Apr 4, 2010

ĐỌC “TU TẠI GIA” CỦA CƯ SĨ BẢO THÔNG LÊ THÁI ẤT: CẨM NANG DÀNH CHO NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI NHÀ



“Thứ nhất là Tu Tại Gia
Thứ nhì Tu Chợ, thứ ba Tu Chùa…”


Câu ca dao này đã quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Bởi vì nền văn hóa Phật Giáo đã gắn liền với đời sống của dân tộc ta từ hơn nghìn năm trước. Thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật Giáo trong các đời Lý, Trần cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam. Đạo Phật trong chốn thiền môn ảnh hưởng tới chốn triều đình, đến từng nhà để làm nền tảng đạo lý cho gia đình Việt Nam.

Rất nhiều người Việt là cư sĩ tại gia. Dù không xuống tóc xuất gia, nhưng họ vẫn qui y Phật-Pháp-Tăng, sống trong đời đúng theo chánh pháp. Tu tại gia trở thành một nếp sống được lưu truyền trong nền văn hóa Việt theo kiểu dân gian, ít có dịp được đúc kết lại thành sách vở.
Đầu xuân Canh Dần, Giáo Sư Lê Thái Ất - tức cư sĩ tại gia Bảo Thông- đã cho ra mắt cuốn sách Tu Tại Gia. Có thể xem đây như một cuốn cẩm nang cho đường lối tu nhập thế trong truyền thống của văn hóa Việt. Mời quí vị độc giả điểm qua một số nét chính từ cuốn sách dầy hơn 500 trang này…

Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là, ngay phần mục lục, cuốn sách này không phải là một hệ thống kiến thức được trình bày theo một thứ tự tự nào đó. Bởi vì cuốn là tập hợp của những đề tài được tác giả tự nhặt nhạnh, ghi chép lại trong quá trình tu học của chính mình. Do đó, nó không dùng để lý giải Phật Giáo một cách có hệ thống. Theo Giáo Sư Lê Thái Ất, có thể xem quá trình tu Phật gồm bốn giai đoạn tín-giải-hành-chứng. Những ai đã khởi tín, trong quá trình tu gặp những thắc mắc, thì cuốn sách này sẽ là một trợ duyên, giúp cho họ giải thích được những câu hỏi đó. Đọc cuốn sách này để có thêm chánh tín, còn chuyện thực hành và thực chứng vẫn là con đường đi của từng Phật Tử. Đạo Phật là đạo của thực nghiệm, mỗi cá nhân phải tự tìm ra con đường đi riêng cho chính mình.

55 đề tài mà Giáo Sư Lê Thái Ất đã bàn đến trong cuốn sách Tu Tại Gia là lời giải thích sâu sắc cho nhiều vấn đề mà người phật tử tại gia hay gặp. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đó là công trình nghiên cứu của một cư sĩ tại gia trong gần 40 năm tu học. Giáo Sư đã tự tìm hiểu qua sách vở, tham vấn các vị tu sĩ, thảo luận với các bạn đồng tu của mình để những có câu trả lời này. Đó là sự đúc kết kiến thức, kinh nghiệm, sự thực chứng của một cư sĩ tại gia, cũng là một giáo sư triết học và là một nhà nghiên cứu văn hóa.

Chẳng hạn như đề tài “Nam Mô A Di Đà Phật”. Phật Tử nào cũng đều hơn một lần niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Nhưng có mấy ai hiểu khi niệm sáu chữ này có nghĩa là ta nguyện đi theo ánh sáng của đấng toàn giác vô lượng quan, vô lượng thọ. Có mấy ai biết được vì sao mà pháp môn niệm Phật lại có sức mạnh giải thoát vô song: “thời mạt pháp vạn ức người tu không được một người giải thoát, chỉ nương pháp môn Niệm Phật mới ra khỏi được luân hồi…” (Kinh Đại Tập Phật). Có mấy ai niệm Phật mà nhất tâm chí thành, để hình ảnh, hào quang của Phật A Di Đà với thân tâm mình là một, từ đó mà dứt được nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên thanh tịnh (trang 124).

Phật tử tại gia thì thường ai cũng đã từng đi hành hương. Nhưng ta sẽ thú vị khi biết thêm về ý nghĩa thiết thực của quá trình hành hương, và cách thức để thực hiện một chuyến hành hương có kết quả cho việc tu học của mình. Ở mức độ “thân hành hương, người phật tử hay khách du lịch đến viếng chùa để ngắm cảnh, nên nhìn tượng phật chỉ ở góc độ hình tướng … Ở mức độ “tâm hành hương”, hành hương thực sự, Phật Tử đi chùa nhiếp tâm để nhìn thấy mình đang đến nhà Như Lai, nhìn thấy Pháp Thân Phật một cách trọn vẹn, từ đó khơi dậy tâm Phật trong chính bản thân mình. Chúng ta hay nghĩ đi hành hương chỉ là thời gian đi đến chùa. Kỳ thực, qui trình hành hương đầy đủ bao gồm thời gian từ nhà đến chùa, hành lễ niệm hương tại chùa và từ chùa trở về nhà. Đến chùa, thành tâm hành lễ để nương vào Pháp Thân Phật để mong thấy Tánh, ngộ đạo. Sau đó trở về nhà, ta đem theo Phật Lực về để mà hành đạo. Ta không giữ hương Phật chỉ cho mình, mà còn ướp thơm cho cả tha nhân nữa. Đi hành hương trong tinh thần Bồ Tát Đạo là vậy đó! (trang 231)

Một đề tài được bàn trong cuốn sách nói lên được tính nhân bản đặc thù trong Đạo Phật, đólà Người Tu Thành Phật (trang 271). Đạo Phật là hữu thần hay vô thần? Cần nhớ rằng trong giáo lý Đạo Phật không có một đấng Thượng Đế toàn năng sáng tạo ra con người và muôn loài, do đó Đạo Phật không thờ thiên thần. Người Phật tử tôn thờ vị giáo chủ là Đức Phật Thích Ca. Ngài cũng chỉ là một con người, do tu hành mà nhìn thấy chân lý của vạn pháp, rồi sau đó truyền lại kinh nghiệm thực chứng của chính mình cho chúng sinh qua hệ thống giáo lý Phật. Ngài nói rằng đã là người ai cũng có Phật tánh ngay trong tâm của mình. Chỉ cần biết cách tu hành, con người sẽ thành Phật, tức là tìm thấy Phật trong ta. Lúc đó tín đồ sẽ trở thành giáo chủ! Đây chính là tính bình đẳng và nhân bản độc đáo nhất của Phật Giáo. Nói là Đạo Phật vô thần cũng không đúng, vì Đạo Phật thờ nhân thần, thờ một con người đã thành đạo, và tin tưởng rằng mỗi người đều có khả năng thành đạo. Đạo Phật đề cao con người trong muôn loài vì khả năng tu thành Phật của chúng ta, khuyến khích chúng ta hãy tự tin nơi chính mình trên con đường tu học. Trong đề tài Phật Độ (trang 49), tác giả nhấn mạnh lại lời Phật dạy “tự giác, tự độ” trong quá trình tu, để nhắc nhở chúng ta hiểu đúng hành động đến chùa cầu xin Phật độ. Chúng ta giống như những người bộ hành đến một bờ của một dòng sông mà không có phương tiện qua bên kia bờ. Dòng sông và hai bến bờ tượng trưng cho tâm mê lầm-chướng ngại- tâm giác ngộ. Phật độ là Phật cho chúng ta mượn con thuyền để qua sông, con thuyền đó chính là Kinh Phật. Chính chúng ta phải là người chèo lái, chứ không phải là Đức Phật!

Còn rất nhiều vấn đề khác của Đạo Phật mà chúng ta hay gặp trong đời sống hằng ngày: Chính Trị Trong Đạo Phật (trang 345), Đạo Vợ Chồng (trang 455), Đạo làm người ( trang 483)… Trong sách cũng có những đề tài rất sâu sắc, chỉ có những người đã nghiên cứu Phật Pháp lâu năm mới biết đến như Tây Phương Cực Lạc và Đông Phương Diệu Hỉ (trang 371), Đại Tử Nhất Phiên (trang 307)… Tu Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn. Người Phật tử tại gia ở bên xứ Mỹ bận rộn này thường không có điều kiện để đi chùa, gặp thầy để xin giải đáp những thắc mắc trong quá trình tu tập của mình. Có được cuốn sách này, độc giả giống như được trao đổi, chia xẻ kinh nghiệm với một cư sĩ tại gia, đã dành cả đời để chiêm nghiệm Phật Pháp. Đây cũng là một duyên lành đối với tất cả những người đang tu Phật.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Tu Tại Gia đến với quí độc giả, quí đạo hữu…

Đoàn Hưng

No comments: