May 1, 2021

BỐ VÀ CON - Doãn Cẩm Liên

Trong giới xem tử vi thường hay bàn luận mười hai con giáp Tí Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, có những con xung khắc lẫn nhau, như “Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung” hoặc những con thuận thảo hạp ý nhau “Thân Tý Thìn tam hạp”. Bố tôi và tôi lại rơi vào cung xung khắc, ông Quý Hợi, tôi Bính Thân. Xung khắc!

Có đúng là bố con tôi xung khắc không? Nếu nghĩ một cách đơn giản qua tử vi thì không thể giải thích được sự xung khắc hay sự hòa hợp giữa hai bố con tôi đâu. 

Năm tôi bảy tuổi, bố đã chọn tôi và thằng em kế cho học đàn violon. Bố gọi đây là cánh tay nối dài của bố. Bố mê nhạc từ thuở thanh niên, nhưng việc học đàn không mấy thông suốt nên phải bỏ ngang vì kháng chiến chống Pháp, tản cư, rồi di cư năm 1954. Khi vào đến miền Nam, bố mẹ tôi có cuộc sống mới ở miền đất mới, các chị em tôi lần lượt ra đời, nhiều nỗi lo toan nên niềm đam mê đàn địch của bố tạm gác. Đến khi chúng tôi đã đủ lớn, kinh tế gia đình tạm ổn thì bố mới nghĩ đến chọn đứa nào làm cánh tay nối dài ước mơ đàn của mình. Tôi và thằng em được chọn vì vừa kịp khởi sự học đàn ở tuổi năm và bảy. Bố đưa đón đi học và tập đàn cùng chúng tôi khi ở nhà. Thằng em chỉ học được chừng một hai năm gì đó là bỏ ngang, chỉ còn mình tôi vẫn tiếp tục học cho đến năm mười bảy tuổi. Cánh tay nối dài của bố chỉ còn một là tôi. 

Những năm tháng tôi học violon, bố là người đưa đón tôi đi học ở trường Quốc Gia Âm Nhạc hoặc tại tư gia nhà thầy bằng chiếc xe vespa. Hai bố con luôn có nhau. Con học đàn trong trường thì bố chạy xe lăng quăng bên ngoài hoặc ghé nhà bạn tập đàn piano ké. Lúc đó nhà tôi chưa có đàn piano vì đàn rất mắc, mà ngân sách của bố mẹ không kham nổi. Đàn ké là thượng sách để bố không quên đàn và cũng là nuôi cánh tay cho thêm dài mà không hao tổn quĩ tiền của mẹ. Một tiếng đồng hồ chờ tôi học đàn với thầy, cũng là một tiếng đồng hồ niềm mơ ước của bố đang thành hình, từng mảng nhỏ. Mảng nhỏ kết lại thành một mảng lớn ước mơ, mang âm nhạc vào cuộc sống. Cả hai bố và tôi đã có cùng mơ ước, không một tí gì là xung khắc cả. Đó là điểm thứ nhất tôi thấy Tứ hành xung Dần Thân Tỵ Hợi sai.

Nhớ lại chuyện kể từ cô tôi, năm xa xưa bố được bà nội mua cho một cây piano, mang từ Hà Nội về tận quê Làng Cót. Cây đàn được khiêng nghễu nghện từ đầu làng vào nhà đã làm cả làng trố mắt ra xem. Bà tôi thương con và chìu con nên khi có được một mẻ lời từ việc mua bán là mua liền cây đàn cho các con. Bố tôi còn khuyến khích các em gái dành thì giờ học đọc đàn. Vì âm nhạc sẽ làm cho tâm hồn các em thêm phong phú và cũng là một đặc điểm để sau này kén chồng. Người con trai vớ vẩn nào sẽ không dám héo lánh tới những người con gái am tường âm nhạc hay biết đàn một loại nhạc cụ. Bên cạnh các em gái, bố tôi còn xin bà cho chú em được học đàn violon. Chú ấy mê đàn quá nên giả bộ lấy hai chiếc đũa, một chiếc cặp nơi cổ làm đàn, chiếc kia làm archet kéo. Sau này chú tôi rất tiếng tăm trong giới âm nhạc với nhiều ca khúc cho hợp ca, đơn ca, quân ca và những bản giao hưởng. Điểm khởi đầu cho sự nghiệp vẻ vang của chú là lời đề nghị của bố tôi với bà.

Thời gian trôi, lũ chúng tôi lớn lên lao xao dưới bóng mát của bố. Bố dạy học, bố viết văn, bố được học trò và độc giả yêu quý, chúng tôi cảm thấy bóng của bố quá lớn và quá mát. Tìm đâu ra sự xung khắc “Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung” khi chỉ toàn là bóng mát. Mình quá nhỏ bé với những điều bố đã làm cho đời và xã hội. Lại thêm nữa, bố tôi không dạy bảo chúng tôi phải làm điều này, không làm điều kia nên không khí gia đình chúng tôi có bầu không khí dân chủ. Bố luôn tôn trọng cách học hành của con cái. Các con được toàn quyền chọn ngành học ở bậc trung học, tóc tai hay ăn mặc cũng được tự do. Thằng em kế tôi đã từng để tóc dài chấm vai rất ư là hippy, bố tôi cũng chẳng thắc miễn sao nó học hành đàng hoàng, đủ điểm lên lớp. Chị cả mặc mini jupe đi học cũng được bố chấp nhận. Chị học giỏi, thi đậu bằng tú tài Pháp và tú tài Việt, bố hả hê. Nhìn chung bố là ông bố không hà khắc đối với lũ con chúng tôi. Khó kiếm ra những gì để có sự xung khắc giữa bố và các con.

Đến biến cố 1975, bố tôi đã phải đi tù cộng sản hai lần. Lần đầu bốn năm cùng với các văn nghệ sĩ bạn. Lần thứ hai, tám năm với lý do chống phá cách mạng. Mười hai năm hẩm hiu cùng số phận đất nước, biệt giam, lao động, xa cách gia đình, tôi gọi đây là phần xung khắc nhất giữa bố và gia đình. Bố phải xa mẹ và các con là đã hóa giải những cung xấu trong tử vi. Mẹ tôi tuổi Bính Dần, cũng là trong cung khắc với bố Quý Hợi. Tù như thế thì “Nam Nhâm nữ Quý thì sang, nhược bằng ngược lại gian nan nhiều bề, bố Quý Hợi phải nhiều gian nan đến thế mới phải lẽ chứ!”

Bố ở tù về, chúng tôi lớn hơn, nhiều hiểu biết hơn, thế là bố con thành bạn. Có đối thoại bình luận chính trị, tôn giáo, Phật pháp giữa bố và con. Bố nhắc nhở chúng tôi biến cố 1975 không thể làm chúng ta bị thiếu hụt kiến thức, không thể tụt hậu nhân cách, và không để chế độ cộng sản hủy hoại cuộc đời chúng ta một cách dễ dàng, bằng cách… bằng cách thành lập đại học bỏ túi. Chúng tôi được bố gợi ý: tất cả thành viên gia đình và bạn bè thay phiên nhau thuyết trình một đề tài nào mà mình đang học, sách đang đọc, ý tưởng mình thích. Thế là chúng tôi đã có những thuyết trình và buổi ca hát thú vị nhất trong cuộc đời.

Anh Hai, anh nuôi của chúng tôi, đã khởi phát buổi thuyết trình với chủ đề “Đạo Phật trong Kim Dung”. Không thể quên được anh Hai đã ảnh hưởng chúng tôi rất nhiều trong cách sống, lối suy nghĩ, quan điểm chính trị sâu xa như thế nào. Cũng do vì anh Hai và bố khá giống nhau, lấy đạo Phật làm căn bản cuộc sống. Sống chan hòa vị tha với người trước, khi người đối xử không đúng với mình thì tính sau. Thuyết nhân quả và trùng trùng duyên khởi là hai điều anh Hai cũng như bố thường nhắc cho chúng tôi đừng quên. 

Chúng tôi mê tơi những buổi anh Hai kể chuyện kiếp hiệp Kim Dung, bình luận nhân vật Đoàn Dự, Lệnh Hồ Xung, Dương Quá, Kiều Phong, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Trương Vô Kỵ, Vy Tiểu Bảo, Lý Chính Thuần, Hư Trúc… Bố tôi không có kiến thức về lãnh vực này, anh Hai đã điền vào cho chúng tôi. Những buổi anh Hai kể chuyện phim hoặc kể truyện hay đã đọc, chúng tôi say sưa nghe. Thời gian sau 1975, Sài Gòn tang hoang, con người hành hạ con người, dối trá và tàn ác lên ngôi, thế mà thế giới gia đình chúng tôi lại ngược lại hoàn toàn. Chúng tôi được nhiều hơn mất. 

Tôi lan man chuyện bố sang chuyện anh Hai, cũng do vì anh Hai quá hay và quá dễ thương mà chúng tôi không thể nào kiếm được người thứ hai giống vậy trên cõi đời này.Trở lại chương trình đại học bỏ túi, người bạn của tôi đã thuyết trình về môn vẽ kiến trúc. Vì lúc đó chàng ta đang là sinh viên trường kiến trúc. Bố tôi dậy phương pháp thiền nhập môn để chữa bệnh loạn nhịp tim, căng thẳng thần kinh của thằng em. Những bài học cắm hoa, những bài học sáng tác ca khúc của anh Hai và nhiều nhiều đề tài khác mà tôi đã lờ mờ quên nên không viết ra đây. Đại học bỏ túi đã là một túi càn khôn mà chúng tôi gặt hái, thu hoạch biết bao nhiêu mà không suy xuyển! 

Thời gian trôi, thời vui vẻ có nhau rồi cũng phải hết. Từng người ra đi. Tôi vẫn là người ở lại.

Trở lại chữ khắc. Ai nói xung khắc là không có điểm chung hoặc không thừa hưởng gia tài của nhau? Trường hợp bố và tôi hoàn toàn khác. Biến cố 1975 khiến gia đình tôi bị chia cắt. Bố đi học tập cải tạo. Các chị em trai gái đều có tư tưởng vượt biên, thoát khỏi cộng sản. Nhà phải có người đi được để cứu người còn ở lại và nuôi bố trong tù như bao gia đình khác của miền Nam Việt Nam. Do vậy tôi mới có điều kiện hưởng gia tài từ bố mẹ, căn nhà Thành Thái quận 5. Nếu không, bình thường thì con trai trưởng sẽ tiếp nối ở căn nhà của bố mẹ để chăm lo tuổi già cho hai cụ. Người lo toan vượt biên đâu màng đến căn nhà, sau đến người được bảo lãnh lần lượt ra đi, cũng không đoái hoài căn nhà và đống sách bố để lại. Tôi là người ra đi sau cùng nên ôm nhận tất cả những gì của bố mẹ. Hưởng gia tài!

Gia tài bố để lại không chỉ vật chất là căn nhà mà còn cả tinh thần ở những sách vở bố viết, sách tặng từ bạn văn của bố. Tôi hưởng trọn. Khi các chị em đã bình an ở xứ Úc, Mỹ thì gia đình nhỏ của tôi vẫn còn ở lại căn nhà thân thương của bố mẹ. Căn nhà này bố mẹ dọn về ở năm 1959. Nơi lần lượt thằng em thứ năm của tôi được sinh ra cho đến Út gái thứ tám. Tôi lập gia đình và có con vẫn không ra khỏi căn nhà của bố mẹ. Tôi ở dai dẳng lâu nhất trong căn nhà Thành Thái này. Tôi ôm ấp kỷ niệm vui buồn dính dáng đến căn nhà nhiều nhất so với các chị em. Tôi là người đứt ruột bán nhà, tháo sách vở từ kệ sách, cả ngàn quyển từ trên lầu xuống nhà dưới để cho những ai muốn xin và bán những sách còn lại. Ngày giao nhà cho người mua, năm 2011, tôi mệt thẫn thờ vì phải đoạn tuyệt với quá khứ. Đến những năm mươi hai năm (52) ở trong căn nhà đầy kỷ niệm vàng son. Đã biết là vật đổi sao dời, là hết duyên thì ra đi, nắm giữ cũng không được, biết thế mà tôi vẫn bị u uất mất một thời gian.

Khi sang đến Mỹ, đoàn tụ với đại gia đình. Sau ngày mẹ mất, bố từ Houston qua ở với năm con tại California. Lại một lần nữa tôi gắn liền với bố. Vì cuộc sống, chị và các em phải mưu sinh kiếm cơm ở đất mới, tôi ôm bố và chăm lo cho bố. Bố già có bệnh hay quên nên nhiệm vụ của tôi là lo sinh hoạt hằng ngày, nhắc nhở việc ăn uống ngủ nghỉ cho bố. Rồi đến phần gia tài tinh thần tôi cũng lo luôn là những cuốn sách bố sáng tác. 

Hằng ngày, việc ăn uống cho đầy đủ chất, uống thuốc đúng liều của bố tôi lo. Bố ngoan ngoãn khi bị ép uống hết ly nước để không bị thiếu nước. “Bố đánh răng dùm con nha” câu nói nhắc của tôi thì câu trả lời của bố như vầy “Ơ ơ ơ bố đánh răng rồi mà!” Bố có tội lười đánh răng hoặc cho là súc miệng bằng sữa hay bằng loại nước gì khác đều được xem là răng đã sạch. Nhớ thời mẹ còn sống, mẹ quẹt kem vào bàn chải cho bố (không khác gì tôi bây giờ), luôn luôn phải nhận một câu là “đánh răng rồi mà” rồi bố mới thi hành. Bố tôi là vậy, có ý kiến của mình nhưng cuối cùng vẫn luôn nhượng bộ để làm vui lòng người khác. 

Đó là cho mẹ con và gia đình thôi. Bố đâu có nhượng bộ cộng sản, hình như còn cương quyết chống đối nữa là đằng khác!

Các chị em đã giao cho tôi việc điều hành website doanquocsy, nơi chứa sách vở, hình ảnh bố cùng văn hữu, thân hữu, và con cháu nội ngoại. Tải lên những dữ kiện mới về bố, những sách cũ để độc giả có thể vào đọc, đánh máy lại những quyển được lưu trữ từ các website bạn. Nhiều công việc phải làm khác để thế hệ sau còn có thể nghiên cứu, một thời Văn học Nghệ thuật miền Việt Nam Cộng Hòa. Cả một gia tài tôi nhận lãnh từ bố, vật chất và tinh thần.

Do vì đánh máy lại những tác phẩm của bố, được hai mươi ba quyển rồi, tôi thấm và hiểu bố không ít thì nhiều. Tư tưởng và quan niệm sống của bố, tôi không khỏi ngạc nhiên. Phật pháp của bố sao thâm sâu đến dường ấy khi không bao giờ thấy bố đi chùa, đọc kinh, lạy Phật. Chỉ thấy sự trân trọng qua lại giữa bố và các vị thượng tọa hay hòa thượng là đủ biết lý do. Bố dùng tinh thần thiền và buông xả để tồn tại trong ngục tù và để hóa giải những ác ôn vô nhân đạo của quản giáo cộng sản. Đó là sự hiên ngang và ngạo nghễ của bố!

Hiểu bố, tôi còn hiểu qua nhân vật và câu chuyện trong tác phẩm của người. Người ta nói “Văn dĩ tải đạo”, nên tính nhân bản, nhân văn, hướng thiện, bình dị đã hiển hiện trong suốt các tác phẩm của bố. Bố cho thấy con người Việt Nam, văn hóa Việt sao đẹp đẽ và chân thật thế. Thế mà chế độ cộng sản đã băng hoại tàn phá đất nước con người đến thế! 

Kỹ thuật và văn phong của bố đã làm nhân vật thật sống động. Tôi như thấy mình sống với các nhân vật, những cuộc tình trong tác phẩm của bố. Cuộc đời trôi nổi, gian truân của nhân vật làm tôi bật khóc, rồi bật cười vì những niềm vui của họ. Tôi đã từng cảm thấy ghen tức dùm mẹ vì bố tả cuộc tình giữa chàng và nàng sao lãng mạn thế. Có thật là thế không? Tôi đã từng thắc mắc vậy. Có nhân vật, tôi nghĩ là mẹ mình, lại phải thiệt thòi nhường cả một khoảng thời gian cho chuyện tình của hai nhân vật chính khác. Thật là lẫn lộn thật hư, truyện và đời thật. Bố tôi luôn vẫn là của mẹ và của chúng tôi cho đến ngày nay! Cuối cùng là vậy.

Trở lại hiện tại, tôi chăm bố ăn ngủ nghỉ, tắm giặt, vệ sinh hằng ngày. Tôi là cảnh sát, bố là tù nhân. Tôi ra lệnh, bố tuân lệnh. Bố đánh răng, bố uống nước, bố uống thuốc, tắm, thay quần áo. Tất cả lệnh được tuân thủ ngoan ngoãn chỉ trừ những khi không ngoan là bố càm ràm “Bố đánh răng rồi!” Nhưng cũng chỉ nói nho nhỏ vậy thôi chứ người lại tuân thủ lệnh một cách ngoan ngoãn. Suýt nữa tôi quên không kể sự sung khắc lớn giữa bố và tôi là: tôi trồng cây, bố cắt cây. Hết ngàn lẻ một lần, bắt gặp quả tang bố cầm kéo cắt cây tôi càm ràm bố “Sao lại cắt cây còn xanh của con vậy bố?” , thì bố hứa là “Thôi không làm nữa.” Thế nhưng vẫn ngàn lẻ một lần bố vẫn rập rình cầm kéo cắt cây tôi trồng.

Hai bố con tôi cứ thế mà ngày qua ngày. Tuy nằm trong cung “Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung”, có khắc tinh đó, nhưng có lẽ tinh của tôi mạnh mẽ hơn bố nên bố luôn tuân thủ những điều tôi nói và muốn. Giống như hai mặt của đồng tiền, trái - phải, thân - hợi, nhưng cả hai không rời và luôn có nhau. 

Chắc chắn đến khi bố tôi trăm tuổi mới thôi. Đúng vậy!

Phần kết: Tôi phải viết một chút gì về mẹ. Tôi thương quý mẹ lắm nhưng sao kỳ lạ là chưa có một bài viết nào về mẹ. Chị tôi rất thành công với truyện “Thầm Lặng”. Chị viết về sự thầm lặng của mẹ luôn đằng sau bố. Nhưng cái thầm lặng sấm sét đã kiên quyết bảo bọc chúng tôi trong cơn hoạn nạn, đợi khi bố từ lao tù về thì thầm lặng lại trở êm đềm của mẹ ngày nào. Mẹ ơi!

Mẹ và tôi vẫn nằm trong cung xung khắc “Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung”: Mẹ Bính Dần và tôi Bính Thân. Ôi khắc nhưng mà mẹ thương con và con thương mẹ lắm, phải không mẹ?

California, 30 tháng 4, 2021

- Cẩm Liên của bố mẹ






*** 

Bác Thanh "bình loạn": 

Tao đọc 1 lèo hết bài viết của Tư Liên.  Đọc mà vừa cười vừa chảy nước mắt những chuyện xưa nay.  Đọc để thấy công của Tư - mặc dù điều này tao đã biết và thấy từ khuya rồi.  Không phải chỉ là chuyện thay mặt 8 chị em chăm chút bố, và cô, trong tuổi già.  Mà từ thời bố mẹ mình bỏ xứ qua sống với cả Thái.  Tư Liên đã vừa chăm chồng chăm con, và vừa là đầu tầu kéo và điều khiển thành công cái ổ còn lại trong nhà Thành Thái: bà dì Khánh, quốc trưởng danh dự; Útt, đầu máy phụ công xuất cao; và tiểu gia đình Hưng Hoà.  

Làm nội tướng đã hay, làm ngoại trưởng lại càng giỏi: nắm biết chuyện họ hàng trong nam ngoài bắc, đón tiếp người quen và không quen từ nước ngoài tới ... Chị em con cháu về thì được chăm lo cưng chiều khỏi nói khỏi chê.  Mà hay 1 điều ở chỗ mọi chuyện đều được hoàn chỉnh một cách nhẹ nhàng, dễ như cơm sườn ...

Đúng là nặng nhọc trong nhà đều rớt vô tay Tư Liên: chăm căn nhà bố mẹ lúc mọi người đã đi hết, dọn dẹp nó, và lo bán nó v.v....

Bởi vậy chị Hai đây lại phải làm chiện lãng xẹt là trân trọng ghi công lớn của Tư trong sổ sách nhà họ Doãn 🙌 🙏

chị Hai

PS: Từ nào giờ tao vẫn thích cách viết của Tư: mạnh mẽ và tươi tắn.  Và hấp dẫn nữa. Nhà mình mỗi đứa viết một kiểu.  Bà dì Ba thì thâm thuý.  Hưng Gàn thì nặng kí.  Tao thì ... cà rởn, he he ...

No comments: