Jan 8, 2012

Sài Gòn Du Ký – Những Gì Còn, Những Gì Mất - ANH QUÂN

Sau năm 1975, nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị phá hủy, để xây dựng lên một cái công viên mang cái tên lạ hoắc là Võ Thị Sáu. Giờ có hỏi cái lợi ích của cái công viên này thì chẳng có ai có một câu trả lời chính xác. Nếu nói được thì một cách bâng quơ dung để tập thể dục vào buổi sáng. Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi không còn là bị mất đi hai thứ , một là giá trị lịch sử vì nhiều nhân vật tiếng tăm chôn trong đây, kể cả những nhân vật người Pháp, nếu chúng ta có dịp qua nghĩa trang tại Paris thì chúng ta sẽ thấy nhiều cái tên quen thuộc và chúng ta sẽ thấy họ là những người khi sống thì kêu hùng nhưng lúc chết thì vô cùng đơn sơ.  Thứ nhì về vấn đề du lịch, nếu nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi còn thì sẽ thu hút một lợi nhuận khá lớn trong năm vì nhiều người du khách sẽ tới thăm.

Tưởng rằng chỉ mất đi một nghĩa trang lịch sử nhưng nào ngờ còn nhiều thứ lịch sử tiếp tục mất, nhìn thấy mà đau lòng. Cái hình ảnh mà ai cũng công nhận là quán cà phê Givral ngoài đường Tự Do là một hình ảnh lịch sử nơi chuyên tập trung các nhà báo ngoại quốc và Việt Nam vào thời chiến tranh, giờ vì cái mục đích “Kinh Tế Thị Trường” đã phá hủy đi một cách không thương tiếc.  Trong khi đó quán cà phê Oriental tại Bangkok – Thái Lan nơi từng có lảnh tụ thế giới đến uống ly cà phê, người Thái cũng ham khuyếch trương kiếm tiền lắm chứ nhưng xem ra chính phủ Thái vẫn chưa bị đồng tiền làm mơ con mắt. Tất nhiên sẽ có những người tại Việt Nam sẽ nói là “Ôi chỉ có cái quán Cà Phê hơi đâu mà thương tiếc”. Nếu lý luận kiểu đó thì qua châu âu chắc không còn gì để xem hết vì bên đây một tảng đá lịch sử họ cũng tìm cách bảo vệ mà trưng bày cho du khách tới xem, huống chi cả một quán cà phê lịch sử. 

Giờ ai muốn xem lại hình ảnh khu Eden năm xưa thì chịu khó đi thuê phim “Người Mỹ Trầm Lặng – The Quiet American” về mà xem. Chứ còn lại đó thì thấy một tòa nhà đang xây cất. Mà không biết xây ra có ý nghĩa gì chăng hay chỉ là một loại lai căng mới chẳng mới, cũ chẳng cũ. Quân đứng phía trước tòa Đô Chánh Sài Gòn năm xưa nhìn về Thương Xá Eden có những nuối tiếc, mặc dù ở đây chẳng thuộc gì của mình cả, có đều còn lại những kỷ niệm năm xưa đi vào rạp Eden xem phim, hay nhìn các gian hàng chung quanh và hơn 10 năm trước bạn Thanh Hương làm việc tại đây, mỗi lần về ghé lên công ty Thanh Hương rủ xuống quán ăn trưa đối diện, giá rẻ không quá một đô la một đĩa cơm. Nay đối diện đó họ đã xây một cao ốc thương mại, chuyên bán hàng hiệu mắc tiền để các đại gia vào đó sắm sửa.

Hình như người cầm quyền Sài Gòn ngày nay họ chỉ thích tiền, cái gì cũng kinh doanh, họ không màng tới nghệ thuật nữa. Khi Quân đứng nhìn xong khu Eden nhìn qua rạp Rex cũng chẳng còn nữa, cũng trở thành khu bán hang hiệu kinh doanh. Có lẽ tuổi trẻ Sài Gòn ngày nay  không còn biết lịch sử rạp Rex, vào thời Pháp thuộc là nơi bán xe hơi, sau đó ông Ung Thi mua làm rạp Rex, đây cũng là nơi có thang máy lăn đầu tiên (Escalator) tại Việt Nam. Sau 1975, ông Ung Thi phải bỏ của giữ lấy người là hiến hết gia tài rạp Rex và Mini Rex để lấy cái Visa qua Pháp định cư.  Cái rạp gần Rex là Casino, vài năm trước còn tồn tại nay cũng chẳng còn luôn. Thường dân Bắc Kỳ 1954 nhớ rạp Casino thì ít nhưng nhớ cái hẽm Casino thì nhiều vì nơi đó chuyên bán thức ăn miền Bắc khi họ di cư từ Bắc vào Nam, thế là hẽm lịch sử cũng tan tành ra mây khói.

Đứng giữa trung tâm Sài Gòn chụp vài tấm ảnh, thấy các bác chụp hình dạo, tuy nói là dạo, chứ họ là một công ty đàng hoàn, Quân mới hỏi là lúc này khó kiếm ăn lắm phải không bác? Ông ta gật đầu vì giờ ai cũng sắm được máy rồi. Đâu còn như thời hoàn kim như đầu thập niên 90 là thợ chụp dạo có tháng tìm ra cả một cây vàng.

Chào bác chụp hình Quân tiếp tục đi qua đường Tự Do, thì thấy đây là một con đường ruột của thành phố mà vĩa hè là một kinh tế quan trọng của người dân. Họ phải nhờ đó để kiếm ăn, một bà cụ phải gánh một hang nước tìm chỗ bán, một bác ngồi bán bánh nước, một người thợ vẽ chân dung... ở quốc gia phát triển thì các con đường chính không được buôn bán trên vĩa hè nhưng còn quốc gia nghèo thì được sử dụng tối đa.

Đi hết đường Tự Do là tới Nhà Thờ Đức Bà và Bưu Điện Sài Gòn, đây là hai hình ảnh tồn tại của Sài Gòn. Xin cám ơn trời đất hai tòa nhà này còn, chứ mà không còn thì chắc không biết nói cái gì nữa đi. Nhiều lần về Sài Gòn, mà đây là lần đầu tiên đi vào Bưu Điện Sài Gòn chụp hình, them nữa là Quân muốn xem có những con tem Việt Nam đẹp để mua chăng?  Có một người Sài Gòn nói với Quân là công ty Điện lực , Thủy Điện và Bưu Chính là nhận người quen biết vào làm thôi, có thể nói là công ty gia đình. Có lẽ người ấy nói đúng vì thường vào các tiệm tại VN như tiệm nhạc, tiệm máy... chưa kịp xem hang là có người chạy tới hỏi là muốn mua gì chăng? Còn Bưu Chính Sài Gòn thì mặc kệ. Quân bước vào quầy bán tem và bán hàng lưu niệm  là có 3 cô gái ngồi trực tại đó, không hiểu một cái quầy bé tí mà tới 3 người làm. Các cô cứ ngồi tán ngẫu chẳng biết chung quanh mình là ai, Quân thấy một chồng Album tem mà thấy chẳng cần thiết hỏi các cô ấy vì biết hỏi các cô chẳng có một kiến thức về tem, thêm nữa Quân cảm thấy ba cô được thuê để ngồi đó cho thiên hạ ngắm.  Quân đứng mở từng quyển tem Album xem thì quyển đầu toàn là tem Bác Hồ và các danh nhân Cộng Sản, xong mở quyển thứ hai là tem Việt Nam Cộng Hòa mà họ để cả các con tem như ngày kỷ niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, rồi Mậu Thân 68... um um um kể cũng hay nhỉ xem như hòa hợp hòa giải. Rồi mở phía sau ra nhìn giá cả thì tem Bác Hồ một quyển giá 240 ngàn tiền VN, còn tem thuộc loại phản động Mỹ Ngụy thì giá là 800 ngàn VN, thì ra thằng phản động đắt tiền hơn người Cách Mạng.

Bưu điện Sài Gòn được xem một thắng cảnh cho khách nước ngoài tới xem, vì đó là xây cất của người Pháp và ngoài ra có Nhà Thờ Đức Bà nữa. Cũng vì vậy nơi đây trở thành điểm cho các thợ chụp hình cưới lại đây kiếm tiền, nhất là từ tháng 10 cho đến tháng 12 là tấp nập cưới hỏi.

Đứng nhìn các cặp đám cưới mới thấy mình thật sự đã già, vì cô dâu chú rể là thuộc hàng con cháu mình, từ đó mới them cảm giác Sài Gòn thật sự đã mất trong tâm tư của mình, vì một thế hệ mới hoàn toàn lớn lên, họ đâu cần biết những gì đã xảy ra trước và sau 1975. Cái đơn giản nhất là tên các đường phố, ai cần biết đó là đường Thống Nhất, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt ... cũng như bọn mình khi sanh ra và lớn lên tại Sài Gòn có cần biết những tên đường mang tiếng Pháp chăng? Bởi vậy ngày mới đến xứ người, bọn mình mà ngồi nghe bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” sao mà buồn da diết, nhớ đến từng nơi tại Sài Gòn, giờ mà trở về hỏi từng địa điểm đó thì mọi người sẽ nhìn mình từ một hành tinh nào mới đến. Có lẽ đến lúc rồi mình phải chấp nhận là cái gì đã qua thì phải để cho qua, đừng níu kéo lại, còn không là nổi buồn không nguôi.....

Bài kế tiếp là Đi Chơi Đảo Phú Quốc.

ANH QUÂN

Bưu Điện Sài Gòn


Cao Ốc Sài Gòn 



Vỉa hè đường Tự Do



No comments: