Aug 19, 2021

KỶ NIỆM MỘT LẦN ĐEM THỰC TẬP CHÁNH NIỆM VỀ VIỆT NAM - Doãn Hưng gàn


Trong một dịp cùng đi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) cho một liên đoàn hướng đạo ở Quận Cam, tôi có tâm sự với anh bạn trẻ Bạch Xuân Phẻ rằng có lẽ một trong những nơi thanh thiếu niên cần thực tập chánh niệm nhất chính là Việt Nam. Ước gì những buổi hướng dẫn chánh niệm như thế này được tổ chức rộng rãi ở những đoàn thể của thanh thiếu niên Việt Nam trong nước. 

Ước muốn được thì làm cũng được. Trong một chuyến về Việt Nam năm 2018,  tôi liên lạc trước với chị T., một người bạn thân lâu năm của gia đình. Chị T. là Giám Đốc Điều Hành của WWO Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chị là một người có đầu óc cởi mở, thích học hỏi cái mới. Dưới tay chị là một đội ngũ nhân viên trẻ, hàng ngày phải đối mặt với những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội. Tôi nói với chị T. là muốn có một buổi hướng dẫn thực tập chánh niệm cho nhân viên WWO, vì điều này có thể đem lại lợi lộc cho các bạn trong môi trường làm việc mà tâm lý dễ bị ảnh hưởng trước những cảnh đời bất hạnh. Chị hoan hỉ nhận lời ngay. Tôi cũng rất vui vì mong ước của mình đã có thể thực hiện.

Như đã nói, chị T. là một người cởi mở, phóng khoáng. Chị là người theo Thiên Chúa Giáo, nhưng đọc nhiều sách của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Chị đã nghiền ngẫm cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức (tên tiếng Anh: The Miracle of Mindfulness), một cuốn sách Thầy viết về chánh niệm từ thập niên 60. Do đó, chánh niệm chắc không phải là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với chị. Trước khi đến văn phòng WWO để thực hiện buổi hướng dẫn, tôi chỉ hơi băn khoăn không biết các bạn nhân viên trẻ của chị T. sẽ đón nhận việc thực tập chánh niệm ra sao. Vào thời điểm đó,  Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn đã về Việt Nam, cho nên “chánh niệm” không còn là một khái niệm xa lạ. Nhưng có lẽ việc truyền bá chánh niệm của tăng đoàn chủ yếu thực hiện trong cộng đồng Phật tử trong nước, trong khi nhân viên của WWO chắc hẳn là thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, tôi cũng yên tâm phần nào, vì phần nội dung mà tôi sẽ trình bày được trích từ những buổi hướng dẫn chánh niệm của Bạch Xuân Phẻ dành cho giáo viên thuộc nhiều học khu của California. Phương pháp thực hành chánh niệm trong đời sống hằng ngày theo kiểu này không có màu sắc tôn giáo, cho nên những người theo các truyền thống tâm linh khác nhau đều áp dụng được.

Nhưng rồi những băn khoăn của tôi tan biến ngay lập tức khi tôi đến văn phòng WWO. Các bạn trẻ thân thiện, đón tiếp tôi với một tinh thần cởi mở, phóng khoáng cũng giống như chị T. Chúng tôi đã sinh hoạt với nhau thật vui như những người bạn cùng chia sẻ những kinh nghiệm sống. Bởi vì thực tập chánh niệm cũng là một hình thức trau dồi kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe tâm lý. Các bạn tỏ ra rất thú vị khi biết rằng hiện nay việc thực hành chánh niệm đã được đưa vào một số trường học, nhà thương và cả nhà tù ở Mỹ. Định nghĩa căn bản “chánh niệm là khả năng quan sát, nhận biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại mà không phân tích, phán xét chúng” được các bạn thực tập trong một vài phút tĩnh tâm, đủ để thấy mình trước đây ít khi sống thật trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Các bạn nhận thức được rằng nếu có khả năng quan sát được cảm xúc, không để cho cảm xúc dẫn đến hành động nông nổi trong một tíc tắc, cuộc đời của nhiều người có thể đã thay đổi theo một hướng tích cực hơn. Đã có bao nhiêu tù nhân Mỹ tiếc nuối vì đã không tự chủ hơn trong thời điểm có hành động không đáng có để dẫn đến tù tội. Đã có biết bao nhiêu học sinh trung học ở Mỹ tự tử vì không ai hướng dẫn cho cách đối trị với những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống. Triết gia, nhà thần kinh học người Áo Viktor Frankl có câu nói đáng để suy ngẫm: thường thì một người khi bị kích thích bởi tác động cảm xúc sẽ có hành động theo phản xạ tức thời, không suy xét. Nhưng nếu ở giữa cảm xúc và phản xạ có được một khoảnh khắc đủ để nhận thức, thì người này sẽ không “phản xạ” nữa, mà sẽ hành động đáp ứng một cách có ý thức. Và hành động có ý thức đó chính là sự tự do và trưởng thành của một cá nhân. Thực tập chánh niệm là một cách để thực tập tạo ra khoảnh khắc nhận thức tự chủ đó trước mỗi hành động.

Các bạn cũng nhận ra rằng việc thực tập chánh niệm khá đơn giản, có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau. Các bạn đã thử ăn một trái quít trong chánh niệm, phương pháp mà Thầy Nhất Hạnh đã có nhắc đến trong cuốn sách Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Thưởng thức trái quít một cách chậm rãi trong vài phút mới thấy nó ngon và mầu nhiệm hơn bình thường rất nhiều. Các bạn cũng thực tập theo dõi hơi thở vào ra, đặc biệt là cùng theo dõi hơi thở với bái hát giản dị:

In… Out… Deep… Slow…

Calm… Ease… Smile… Release…

Present… Moment…

Wonderful… Moment…

Hình như âm nhạc dễ đem con người đến gần nhau hơn. Buổi sinh hoạt kết thúc với bài hát chung cũng trong tinh thần chánh niệm:

Ta hạnh phúc liền giây phút này

Lòng đã quyết dứt hết âu lo

Không đi đâu nữa, Có chi để làm

Học buông thả, Sống không vội vàng…

Sau buổi sinh hoạt, tôi còn đi theo nhóm WWO đến thăm một trung tâm ở Gò Vấp dành cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Một lần nữa, với một cây guitar, một vài bài hát chung, âm nhạc lại đem tôi đến gần các em nhỏ trong trung tâm chỉ trong giây lát. Còn với các bạn WWO, khi hàng ngày phải đối diện với những cảnh đời bất hạnh nhất trong xã hội như ở trung tâm này, thực tập chánh niệm là để tạo những giây phút tâm bình an thư giãn sau những cảm xúc tiêu cực. Cũng chính Thầy Nhất Hạnh có lần đã nói với các đệ tử trong chương trình Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của mình: “… Thương người nghèo khó lắm, các con à…”.  Việc thực tập chánh niệm củng cố tính kiên nhẫn và lòng thương người, là những hành trang rất cần thiết cho những người làm công tác xã hội.

Sau khi trở về Mỹ, tôi vẫn còn nhớ thật lâu những kỷ niệm sinh hoạt đầy tinh thân với chị T. và các bạn trẻ của WWO. Tôi tin rằng mình đã làm được một việc dù nhỏ nhưng đáng làm. Ở trong xã hội Việt Nam, khi mà các giá trị đạo đức bị xáo trộn, khi mà người dân thường xuyên đối diện với những điều oan trái, những hoàn cảnh bất hạnh, việc thực hành chánh niệm là một phương cách đem lại sự cân bằng tâm linh rất hữu hiệu. Tôi không biết các bạn trẻ có áp dụng được điều gì từ buổi nói chuyện của tôi vào cuộc sống hay không. Nhưng khi nhớ lại những gương mặt rạng rỡ trong ngày hôm ấy, tôi tin là là những hạt giống chánh niệm đã an vị đâu đó trong tâm thức của các bạn. Rồi sẽ có ngày chúng đâm chồi, đơm hoa kết trái chánh niệm. Mỗi bạn sẽ là một thông điệp sống động về chánh niệm gởi đến những người chung quanh, và rồi dần dần sẽ phát tán ra xa hơn trong xã hội.

Hẹn một ngày gặp lại, để cùng có những ngày sinh hoạt xã hội đầy thương yêu trong tinh thần chánh niệm trên quê hương Việt Nam…

Tâm Nhuận Phúc








No comments: