Jun 5, 2016

LƯU HỮU PHƯỚC VÀ NHỮNG BẢN HÙNG CA CỦA CHUNG DÂN TỘC VIỆT NAM



Ngày 8 Tháng 6 năm nay đã là 27 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phước (8/6/1989). Ông là một trong những người nhạc sĩ đặc biệt của nền âm nhạc Việt Nam, khi mà nhiều sáng tác nổi tiếng của ông đều được sử dụng bởi cả hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Bắc Việt.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12/09/1921 tại Ô Môn, Cần Thơ. Cũng như nhiều thanh niên, trí thức Miền Nam cùng thời, ông đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân Việt Nam với một lòng yêu nước thuần túy, chưa bị nhuộm màu giai cấp, chủ nghĩa. Những sáng tác để đời của ông đều được thực hiện trong giai đoạn này. Có thể nói ông là một trong những nhạc sĩ có nhiều bản hùng ca, chính ca hay nhất, phổ biến nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Ca khúc nổi tiếng nhất của Lưu Hữu Phước chính là bài quốc ca Việt Nam Công Hòa-Tiếng Gọi Công Dân, mà cho đến nay người Việt hải ngoại vẫn sử dụng trong nghi thức chào quốc kỳ. Theo một số tư liệu, ca khúc này được sáng tác vào năm 1939, với tên gọi Sinh Viên Hành Khúc (La Marche des Étudiants), với lời Pháp của Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ. Bài hát này sau đó đã được đổi tên gọi nhiều lần: Sinh Viên Hành Khúc, Tiếng Gọi Sinh Viên, Thanh Niên Hành Khúc, Tiếng Gọi Thanh Niên, Tiếng Gọi Công Dân… Lời tiếng Việt cũng có một số thay đổi cho phù hợp với mục đích của từng giai đoạn. Theo Tiến Sĩ Trần Quang Hải, lời tiếng Việt đầu tiên viết ở Sài Gòn với câu mở đầu : “Này anh em ơi ! Chúng ta kết đoàn hùng tráng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi kiếm nguồn tươi sáng…“.   Khi ra học ở Hà Nội, tác giả sửa chữa đôi chút với lời mới như sau : “Nào anh em ơi ! Tiến lên đến ngày giải phóng.  Đồng lòng cùng nhau, ta đi sá gì thân sống… ” . Và khi được chọn là quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, thì lời giống như ngày hôm nay:

Này công-dân ơi! Đứng lên đáp lời sông-núi!
Đồng lòng cùng đi, hy-sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương-lai quốc-dân, cùng xông-pha khói tên, 
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…


Đã có nhiều người thắc mắc rằng tại sao quốc ca của Miền Nam Việt Nam mà lại phải sử dụng một ca khúc của một nhạc sĩ tập kết ở Miền Bắc. Nên nhớ rằng quốc ca Việt Nam Cộng Hòa được lựa chọn qua một cuộc thi tuyển chọn quốc ca, với nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Miền Nam như Phạm Duy ( Chào Mừng Việt Nam), Hùng Lân (Việt Nam Minh Châu Trời Đông)… Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự lựa chọn này. Nói chung, đây là một ca khúc xuất sắc; vào thời điểm được sáng tác tác giả một thanh niên yêu nước kháng Pháp cũng như hàng triệu thanh niên Việt Nam khác, chứ không phải của riêng đảng CSVN. Việc lựa chọn còn cho thấy Miền Nam không hề có định kiến hẹp hòi, vẫn sử dụng những tác phẩm tinh hoa của đất nước, cho dù tác giả vì hoàn cảnh phải ở lại Miền Bắc.

Một tác phẩm khác cũng nổi tiếng không kém của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là bài Hồn Tử Sĩ, và cũng là tác phẩm được cả hai miền Nam-Bắc sử dụng đồng thời, một hiện tượng hiếm thấy đối một ca khúc Việt Nam. Bài hát này được sáng tác vào khoảng những năm 1942-1943, với tên gọi Hát Giang Trường Hận, với mục đích khơi dậy lòng yêu nước trong giới sinh viên qua việc nhớ lại sự hy sinh của Hai bà Trưng:

Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong gió đàn
Sóng cuốn Trưng Nữ Vương
Gợi muôn ngàn bên nước tràn
Hồn ai đang thổn thức trên sông
Hồn quân Nam đang khóc non sông
Sát khí ngất đất bao lớp thây muôn bóng huyền
Không gian như lắng nghe bao oan hồn
Đang xao xuyến xót thương hai Nữ hoàng tuẫn thân…


Bài hát này được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của chế độ Miền Bắc, và Miền Nam trước 1975 sử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội. Hiện nay, tại hải ngoại vẫn sử dụng trích đoạn giai điệu của ca khúc này cho nghi thức phút mặc niệm dành cho những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc, những đồng bào đã hy sinh trên con đường tìm lý tưởng tự do. Một lần nữa, một sáng tác tinh hoa của dân tộc vẫn được Người Việt Tự Do trân trọng, bất kể những thay đổi trong hoàn cảnh sống của tác giả.

Nhìn theo hướng ngược lại, chúng ta có thể thấy một số ca khúc lịch sử, yêu nước hùng tráng của Lưu Hữu Phước lại không được phổ biến rộng rãi trong một nước Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Trong đó phải kể đến hai ca khúc Bạch Đằng Giang, và Hội Nghị Diên Hồng. Ở trong Miền Nam trước 1975, hầu như các em học sinh ở độ tuổi tiểu học là đã thuộc lòng bài hát Bạch Đằng Giang:

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
của nòi giốngTiên Rồng
giống anh hùng giống Lạc Hồng Nam Bắc Trung…


Và tương tự với bài hát Hội Nghị Diên Hồng. Đặc biệt, nhạc kịch dựa trên bài hát này thường xuyên được dàn dựng trên các sân khấu học sinh, từ tiểu học đến trung học:

Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuông giày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến! 

Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến? 
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân 
Hỡi đâu tứ dân! …

Và nay, ở hải ngoại, các liên đoàn hướng đạo, nhiều trung tâm Việt ngữ  đều dạy cho các em thiếu niên Việt Nam hai bài hát hùng sử ca này. Có thể khẳng định, ở trong nước dù không bị cấm, như Bạch Đằng Giang và Hội Nghị Diên Hồng không thể có được mức độ phổ biến rộng rãi như ở Miền Nam trước 1975, và ở tại hải ngoại ngày nay. Lý do thật dễ hiểu, những bài hát kêu gọi lòng yêu nước, chống giặc Tàu phương Bắc kiểu này thì không có lợi cho chính quyền CSVN chút nào, đặc biệt là trong giai đoạn tổ quốc đang lâm nguy với hiểm họa Trung Cộng như hiện nay.

Nhắc lại như vậy, để thấy Lưu Hữu Phước và những ca khúc ca ngợi lòng yêu nước, kêu gọi tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam của ông vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng những Người Việt Tự Do, cho dù còn ở Việt Nam, hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới…

Cung Mi / SBTN

No comments: