Jan 4, 2015

THỰC TẬP TỌA THIỀN - HT Thích Phước Tịnh



THỰC TẬP TỌA THIỀN

1.    Chuẩn Bị

a.    Nghiêm chỉnh xá bồ đoàn, và sửa bồ đoàn cho ngay thẳng trước khi ngồi xuống.  Đức Thế Tôn đã từng ngồi trên bồ đoàn chứng quả chánh giác.  Khi xá bồ đoàn là mình thể hiện thể hiện sự quyết tâm ngồi bình an giống như Đức Thế Tôn trong suốt thời  gian được qui định.
Lưu ý:  Nếu thực tập chung với đại chúng, thiền sinh sẽ ngồi thành hai dãy, đâu lưng lại với nhau, nhìn ra vách tường trái và phải.  Nhớ chừa lối đi ở giữa vừa đủ rộng cho giám thiền tới lui.

b.    Nhẹ nhàng ngồi xuống, bán già hay kiết già đều được, nhưng thế kiết già là thế ngồi thù thắng nhất, có thể giúp cho hành giả ngồi lâu mà thân không bị ngã đổ.  Có thể ngồi trên vạt áo tràng sau.

c.     Nghiêng người qua lại, chỉnh sửa bồ đoàn, để xem tư thế nào hợp với mình nhất.  Khi chọn được tư thế thích hợp, thoải mái, thì phải giữ trọn tư thế đó trong suốt thời gian thiền tọa

d.    Sửa vạt áo tràng  trước và sau cho thẳng thớm

2.    Thực Tập Tọa Thiền

a.    Ngồi thẳng lưng tự nhiên, không gồng nhưng chú ý giữ lưng cho thẳng trong suốt thời gian tọa thiền.

§  Nếu có hô canh thì lắng nghe.  Khi nghe niệm danh hiệu Đức Bổn Sư thì chắp hai tay và niệm theo.

§  Nếu không có hô canh (tại nhà) thì chắp tay trước ngực và niệm thầm bài kệ sau:
Thẳng lưng ngồi vững

Đương nguyện chúng sanh

Ngồi tòa bồ đề

Tâm không vướng mắc

§  Niệm danh hiệu Đức Bổn Sư ba lần và xá một xá

b.    Để hai bàn tay xuống đầu gối, ngửa tay hay úp tay đều được; hoặc là xếp ngửa hai bàn tay lên nhau cho hai ngón trỏ chạm vào trong tư thế bắt ấn giống như cách Đức Thế Tôn để tay trong các hình tượng của Ngài.  Chân nào nằm trên thì bàn tay thuận chân đó cũng nằm trên.

c.     Khép hờ mắt (3/4) nhìn vào khoảng một mét phiá trước, hoặc nhắm mắt.

d.    Thở vào một hơi sâu nguyện mang vào thân năng lượng lành thiện của đất trời.  Thở ra một hơi dài gởi theo những tật bệnh của thân tâm.  Thực tập năm hoặc bảy lần hơi thở nầy.

e.    Thở điều hòa từ năm đến bay hơi thở. Trong khi điều hòa hơi  thở, đồng thời nhận diện toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu xuống bàn chân. Khi sự nhận biết đi đến đâu, ra lệnh cho  thân buông thư đến đấy.  Buông lõng toàn bộ cơ bắp, nhưng vẫn giữ cột sống thẳng.

f.      Sau khi buông thư toàn thân, nhận biết hơi thở vào ra từ cánh mũi để mang tâm thức lang thang trở về với thân.  Thực tập nhận biết hơi thở như vậy  từ ba đến năm phút.

g.    Kế tiếp là nhận biết hơi thở vào ra làm bụng ta phồng lên, xẹp xuống.  Nhận biết sự phồng xẹp của bụng.  Khi ý thức đặt ở đâu thì năng lượng đi đến đó.  Khi ý thức hơi thở ở đan điền (vùng bụng), thì năng lượng của thân sẽ có khả năng đẩy lui tật bệnh, làm tăng tuổi thọ.

h.    Cuối cùng là nhận biết toàn thân.  Sự nhận biết lúc nầy tỏa sáng từ đỉnh đầu cho đến bàn chân. Nhận biết rõ ràng khi tâm có hoặc không có tiếng thì thầm và cũng nhận biết tỏ tường những máy động từ thân, kể cả cảm giác chân tê, hay chân đau.  Sự nhận biết nầy cũng tinh tường như khi ta thực tập niệm thân hành trong những sinh hoạt trong ngày như đi tới, đi lui, nấu ăn, hay rửa chén.


Khi ý thức ta sáng bừng sự nhận biết, thì đời sống ta không buồn thảm, cô đơn.  Nếu ta làm đúng được trong thời thiền tập, thì khi xã thiền, tâm ta vẫn an trú được trong sự nhận biết.  Thực tập tốt thì ta có thể an trú được trong sự nhận biết 16 giờ trong một ngày.  Mục đích của thiền tập là sống tỉnh thức được 24 giờ trong ngày để có thể  làm chủ được sự ra đi.


“Sống tỉnh thức, ra đi trong tỉnh thức, thì mới lựa chọn được sự trở lại”.  Giáo pháp của Đức Thế Tôn không phải là tôn giáo mà là pháp thực tập.

Chú ý:  Bước đầu thực tập thiền đòi hỏi  hành giả phải có kỷ luật với tự thân.  Nếu quyết định toạ thiền 25 phút, thì phải giữ thân bất động trong suốt thời gian ấy.  Dù chân có bị tê hay đau thì chỉ đem sự nhận biết đến cái tê hay đau nơi chân, và nhất định không duỗi chân ra.  Nâng dần thời gian tọa thiền cho đến khi ngồi được tối thiểu là 45 phút một lần.

3.    Xả Thiền

Nếu ngồi chung với đại chúng:

a.    Khi nghe chuông xã thiền, chắp tay trước ngực và hồi hướng sự tu tập của mình đến thầy tổ, ông bà, cha mẹ hay bất cứ ai mình muốn gởi đến năng lượng tu  tập của mình.

b.    Sau tiếng chuông thứ ba, bắt đầu xoa mắt, mặt, tai, vai, cổ, cánh tay, bàn tay, lưng, bụng và chân.

c.     Khi nghe tiếng kẻng, nhẹ nhàng đứng lên, sửa lại bồ đoàn.  Tiếng kẻng thứ hai, xá nhau.

Nếu thực tập ở nhà, hồi hướng , xoa bóp sau khi xả thiền và xá bồ đoàn.

H.T. Thích Phước Tịnh

Trịch lời dạy của Thầy nhân ngày kỷ niệm hai năm của GTMT




No comments: