Jun 8, 2013

CON DIỆC GIAN DỐI

CON DIỆC GIAN DỐI

 

Tôi lúc đó là một cây liễu trên đồi.  Một bên đồi có một ao nhỏ; bên kia đồi là một hồ rộng nước trong.  Khi ấy vào cuối hạ, và đã qua nhiều tuần trời không mưa.  Ao cạn nước.  Rất nhiều cá và một con cua đỏ sống trong ao phải bơi chật chội trong vũng nước bùn.

Vào một ngày nóng ngột ngạt, một con diệc đen bay đến gần.  Con diệc nhận thấy nhiều cá trong vùng ao cạn nước.  Nó muốn ăn hết những con cá đó!  Con diệc bèn đứng một chân khoảng giữa ao.

Tò mò, một con cá bơi đến gần.  “Bạn làm gì mà đứng giữa bọn tôi vậy? Bạn định dùng chúng tôi làm bữa ăn hay sao?”

“Không, tôi chỉ tiếc cho tất cả các bạn phải sống trong vùng bùn lầy nóng bức này khi các bạn có thể sống ở hồ rộng mát ngay phía bên kia,” con diệc nói, dùng mỏ ra dấu về phía bên kia đồi.

“Nhưng làm sao chúng tôi biết được thật sự bên kia đồi có hồ nước lớn?” một con cá nghi ngờ hỏi.

“Tôi có thể mang một bạn đến thám thính hồ trước.  Sau đó anh bạn trở về kể cho các bạn khác biết.” Con diệc gợi ý.

Một con cá già có sức dẻo dai tình nguyện đi với con diệc.  Con diệc dùng mỏ cặp con cá, bay qua bên kia đồi và thả cá xuống hồ nước mát.  Con cá già bơi lội dưới vùng hoa sen và tham thính quanh bờ hồ.  Chim diệc nói đúng sự thật!  Con cá già thấy thức ăn dư dật nên rất hài lòng.  Con diệc cắp con cá trở về vùng ao nước bùn lầy để báo tin vui.

Sau khi nghe con cá già tường thuật  chi tiết, cả đàn cá quyết định di chuyển đến hồ đúng như dự tính của con diệc.  Con cá già ra đi trước tiên.  Con diệc xảo quyệt dùng mỏ cặp cá và bay qua bên kia đồi.  Nhưng đáng lẽ đặt cá xuống hồ, nó bay thẳng tới chỗ tôi.  Nó thả con cá đang quẫy mạnh giữa khoảng hai nhánh cây, và xé vụn thịt con cá đáng thương cho đến khi chỉ còn lại đống xương.

Lần lượt những con cá cả tin trong ao nước được mang đi đến chỗ tôi và bị con diệc mổ ăn ngấu nghiến.  Gốc cây của tôi dần dần biến mất dưới một đống xương.  Bây giờ thì chỉ còn một mình cua.

“Đến lượt bạn di chuyển ra hồ,” con diệc nói với con cua đỏ.  “Để tôi dùng mỏ mang bạn đi.”

Cua đỏ nghi ngờ.  Nó nghĩ ra một cách để tự vệ.
“Tôi sẵn sàng đi với bạn, bạn diệc ạ,” nó đáp.  “Nhưng vỏ cứng của tôi sẽ làm thương tổn lưỡi của bạn.  Để tôi dùng càng cặp vào cổ của bạn.”

“Được lắm, nào chúng ta đi,” con diệc nói.

Lại thêm một lần nữa con chim háu ăn bay thẳng đền cành cây của tôi.
“Tại sao chúng ta lại tới đây?” con cua đỏ la lên.
“Ta sắp sửa ăn thịt ngươi,” con diệc cười dòn.  “Cũng như những con kia thôi.”
“Chớ vội vàng như vậy,” cua nói và kẹp chặt cổ con diệc. “Hãy đưa ta tới hồ ngay lập tức, nếu không ta sẽ kẹp gãy cổ ngươi!”
“Hãy nới lỏng càng ngươi!”  Con diệc ré lên.  “Ta sẽ đưa nhà ngươi tới đó.”
Cả hai vừa hạ xuống bờ hồ, con cua bèn siết chặt chàng vào cổ con diệc, giết chết quân vô lại.  Sau đó cua từ từ bò xuống làn nước mát, và khóc tiếc thương những người bạn đã mất.

Tôi đã đau lòng chứng kiến cảnh kinh hoàng này.  Vì chỉ là một cây bị rễ giữ chặt và chỉ có thể di chuyển theo gió, tôi nguyện kiếp sau sẽ tái sinh làm một con vật để có thể giúp bảo vệ những sinh vật yếu đuối chống lại những con vật nham hiểm.”

Không một tiếng động trong hang động, chỉ có tiếng khóc sụt sịt nhẹ nhàng của con chim bồ câu.

“Đó là hành động lừa đảo của chim diệc đối với đàn cá,”  sư tử nói. “Tôi sẽ không làm chuyện lừa đảo như vậy dù có bị đói khát.  Con diệc xứng đáng bị trừng phạt, đúng theo số phận của nó.”

“Trong đời sống,” đức Phật nói, “không có phần thưởng cho sự gian dối.  Nếu chúng lừa lọc và đối xử tàn ác với người khác, sau cùng chúng ta cũng sẽ bị xử sự như vậy.”

“Đàn cá thật đáng thương,” rùa nói và thở dài.
“Tôi hiểu vì sao đàn cá muốn di chuyển đến nơi khác.  Tôi muốn ở trong hồ nước mát ngay lúc này.”

“Vào một thời điểm nọ, tôi cũng muốn di chuyển đến vùng tốt đẹp hơn,” đức Phật nói.  “Đó là thời điểm tôi đã sinh ra làm con khỉ.  Để tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì đã xảy ra.”

Con khỉ nhỏ bé vểnh tai lắng nghe.



I ONCE WAS A MONKEY
STORIES BUDDHA TOLD

MỘT THỜI TA LÀ KHỈ
NHỮNG CÂU CHUYỆN PHẬT KỂ

Tác giả - Jeanne M. Lee 
Dịch giả - Doãn Quốc Sỹ và Doãn Thị Quý





No comments: