Sep 16, 2010

NHÂN MÙA TỰU TRƯỜNG 2010, TRÒ CHUYỆN CÙNG GIÁO SƯ TIẾN SĨ NGUYỄN LÂM KIM OANH VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC Ở MỸ

Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh
và người học trò cũ Phú Nguyễn,
ứng cử viên Dân Biểu Tiểu Bang năm nay


“Hàng năm, cứ vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên trời có những đám mây bàn bạc, là lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…” (Thanh Tịnh- Tôi Đi Học)

Những ai đã từng cắp sách đến trường ở Việt Nam hẳn sẽ không bao giờ quên được đoản văn kinh điển và bất hủ này.

Năm nay cũng như mọi năm, vào đầu tháng Chín ở Quận Cam đất Cali, con em học sinh gốc Việt của chúng ta cũng lũ lượt cắp sách đến trường. Không biết các em có những cảm giác mơn man như các bạn cùng trang lứa ở quê nhà hay không? Nhưng chắc rằng các em vẫn vô tư, hồn nhiên, cho dù có khá nhiều biến động trong nhà trường do vấn đề ngân sách. Phóng viên Việt Báo đã có dịp trao đổi với Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh câu chuyện giáo dục nhân mùa tựu trường 2010…

GS Nguyễn Lâm Kim Oanh là một gương mặt quen thuộc trong lĩnh vực giáo dục của Cộng Đồng Người Việt Quận Cam. Chị di tản sang Mỹ vào năm 1975, học hết trung học ở Cali, tốt nghiệp Cử Nhân ngành Tâm Lý Học ở CalState Long Beach vào năm 1980, sau đó hoàn tất chương trình các chương trình Cao Học và Tiến Sĩ Giáo Dục vào năm 2002. Chị kể lại vào năm 1980, khi bắt đầu đi dạy ở trường tiểu học Oak View ở thành phố Huntington Beach, lúc đó có khá nhiều con em các gia đình người Việt tị nạn theo học. Chị đã đóng vai trò cầu nối giữa gia đình học sinh gốc Việt và nhà trường, giúp giáo viên người Mỹ hiểu rõ hơn về hoàn cảnh khó khăn của các học sinh Việt. Nhận thấy sự đóng góp trong vai trò cầu nối này giữa cộng đồng Việt và nhà trường Mỹ là quan trọng và hữu ích, chị quyết tâm theo đuổi và phát triển vai trò của mình trong vấn đề quản lý giáo dục song song với việc đi dạy.

GS Kim Oanh đi dạy tại các trường trung học và tiểu học từ năm 1980 đến 1993, dạy tại đại học CalState Long Beach từ 1993-2000. Tại đại học Long Beach, chị đã biên soạn và đưa giáo trình “Lịch Sử Người Việt Tị Nạn” vào giáo trình chính thức, và vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay. Chị đã đóng góp rất nhiều vào những dự án phát triển việc dạy và học tiếng Việt trên đất Mỹ. Chị là một trong những người đã vận động đưa môn Tiếng Việt vào giảng dạy tại một số trường trung học tại Quận Cam. Chị đã cùng Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali tổ chức các khoa huấn luyện, tu nghiệp sư phạm cho các giáo viên đang dạy tiếng Việt, đưa những phương pháp giảng dạy mới vào các Trung Tâm Việt Ngữ để nâng cao chất lượng việc dạy và học tiếng Việt. Từ năm 2006, chị tham gia vào việc điều hành và phát triển chương trình Ngôn Ngữ Chiến Lược của hệ thống các trường đại học California (CSU). Chương trình này chú trọng việc phát triển việc giảng dạy các “ngôn ngữ chiến lược” cho sinh viên Mỹ như: Hoa, Đại Hàn, Nga, Ả Rập. Có dịp làm việc với các dân biểu liên bang, chị đã và đang vận động để tiếng Việt trở thành một “ngôn ngữ chiến lược” của Hoa Kỳ.

So sánh hệ thống giáo dục của Việt Nam và Hoa Kỳ ở cấp bậc phổ thông, GS Kim Oanh nhận xét là nền giáo dục Việt Nam mang nặng tính từ chương, việc dạy học chú trọng vào việc nhồi nhét những kiến thức cho học sinh hơn là phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Trong khi ở Mỹ, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được khuyến khích phát triển khả năng suy nghĩ độc lập, logic, sáng tạo hơn là thuộc lòng những gì có trong chương trình. Nền giáo dục phổ thông ở Mỹ cũng chú trọng đến sự phát triển toàn diện học sinh trong mọi lĩnh vực như thể thao, âm nhạc… hơn là chỉ chú trọng vào một số môn như Toán, Lý, Hóa, Anh Ngữ…Đó là lý do tại sao đa số các em học sinh từ Việt Nam mới sang Mỹ đều tỏ ra nhút nhát, thụ động so với các bạn dân bản xứ.

Tuy nhiên, nền giáo dục Mỹ trong những năm gần đây đang gặp nhiều vấn đề. Một số chính sách mới được đề ra đang đi ngược lại với khuynh hướng trước đây của nền giáo dục Mỹ. Một thí dụ là chương trình No Child Left Behind. Do nước Mỹ thường xuyên có một số lượng di dân khá lớn nhập cư hằng năm, rất nhiều học sinh di dân trong những năm đầu chưa bắt kịp với các bạn học bản xứ. Chính phủ đưa ra một chương trình kiểm tra, buộc các trường phải giúp tất cả học sinh vượt qua những đợt kiểm tra này. Kết quả của các kỳ kiểm tra này- thường chỉ tập trung vào một số môn chính như Toán, Anh Ngữ…- được dùng để đánh giá năng lực của trường. Việc phân bổ ngân sách trợ cấp cho trường cũng dựa theo sự đánh giá này, tạo cho nhà trường một áp lực lớn, dẫn đến việc thầy cô chỉ tập trung vào việc giảng dạy sao cho các học sinh của mình đạt điểm cao của các kỳ kiểm tra mà thôi. Hậu quả là nhà trường phải chạy theo thành tích- giống với căn bệnh trầm kha của nền giáo dục Việt Nam hiện nay- và bỏ quên đi những đặc điểm về sự phát triển toàn diện của nền giáo dục Hoa Kỳ.

Bước vào năm học 2010, các trường học ở Quận Cam phải đối diện với nhiều khó khăn do việc ngân sách tiểu bang và liên bang đang bị thâm thủng nặng nề. Các trường trong học khu Garden Grove bị cắt đi 05 ngày học trong niên khoá, còn học khu Westminster bị mất đến 10 ngày! Hậu quả là học sinh sẽ khó khăn hơn trong việc thu thập kiến thức. Các trường cũng phải cắt giảm số lượng phụ giáo, đặc biệt là các phụ giáo song ngữ để hỗ trợ các em học sinh mới nhập cư, dẫn đến việc các em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập. Tương tự là việc cắt giảm các liên lạc viên cộng đồng, là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Rồi do ít thời giờ, các thầy cô giáo cũng sẽ cho nhiều bài tập nhưng lại không kiểm tra và sửa hết, cho nên các em học sinh đôi khi cũng không biết mình làm đúng hay sai trong học tập.

Trước tình hình khó khăn chung như vậy, GS Kim Oanh nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh trong việc hỗ trợ việc học của con em mình tại nhà. Phụ huynh cần dành nhiều thời giờ hơn để ý tới việc học của con em. Nên đi dự các ngày Open House do nhà trường tổ chức vào dịp đầu năm học. Nhiều khả năng nhà trường sẽ nêu lên các khó khăn của mình, và đề nghị sự hỗ trợ của phụ huynh. Hãy tham gia những hoạt động để hỗ trợ nhà trường nếu có thể. Ở nhà, cha mẹ nên kiểm tra bài vở của con thường xuyên hơn, giúp đỡ con hoàn tất bài làm về nhà. Hãy chủ động gọi cho nhà trường khi thấy có điều gì bất thường trong vấn đề học vấn của con mình, đừng chờ đợi nhà trường trong thời buổi cắt giảm nhân viên như hiện nay. Phụ huynh cũng có thể đóng góp ý kiến với nhà trường về việc mở rộng nhiều môn học, nhiều sinh hoạt học đường để học sinh phát triển toàn diện. Ý kiến riêng của GS Kim Oanh là vẫn không đồng ý việc gắn liền tiền thưởng với thành tích của nhà trường, vì như vậy sẽ làm lệch lạc mục tiêu đào tạo con người vốn có tính chất dài hạn của sứ mạng giáo dục. Nền giáo dục quá đặt nặng về thi cử cũng sẽ là một định hướng sai. Nên tiếp tục duy trì cách giáo dục ưu tiên cho việc phát triển khả năng tư duy, kích thích sự tìm tòi, tính sáng tạo, vốn là những ưu điểm trước đây của nền giáo dục Hoa Kỳ.

Khi được hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề dạy học của mình, GS Kim Oanh kể lại câu chuyện xảy ra trong lớp “Lịch Sử Người Việt Tị Nạn” của mình tại đại học Long Beach. Hai sinh viên, một Mỹ một Việt, cùng làm một project để tìm hiểu lịch sử tị nạn của người Việt. Hai em được giao phỏng vấn chéo hai người cha, một là cựu sĩ quan hải quân VNCH, một là cựu sĩ quan hải quân Mỹ. Vào tháng Tư 1975, người cha hải quân VNCH đã rời tàu chiến để về lại nhà, cố tìm gia đình mình để cùng lên tàu sang Mỹ tị nạn. Do ông không thể tìm được gia đình đúng thời hạn, tàu đã rời bến mà không có ông. Sau đó, ông ở lại Việt Nam, đi học tập cải tạo, rồi sang Mỹ theo diện H.O. Thật là tình cờ, em học sinh Việt khám phá ra ông bố hải quân Mỹ là bạn của cha mình, đã từng có mặt trên chuyến tàu vào tháng Tư 1975, đã từng cố chờ đợi người bạn của mình trở lại tàu cùng với gia đình mà không được. Hai ông bố đã nhờ hai đứa con mà bắt liên lạc lại được với nhau kể từ đó.

Nhân dịp đầu năm học 2010, GS Kim Oanh muốn nhắn nhủ đến các em học sinh gốc Việt là hãy ý thức được sự may mắn của mình khi được sinh sống và học tập trên đất Mỹ. Hãy ý thức được hy sinh lớn lao của cha mẹ mình trong việc đưa các em sang xứ sở tự do này. Có ý thức được như vậy, các em sẽ không quên nguồn gốc của mình. Các em sẽ sống một cách xứng đáng, để thành công cho bản thân, để đóng góp nhiều hơn cho nước Mỹ, cho cộng đồng Người Việt hải ngoại và cho cả tổ quốc Việt Nam sau này…

Đoàn Hưng

No comments: