Chị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm tại diễn đàn “Thiếu Niên Băng Đảng & Bạo Lực”
Vào Tháng Tám tới đây, Tiến Sĩ Dự Bị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm (Tilburg University, Washington) sẽ thực hiện một workshop có tên là “Tâm Tình và Hồi Tưởng Qua Chuyện Kể, Âm Nhạc Và Nghệ Thuật” tại văn phòng Cộng Đồng Người Việt Quận Cam (VNCOC). Mục đích của workshop này là giới thiệu và thử nghiệm một phương pháp mới (cũng là đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ của chị) trong việc hàn gắn các dị biệt trong quá khứ giữa những thế hệ khác nhau trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Chị Quỳnh Trâm đang đi tìm lời giải cho một vấn đề cũ đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng chúng ta. Chị Quỳnh Trâm đã dành cho Việt Báo một buổi nói chuyện để giải thích thêm về dự án rất có ý nghĩa này…
Chị Quỳnh Trâm vượt biên năm 1984 trong một hành trình “chết đi sống lại”. Chiếc tàu lớn đã từ chối không cứu vớt ghe của chị ngày hôm trước tự nhiên quay lại giúp đỡ, chứ nếu không thì chưa chắc chị đã còn sống sót để có ngày hôm nay. Chị sang Mỹ năm 85, đi học Cử Nhân ngành quản trị kinh doanh và tâm lý học ở Pomona. Nhưng khi ra trường chị lại đi làm cho một tổ chức phi lợi nhuận chuyên làm công tác xã hội trong các cộng đồng thiểu số. Qua công việc, chị đã có dịp hiểu rõ thêm nhiều về cộng đồng người Việt. Chị nhận ra rằng mình không thể giúp đỡ cho cộng đồng nếu không hiểu rõ hơn hệ thống vận hành của xã hội Mỹ. Chị quyết định học lên cao học chuyên ngành Social Work, rồi tiến sĩ chuyên ngành Khoa Học Xã Hội tại đại học Tilburg thuộc bang Washington. Chị đã có may mắn được hướng dẫn bởi một vị giáo sư Mỹ thuộc hàng đầu trong lĩnh vực xã hội học. Workshop sắp thực hiện là giai đoạn cuối trong đề tài nghiên cứu của chị.
Mục tiêu của workshop “Tâm Tình và Hồi Tưởng Qua Chuyện Kể, Âm Nhạc Và Nghệ Thuật” là gì? Những người có tâm huyết đang tham gia vào những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Mỹ đều nhận ra một đặc điểm đáng buồn của cộng đồng chúng ta: thiếu sự đoàn kết - sức mạnh của những cộng đồng lưu vong lớn trên thế giới như người Hoa, Do Thái… Chúng ta chưa thể gắn kết với người Việt còn ở trong nước là điều dễ hiểu. Nhưng giữa những người đã sang đến bờ tự do, cùng một hoàn cảnh lưu vong, cùng bỏ quê hương để làm lại cuộc đời nơi xứ người, những dị biệt dẫn đến việc chúng ta không thể cùng ngồi lại với nhau vẫn còn quá nhiều. Sự khác biệt diễn ra giữa các thế hệ di dân khác nhau, tiêu biểu là thế hệ thứ 1, thế hệ thứ 2, thế hệ 1.5 (sinh ra ở Việt Nam, di dân vào độ tuổi lớn hơn 16). Sự khác biệt còn diễn ra giữa những người ra đi trong những thời điểm, trong những hoàn cảnh khác nhau. Những vết thương trong quá khứ tạo ra sự khác biệt, dẫn đến sự chia rẽ, đã làm cho cộng đồng người Việt lưu vong không thể lớn mạnh được sau hơn gần bốn thập niên hình thành và phát triển.
Phân tích nguyên nhân, đi tìm phương pháp để hàn gắn những dị biệt trong cộng đồng chúng ta vẫn đang là công việc của rất nhiều người Việt ở Mỹ. Nhưng xem ra, những nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa đem lại kết quả nào đáng kể. Dự án của chị Quỳnh Trâm đi tìm một cách tiếp cận mới để giải cho bài toán nan giải này. Thứ nhất, chị cũng bắt đầu bằng việc đi tìm lại quá khứ qua ký ức của những nhân chứng sống trong cộng đồng. Tìm hiểu quá khứ để lý giải những vấn đề của hiện tại và hoàn thiện tương lai. Quá khứ là chất keo để liên kết các thế hệ lại với nhau. Điểm khác biệt của dự án này là nghiên cứu ký ức của tập thể thay vì của từng cá nhân riêng lẻ. Điều này hợp lý, vì những vết thương tâm lý của chúng ta là của cả một tập thể dân tộc Việt chứ không dừng lại ở mức độ cá nhân. Chúng ta không thể khai phóng cho những cá nhân khi tập thể chưa được khai phóng. Do đó, việc các thế hệ khác nhau ngồi lại để chia xẻ và xây dựng một ký ức chung, đi tìm sự đồng cảm để xóa đi dị biệt là điều cần thiết.
Điểm khác biệt thứ hai trong phương pháp của chị Quỳnh Trâm là sử dụng các hình thức, kể chuyện, âm nhạc, kịch nghệ… để làm phương tiện chia xẻ quá khứ. Qua nghiên cứu từ nhiều dân tộc lưu vong trên đất Mỹ khác, chị nhận ra rằng những phương pháp dành cho người Mỹ đôi khi không thể áp dụng cho người Việt. Bởi vì nền văn hóa, tâm lý, cách diễn đạt tình cảm của người Việt đều khác xa với người Mỹ. Việc phải diễn tả cụ thể bằng lời nói những uẩn khúc trong tâm hồn đối với nhiều người Việt là quá khó. Sử dụng những phương tiện nghệ thuật gián tiếp để chia xẻ tâm tình có thể sẽ đem lại những kết quả tốt hơn.
Workshop sẽ được thực hiện tại văn phòng VNCOC 14541 Brookhurst St. Ste C9 Westminster, vào 3 ngày Chủ Nhật liên tiếp trong tháng 8, vào các ngày 7,14, 21. Các tham dự viên sẽ là những người đầu tiên từ ba thế hệ trong cộng đồng chúng ta cùng chị Quỳnh Trâm thử nghiệm phương pháp mới. Trong workshop, các tham dự viên sẽ chia xẻ ký ức với nhau qua nhiều hình thức nghệ thuật. Chia xẻ không dừng lại ở mức kể lể, than thở về quá khứ, mà là để mơ ước và xây dựng tương lai. Không nhất thiết phải là nghệ sĩ, hay giỏi âm nhạc, hội họa… thì mới có thể chia xẻ được. Theo chị Trâm, đôi khi những người chưa học nghệ thuật qua trường lớp lại khám phá được những khả năng tiềm ẩn của mình qua việc chia xẻ bằng nghệ thuật. Có bao người trong chúng ta từng say mê một bài hát, chỉ vì khi hát lại bài này thì toàn bộ một quãng đời trong quá khứ dường như sống lại? Sau ba ngày workshop, các tham dự viên sẽ cùng nhau dựng một vở kịch chung để làm thông điệp chia xẻ cho nhau và gởi đến với cộng đồng vào tuần lễ cuối cùng.
Những ai nên tham gia vào workshop này? Tất cả những ai trong cộng đồng chúng ta, thuộc ba thế hệ, đang có cùng ước mơ xây dựng một cộng đồng người Việt ở Mỹ đoàn kết hơn, gắn bó hơn để cùng nhau lớn mạnh. Các tham dự viên có thể là những nhà lãnh đạo, những người đang tham gia vào các đoàn thể của cộng đồng chúng ta (hướng đạo, hội sinh viên, đoàn Thanh Niên Phan BỘi Châu, các Trung Tâm Việt Ngữ..). Những ai đang cố gắng hóa giải một câu nói đùa nhưng nay đã trở thành một “lời nguyền” đối với người Việt: “một người Việt bằng ba người Nhật, hai người Việt bằng hai người Nhật, ba người Việt bằng một người Nhật”? Vì đây là workshop đầu tiên, cho nên những tham dự viên sẽ là những hạt giống để phát triển phương pháp này rộng rãi trong tương lai. Mỗi người sẽ trở thành một điều phối viên, tổ chức các workshop trong các môi trường khác nhau trong cộng đồng để hàn gắn vết thương tập thể từ quá khứ.
Chị Quỳnh Trâm rất mong mỏi có được sự tham gia, truyền bá và đóng góp ý kiến của cộng đồng chúng ta trong một dự án đầy tính xây dựng này. Việc ghi danh tham gia workshop xin liên lạc với:
Dự án “Tâm Tình và Hồi Tưởng Qua Chuyện Kể, Âm Nhạc Và Nghệ Thuật”
Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm – PHD Candidate (714) 402-0921 (Cell)
e-mail: quynhtram@gmail.com
Hà Tiên (714) 206-2923
Thanh Thúy (714) 260-1500
Đoàn Hưng
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-92_4-177284_5-50_6-1_17-141_14-2_15-2/
No comments:
Post a Comment