi Đại Thánh Trí,
    Đấng Chánh Giác Chí Tôn:
    Đời có mấy Sa-môn,
    Khéo huấn luyện điều phục?
    Phật đáp bằng bài kệ:
    Theo như ngươi vừa hỏi,
    Có bốn hạng Sa-môn,
    Chí hướng không đồng nhau,
    Ngươi hãy nhận thức rõ:
    Một, hành đạo thù thắng;
    Hai, khéo giảng đạo nghĩa;
    Ba, y đạo sinh sống;
    Bốn, làm ô uế đạo.
    Sao gọi đạo thù thắng?
    Sao khéo nói đạo nghĩa?
    Sao y đạo sinh hoạt?
    Sao làm đạo ô uế?
    Bẻ gai nhọn ân ái,
    Quyết chắc vào Niết-bàn;
    Vượt khỏi đường Thiên nhân,
    Là hành đạo thù thắng.
    Khéo hiểu đệ nhất nghĩa
    Giảng đạo không cấu uế,
    Nhân từ giải nghi ngờ,
    Là hạng khéo thuyết đạo.
    Khéo trình bày pháp cú
    Nương đạo mà nuôi sống,
    Xa mong cõi vô cấu;
    Là hạng sống y đạo.
    Trong ôm lòng gian tà,
    Ngoài như tuồng thanh bạch.
    Hư dối không thành thật,
    Là hạng làm nhơ đạo.
    Sao gọi gồm thiện ác,
    Tịnh, bất tịnh xen lẫn.
    Mặt ngoài hiện tốt đẹp,
    Như chất đồng mạ vàng,
    Người tục thấy liền bảo:
    “Đó là Thánh đệ tử,
    Các vị khác không bằng,
    Ta chớ bỏ lòng tin”.
    Người gìn giữ đại chúng,
    Trong trược giả ngoài thanh.
    Che giấu điều gian tà,
    Kỳ thật lòng phóng đãng.
    Chớ trông dáng bề ngoài,
    Đã vội đến thân kính.
    Che giấu điều gian tà,
    Kỳ thật lòng phóng đãng.

 Trích: http://buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham02.htm

No comments: