Vào đầu năm nay, nha sĩ Hà Dương Hân cho khai trương phòng nha chuyên chỉnh hàm và niềng răng của mình tại ngã tư đường Beach và Warner (17122 Beach Blvd Huntington Beach). Người dân ở xứ Bolsa được biết nhiều thông tin hơn về phương pháp chỉnh hàm răng do anh xây dựng có tên là Myoeffect Orthodontics. Nói một cách đơn giản, đây là một phương pháp niềng răng không đòi hỏi phải nhổ bớt răng, giải phẫu. Phương pháp này được thực hiện đỡ đau hơn và đem lại kết quả toàn diện hơn so với phương pháp cũ, vì nó còn điều chỉnh luôn cả tư thế đứng của bệnh nhân nữa.
Trong câu chuyện trao đổi với phóng viên Việt Báo, nha sĩ Hân đã trình bày nhiều điều thú vị ra khỏi phạm vi nha khoa, hướng đến một cái nhìn tổng thể hơn về con người trong khi chỉnh hàm, chỉnh răng…
Nha sĩ Hà Dương Hân sang Mỹ vào năm 1975, lúc đó anh mới 15 tuổi. Anh theo học nha ở đại học UCLA, tốt nghiệp vào năm 1986. Sau đó anh vừa đi làm, vừa đi học thêm về niềng răng, giải phẫu nha khoa. Là một người có đầu óc lý luận logic, anh thường hay đặt những câu hỏi “tại sao” cho những điều mình học về hai ngành này. Theo một góc độ nào đó, anh cảm thấy không thỏa mãn với phương pháp niềng răng thông thường. Anh đã áp dụng chúng để chỉnh răng, hàm cho chính hai đứa con của mình, nhưng anh không hài lòng với kết quả lắm. Anh quyết định tự mình tìm hiểu thêm để tìm ra một hướng đi mới. Anh đã từng đi sang Úc đi học thêm về chỉnh răng. Anh nghiên cứu thêm quan điểm của y học Châu Âu về vấn đề này. Anh học với nhiều thầy, nhiều lĩnh vực khác nhau như bắp thịt, xương sọ, xương hàm… Anh chụp hình rất nhiều bệnh nhân chỉnh hàm để quan sát, nghiên cứu trong quá trình chữa trị. Anh muốn hình dung ra một bức tranh bao quát hơn cho việc điều trị.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, nha sĩ Hân kể lại rằng đến một ngày nọ tự nhiên anh thấy mọi câu trả lời hiện ra trước mắt. Tất cả các hình ảnh đang rời rạc bỗng dưng lắp ráp lại với nhau thành một bức tranh tổng thể. Anh nhìn ra được sự liên hệ giữa răng, hàm, mặt, các cơ bắp… và cách điều chỉnh chúng một cách hài hòa. Kể từ đó, chỉ cần nhìn bệnh nhân đến xin chỉnh hàm răng là anh biết được ngay nguyên nhân của sự lệch lạc, cách điều chỉnh phù hợp cho riêng trường hợp của họ. Từ năm 2007 đến nay, anh đã áp dụng phương pháp mới này cho cả trăm ca điều trị, và tất cả đều đạt những kết quả tốt.
Tôi hỏi nha sĩ Hân về “bí quyết” của phương pháp mới này. Anh cho biết một cách khái quát, đó là nguyên lý “Survival-Compensation”. Con người có bốn động tác sống còn là thở-nuốt-nhìn-đi. Thực hiện bốn động tác này là sự kết hợp giữa nhiều bộ phận trên cơ thể chúng ta. Khi bốn chức năng này được thực hiện không hoàn chỉnh, cơ thể con người tự điều chỉnh một cách lệch lạc để bù trừ cho những thiếu sót đó. Đó là lý do tại sao khi một đứa trẻ nhìn không rõ thì có khuynh hướng nhô đầu ra phía trước, dần dần sau đó bị rụt vai và đứng khòm lưng. Đó là lý do tại sao một người lúc bé bị hô rất ít, nhưng sau một quá trình nuốt, thở không đúng cách lại bị nặng hơn, dẫn đến việc xương đầu nhô ra, xương sống không thẳng, khiến cho gương mặt và dáng đi đứng bị biến dạng theo chiều hướng xấu đi.
Phương pháp Myoeffect Orthodontics của nha sĩ Hân phối hợp nhịp nhàng giữa việc chỉnh răng, hàm và việc điều chỉnh các cơ bắp, xương khác nhau, với mục đích là chữa trị tận gốc và lấy lại sự hài hòa cho gương mặt và dáng đứng của bệnh nhân (đa phần là các em thiếu nhi). Ngoài việc niềng răng, bệnh nhân còn được yêu cầu đi chỉnh lại kính, tập thở, tập nuốt, tập lại dáng đi đứng… Kết quả vì thế mà cũng toàn diện hơn. Anh Hân nhấn mạnh quan niệm của mình là không phải cứ ép cho răng thẳng thì sẽ có nụ cười đẹp. Một người đẹp chính là ở sự hài hòa giữa nhiều yếu tố trên khuôn mặt, kể cả nụ cười, dáng đứng. Anh còn nói rằng tư thế đứng của một người có khi còn quan trọng hơn cả hàm răng thẳng. Người đứng thẳng thường là người khỏe mạnh, tự tin. Một nghiên cứu của người Mỹ cho thấy những người có nụ cười tươi, dáng đứng thẳng thường dễ kiếm được việc và được trả lương cao hơn.
Nha sĩ Hân mở rộng câu chuyện sang những vấn đề rộng hơn về y học. Phương pháp Myoeffect Orthodintics của anh chú trọng đến việc chữa tận gốc nguyên nhân hơn là vào việc chữa triệu chứng, cho nên gần với Đông Y hơn là Tây Y. Nền y học Tây Phương rất giỏi trong việc “đau đâu, chữa đó”, cho nên thuốc Tây uống vào là thấy hết bệnh ngay, nên dễ được người bệnh chấp nhận. Thế nhưng nếu chỉ ngăn chận triệu chứng mà không chữa trị nguyên nhân gốc thì bệnh sẽ tái phát, ngày càng khó chữa hơn. Về phương diện phòng bệnh và chữa bệnh đường dài thì Đông Y vượt trội. Chỉ có điều nền y học Đông Y dựa trên “cảm nhận” của người thầy thuốc để mà chẩn đoán, mà những kinh nghiệm như vậy khó mà được trình bày một cách khoa học, hệ thống để mà truyền lại cho người sau, cho nên không phát triển nhanh như Tây Y. Anh cũng thấy phương pháp của anh có cái nhìn khá tương đồng với khoa tướng mạo học cũng của Á Đông, khi quan niệm cái đẹp là sự hài hòa giữa diện mạo, nụ cười, dáng đi đứng… 80% những người có tướng mạo tốt thì có được vận mạng tốt.
Nha sĩ Hân còn chỉ ra một điểm không hợp lý nữa của nên y học Mỹ vốn được xem là hàng đầu thế giới, đó là việc “tiêu chuẩn hóa” việc định bệnh, chữa bệnh cho mọi cá nhân. Bác sĩ Mỹ phải chữa bệnh theo… pháp luật, hễ bệnh như thế này thì phải cho thuốc theo toa này và chữa trị theo cách này, nếu không thì sợ bệnh nhân kiện! Trong thực tế, mỗi cá nhân là một thực thể khác nhau. Mỗi người có những chỉ số khác nhau về sự cân bằng và bình thường của cơ thể mình. Lấy một chỉ số bình quân mà chữa trị cho mọi người thì sẽ gây ra những rối loạn cho cơ thể của con người, dẫn đến việc người chưa bệnh lại trở thành có bệnh.
Cái gì đi nghịch lại với tự nhiên thì thường dẫn đến những hậu quả không tốt cho con người. Ở các nước văn minh, trẻ sơ sinh thường bú bình thay cho bú mẹ, và đó chính là một trong những nguyên nhân của việc bị hô răng sau này, dẫn đến việc phải đi niềng răng.
Nha sĩ Hân cũng rất tâm đắc với thuyết “Energy” hay “Năng Lượng”, theo đó mỗi con người là một tổng thể năng lượng khác nhau. Mỗi cơ thể có một mức chuyển hóa thức ăn, chuyển hóa thuốc uống, chuyển hóa năng lượng khác nhau. Yếu tố di truyền là nhân tố quan trọng nhất để quyết định “mức năng lượng” này. Một cơ thể khỏe mạnh thì phải là một cỗ máy chuyển hóa năng lượng tốt. Một cơ thể bị béo phì đồng nghĩa với việc sự chuyển hóa năng lượng kém, do đó khó mà khỏe mạnh. Đứng thẳng là một tư thế tiết kiệm năng lượng nhất, thăng bằng nhất, và cũng là biểu hiện của một cơ thể khỏe mạnh. Do mỗi người chúng ta sinh ra là đã có “mức năng lượng” hay “độ khỏe mạnh” khác nhau, ta phải nương theo chính cơ thể chúng ta để tìm ra cho mình một chế độ dinh dưỡng, một chế độ tập luyện, hay một phương cách chữa bệnh phù hợp nhất. Thuận theo thiên nhiên, lắng nghe chính mình là bí quyết của sức khỏe.
Thật là thú vị khi nói chuyện về chỉnh răng hàm với một nha sĩ, mà câu chuyện lại màu sắc của đạo. Suy cho cùng, răng hàm mặt là một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ cơ thể vi diệu của con người. Mà mỗi con người cũng là một phần hài hòa trong sự xoay vần của cả vũ trụ bao la. Nhìn ra sự tương đồng như vậy chắc cũng là thuận với lẽ đạo…
Đoàn Hưng
No comments:
Post a Comment